Toàn cầu hóa và bất bình đẳng: Làn sóng mới

Thật đáng ngạc nhiên khi nguyên nhân của sự bất bình đẳng vẫn ít được biết đến. Một nhà kinh tế người Mỹ gốc Serbia đã đề xuất một giả thuyết thú vị.

Đây là thời đại vàng để nghiên cứu sự bất bình đẳng. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp, đã thiết lập tiêu chuẩn từ năm 2014 khi cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông được xuất bản bằng tiếng Anh và bán rất chạy. Cuốn sách đã chỉ ra những đường nét chính về cuộc khủng hoảng bằng lý thuyết sâu rộng về lịch sử kinh tế. Ông cho rằng sự bất bình đẳng, vốn đã giảm trong khoảng những năm 1930 đến những năm 1970, đã tăng mạnh trở lại lên mức độ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp. Gần đây, Branko Milanovic, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thu nhập Luxembourg và trường Đại học Thành phố New York, đã viết một cuốn sách toàn diện tiếp nối vấn đề trên. Cuốn sách này củng cố thêm rằng chúng ta biết rất ít về các lực kinh tế trong thời gian dài.

Trên một số phương diện, cuốn "Bất bình đẳng toàn cầu" ít tham vọng
hơn cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21". Cuốn sách này ngắn hơn, và được viết như một bài nghiên cứu chứ không nặng về kiến thức uyên thâm chuyên sâu và phù hợp với đối tượng độc giả rộng hơn.

Giống như Piketty, tác giả Branko Milanovic bắt đầu với hàng chồng dữ liệu thu thập qua nhiều năm nghiên cứu. Ông xác định xu hướng của từng quốc gia khác nhau trong bối cảnh toàn cầu. Trong 30 năm qua, thu nhập của người lao động ở khoảng giữa thang phân phối thu nhập toàn cầu—chẳng hạn như công nhân tại công xưởng ở Trung Quốc—đã tăng mạnh, cũng như thu nhập của những người giàu nhất 1% (xem biểu đồ). Đồng thời, thu nhập của tầng lớp lao động trong các nền kinh tế phát triển đã chững lại. Động lực này đã giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều này cũng khiến sự bất bình đẳng kinh
tế toàn cầu chững lại, và thậm chí có lẽ còn giảm xuống lần đầu tiên kể từ khi công nghiệp hóa bắt đầu.

Để giúp giải thích vấn đề này, tác giả Milanovic cung cấp cho người đọc rất nhiều mô hình trí tuệ sắc sảo. Ông cho hay, chẳng hạn, vào buổi bình minh của thời công nghiệp hóa, bất bình đẳng trong các quốc gia (hay bất bình đẳng do giai cấp) là nhân tố chính gây nên khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo. Sau công nghiệp hóa, bất bình đẳng giữa các quốc gia (hay bất bình đẳng do vị trí địa lý) trở nên hệ trọng hơn. Nhưng khi khoảng cách giữa các quốc gia hẹp lại, bất bình đẳng do giai cấp sẽ trở nên đáng ngại hơn khi hầu hết những khác biệt về thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ lại một lần nữa là do chênh lệch trong chính các quốc gia. Giữa phần thảo luận, tác giả thêm thắt những nhận xét lý thú, chẳng hạn như làm thế nào thu nhập và bất bình đẳng giảm trong thời Đế chế La Mã.

Đóng góp táo bạo nhất của tác giả Milanovic là về "làn sóng Kuznets" thay thế cho hai lý thuyết hiện hành khác về bất bình đẳng. Simon Kuznets, nhà kinh tế học thế kỷ 20, đã lập luận rằng bất bình đẳng thấp ở mức phát triển thấp, tăng lên trong thời công nghiệp hóa và giảm xuống khi các nước đạt đến mức phát triển kinh tế nhất định; bất bình đẳng cao là tác dụng phụ tạm thời của quá trình phát triển. Nhà kinh tế Piketty đưa ra giải thích khác: bất bình đẳng cao là trạng thái tự nhiên của nền kinh tế hiện đại. Chỉ có những sự kiện bất thường, như hai cuộc thế chiến và Đại suy thoái những năm 1930, mới làm gián đoạn cân bằng bình thường này.

Tác giả Milanovic cho rằng cả hai đều nhầm lẫn. Ông cho rằng: xuyên suốt lịch sử bất bình đẳng có xu hướng theo chu kỳ: Làn sóng Kuznets. Trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các làn sóng này bị chi phối bởi động lực Malthusian: bất bình đẳng sẽ tăng khi các quốc gia thịnh vượng và có thu nhập cao, sau đó sẽ giảm khi chiến tranh hay nạn đói kéo thu nhập trung bình trở lại mức chỉ vừa đủ sống. Cùng với công nghiệp hóa, các lực tạo ra sóng Kuznets cũng thay đổi: do công nghệ, sự cởi mở và chính sách (technology, openness, và policy viết tắt là TOP). Trong sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào thế kỷ 19, toàn cầu hóa và thay đổi chính sách đã cùng tăng cường lẫn nhau đem tới thay đổi kinh tế mạnh mẽ. Người lao động được chuyển từ trang trại sang nhà máy, thu nhập trung bình và bất bình đẳng tăng vọt và thế giới trở nên kết nối theo cách trước đây chưa từng thấy. Sau đó, nhiều lực tác động, một số tiêu cực (chiến tranh và biến động chính trị) và một số tích cực (giáo dục tăng lên) ép bất bình đẳng xuống mức thấp thời những năm 1970.

Kể từ đó, các nước giàu đã trải qua một đợt sóng Kuznets mới, do một kỷ nguyên thay đổi kinh tế khác thúc đẩy. Tiến bộ công nghệ và thương mại liên kết với nhau vắt kiệt người lao động, tác giả lập luận; công nghệ giá rẻ được thực hiện tại nước ngoài, làm suy yếu khả năng thương lượng trực tiếp của công nhân ở các nước giàu, và khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng thay thế con người bằng máy móc. Sức mạnh kinh tế của người lao động suy giảm kéo theo quyền lực chính trị bị mất do giới rất giàu sử dụng tài sản gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên và các cuộc bầu cử.

Phân tích này mang theo yếu tố dự báo. Tác giả Milanovic dự đoán rằng bất bình đẳng ở các nước giàu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Mỹ, trước khi bắt đầu giảm. Quan trọng hơn, ông cho rằng chiều hướng đi xuống của bất bình đẳng sau một đợt sóng Kuznets là kết quả tất yếu của thời kỳ gia tăng trước đó. Trong khi nhà kinh tế Piketty nhìn nhận các sự kiện lịch sử đầy sự bất bình đẳng đầu thế kỷ 20 là điều ngẫu nhiên, thì tác giả Milanovic lại tin rằng chúng là kết quả trực tiếp do bất bình đẳng tăng cao. Việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư nước ngoài gây nguy hại đến chủ nghĩa đế quốc và đã châm ngòi cho chiến tranh. Có sự tương đồng, tuy không hoàn toàn, với kinh tế hiện đại; các nền kinh tế giàu có dường như chững lại do giới siêu giàu đang gặp khó khăn tìm nơi đầu tư kiếm lợi cho khối tài sản lớn họ sở hữu.

Phân tích của tác giả Milanovic cho thấy một số khả năng xấu khi nhìn về tương lai. Nước Mỹ đang có khả năng rơi vào chế độ tài phiệt phi dân chủ, dựa trên tình trạng an ninh ngày càng mở rộng. Tại châu Âu cánh hữu ủng hộ người bản xứ đang gia tăng. Tin tốt là các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ tiếp tục con đường tiến tới mức thu nhập của các nước giàu—dù vậy, tác giả thừa nhận rằng điều đó không được đảm bảo, và có thể bị đe dọa bởi khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc hay ở các thị trường khác.

Kết luận của cuốn sách có thể khiến độc giả không mấy hài lòng. Lý thuyết về bất bình đẳng gia tăng cuối cùng sẽ dẫn đến những điều chỉnh xã hội bù lại nghe có vẻ đúng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. Khi nào thì chiến tranh, chứ không phải cách mạng, kết quả có thể có của bất bình đẳng, sẽ xảy ra? Liệu các chính phủ có bị động trong các chu kỳ, hay liệu họ có thể hành động trước để san bằng những con sóng và tránh khủng hoảng do bất bình đẳng tăng cao? Những đóng góp của tác giả Milanovic cuối cùng cũng giống như của tác giả Piketty. Các dữ liệu nhà kinh tế này đưa ra cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về những vấn đề kinh tế hóc búa, và lý thuyết táo bạo của ông đã phá bỏ những lý thuyết kinh tế chính thống nhàm chán. Nhưng bên cạnh việc làm sáng tỏ cơ chế của kinh tế toàn cầu, lý thuyết tổng quát này cũng cho thấy rõ mức độ thiếu hiểu biết hiện nay của chúng ta ra sao.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc