Chính sách nào cho công nhân Trung Quốc?

Vấn đề lao động của Trung Quốc: Cynthia Estlund nghiên cứu phản ứng của chính phủ Cộng sản Trung Quốc trước yêu cầu cải cách lực lượng lao động lớn nhất thế giới.

Cuốn sách mới nhất của giáo sư ngành luật Cynthia Estlund, A New Deal for China’s
Workers? (tạm dịch: Chính sách nào cho công nhân Trung Quốc?), tập trung nghiên cứu những thay đổi nhanh chóng trong môi trường lao động của các công nhân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và những ảnh hưởng từ những thay đổi này đối với phần còn lại của thế giới. So sánh tình trạng hiện tại của lao động Trung Quốc với các cuộc xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động Mỹ trong thế kỷ 20, Estlund đánh giá việc liệu các công nhân Trung Quốc có sẵn sàng tạo ra những đột phá lớn trong quan hệ lao động và luật lao động hay không. Bà cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc đã chọn cải cách thay vì đàn áp đối với hoạt động công đoàn non trẻ nhằm giảm nguy cơ nổ ra một phong trào giải phóng lao động.

Bảy năm trước đây, Estlund đã bắt đầu dành phần lớn nghiên cứu của mình để tìm hiểu thực trạng quan hệ lao động đang diễn ra ở Trung Quốc. Estlund nói: "Các vụ công nhân biểu tình ngày một nhiều và những nỗ lực nhiều mặt của chính phủ để tìm cách đối phó với tình trạng bất ổn lao động đang tăng lên khiến tôi ấn tượng và tò mò. Điều này đặt ra những vấn đề thực sự thú vị về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nó giống và khác thế nào với những gì đã xảy ra ở đất nước chúng tôi trong giai đoạn thi hành Chính sách New Deal, khi phong trào lao động nổi lên
và chế độ luật lao động hiện nay của chúng tôi bắt đầu hình thành."

Khi Trung Quốc hiện đại hoá nền kinh tế, người lao động đã bắt đầu yêu cầu mạnh mẽ hơn trong việc tăng lương, nâng cao tiêu chuẩn lao động và có tiếng nói trong các vấn đề quan trọng. Liên đoàn lao động duy nhất của đất nước, Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc, được nhiều người công nhận như là một bộ phận của Đảng Cộng sản và, ở các cấp cơ quan xí nghiệp, tuân theo sự quản lý của lãnh đạo công ty. Nhiệm vụ của tổ chức này là xoa dịu hơn là đáp ứng nhu cầu của người lao động. (Tại Trung Quốc, các công ty cấp phần lớn ngân sách hoạt động cho công đoàn, và lãnh đạo công ty cũng thường điều hành chương trình của công đoàn, cả hai điều này đều bất hợp pháp tại Mỹ.)

Trong quá trình nghiên cứu, Estlund đã đến Trung Quốc hơn mười lần. Với những chuyến đi khắp đất nước Cộng hòa Nhân dân này, bà đã nói chuyện với các học giả, các quan chức chính phủ, các quan chức công đoàn và trí thức của Đảng Cộng sản. So sánh với các kinh nghiệm của Mỹ với xung đột công nghiệp và cải cách quan hệ lao động, Estlund đã làm sáng tỏ vấn đề bất ổn lao động và phản ứng của chính phủ Trung Quốc.

Một điểm khác biệt giữa hai nước là Trung Quốc nhất quyết duy trì cấu trúc công đoàn độc quyền, chịu sự kiểm soát của đảng cộng sản, trong khi các công đoàn ở Mỹ, dù còn nhiều bất cập, đều độc lập với chính phủ. Trung Quốc đã và đang cố gắng giải quyết những bất bình của người lao động. Estlund giải thích: "Có thể thấy rằng họ đang cố dụ người lao động để các công nhân không biểu tình. Họ đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng, và tăng sức mua của người dân. Họ đang cố gắng làm nhiều thứ để công nhân có điều kiện tốt hơn, nhưng một trong những điều mà họ rõ ràng đang cố gắng làm là ngăn không cho người lao động cảm thấy chán nản và thấy cần phải thành lập công đoàn riêng."

Sức mạnh đàm phán ngày càng lớn của người lao động giúp tình trạng bất ổn lao động được công khai đáng kể, khiến báo chí quốc tế nóng lên trong những năm gần đây — bao gồm một chuỗi các vụ tự sát của nhân viên tại Foxconn và các cuộc đình công trên diện rộng tại các nhà máy của Honda. Cho đến nay, Trung Quốc đã đi ngược lại những dự đoán bên ngoài bằng thành tựu tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế tuyệt vời mà không cần tiến tới dân chủ, và không nới rộng không gian cho phong trào giải phóng lao động, vốn có liên quan đến quá trình dân chủ hóa. Estlund quan tâm đến những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt khi giải quyết vấn đề bất ổn lao động mà không cho phép người lao động thành lập các công đoàn độc lập.

Bà đặt câu hỏi "cách kiểm soát từ trên xuống dưới của Đảng Cộng sản Trung Quốc ảnh hưởng đến khả năng đại diện thực sự cho công nhân của công đoàn như thế nào và nếu công đoàn không thể đại diện cho người lao động, làm thế nào họ có thể giúp chính phủ giải quyết tình trạng bất mãn tập thể? Một điều liên đoàn phải làm là điều chỉnh và khoanh vùng bất ổn lao động và bất mãn tập thể. Một công đoàn mà người lao động không tin tưởng sẽ không có điều kiện tốt để làm điều đó — nó không thể điều tiết quy mô và thời điểm đình công. Đó là một trong những vấn đề mà họ phải đối mặt."

Estlund thừa nhận rằng một số quan chức công đoàn ở một số khu vực thực sự đang cố gắng thực hiện cải cách và mang lại lợi ích cho người lao động. Nhưng bà lưu ý rằng không gian cho hành động độc lập và cải tổ trong liên đoàn đã bị thu hẹp rất nhiều sau khi Đảng Cộng sản đàn áp và tái khẳng định quyền lực kiểm soát liên đoàn, một hành động thức tỉnh trước các cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn cách đây một phần tư thế kỷ.

Estlund khẳng định sự so sánh giữa điều kiện lao động của Mỹ trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 và các vấn đề hiện tại của lực lượng lao động Trung Quốc là rất thú vị và hữu ích ở một số điểm nhưng có thể gây hiểu nhầm ở các điểm khác. Các cuộc biểu tình của người lao động Mỹ phá vỡ nền kinh tế và đặt ra một thách thức thực sự đối với trật tự xã hội, vượt xa so với tác động cho tới nay của các cuộc biểu tình của người lao động Trung Quốc, nhưng ở Mỹ, nhân viên có thứ quyền lực mà những người Trung Quốc không có: bỏ phiếu. Việc trung thành với chế độ độc đảng, cùng với việc kiên trì khước từ một lối thoát chính trị cho những bất mãn của người lao động, đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc thấy hành động biểu tình có tính đe dọa lớn hơn trong các xã hội dân chủ. Mặt khác, đàn áp có những rủi ro riêng; chính phủ không phải có thể đàn áp tùy ý vì nỗi sợ sẽ đổ thêm dầu vào lửa.

Bất chấp những rối loạn của hệ thống hiện tại, Estlund rất ấn tượng với những gì Trung Quốc đã đạt được, và bà nhớ đến cảm giác choáng ngợp khi đến đây lần đầu tiên. "Tôi không thể tin họ có sân bay, tàu điện ngầm, bởi vì tất cả những thứ này cứ như nảy ra từ hư không vậy", bà nhớ lại. "Đất nước này vẫn là một xã hội độc tài, khép kín và nghèo đói cho tới năm 1976. Nền kinh tế và các thể chế quản trị đang lâm vào tình trạng hỗn loạn sau cơn khủng hoảng của Cách mạng Văn hoá. Thật bất ngờ là kể từ đó, họ đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Dường như 75 phần trăm của thành tựu giảm đói nghèo trên toàn thế giới trong 20 năm qua là ở Trung Quốc. Họ đã thành công hơn nhiều trong vấn đề này so với một Ấn Độ dân chủ. Vì vậy, dù có thể vẫn chỉ trích một số điều họ làm, chúng ta phải cân bằng bức tranh toàn cảnh đó một chút. Họ đã làm giảm đáng kể mức độ đau khổ của con người trên thế giới. Chúng ta có rất nhiều thứ để học hỏi từ Trung Quốc về phát triển kinh tế và chính trị trong thế giới hiện đại".

Minh Thu
New York University School of Law


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc