Ông tổ của các vụ thôn tính

bài bình sách của Patricia O'Toole,

Những kẻ man di trước cửa: Sự sụp đổ của tập đoàn RJR Nabisco.
tác giả Bryan Burrough và John Helyar.

Tin vui cho tất cả những ai vẫn đang lúng túng về mua lại đòn bẩy (LBO)
và trái phiếu rác: đã có "Cliffs Notes" (giải thích ngắn gọn) bằng hai cuốn sách về thỏa thuận lớn nhất thập niên 1980 - vụ mua lại tập đoàn RJR Nabisco năm 1988 trị giá 25 tỷ usd. Những điều cốt yếu có thể được rút ra được từ cuốn sách "True Greed" (tạm dịch: "Tột cùng tham lam") của Hope Lamperte, bắt nguồn từ những báo cáo của tác giả cho tập đoàn Manhattan, Inc., nhưng độc giả thưởng thức cuốn "Barbarians at the Gate" (“Những kẻ man di trước cửa") dài hơn của Bryan Burrough và John Helyar, viết riêng cho Tạp chí Phố Wall, sẽ thấy sáng tỏ hơn rất nhiều và vô cùng thú vị.

Theo hai tác giả, cơn sốt mua lại đòn bẩy LBO bắt đầu vào năm 1982 khi một nhóm nhà đầu tư do cựu Bộ trưởng Tài chính William Simon đứng đầu mua lại công ty Gibson Greetings với giá 80 triệu USD mà chỉ có 1 triệu USD tiền mặt trong tay. Mười tám tháng sau, họ bán công ty này với giá 290 triệu USD, và ông Simon bỏ túi 66 triệu USD chỉ với khoản đầu tư 330 nghìn USD. Sự kiện này ở phố Wall tương tự như việc "tìm thấy vàng ở Sutter's Mill" [tháng 1/1848 mở đầu
cho Cơn sốt vàng California - ND], hai tác giả viết. "Đột nhiên tất cả mọi người đều muốn làm thử việc 'mua lại đòn bẩy LBO' này.”

Và rồi tới trái phiếu rác, đơn thuần chỉ là chứng khoán lợi tức cao với mức rủi ro lớn hơn bình thường. Bằng việc hợp tác với các tổ chức bảo lãnh trái phiếu rác, những tay làm ăn có thể tài trợ cho thương vụ LBO (lãi suất cao nhưng được miễn thuế, thế thì ngại đếch gì?), và nguồn lợi tức cao từ trái phiếu giúp họ vỗ béo lợi nhuận hàng quý. Hai tác giả giải thích: những lo lắng về nợ nần chồng chất bị gạt qua với lập luận rằng việc mua lại đòn bẩy "thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp bằng cách cắt giảm những doanh nghiệp cồng kềnh và xây dựng các công ty tinh gọn hơn." Và do một vụ mua lại điển hình thường có mức giá cao hơn thị giá cổ phiếu của công ty mục tiêu, những tay làm ăn cũng tuyên bố rằng mua lại đòn bẩy sẽ tối đa hóa giá trị cổ đông. Chính quan niệm thứ hai này đã "dẫn lối đưa đường" RJR Nabisco tới mua lại đòn bẩy.

Là nhà sản xuất thuốc lá và thực phẩm (bánh quy Oreos, Ritz), RJR Nabisco thường xuyên có lợi nhuận tốt, nhưng cổ phiếu của công ty này lại chẳng đâu vào đâu. Giám đốc điều hành F. Ross Johnson đã thử nhiều cách khác nhau để nâng giá cổ phiếu nhưng vô ích, và khi niềm hy vọng cuối cùng, thuốc lá không khói của RJR, chẳng mang lại điều gì ngoài những lời chế giễu, ông quyết định rằng các cổ đông sẽ chỉ có thể có tiền từ việc mua lại đòn bẩy.

Tháng 10 năm 1988, một nhóm các cán bộ quản lý của công ty, do Johnson lãnh đạo và được hậu thuẫn bởi ngân hàng đầu tư và môi giới tài chính Shearson Lehman Hutton, thông báo kế hoạch mua lại RJR Nabisco với giá 17 tỷ USD, tương đương với giá 75 USD một cổ phiếu. Mặc dù theo luật, lãnh đạo công ty phải chào bán công khai cho tất cả các nhà đầu tư để đạt được mức giá cao nhất cho cổ đông, Johnson tính rằng sẽ không có cạnh tranh thực sự. Giá thầu của ông cao hơn 1/3 thị giá cổ phiếu hiện tại, ở mức khoảng 55 USD, và ông cam đoan với hội đồng quản trị rằng mức giá đó thể hiện giá trị thực của công ty.

Nhưng Johnson đã không dự tính được rằng quy mô của giao dịch này sẽ kích thích sự thèm thuồng nhỏ dãi của hầu hết những tay làm ăn trên Phố Wall. Chỉ riêng phí tư vấn có thể lên tới 200 triệu USD. Cuộc "loạn đả" (free-for-all) sau đó, đẩy mức đấu giá công ty lên đến 25 tỷ USD, là chất liệu tạo nên biến cố, bước ngoặt cho câu chuyện trong “Những kẻ man di trước cửa”.

Theo hai tác giả, trung tâm hành động là F. Ross Johnson – khoảng ngũ tuần, thường đeo dây chuyền vàng và để tóc khá dài, là một "Peter Pan trong giới doanh nghiệp". Dễ buồn chán, ông "luôn hấp tấp", một thành viên HĐQT của RJR Nabisco nói với Hope Lampert. "Ông ấy không thể chờ đợi xem một việc gì đó có hiệu quả hay không trước khi thử cách khác." Johnson thừa nhận sự hấp tấp của mình và thú nhận thành thật rằng ông có xu hướng làm rối tinh mọi thứ. Một trong những nguồn tin của bà Lampert (đồng tình với những người khác trong cả hai cuốn sách) cho rằng Johnson cũng bị "phức cảm tiền thuê-doanh nghiệp" (corporate royalty complex) và "khó phân biệt đâu là việc riêng, đâu là việc công ty". Hai tác giả cho biết, ông đưa hai người giúp việc riêng của mình vào biên chế công ty, tính phí thành viên hàng chục câu lạc bộ vào hóa đơn công ty và lập đội bay 10 chiếc cho công ty, được gọi không chính thức là không quân RJR. Ông cũng chi hàng triệu đô-la cho các ngôi sao trong làng thể thao để họ chơi golf với khách hàng lớn và có mặt tại các sự kiện thể thao do Nabisco tài trợ. Các vận động viên này là bạn ông, và không quân của ông luôn sẵn sàng phục vụ họ. Ông thích văn vẻ rằng, "Một vài triệu đô-la rồi sẽ là quá khứ xa vời".

Cánh tay phải của Johnson là Peter A. Cohen, chủ tịch và giám đốc điều hành của ngân hàng Shearson, vốn chưa bao giờ thực hiện một vụ mua lại đòn bẩy nào. "Ngân hàng này thậm chí không có bộ phận chuyên về trái phiếu rác", bà Lampert ghi nhận. Rất muốn tham gia vào cuộc chơi mua lại đòn bẩy và cải thiện lợi nhuận èo uột của ngân hàng Shearson, Cohen chấp thuận yêu cầu của Johnson về việc kiểm soát hoàn toàn RJR Nabisco (bao gồm cả quyền phủ quyết việc sa thải chính ông ta) và về một cổ phần chung của Johnson cùng các nhà quản lý khác của RJR Nabisco, trị giá tới 2,5 tỷ đô-la. Johnson chỉ xuống nước khi sếp của Cohen, James D. Robinson 3d, chủ tịch hãng American Express và những người khác phản đối sự hào phóng này. Điều đáng ngạc nhiên là cả hai cuốn sách đều không chỉ ra rằng những phản đối mạnh mẽ nhất lại không nhắm tới bản chất sự tham lam mà là tới hình thức của nó.

Người đã phá hỏng kế hoạch ám muội của Johnson và Cohen là Henry Kravis, đồng sáng lập của công ty chuyên về mua lại đòn bẩy, Kohlberg, Kravis, Roberts & Co.. Công ty Kohlberg, Kravis xem xét giá thầu 75 USD một cổ phiếu, nhận ra rằng Johnson đã cố tình hạ thấp giá chào bán và nâng giá thầu lên 90 USD một cổ phiếu.

Johnson ngay lập tức mất hết hứng thú với vụ mua lại này. Chán nản với cuộc tranh chấp mua lại mà ông khởi xướng trên Phố Wall và sợ rằng cuộc sống phong lưu của mình sẽ chấm hết khi RJR Nabisco phải vất vả trả món nợ LBO khổng lồ, Johnson không quan tâm đến cái kết của cuộc đấu trí mua lại đó ra sao, mà là khi nào. Kohlberg, Kravis cuối cùng đã giành chiến thắng với giá thầu 108 USD một cổ phiếu sau một cuộc chiến dài sáu tuần đầy chông gai và bầm dập.

Hai tác giả tường thuật cuộc đấu trí này đầy hào hứng và lôi cuốn, tạo cho “Những kẻ man di trước cửa” tất cả sự hồi hộp của một bộ phim kịch tính đỉnh cao.

Ngay sau khi thỏa thuận được ký, Kohlberg, Kravis - bất chấp những lời hứa của mình - nhanh chóng bắt đầu bán từng phần RJR Nabisco để bù đắp các khoản lãi cắt cổ. (Theo các bài báo gần đây, có tới 2,600 nhân viên bị sa thải và giá của các sản phẩm RJR Nabisco đang tăng vọt - bánh quy Ritz đắt hơn 30% so với trước đây). Chẳng mấy chốc, hầu hết các giám đốc điều hành cấp cao của RJR Nabisco đều ''kéo dây nhảy dù'', bà Lampert viết. Theo hai tác giả, chỉ riêng đền bù cho Johnson đã có giá 53 triệu USD. Họ nói thêm rằng hầu hết các "món đồ chơi" của Johnson - bảy máy bay phản lực và hơn chục căn nhà và căn hộ của công ty - đã được bán.

Câu chuyện của RJR Nabisco có lẽ sẽ kéo dài trong nhiều năm, và khi nó kết thúc, người ta hy vọng hai tác giả sẽ lại đưa ra một phân tích cuối cùng. Nhưng dù có hay không, "Những kẻ man di trước cửa" sẽ vẫn là một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất và hấp dẫn nhất viết về những gì đã xảy ra với một nước Mỹ tập đoàn và Phố Wall vào những năm 1980.

Tuấn Minh
NYTimes

-----
Chủ ngân hàng như kẻ chia bài sòng bạc

[F. Ross] Johnson là một sản phẩm của thời đại ông, và chắc chắn như R. J. Reynolds cũng vậy. Thời đại - "Thập niên tám mươi náo nhiệt" - là kỷ nguyên vàng son mới. Chiến thắng được ngợi ca bằng mọi giá trong "xã hội bài bạc", như Felix Rohatyn từng ví von. Các ông chủ ngân hàng đầu tư vừa là kẻ chia bài sòng bạc, vừa là các nhà giả kim. Họ dựng lên những kế hoạch hoang dại, tung ra hàng dãy số liệu máy tính mới lạ để biện minh, sau đó xoay tít những cám dỗ trước mặt các giám đốc điều hành công ty trong "vũ điệu quỷ dữ". Dù sao đi nữa, đó cũng là cái tên mà Johnson thích gọi.

Về mặt nào đó, Johnson không khác gì những người hậu Moravia của Reynolds, chỉ là cực đoan hơn mà thôi. Trong thập kỷ qua, Reynolds đã trở thành một cỗ máy trong mơ tuyệt vời hơn là một công ty vĩ đại. Dòng thuốc lá của nó cho phép những cái tôi được tung tẩy và những ảo mộng được trở thành sự thật. ... . .

Được nhấc đặt trên bục đấu giá, RJR Nabisco trở thành một lăng kính khổng lồ và qua đó, vô số người trên Phố Wall ngắm nghía sự vinh quang được phản chiếu của mình. . . .

Các nhà sáng lập RJR và Nabisco sẽ không tài nào hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với công ty của họ. Khi hình dung, không khó để thấy R. J. Reynolds và Adolphus Green đi vơ vẩn qua cuộc tàn sát trong cuộc chiến LBO. Đôi khi, họ quay sang nhìn nhau và hỏi những điều khó hiểu. Tại sao những người này lại quan tâm quá mức đến các con số do máy tính tạo ra mà lại chẳng mấy quan tâm tới thứ mà các nhà máy của họ tạo ra? Tại sao họ lại quá chú tâm vào việc xé lẻ thay vì cùng xây dựng? Và cuối cùng: Tất cả những điều này thì liên quan gì tới việc kinh doanh cơ chứ?

nguồn: Barbarians at the Gate: The Fall of RJR Nabisco
Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc