Sự nghiệp kỳ lạ của Herbert Hoover

Tổng thống thứ 31 của Mỹ đã vượt qua những trở ngại phi thường, nhưng Đại Suy thoái đã khiến ông chùn bước.

Tác giả Kenneth Whyte

Với các hoạt động từ thiện trong Thế chiến I, Herbert Hoover được miêu tả là một "người
đàn ông bắt đầu sự nghiệp ở California và sẽ kết thúc ở trên thiên đường". Trong cuốn tiểu sử mới, Kenneth Whyte kể ra rất nhiều khó khăn Hoover đã trải qua. Nhìn chung, ông đã tận dụng những khó khăn ấy để làm lợi cho bản thân—tích lũy của cải, đạt được danh vọng và trở thành tổng thống thứ 31 của Mỹ. Ít nhất là như vậy cho đến thời Đại Suy thoái, sự kiện đã hủy hoại ông về mặt chính trị.

Sinh ra ở Iowa vào năm 1874, Hoover đã sớm quyết tâm làm giàu bởi của cải mang tới an toàn và tự chủ. Sau khi tốt nghiệp làm nhà địa chất học từ Stanford, ông quản lý các mỏ vàng trên biên giới nước Úc nóng nực và mỏ than ở Trung Quốc trong những ngày tàn của nhà Thanh. Sự nghiệp đó mang lại của cải mà ông khao khát.

Hoover học được rằng cách tốt nhất để phát triển ở một xứ địa ngục là tự
mình trở thành quỷ dữ. Ông gian lận về tuổi tác và kinh nghiệm để có được việc làm ở Úc. Ông bóc lột nhân viên của mình. Trong Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, ông đã lừa một quan lại bị bắt giữ để giành quyền kiểm soát các khu mỏ ở nơi đó (hành động sau đó bị đảo ngược về pháp lý). Tuy nhiên, cuối cùng sự siêng năng là điều quan trọng nhất đối với thành công của ông.

May mắn thay, Hoover là một con quỷ có lương tâm. Sau khi tích lũy được của cải, ông mong muốn làm việc có ích cho cộng đồng. Thế chiến I đã cho ông cơ hội lãnh đạo một sứ mệnh nhân ái lớn lao. Là nhà tài trợ ngành khai khoáng ở London khi chiến tranh bắt đầu, Hoover biết được tình hình thực phẩm nguy cấp ở Bỉ. Ông đã từ bỏ sự nghiệp của mình, và từ năm 1914 đến năm 1917, khi Mỹ bước vào cuộc chiến, ông đã chỉ đạo hàng ngàn tình nguyện viên quyên tiền, mua thực phẩm gửi đến Bỉ và các khu vực khác bị chiếm đóng. Họ đã gửi hơn 2,5 triệu tấn thực phẩm, cung cấp suất ăn cho hơn 9 triệu người.

Hoover tập hợp một nhóm tinh anh quanh mình, làm việc chăm chỉ một cách đáng kinh ngạc và cũng đòi hỏi điều đó từ nhân viên của ông. Ông cũng tham gia vào một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ để quyên góp, miêu tả việc cứu trợ như nỗ lực "từ dưới lên" của người dân bình thường trong khi lặng lẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ.

Thành công mang lại cho ông sự ngưỡng mộ và nhiều cơ hội hơn. Hoover chịu trách nhiệm cung cấp lương thực cho nước Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc, và ông giám sát viện trợ cho châu Âu sau hiệp định đình chiến. Ông từng làm Bộ trưởng thương mại dưới thời Warren Harding và Calvin Coolidge trong suốt những năm 1920, dùng vị trí của mình để giúp cho chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.

Năm 1927, vụ lũ lụt sông Mississippi đã mang lại cơ hội tuyệt vời cho người đàn ông có kinh nghiệm cứu trợ thảm hoạ. Sự thành công của Hoover ở đó đã giúp ông có bàn đạp cho vị trí tổng thống. Ông giành được đề cử của đảng Cộng hòa vào cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên vào năm 1928. Tâm lý lạc quan, được cho là nhờ có đảng Cộng hòa, đảm bảo rằng Hoover dễ dàng thắng cuộc bầu cử năm đó.

Ông bắt đầu giữ chức tổng thống vào tháng 3 năm 1929 với những kế hoạch cải cách đầy tham vọng. Thế nhưng, Cuộc Đại Suy thoái bắt đầu bảy tháng sau đó đã làm tan tành hy vọng của ông. Các ngân hàng phá sản, người dân xếp hàng dài chờ phát chẩn và các sự kiện vượt khỏi tầm kiểm soát của Hoover. Ông bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi với Quốc hội, và do dự sử dụng ngân quỹ liên bang để giải quyết các vấn đề ông cảm thấy nên để lại cho các tiểu bang. Bị đổ trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng và thất bại trong việc giải quyết hậu quả khủng hoảng, ông đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1932.

Sau khi mất quyền tổng thống, Hoover trở thành người bên ngoài dòng chảy lịch sử. Tuy sống tới năm 1964, ông không bao giờ có ảnh hưởng đến các sự kiện như ông từng có trước khi thất bại.

Tại sao Hoover, cho đến khi đó vẫn có tài năng vượt qua thảm họa, lại không thể qua được Đại Suy thoái? Có lẽ ông quá tin vào những lời dân vận của chính mình rằng những con người bình thường có thể cùng nhau giải quyết vấn đề mà không cần sự trợ giúp từ chính phủ. Hoặc có lẽ quy mô của vấn đề là quá lớn ngay cả đối với một người có khả năng như Hoover. Tác giả Whyte đã viết rất hay khi miêu tả những phẩm chất mang lại cho Hoover thành công ban đầu—nhưng đưa ra hơi ít thông tin về việc tại sao, cuối cùng, ông lại thất bại trong trong thử thách cam go nhất đời mình.

Quỳnh Anh
The Economist

Bài trước: "Hơn cả ý Trời"

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc