Bị tống ra đường: Nghèo đói và lợi nhuận nơi thị thành ở Mỹ

bài bình sách của Babbara Ehrenreich
ngày 26 tháng 2, năm 2016,

Trong khi Lamar cùng các con trai và một số thanh thiếu niên khác trong khu vực
Milwaukee đang ngồi túm tụm lại, chơi bài và hút thuốc lá rẻ tiền, một tiếng gõ cửa lớn và chắc nịch vang lên, có thể là "tiếng gõ cửa của chủ nhà, hoặc cảnh sát". May mắn thay, đó chỉ là Colin, một thanh niên da trắng đến từ nhà thờ trong vùng, tới để giảng Kinh thánh, những đoạn kinh mà Lamar đã thuộc nằm lòng. Chủ đề câu chuyện dần chuyển sang Chúa và Ác quỷ, và Lamar nhận xét, "Trái đất này đúng là địa ngục." Colin chữa lại rằng, "Ồ, không hẳn là địa ngục đâu." Một sự im lặng khó xử bao trùm căn phòng.

Sức nặng của "Evicted" (tạm dịch "Bị tống ra đường"), cuốn sách tuyệt vời của Matthew Desmond, nằm ở chỗ nó cho thấy thế giới Lamar sống thực sự là địa ngục, hay một thứ gì đó gần giống vậy mà bạn có thể thấy ở một thành phố của nước Mỹ thế kỷ 21. Lần đầu tiên khi Lamar nhìn vào căn hộ hai phòng ngủ của mình, đó là một mớ lộn xộn khủng khiếp, "những giòi bọ lúc nhúc bò ra từ những chén bát không được rửa trong bồn", nhưng ông ấy đã dọn dẹp và lau chùi nó tới mức "gần như ám ảnh đến bệnh hoạn". Vấn đề cơ bản — hoặc một trong số đó — là thu nhập của Lamar ở mức 628 USD/ tháng, trong khi tiền thuê nhà là 550 USD, còn lại 2,19 USD/ngày để chi tiêu cho gia đình. Ông làm tất cả những gì có thể để trả một phần tiền thuê nhà, những công việc sửa chữa lặt vặt, nhưng điều này không hề dễ dàng chút nào đối với một người phải đi lại bằng cách lê lết trên đôi chân bị cụt vì tê cóng hồi ông còn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.


Desmond là một học giả giảng dạy tại Harvard — ông là một nhà xã hội học, hay, bạn có thể gọi là một nhà dân tộc học. Nhưng tôi cũng muốn coi ông ấy là một nhà báo và là một người, giống như Katherine Boo trong nghiên cứu về một khu ổ chuột ở Mumbai, đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc báo cáo về đói nghèo. Trong một cuốn sách trước đây, “On the Fireline” (tạm dịch "Trên hỏa tuyến"), ông đã làm việc với một nhóm các chiến sĩ chống lại cháy rừng ở Arizona. Tại thành phố Milwaukee, ông chuyển đến một khu nhà di động và tới một khu cho thuê trọ ở vùng North Side nghèo khó và cẩn thận ghi chép về cuộc sống của những người phải chi đến 70 đến 80% thu nhập cho tiền thuê nhà, khách quan mà nói, những chỗ ở đó không hề thích hợp làm nơi ở cho con người. Công việc ấy không hề vui vẻ chút nào và ông đã viết trong nhật ký của mình: "Tôi cảm thấy mình thật hèn hạ khi thu thập những câu chuyện và những khó khăn ấy như những chiến lợi phẩm."

Nhiều người Desmond đã phỏng vấn đang hoặc đã đưa ra những "lựa chọn tồi tệ" như vậy và họ đã trở thành lời giải thích chung của những người bảo thủ về sự nghèo đói. Scott từng là một y tá cho đến khi bị tước giấy phép hành nghề vì nghiện thuốc có chứa chất gây nghiện; Lamar cũng đã từng nghiện hút cocaine khi ông mất đi đôi chân vì giá rét. Một ví dụ điển hình nhất về sự buông thả là Larraine, 54 tuổi, đã đốt toàn bộ phiếu trợ cấp lương thực cả tháng của mình vào một bữa ăn duy nhất với đuôi tôm hùm, tôm, cua và bánh kem chanh, ngập ngụa trong Pepsi. Nhưng không phải do chi tiêu bừa bãi là nguyên nhân khiến Larraine trở nên nghèo khó; mà theo Desmond, đó là chính cái nghèo đã khiến bà ấy đôi khi ném tiền qua cửa sổ. Vì việc cố gắng đạt được sự ổn định về tài chính là vô vọng, những người như Larraine "đã cố gắng tồn tại với một phút huy hoàng, để có thêm chút niềm sung sướng khỏa lấp chuỗi ngày đau khổ" — ví dụ như uống rượu hoặc hút cần sa.

Một trong những lựa chọn tồi tệ nhất mà bất kỳ ai có thể làm là sinh con, hoặc thậm chí là thoáng mơ về một người bạn đồng hành dưới bất kỳ hình thức nào. Các vị chủ nhà ghét trẻ em vì chúng ồn ào, cố gắng xả đồ chơi xuống nhà vệ sinh, hay —quái quỷ nhất— dương tính khi xét nghiệm nhiễm độc chì, điều này có thể khiến cơ quan chức năng tới hỏi thăm. Những đứa trẻ và các thành viên khác trong gia đình cũng là những yếu tố rủi ro vì có thể bị đuổi ra đường, chứ không hẳn là vì có nhiều miệng ăn hơn. Nếu một địa chỉ phát sinh, ví dụ, ba cuộc gọi tới 911 trong một tháng, chủ nhà sẽ có tên trong sổ "phiền toái" và gia đình đó có thể sẽ bị tống ra đường. Quá tệ nếu các cuộc gọi 911 xuất phát từ nguyên do bạo lực gia đình hoặc, trong một trường hợp mà Desmond kể lại, một cơn hen suyễn của một đứa trẻ. Theo lời người con trai của chủ nhà, "Chúng tôi không thể để cảnh sát tới đây được."

Bản thân việc bị đẩy ra đường cũng là một điểm nhấn trong câu chuyện của Desmond. Nếu thu nhập sau khi đã trả tiền thuê nhà của một gia đình ở mức hai chữ số, họ thường bị cám dỗ khủng khiếp để đi tới quyết định nợ tiền thuê nhà một tháng để mua đồ tạp hóa hoặc trả tiền điện nước để có nhiệt sưởi ấm. Nếu bạn từng phàn nàn về việc tắc cống thoát nước hoặc các lỗ trên tường, chủ nhà sẽ bớt đi một lí do để thông cảm với bạn. Bạn có thể có cơ hội kháng nghị tại tòa án, mặc dù 70% những người thuê nhà được triệu tập không xuất hiện tại tòa — bởi vì họ không thể bỏ dở công việc hoặc tìm được dịch vụ giữ trẻ hoặc thậm chí không nhận được giấy triệu tập. Chính tại tòa án giải quyết việc trục xuất ở thành phố Milwaukee, nơi mà những người thuê nhà là những phụ nữ da đen và các luật sư của chủ nhà mặc những bộ âu phục sang trọng, Desmond đã ngộ ra rằng: "Nếu việc cấm đi lại quyết định cuộc sống của những người đàn ông tới từ những khu phố của người da đen nghèo đói, thì việc trục xuất lại đang định hình cuộc sống của những người phụ nữ. Những người đàn ông da đen nghèo bị nhốt lại bên trong. Những phụ nữ da đen nghèo lại bị nhốt bên ngoài. "

Việc trục xuất hiện lên với những cảnh tàn ác đến khó tin, nếu không phải là bạo lực thực sự. Desmond mô tả cuộc di tản của một người phụ nữ gốc Tây Ban Nha và ba đứa con. Lúc đầu cô ấy đã "rất nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ khẩn cấp đầy quyết tâm", rồi cô bắt đầu đi lại vật vờ dọc hành lang "không mục đích, gần như say rượu. Khuôn mặt cô ấy hiện lên điều đó. Những nhân viên chuyển nhà và các phụ tá biết rõ điều này. Đó là cái nhìn của một người khi nhận ra rằng gia đình cô sẽ trở thành vô gia cư chỉ trong vài giờ tới. Đó là một cái gì đó giống như một lời phủ nhận sự siêu thực của khung cảnh trước mắt: tốc độ và bạo lực đến cùng cực; những viên cảnh sát nhai kẹo cao su dựa lưng vào tường, hai tay để trên bao súng, tất cả những người xa lạ này, những người đàn ông nhễ nhại mồ hôi, đang chất đồ đạc của bạn ra bên ngoài.... Đó là khuôn mặt của một bà mẹ vừa trèo ra khỏi hầm rượu và nhận ra rằng cơn lốc xoáy đã san phẳng ngôi nhà của mình". Trong số những đồ đạc còn sót lại ở một địa điểm diễn ra cuộc trục xuất là "một chiếc bánh sinh nhật ăn dở và một quả bóng bay khí hêli vẫn còn bay bập bồng."

Có những vết sẹo đã cứa vào lòng những đứa trẻ trong quá trình ấy. Chúng bị kéo từ ngôi trường này sang ngôi trường khác; chúng định kỳ mất đi những túi đồ nho nhỏ chứa tài sản chúng có lẽ đã tích lũy bấy lâu. Người lớn gặp khó khăn trong việc giữ việc làm, và việc không có địa chỉ nhà có thể ảnh hưởng đến khả năng có được, hoặc giữ được, bất kể lợi ích nào họ đáng được nhận. Trong số tất cả những người bị trục xuất được miêu tả trong cuốn sách này, chỉ có một trường hợp — Scott, một cựu y tá — cuối cùng đã tìm lại được công việc và một căn hộ. Khi cô mất căn hộ của mình, Crystal, một thanh niên Công giáo ngoan đạo và lạc quan —hoặc có lẽ đơn thuần là người quá túng quẫn, đã phải tìm đến mại dâm. Arlene, bà mẹ hai con, được nhìn thấy lần cuối khi thực hiện cuộc gọi thứ 89 để tìm một ngôi nhà mới. Giống như việc bị cấm đi lại, việc trục xuất có thể ảnh hưởng tới một người suốt đời, khiến cô ấy trở thành một người thuê nhà không ai ưa gì và tống khứ cô ta xuống những khu nhà ở dơ bẩn và xập xệ hơn.

Gần cuối cuốn sách, Desmond mơ hồ giới thiệu khái niệm "bóc lột" — "một từ đã bị xóa sạch khỏi cuộc tranh luận về đói nghèo." Người chủ nhà trục xuất Lamar, Larraine và nhiều người khác đủ giàu có để đi nghỉ mát ở Caribê trong khi người thuê nhà của bà ta rét run lên ở Milwaukee. Chủ sở hữu của khu nhà di động kiếm hơn 400.000 USD một năm. Các khoản thu nhập này có thể tới tay họ do sự nghèo đói cùng cực của người thuê nhà, những người sợ khiếu nại và không có bất kỳ hình thức đại diện pháp lý nào. Desmond đề cập tới các tổ chức cho vay ngắn hạn lãi cao và các trường đại học vì lợi nhuận cũng là những kẻ bóc lột đối với người nghèo — một danh sách có thể được nối dài với các công ty thẻ tín dụng, cho vay nặng lãi, nhà cung cấp nội thất trả góp và nhiều người khác đã tìm ra cách đãi vàng từ mồ hôi và nước mắt của đồng loại. Nghèo đói ở Mỹ đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở, với những kết quả kinh hoàng: "Không có một nguyên tắc hay chuẩn mực đạo đức nào, không có cuốn sách thánh hay giáo huấn nào của chúa có thể được dẫn ra để biện minh cho những điều chúng ta đã cho phép xảy ra trên đất nước này", ông viết.

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc