Nền thương mại bung xung


Douglas Irwin thừa nhận chính sách thương mại là rất quan trọng. Nhưng tất cả các sức mạnh chính sách đã được đặt lầm chỗ.

Những người làm chính sách thương mại chỉ thích trừng phạt. Khi tình
hình tốt đẹp, chủ đề yêu thích của họ bị coi là nhàm chán. Khi tồi tệ, họ lại coi thương mại là tội đồ cho tất cả mọi thứ. Khi Donald Trump buộc tội những giao dịch thương mại tồi tệ là thủ phạm gây ra các nhược điểm kinh tế của Mỹ, nhà kinh tế này đã đứng lên và đáp trả. Trong cuốn "Clashing over Commerce" (tạm dịch: "Cuộc chiến thương mại"), Giáo sư Douglas Irwin của Đại học Dartmouth đã kể về lịch sử chính sách thương mại của Mỹ, chứng minh rằng thương mại không hề nhàm chán và cũng không đáng bị chỉ trích.

Hầu như không ai có thể nói rằng lịch sử thương mại buổi đầu của Mỹ không có kịch tính. Các quy định buộc các tàu của Mỹ phải gửi hầu hết hàng hóa của họ qua bờ biển của Anh đã tạo ra sự oán giận đối với các nhà cai trị thuộc địa. Năm 1773, khi chính phủ Anh cố gắng gạt những kẻ buôn lậu ra khỏi nền kinh tế bằng cách không miễn thuế cho trà nữa, dẫn đến sự kiện Tiệc trà Boston nổi tiếng, theo sau là lệnh cấm vận, và cuối cùng là cuộc chiến giành độc lập.


Sau khi Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội quyền quyết định các vấn đề thương mại, thế giằng co này đã kéo dài hàng thế kỷ. Trên bề mặt, vấn đề thuế quan có vẻ rất nhàm chán. Số tiền thuế cụ thể đối với các mặt hàng như mật mía, muối và móng được thúc đẩy bởi nhu cầu thu thuế; giai đoạn 1790 - 1860 thuế hải quan chiếm 90% số tiền thuế thu được của liên bang. Nhưng bên dưới mớ giấy tờ hành chính phức tạp đó là những cuộc tranh luận kịch liệt. Phe ủng hộ muốn bảo vệ cho những ngành công nghiệp mới nổi, nhưng phe phản đối lo ngại rằng hành động này sẽ bao che cho các doanh nghiệp không hiệu quả, đẩy giá lên và khuyến khích buôn lậu. Alexander Hamilton, một trong những Tổ phụ lập quốc, có lý do chính đáng khi lo lắng rằng việc tăng thuế sẽ kích động các đối tác thương mại làm như vậy.

Thương mại tạo ra kẻ thắng và người thua, và ở Mỹ, họ thường sống cách xa nhau, tạo ra sự chia rẽ trong Quốc hội. Trước cuộc Nội chiến, các nhà xuất khẩu miền Nam – bông sợi của họ rất cạnh tranh trên thị trường toàn cầu nhờ nhân công rẻ – rất ghét chế độ thuế quan, trong khi các ngành công nghiệp nội địa (cạnh tranh với hàng nhập khẩu) ở miền Bắc được bảo vệ. Với cơ cấu tổ chức đó của Mỹ, tình trạng trì trệ là kết quả tất yếu: hệ thống chỉ thiên về giải quyết hiện trạng.

Theo Irwin, chính sách tổng thể chỉ chuyển hướng đúng hai lần. Cả hai lần tái định hình này đều khởi nguồn từ các sự kiện thảm khốc. Sự kiện đầu tiên – cuộc Nội chiến đã dẫn đến một thế cân bằng chính trị mới, xa lánh những người miền nam ủng hộ tự do thương mại. Và khi chi tiêu của liên bang gia tăng sau chiến tranh, thu nhập từ thuế càng cần nhiều hơn. Các nhóm lợi ích đặc biệt được hình thành để cổ vũ cho chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm những người như James Swank, người sáng lập Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ, người đã viết rằng "chủ nghĩa bảo hộ ở đất nước này chỉ là một cái tên khác của lòng yêu nước." (Ông ta không phải là người cuối cùng thuộc kiểu người như vậy.)

Sự thay đổi thứ hai xảy ra sau Cuộc Đại suy thoái, và mức thuế như tự sát theo Đạo luật Smoot-Hawley (các chính sách bảo hộ của Thượng nghị sĩ Reed Smooth và Nghị sĩ Willis C. Hawley, áp lên hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ) vào năm 1930, dẫn đến sự trả đũa của các đối tác thương mại. Khi nền kinh tế Mỹ sụp đổ, các dòng giao thương và cả thế giới đều rơi vào bi kịch. Một sự đồng thuận hiếm hoi xuất hiện từ đống đổ nát, ủng hộ giảm thuế nội địa để thuyết phục các quốc gia khác cũng hạ mức thuế của họ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn vẫn lộn xộn và rối loạn, các nhà sản xuất nước ngoài ít có khả năng cạnh tranh, dù điều này đã thay đổi trong những thập kỷ tiếp theo khi Nhật Bản và châu Âu giành lại sức mạnh.

Khi ông Irwin công bố bài tường thuật quy mô này, ông cũng bác bỏ những lầm tưởng về chính sách thương mại. Trong thời kỳ suy thoái, thuế quan đóng nhiều vai trò hơn những gì nó thực sự có, những khoản thấp thì để tạo áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất Mỹ (như năm 1818) và những khoản cao thì để kích thích sản xuất trong nước (như năm 1893). Nhưng những thay đổi về thuế quan thường quá nhỏ hoặc quá muộn để thu được những kết quả như vậy; chính sách tiền tệ và các yếu tố khác thường bị đổ lỗi nhiểu hơn.

Các động cơ chính trị sẽ khiến người ta nhìn thấy mối liên hệ giữa thuế quan và chu kỳ kinh tế mà thực ra mối liên hệ đó không hề tồn tại. Một giai đoạn phát triển bùng nổ sẽ tạo ra đủ doanh thu để giảm thuế quan, và khi thời khủng hoảng đến, áp lực sẽ lại khiến thuế tăng lên. Đến khi bong bóng vỡ, nền kinh tế sẽ phục hồi, tạo ấn tượng rằng cắt giảm thuế gây ra sự sụp đổ và sự tăng thuế tạo ra sự hồi phục.

Một số người tin rằng Mỹ trở thành một cường quốc công nghiệp là nhờ chủ nghĩa bảo hộ và điều này sẽ mang lại bài học cho các nước đang phát triển hiện nay. Tuy nhiên, Irwin đã bác lại ý tưởng này một cách rất hệ thống và có phương pháp. Khi thị phần của ngành sản xuất toàn cầu đã tăng từ 23% trong năm 1870 lên 36% vào năm 1913, thuế nhập khẩu cao vào thời điểm đó đã phải đánh đổi một mức giá tương đương khoảng 0,5% GDP vào giữa những năm 1870. Trong một số ngành công nghiệp, điều này có thể đã thúc đẩy sự phát triển trong một vài năm. Nhưng sự tăng trưởng của Mỹ trong giai đoạn bảo hộ là nhờ có các nguồn lực dồi dào và sự cởi mở đối với con người và tư tưởng nhiều hơn là nhờ sự bảo hộ.

Ngay cả Đạo luật thuế Smoot-Hawley cũng không chịu trách nhiệm đối với cuộc suy thoái như người ta thường nghĩ. Cuộc Đại suy thoái đã diễn ra từ lâu trước khi nó có hiệu lực. Bản thân của việc thay đổi mức thuế không đóng vai trò gì nhiều hơn việc gây giảm phát; bởi vì thuế quan tính bằng đồng đô-la, nên có vẻ cao hơn khi giá cả và tiền lương giảm. Và sự sụp đổ của thương mại toàn cầu là do các biện pháp kiểm soát vốn phổ biến khi đó hơn là vì cuộc đua đánh thuế quan ăn miếng trả miếng.

Người đọc có thể tự hỏi liệu 700 trang vạch trần sự thật — một vài trong số đó là những đòn trí mạng — có đáng không. Nhưng Irwin nghĩ rằng các chính sách thương mại cũng có những hậu quả, không chỉ những hậu quả mà người ta thường than phiền. Các chính sách này chuyển đổi tài sản, đôi khi là những khoản tiền đáng kể. Năm 1885, mức thuế trung bình là 30% đã đem khoảng 9% GDP Mỹ từ túi các nhà xuất khẩu nước ngoài và các nhà nhập khẩu trong nước về cho các nhà sản xuất nội địa và chính phủ. Chính sách thương mại cũng tạo ra chi phí. Năm 1984, các nhà kinh tế nhận thấy rằng người tiêu dùng đã chi 100.000 USD để trả cho mỗi công việc trong ngành may mặc đang được bảo hộ, nơi mức lương trung bình khoảng 12.000 USD mỗi năm.

Lý do khác để kiên nhẫn với công trình đồ sộ của Irwin là lớp bảo vệ trước những kẻ thù của thương mại đã bám rễ sâu trong lịch sử nước Mỹ và lại đang màu mè, rầm rộ trở lại. Năm 1824, Henry Clay, một trong những Thượng nghị sĩ vĩ đại nhất của nước Mỹ, đã đề xuất một "hệ thống thuế quan" của Mỹ, một ngân hàng quốc gia và "những cải tiến nội bộ" như đường xá và kênh rạch để tăng cường nền kinh tế của đất nước non trẻ. Ông coi thuế là một kiểu hợp đồng không thua lỗ: thu được tiền từ người nước ngoài, thúc đẩy nền công nghiệp của Mỹ và tạo ra một nền kinh tế cân bằng, tự túc. Mức thuế đã được thông qua, nhưng Clay đã thất bại trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc lên kế hoạch cho nền công nghiệp của Mỹ. Thật khó mà thấy được những người kế nhiệm ít nổi tiếng hơn của ông thành công với thủ đoạn cám dỗ nhưng đầy thử thách này.

Trong tất cả các cuộc đụng độ mà Irwin mô tả, cuộc đụng độ quan trọng nhất hiện nay không phải là giữa các đảng phái chính trị, hay giữa bạn và thù trên thương trường, mà là giữa các nhà hoạch định chính sách và các lực lượng chẳng hạn như một nền công nghệ trong quá trình định hình lại nền kinh tế toàn cầu đã xóa đi nhiều công ăn việc làm. Chủ nghĩa bảo hộ cùng lắm chỉ có thể giữ lại tạm thời những công việc đó. Nhưng những công việc đã mất sẽ khó mà trở lại.

Minh Thu
The Economist

Clashing over Commerce: A History of US Trade Policy (Markets and Governments in Economic History) Hardcover – November 29, 2017
by Douglas A. Irwin
832 pages. University of Chicago Press. $33.25

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc