Trung Quốc vĩ đại trở lại

Hành quân tiến vào tương lai: Cường quốc này vẫn đang ôm hận cũ

Sự giàu có và quyền lực: Cuộc trường chinh của Trung Quốc tiến vào thế kỷ 21.
tác giả Orville Schell và John Delury,

Chấn thương đặt nền móng cho đất nước Trung Quốc hiện nay diễn ra vào năm 1842, khi
quân đội Anh "tống thuốc phiện vào họng" một quốc gia vừa bị quy phục với Hiệp ước Nam Kinh. Ngày nay, thất bại ê chề về quân sự và ngoại giao này đang được ca ngợi ở Trung Quốc vì những năm tháng tăm tối đó đã đem tới một bình minh mới.

Thật vậy, Trung Quốc kỷ niệm những cuộc chiến bại giống như cách các nước khác kỷ niệm ngày chiến thắng—và những nỗi nhục nhã trong các thập kỷ sau đó mang tới vô vàn cơ hội, khi đất nước từng là một đế chế vĩ đại này bị xâu xé, đầu tiên bởi những người châu Âu và sau đó là Nhật Bản. Quá khứ đau thương này là trọng tâm tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Nếu không có di sản nhục nhã này, vai trò của đảng trong việc khôi phục phú cường (fuqiang) — sự giàu có và quyền lực —sẽ không mấy ấn tượng.

Nhưng khổ nhục đã ăn sâu vào phông văn hóa truyền thống. Ngay từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, Việt Vương Câu Tiễn đã nhắc mình không bao giờ được quên trận thua đã khiến ông mất cả vương quốc và chịu cảnh lao tù. Ông ngày đêm nằm gai nếm mật; nếm vị đắng trước khi ăn để không quên mối nhục, và có được ý chí phục hận sau này. Chi ku—ngậm đắng nuốt cay — đã trở thành cụm từ phổ biến.

Trong cuốn 'Wealth and Power' (Sự giàu có và quyền lực), Orville Schell, nhà quan sát Trung Quốc lâu năm, và John Delury, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Hàn Quốc, truy tìm căn nguyên những thành công
về kinh tế của Trung Quốc. Giống phong cách của Jonathan Spence, một cây đa cây đề trong giới nghiên cứ lịch sử Trung Quốc, các tác giả đã dựng lại bức chân dung của 11 trí thức và chính trị gia, những người đã cố gắng xoay chuyển Trung Quốc sau năm 1842. Xuyên suốt cuốn sách hấp dẫn này là cảm giác các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ Từ Hy Thái hậu độc ác đến vị thủ tướng theo đường hướng cải cách gần đây, Chu Dung Cơ, đều cố gắng rửa hận cho đất nước.

Công cuộc phục hưng sự giàu có và quyền lực đã mất của Trung Quốc đòi hỏi phải lật đổ vị thế chính thống của Khổng giáo. Việc Nho giáo coi trọng gia đình hơn quốc gia, đạo đức hơn vật chất và lễ nghi hơn thưởng phạt đã không thể phụng sự đất nước trước những mối đe doạ từ phương Tây. Quả thật cuộc truy tìm sự giàu có và quyền lực lần đầu tiên được đề xuất bởi các đối thủ không đội trời chung của Khổng Tử, những người theo lối Pháp trị: 2.000 năm trước, triết gia theo lối Pháp trị Hàn Phi Tử đã nói: "Nếu một minh quân có trong tay sự giàu có và quyền lực, ông ta có thể có mọi thứ."

Trong công cuộc tìm kiếm sự đổi thay toàn diện, các nhân vật được miêu tả trong cuốn sách này đều ám ảnh với việc bắt đầu lại từ đầu. Họ sẵn sàng thử nghiệm bất kỳ điều gì, đặc biệt là các bài học và ý tưởng từ phương Tây. Con đường tới kỷ nguyên hiện đại của Trung Quốc rải rác các loại "chủ nghĩa": chủ nghĩa lập hiến (Khang Hữu Vi), thuyết tiến hóa luận theo chủ nghĩa xã hội (Nghiêm Phục), chủ nghĩa độc tài sáng suốt (Lương Khải Siêu) và chủ nghĩa cộng hòa (Tôn Dật Tiên). Ngay cả nhà lãnh đạo Trung Quốc tôn sùng những tư tưởng Khổng giáo truyền thống nhất, Tưởng Giới Thạch, cũng học hỏi từ chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa phát xít của Mussolini. (cũng chẳng ích gì, có thể ông đã nghĩ lại, khi là nhà độc tài lưu vong ở đảo Đài Loan).

Hầu hết các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc với các công thức của phương Tây đều kết thúc trong thảm họa. Sức ỳ lâu đời từ lịch sử Trung Quốc dường như ngăn cản những gì hiện đại. Theo lối nghĩ đó, hai tác giả Schell và Delury rất cố gắng phác họa lại Mao Trạch Đông. Họ không hề ảo tưởng về những thảm hoạ mà ông ta đã gây nên, như Cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá. Họ cũng không cho rằng ông ta có khả năng dự đoán sẽ có những phép màu kinh tế sau cái chết của mình. Nhưng họ cho rằng niềm đam mê của Mao đối với cuộc cách mạng vĩnh cửu — sự sốt sắng của ông ta trong việc thúc ép Trung Quốc rời bỏ những thói quen xưa cũ của chính nó — đã để lại một bản vẽ trắng cho Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư vẽ nên sự thịnh vượng của Trung Quốc. Mao đã để lại một đại công trường "cuốc xẻng sẵn sàng" cho "công cuộc vĩ đại của Đặng Tiểu Bình: cải cách và mở cửa".

Đây là một tuyên bố gây tranh cãi. Các nước khác cũng phát triển được như Trung Quốc mà không phải là đi qua cửa ngõ đầy đau thương, đổ máu và khổ ải này. Và sự giàu có và sức mạnh quân sự và ngoại giao đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể chưa phải là cái kết của câu chuyện, như các tác giả thừa nhận. Câu hỏi bây giờ là Trung Quốc sẽ làm gì với sự giàu có và sức mạnh đó?

Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa bình dù đang trong tù— một trong những hạn tù mà ông đã bị kết án trong suốt cuộc đời mình — có lẽ là nhân vật gây cảm hứng nhất được miêu tả trong cuốn sách này. Ông chắc chắn là nhà phê bình sắc sảo nhất về động cơ thúc đẩy sự giàu có và quyền lực của Trung Quốc, trong đó có nhu cầu gần như "bệnh hoạn" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn vượt mặt phương Tây. Ông đặt ra một số câu hỏi sâu sắc: chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc phục vụ cho ai/cá nhân nào? Khi niềm tự hào dân tộc được dùng để biện minh cho chính phủ độc tài, cái giá sau cùng mà những người dân bình thường phải trả là gì?

Lỗ Tấn, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Trung Quốc trong thời kỳ suy thoái của nước này đầu thế kỷ 20, than rằng người Trung Quốc quỵ lụy kẻ mạnh, hiếp đáp kẻ yếu. Ngày nay, Trung Quốc bên trong thì độc tài và bên ngoài lại đang ngày càng phô trương thanh thế. Nhiều người tự hỏi liệu đứa trẻ bị ngược đãi này, được nuôi dưỡng trong đắng cay tủi nhục, có nhất thiết sẽ lại trở thành kẻ ngược đãi; hay liệu, giờ đây đã giàu có và mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ học cách sống hòa bình với chính người dân của mình và thế giới. Đây là một trong những câu hỏi tuyệt hay vẫn còn để ngỏ.

Tuấn Minh
The Economist

Bài trước: Tột cùng hư ảo
Tags: bookchina

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc