Khi thế giới xoay vần

Cuốn sách 'Trật tự thế giới' của Henry Kissinger.

Bài điểm sách của John Micklethwait,
Ngày 11 tháng 9 năm 2014

Nếu bạn muốn hiểu quan điểm của Henry Kissinger, hãy thử tưởng tượng và trả lời những
câu hỏi sau: Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, người điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ là một ông cụ đã ngoài 90, chứ không phải hai nhóm người đã dành gần một phần tư thế kỷ trước đó để lên án ông. Ban đầu là những kẻ tân bảo thủ rêu rao những giá trị dân chủ, coi chính sách thực dụng của ông là nhượng bộ kẻ thù, và giờ đây là những đảng viên Dân chủ theo khuynh hướng tự do, khẳng định việc xây dựng quốc gia phải bắt đầu từ trong nước — và do đó không hề muốn dính líu đến các nước khác, chứ đừng nói tới những chiến lược lớn.

Liệu một chút hơi hướng chủ nghĩa hiện thực, chứ không phải kiểu làm cho vui và kệ hậu quả của Bush, sẽ có ích cho Iraq? Liệu một chính khách đọc Winston Churchill viết về Afghanistan ("ngoại trừ mùa thu hoạch... các bộ lạc Pathan [Pashtun] luôn có chiến tranh, riêng hoặc chung") sẽ cam kết rằng Mỹ sẽ thiết lập “một chính thể đại diện đầy đủ và ý thức về nhạy cảm giới" ở Kabul? Liệu Kissinger sẽ ra giới hạn ‘lằn ranh đỏ’ cho Syria và sau đó bỏ qua không trừng phạt Assad khi ông ta sử dụng vũ khí hóa học? Hoặc để khoảng trống quyền lực lớn dần ngay trên vùng biên địa gần đất nước của Vladimir Putin? Hoặc thờ ơ nhìn Biển Đông trở thành
bãi chiến trường cho những tranh chấp trong khu vực?

Nếu bạn nghĩ rằng nước Mỹ đang làm tốt thì hãy bỏ qua cuốn sách này và tìm đọc những đánh giá lạc quan khác. Nhưng nếu bạn lo rằng thế giới đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì cuốn "Trật tự thế giới" này là dành cho bạn. Cuốn sách tổng hợp kiến thức lịch sử, địa lý, chính trị hiện đại và không ít đam mê. Đúng vậy, chính là niềm đam mê, vì đây là tiếng kêu từ tâm can (cri de coeur) của một người theo chủ nghĩa hoài nghi nổi tiếng, một cảnh báo cho các thế hệ tương lai từ một “cây đa cây đề” nghiền ngẫm sâu về lịch sử. Nhưng cuốn sách cũng có một số sai lầm: Nó bị bóp méo vì những bận tâm của tác giả về di sản mình để lại và vì nỗi lo thừa thãi không muốn làm phật lòng những vị lãnh đạo tương lai mà ông vẫn tìm cách gây ảnh hưởng. Cuốn sách cũng dựa trên cùng một nền tảng giống với các tác phẩm trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là cuốn sách mà mỗi nghị sĩ đều cần phải đọc trước khi tuyên thệ nhậm chức--trong một căn phòng bị khóa kín, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Tiền đề của cuốn sách là chúng ta sống trong một thế giới hỗn loạn: ”Trong khi ‘cộng đồng quốc tế’ được kêu gọi thường xuyên vào lúc này hơn bất kỳ lúc nào khác, nó lại không thể hiện được một mục tiêu, phương pháp, hay giới hạn nào rõ ràng hoặc được đồng thuận.... Mối đe dọa bởi sự hỗn loạn đi cùng với một sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức chưa từng có." Do đó cần phải xây dựng một trật tự -- một trật tự có thể cân bằng tham vọng cạnh tranh của các quốc gia, gồm cả những cường quốc phương Tây đã được thiết lập vững chắc và viết ra "quy tắc" quốc tế hiện tại (chủ yếu là Mỹ), và những quốc gia đang nổi lên mà không chấp nhận quy tắc đó, chủ yếu là Trung Quốc, và cũng bao gồm cả Nga và thế giới Hồi giáo.

Đây là điều rất khó khăn bởi chưa bao giờ tồn tại cái gọi là một trật tự thế giới thực sự. Thay vào đó, các nền văn minh khác nhau có phiên bản trật tự của riêng mình. Phiên bản của Hồi giáo và Trung Quốc hầu như hoàn toàn tự coi mình là trung tâm [của toàn bộ thế giới]: Nếu anh không thuộc cộng đồng Hồi giáo (umma) hoặc có may mắn sống dưới sự cai trị anh minh của hoàng đế, anh sẽ là một kẻ ngoại đạo hoặc một giống man di. Cân bằng không có chỗ ở đây. Phiên bản của Mỹ, tuy mới hơn và tinh tế hơn, phần nào đó vẫn thể hiện xu hướng tự coi mình là trung tâm -- một trật tự luân lý nơi mọi thứ sẽ ổn thỏa khi thế giới nhận thức và suy nghĩ như Mỹ (mà khó chịu thay, chưa bao giờ được như vậy). Vì vậy, điểm khởi đầu tốt nhất vẫn là sự cân bằng quyền lực theo Hòa ước Westphalia của châu Âu.

Trong nhiều thế kỷ, đa nguyên vừa là sức mạnh vừa là điểm yếu của châu Âu. Sau sự sụp đổ của La Mã vào năm 476, không có cường quốc nào cai trị toàn bộ lục địa. Bản tạm ước (modus vivendi) của châu Âu thực chất là cuộc đua tranh: Thù của thù là bạn. Vì vậy nước Pháp theo Công giáo La Mã liên minh với các vị vua người Hà Lan và người German theo đạo Tin Lành, thậm chí cả người Ottoman để ngăn chặn Đế quốc La Mã Thần thánh theo đạo Công giáo đạt được vị thế bá chủ. Tất cả những tính toán này đã dẫn đến cuộc chiến Ba mươi năm tàn khốc, với những xung đột phe phái xuyên biên giới, khá giống Trung Đông ngày nay. Cuối cùng, vào năm 1648, 235 đại diện ngoại giao đã tề tựu tại những thị trấn quanh Westphalia để thảo ra ba hòa ước.

Nguyên tắc thỏa hiệp cơ bản là ‘regio cuius, eius religio’: lãnh thổ của ai, tôn giáo của người đó. Một người trị vì có thể áp đặt tôn giáo trong lãnh thổ của mình, nhưng nguyên tắc này vẫn xác định rõ quốc gia-dân tộc là viên gạch nền tảng của trật tự châu Âu: Mỗi vị vua được gọi là "Ngài" và được đối xử như nhau. Nguyên tắc này mở ra một thời kỳ ngoại giao mới (trước đó chỉ có người Venice mới có những chức vụ mà ngày nay chúng ta gọi là đại sứ). Tuy nhiên, sự cân bằng đạt được không tồn tại lâu: Luôn có các thế lực đang lên cần kìm hãm, cũng như những làn sóng điên cuồng, như mục đích của cuộc Cách mạng Pháp, đòi mang lại sự bình đẳng cho tất cả. Sau trận Waterloo, nước Anh với ưu thế vượt trội định hình thế cân bằng bằng cách ngả về không bên này thì bên kia.

Đây chính là sân nhà của Kissinger -- và ông kể câu chuyện rất xuất sắc. Những người anh hùng của ông chắc chắn là những chính trị gia thực dụng, như Đức Hồng y Richelieu, Thủ tướng Pháp (đầu tiên theo nghĩa hiện đại của từ này) giai đoạn 1624-1642, người bất ngờ đứng về phía những người theo đạo Tin Lành, giải thích rằng "Con người là bất tử, sự cứu rỗi bắt đầu trong tương lai. Nhà nước không bất tử, sự cứu rỗi của nó là bây giờ hoặc không bao giờ"; Hoàng thân Klemens von Metternich của Áo, người lãnh đạo Đại hội Vienna; và Huân tước Palmerston thực dụng của nước Anh ("Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu, và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn"). Đọc miêu tả của Kissinger về Talleyrand, đến cuối cùng ta có thể hình dung ra nhà ngoại giao quý tộc của Pháp với cặp kính dày và tiếng khàn khàn đậm giọng Đức:

“Ông bắt đầu sự nghiệp là Giám mục xứ Autun, sau đó rời Giáo hội để ủng hộ Cách mạng, rồi từ bỏ Cách mạng để giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao cho Napoleon, sau đó lại rời bỏ Napoleon để đàm phán khôi phục hoàng gia Pháp, và xuất hiện ở thành Vienna như là Bộ trưởng Ngoại giao của vua Louis XVIII. Nhiều người gọi Talleyrand là một kẻ cơ hội. Talleyrand sẽ biện luận rằng mục tiêu của ông là sự ổn định trong lòng nước Pháp và hòa bình ở châu Âu và rằng ông đã nắm lấy bất kỳ cơ hội nào để đạt được những mục tiêu này. Ông chắc chắn đã rất nỗ lực phấn đấu giành lấy những vị trí có thể nghiên cứu những yếu tố khác nhau của quyền lực và tính chính danh một cách sát sao nhất mà không bị ràng buộc quá chặt chẽ bởi bất kỳ yếu tố nào. Chỉ người có tính cách dữ dội quyết liệt mới có thể đặt mình vào giữa trung tâm của rất nhiều các sự kiện lớn, đầy mâu thuẫn như vậy.”

Như vậy, châu Âu đã cho chúng ta thấy mô hình lịch sử đáng tin cậy nhất, nhưng nó không còn là mô hình mẫu định hình tương lai. Nó đã đánh mất sức mạnh của mình trong hai cuộc thế chiến, ủng hộ nửa vời ý tưởng về một liên minh hậu hòa ước Westphalia và giờ đây quá bận tâm về các vấn đề kiến thiết nội bộ của Liên minh châu Âu (EU). Mô hình này sẽ chẳng mấy tác dụng trên vũ đài thế giới cho đến khi nó giải quyết được những tranh cãi đó, và như Kissinger ghi chú trong một lời nhận xét hàm ý mỉa mai rằng sự thống nhất ở châu Âu chỉ đạt được nếu có một nước lãnh đạo công cuộc hợp nhất đủ mạnh, giống như Piedmont ở Ý hay Phổ ở Đức.

Ngòi bút của Kissinger cũng thong thả viết về nước Nga, một cách hùng hồn. Chủ nghĩa dân tộc của Vladimir Putin sẽ dễ lý giải hơn khi bạn hiểu được sự oán hận lịch sử dễ dàng gây tranh cãi của ông ta và sự bành trướng không ngừng qua hàng thế kỷ của Nga: Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình thêm trung bình 100.000 km vuông mỗi năm trong giai đoạn 1552-1917.

Tuy nhiên, cuốn sách có vẻ hơi khựng lại khi viết về Hồi giáo. Tôn giáo từng là một trong những điểm mù của Kissinger: Từ này không xuất hiện trong bảng chú dẫn của cuốn "Thuật Ngoại giao" (1994) của ông. Ở cuốn này, Kissinger dường như lại triển khai ý tưởng quá xa. Thất bại của Hồi giáo trong việc phân tách giữa nhà thờ và nhà nước đột nhiên giải thích được hầu như tất cả mọi điều (nhưng có lẽ không giải thích được sự thành công của quốc gia có đạo Hồi chiếm ưu thế lớn nhất, Indonesia). Iran là biểu tượng của sự bội tín. Ngược lại, Israel là một nạn nhân, “một quốc gia theo mô hình Hòa ước Westphalia" giữa vô vàn phi lý điên rồ. Ông không đề cập đến chương trình xây dựng khu định cư vô ích của nó và cũng không phân tích kỹ càng những phần tử cực đoan của chính nhà nước Do Thái này (kẻ ám sát thủ tướng Yitzhak Rabin của Israel chỉ là một "sinh viên Israel cấp tiến"). Tất cả đều có vẻ như một cành ô liu muộn màng trao cho phái cánh hữu của Israel và những ai ủng hộ nó trong Quốc hội Mỹ.

Cuốn sách lấy lại tốc độ khi viết về châu Á. Kissinger so sánh ảnh hưởng của nước Anh đối với Ấn Độ giống như ảnh hưởng của Napoleon đối với nước Đức: Trong cả hai trường hợp, nhiều bang trước đây chỉ coi mình là một thực thể địa lý cuối cùng cũng hình thành một quốc gia. Ở đây có một chút trùng lặp với cuốn sách gần đây nhất của ông về Trung Quốc, nhưng ông chỉ lướt nhanh qua lịch sử coi mình là trung tâm của Vương triều Trung Hoa, nơi chính sách ngoại giao chủ yếu chỉ là việc thu cống nạp thông qua bộ Lễ của triều đình và nghề đi lính không được coi trọng. ("Sắt tốt không làm đinh. Người tốt không làm lính".) Năm 1893, ngay cả khi quân đội phương Tây đã tràn vào lãnh thổ, triều đình nhà Thanh vẫn lấy ngân khố quân đội để khôi phục một chiếc thuyền bằng đá cẩm thạch tại Di Hòa Viên.

Tuy nhiên, toàn cảnh vấn đề dần dần hiện rõ -- và cả nhân tố Mỹ trong vấn đề đó. Trong khu vực châu Á, hai cán cân quyền lực đang nổi lên, cả hai đều liên quan đến Trung Quốc -- một ở Nam Á, một ở Đông Á. Nhưng hiên tại không nơi nào trong hai cán cân này có một nước tạo vị thế cân bằng, một quốc gia có khả năng dùng quyền lực của mình để bênh vực kẻ yếu như Anh đã làm ở châu Âu. Đối với bản thân Trung Quốc, mặc dù được lợi từ một số quy tắc quốc tế, quốc gia này "chưa bao giờ quên rằng nó bị buộc phải tham gia trật tự quốc tế hiện nay theo cách hoàn toàn trái ngược với tầm vóc lịch sử của mình." Trong quá khứ, có 15 trường hợp một cường quốc đang lên và một cường quốc vững mạnh gặp nhau, 10 trường hợp đã kết thúc trong chiến tranh. Dù Mỹ là đối tác của Trung Quốc, nhưng "quan hệ đối tác không thể đạt được bằng những tuyên bố chung."

Liệu nước Mỹ hiện đại có khả năng đưa thế giới thoát khỏi kết cục đó? Kissinger không bao giờ trả lời trực tiếp câu hỏi này, nhưng các chương nói về nước Mỹ của ông như một lời cảnh báo được cân nhắc từng chữ cho một người bạn ông yêu quý nhưng thiếu tầm nhìn. Nước Mỹ bắt tay vào nhiệm vụ này với hai sai lầm nặng nề. Sai lầm đầu tiên, gắn liền với vị trí địa lý của nó, là nhận thức cho rằng chính sách đối ngoại chỉ là "một hoạt động tùy chọn." Mãi cho tới cuối năm 1890, quy mô quân đội của Mỹ chỉ xếp thứ 14 trên thế giới, nhỏ hơn cả Bulgaria. Và chính Mỹ là siêu cường đã rút lui nhục nhã khỏi ba trong năm cuộc chiến gần đây nhất mà nó khơi mào — ở Việt Nam, Iraq (thời Bush con) và Afghanistan. Sai lầm thứ hai chính là những lý tưởng gây dựng nên một đất nước vĩ đại nhưng trong ngoại giao lại thường tệ hại, đặc biệt là "niềm tin rằng các nguyên tắc đối nội của nước Mỹ mang tính phổ quát hiển nhiên và sự áp dụng các nguyên tắc này luôn có giá trị trong mọi thời điểm" – thể hiện qua sự ngây thơ của Woodrow Wilson khi thành lập Hội Quốc Liên và cuộc đột kích của phe Tân bảo thủ vào thế giới Hồi giáo.

Nhưng khi làm hết sức, sức mạnh của Mỹ là không thể ngăn cản. Ví dụ, Theodore Roosevelt hiểu rõ nước Mỹ cần can thiệp và điều khiển để đưa chủ nghĩa lý tưởng của nước này tới một mục tiêu thực dụng. Trong Chiến tranh Lạnh, trật tự luân lý của Mỹ đã có hiệu quả: Có một kẻ thù rõ ràng mà cuối cùng chỉ có thể bị đánh bại bởi sức mạnh ưu việt hơn, có những đồng minh dễ bảo và có bộ quy tắc can thiệp. Nhưng tình trạng hiện nay phức tạp hơn nhiều: sự hỗn loạn ở Trung Đông, sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, không gian mạng trở thành chiến trường quân sự không được kiểm soát và một châu Á đang tái lập trật tự. Thách thức ở đây “không đơn giản chỉ là đa cực quyền lực mà còn là một thế giới của những thực tế ngày càng mâu thuẫn nhau. Không thể giả định rằng, nếu để nguyên không giám sát, tại một điểm nào đó, các xu hướng này sẽ tự động tương thích thành một thế giới của sự cân bằng và hợp tác – hay thậm chí là một trật tự”, Kissinger viết.

Trong khi đó, nghệ thuật quản lý nhà nước, nghệ thuật của việc "can dự" vào những vấn đề này, ngày càng khó khăn hơn. Kissinger đã đúng khi chế giễu quan niệm “không tưởng không gian ảo” (cyber-­utopian*) rằng sự minh bạch và kết nối hơn sẽ giúp thế giới trở nên an toàn hơn khi các quốc gia tìm hiểu lẫn nhau: ”Những mâu thuẫn bên trong và giữa các xã hội đã xảy ra kể từ buổi hồng hoang của nền văn minh. Nguyên nhân của những mâu thuẫn này không chỉ bị giới hạn ở việc thiếu thông tin hay không đủ khả năng để chia sẻ nó. Ngược lại, sự tức thì của tất cả mọi việc là một thách thức. Mỗi sự kiện đều được loan báo trên toàn thế giới, tất cả mọi thứ trở thành một phần của chính trị trong nước, sự nghiệp chính trị được hình thành từ công chúng. Táo bạo, dẫn đầu và cẩn trọng trở nên khó khăn hơn.

Các nhà lãnh đạo hiện nay của Mỹ phải định hình trật tự như thế nào? Ở đây, cuốn sách kín kẽ một cách khó chịu nhưng vô cùng hấp dẫn. Không có những lời chỉ trích trực tiếp nào đối với chính quyền Obama, thậm chí còn có một đoạn hài hước thể hiện sự ngưỡng mộ cá nhân sâu sắc của Kissinger đối với George W. Bush -- trong phần viết về chính sách đối ngoại mù mờ của vị cựu tổng thống này. Nhưng ẩn dưới những lời nước đôi và tán tụng, thông điệp của Kissinger rất rõ ràng, thậm chí tức giận: Thế giới đang mất phương hướng, và Mỹ, một phần không thể thiếu của bất kỳ trật tự mới nào, vẫn chưa trả lời được những câu hỏi rất cơ bản, như "chúng ta muốn ngăn chặn điều gì?" và "chúng ta muốn đạt được điều gì?" Các chính trị gia và người dân Mỹ chưa được chuẩn bị cho thế kỷ sắp tới. Đọc cuốn sách này sẽ là bước hữu ích đầu tiên để khởi đầu.

Minh Thu
NYTimes



* Cyber-utopianism – the belief that online communication is in itself emancipatory, and that the Internet favors the oppressed rather than the oppressor – has accompanied the Internet from its beginnings; and was the subject of critique by the Critical Art Ensemble as early as 1995.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc