Những người đàn ông trên lưng ngựa

bài bình sách của Bruce Barcott
ngày 10 tháng 6 năm 2010

Vì sao Custer vẫn tồn tại? Gần 134 năm sau trận tử thủ, thất bại quân sự
đã khiến 210 người dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông thiệt mạng, George Armstrong Custer vẫn là một nhân vật mang tính biểu tượng trong hoạt cảnh lịch sử nước Mỹ đến mức chỉ nhắc đến tên ông sẽ gợi lại một thời kỳ cực kỳ được lãng mạn hóa về Miền tây nước Mỹ. Lẽ ra Custer nên chỉ là 'một dòng chú thích' [trong sách lịch sử] mà thôi. Việc ông tận hưởng vinh quang được nhiều người biết đến là minh chứng cho sức mạnh của người nổi tiếng, giới giải trí và quan hệ công chúng khéo léo. Custer không chỉ là một chiến binh chống Da đỏ. Ông là một trong những người nổi tiếng tự thân đầu tiên của Mỹ.

Trong cuốn sách "The Last Stand" (Cuộc tử thủ”) Nathaniel Philbrick, tác giả của những cuốn sách lịch sử nổi tiếng "Mayflower" ('Hoa tháng Năm') và “In the Heart of the Sea,” ("Giữa biển khơi"), đã kể câu chuyện về Trận chiến Little Bighorn đồng thời nhắc đến đáng kể về Bò mộng Ngồi, Ngựa Điên, Thiếu tá Marcus Reno và những người khác đã chiến đấu ngày đó. Nhưng thực sự, Custer thu hút mọi sự chú ý và tán thưởng.


Sao lại không như thế được? Khi ông là một nhân vật ngoạn mục. Là con người đầy tham vọng và cuốn hút, ông tốt nghiệp hạng chót trong lớp West Point nhưng đứng hàng đầu trong việc tạo quan hệ xã hội. Trong cuộc Nội chiến, ông nổi lên như một trong những kỵ binh xuất sắc nhất của Quân đội Liên minh miền Bắc. Tiếng xông trận hào hùng Gettysburg ("Tiến lên, những con sói Wolverines!" ông thét lên với các tình nguyện viên Michigan) góp phần thay đổi cục diện trận đánh đã làm đảo lộn cuộc chiến.

Ngay khi còn là một sĩ quan trẻ, Custer đã nuôi dưỡng hình ảnh khoa trương đối với công chúng bên ngoài. Ông đã chiến đấu tại Gettysburg trong bộ đồng phục nhung màu đen (theo thiết kế riêng của ông) có thêu những dây ren vàng lóng lánh. Sau chiến tranh, khi ông dồn hết năng lực của mình vào cuộc chiến với người Da đỏ ở Great Plains, ông đã trang bị cho mình chiếc áo chùng màu trắng và để tóc dài.

Custer là một con bạc, một kẻ lăng nhăng, một người khoa trương, một ông chủ tính khí thất thường và là người bốc đồng không giữ mồm giữ miệng. Tính lập dị của ông nghiêng về sự ngu xuẩn. Ông từng chia trung đoàn của mình theo màu sắc. Màu của lũ ngựa. Bạn có thể đoán được, lính tráng không có thiện cảm với ông. "Tôi biết tướng Custer. . . trong một thời gian dài," một trong những sĩ quan của ông từng kể lại, "và tôi không tin tưởng khả năng của ông ấy với tư cách một người lính."

Những gì Custer có là sự dũng cảm và may mắn, đến một mức độ nhất định. Bánh xe số phận mà chính ông tự gọi là "may mắn Custer" đã đẩy ông lên dần trong đội ngũ, và các chiến lược đầy rủi ro của ông giành được chiến thắng quan trọng tại Cheyenne năm 1868. Custer tưởng rằng chiến dịch 1876 chống lại Bộ lạc Lakota của Bò mộng Ngồi sẽ là cột mốc cho sự nghiệp quân sự rực rỡ của ông. Nếu mọi việc suôn sẻ, ông hy vọng sẽ trở lại phía Đông như một chiến binh anh hùng chống Da đỏ vào dịp quốc gia mừng ngày mùng 4 tháng 7 năm 1876, với lễ kỷ niệm trăm năm cùng một chuyến du thuyết. Custer, lúc đó 36 tuổi, rất thích thú ý tưởng nghiêm túc về việc chạy đua tổng thống một ngày nào đó. Với sức hút cá nhân và khả năng thiên bẩm với đám đông, ông có thể đã thắng.

Tất nhiên, mọi chuyện không hề suôn sẻ như vậy. Cuộc xung đột Lakota bắt đầu bằng một vụ chiếm đất kiểu cũ gây ra bởi chính Custer. Khu Đồi Đen tại South Dakota ngày nay được tuyên bố là đất của người Da đỏ vào cuối những năm 1860, nhưng người định cư da trắng bắt đầu lấn chiếm vào đầu những năm 1870. Custer, được cử đến điều tra, lại khiến sự việc leo thang do tìm thấy vàng ở khu Đồi Đen. Tin tức về phát hiện của ông tràn ngập khu vực có hơn 15.000 người tìm vàng da trắng. Vào thời điểm này, "may mắn Custer " bắt đầu trở nên giống như "may mắn Clouseau", và thật khó mà không hình dung ra hình ảnh vị tổng chỉ huy, Tổng thống Ulysses S. Grant, máy mắt liên tục như Herbert Lom trong loạt phim Pink Panther cũ.

Grant đã cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách đề nghị mua lại Đồi Đen từ Lakota, nhưng Bò mộng Ngồi không bán. Đối mặt với sự lựa chọn giữa người Da đỏ hay thợ mỏ, Grant đã chọn hất cẳng người Da đỏ. Và — máy mắt ra hiệu — ông cử Custer tới giúp thực hiện việc này.

Nhiều cuốn sách đã viết về chiến thuật trên chiến trường tại Little Big Horn, một đồng cỏ thung lũng gấp khúc ở phía đông nam Montana, nhưng đều dẫn đến một điều: Custer bị áp đảo về số lượng và đã chọn liều lĩnh thay vì khôn khéo. Nghịch lý ở chỗ là chỉ ít phút trước khi phát súng đầu tiên được khai hỏa, Bò mộng Ngồi đã sẵn sàng đàm phán hòa bình. Ông và tùy tùng đã trốn sang Canada vài tháng sau trận đánh, và cuối cùng quay trở lại sống trên căn cứ Standing Rock ở Nam Dakota.

Thất bại của Custer khiến toàn bộ dân chúng bàng hoàng, và rõ ràng ngay từ năm 1876 thì trận Little Big Horn đã đại diện cho một thời khắc nhục nhã trong lịch sử quân sự Mỹ. Vậy thảm họa to lớn ấy đã biến thành một "trận tử thủ" can đảm như thế nào?

Câu trả lời của Philbrick: sự thêu dệt của bà góa phụ và giới kinh doanh giải trí. Sau cái chết của chồng, Elizabeth Custer, được gọi là Libbie, đã bắt tay vào cuộc thập tự chinh của một người phụ nữ để khôi phục danh tiếng của chồng bằng sách và các cuộc nói chuyện. Buffalo Bill Cody đã đưa huyền thoại ra khắp cả nước khi kết thúc chương trình Wild West Show nổi tiếng khắp nơi của mình bằng cách dựng lại trận Little Big Horn và kêu gọi trả thù cho cái chết vinh quang của Custer. Nhưng thực sự không có gì để trả thù ngoài quyết định sai lầm của một sĩ quan tham vọng đến nguy hiểm. Trận chiến Little Bighorn — việc tham gia quân sự — là một thất bại dại dột và hoàn toàn tránh được. Trận tử thủ của Custer — 'sự lầm tưởng' —chỉ đơn thuần tốt cho ngành kinh doanh giải trí.

Nếu Custer minh hoạ cho ta thấy rằng ánh đèn sân khấu của lịch sử thỉnh thoảng chiếu vào nhầm người, thì Quanah Parker là minh chứng về con người xứng đáng hơn nhưng bị bỏ quên trong bóng tối. Người ta hy vọng số phận tốt hơn đang chờ đợi "Empire of the Summer Moon" ("Đế chế Mặt trăng Mùa hạ"), cuốn lịch sử đồ sộ của S.C. Gwynne về Parker và quốc gia Comanche ông dẫn dắt cuối những năm 1800.

Là con trai của một chiến binh Da đỏ với người vợ da trắng (người bị bắt khi mới 9 tuổi trong cuộc đột kích vào một trang trại ở Texas), Parker lớn lên trở thành tù trưởng cuối cùng và vĩ đại nhất của Comanche, bộ lạc cai trị Great Plains trong hầu hết thế kỷ 19. Nếu chỉ có một câu để nói về ông, đó là câu này. Câu chuyện sâu sắc, phong phú hơn được kể ra trong "Đế chế Mặt trăng Mùa hạ" không phải điều gì bí mật. Gwynne, cựu biên tập viên của Time và Nguyệt báo Texas, không chỉ kể lại câu chuyện về cuộc đời của Parker. Ông đưa độc giả của mình qua biên giới Mỹ xáo động bởi bạo lực cực đoan, mưu đồ chính trị, lòng dũng cảm, khổ đau, tham nhũng, tình yêu, dao, súng và tên. Rất nhiều và rất nhiều mũi tên. Cuốn sách này sẽ để lại bụi và máu trên quần jean của bạn.

Gwynne mở đầu bằng vụ đột kích của Comanche tháng 5 năm 1836 ở khu nhà Parker. Nhà Parkers là nhóm những người tiên phong của Illinois làm việc trên 16.100 mẫu Anh gần Dallas ngày nay. Năm 1836, họ đại diện cho nhóm dẫn đầu sự mở rộng của người da trắng hướng về phía tây sang lãnh thổ Comanche, điều mà bộ lạc không thích chút nào. Họ bày tỏ sự không hài lòng bằng cách hạ sát đàn ông nhà Parker (mặc dù một vài người trốn thoát) và bắt giữ hai phụ nữ cùng ba đứa trẻ.

Thuật ngữ "cuộc tấn công của người Da đỏ" đã bỏ qua những hành động tàn ác. Đàn ông và trẻ sơ sinh bị sát hại là điều đương nhiên. Cắt xẻo cơ thể, hãm hiếp và tra tấn là chuyện bình thường. Kẻ nào may mắn thì chết nhanh. Gwynne viết: "Đây là thực tế, và thường khá tàn nhẫn, có thật ở vùng biên giới.” "Cách hành xử này không chỉ dành riêng cho người da trắng hoặc người Mexico; mà còn được thực hiện không kém khắc nghiệt đối với các bộ lạc Da đỏ đối địch."

Comanche không chỉ đơn thuần là một trong nhiều bộ lạc bị nghiền nát bởi niềm tin Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny). Điều kỳ lạ là ở đây không hề nhắc tới học thuyết về một Siêu Cường Da Đỏ Bản Địa - được Pekka Hamalainen đề cập đến trong nghiên cứu “Đế chế Comanche” đã đạt giải Bancroft của ông. Gwynne mô tả về các cuộc chiến tranh Great Plains hồi giữa thế kỷ 19 như là sự đụng độ của ba đế chế: Mỹ, Mexico và quốc gia Comanche, nắm giữ hầu hết Texas hiện đại, New Mexico, Colorado, Kansas và Oklahoma.

Gwynne viết: "Họ nắm kiểm soát hơn 20 bộ lạc khác nhau, sau khi những bộ lạc đó bị chinh phục, bị săn đuổi hoặc bị hạ xuống địa vị chư hầu.” "Sự thống trị đế quốc như vậy không phải tình cờ do vị trí địa lý. Đó là sản phẩm của hơn 150 năm chiến đấu có chủ đích, chống lại hàng loạt kẻ thù trên một mảnh đất có những đàn trâu lớn nhất đất nước." Vào thời đỉnh cao sức mạnh cuối những năm 1830, Comanche dự định xâm chiếm toàn bộ Texas và Mexico.

Các bộ lạc người Mỹ bản địa đã không — và vẫn không — phải là các thực thể tĩnh. Họ trải qua thăng trầm. Một số chiếm được quyền lực và lãnh thổ, số khác lại đánh mất. Sự lớn mạnh của Comanche là trường hợp điển hình về thời gian và công nghệ mà Jared Diamond mô tả trong "Súng, Vi trùng và Thép". Họ đến từ Wyoming; thấp lùn, chân vòng kiềng, ít phát triển về mặt xã hội hoặc văn hoá như các bộ lạc lân cận. Sau đó tất cả mọi thứ thay đổi. Gwynne viết: "Điều xảy ra đối với bộ lạc vào khoảng giữa 1625 và 1750 là một trong những biến đổi lớn về xã hội và quân sự trong lịch sử.”

Điều đó chính là loài ngựa. Các Chinh tướng Tây Ban Nha đã đưa loài vật này đến Mexico vào thế kỷ 16, và chúng nhanh chóng lan về phía bắc. Comanche thích nghi với 'công nghệ' mới này nhanh hơn và toàn diện hơn bất kỳ bộ lạc Plains nào khác. Gwynne kể lại: "Không ai có thể vượt mặt hay thiện xạ hơn họ khi trên lưng ngựa.” Mấu chốt là khả năng tấn công và bắn tên của chiến binh Comanche khi đang ở tốc độ cao, một kỹ năng mà ít người khác có thể làm chủ được. Trên vùng Great Plains, điều này tương đương với tấn công từ xe tăng, và Comanche sử dụng lợi thế quân sự của họ để trở thành thương nhân giàu có trong buôn bán da ngựa và trâu.

Điều này đưa ta trở lại cuộc đột kích vào trang trại Parker. The Comanche không thực hiện đột kích để chơi cho vui. Họ có mục đích chính trị và kinh tế cụ thể. Mục đích chính trị là đẩy những người định cư da trắng (những kẻ chiếm đất và kẻ trộm đất, theo quan điểm của bộ lạc) ra khỏi lãnh thổ của Comanche. Cuối cùng, cái chết, khủng bố và tra tấn đã chứng tỏ mang lại hiệu quả. Vào những năm 1860, Comanche thực sự đẩy xa biên giới về phía Texas. Kinh tế từ các cuộc đột kích cũng tương đối đơn giản. Cynthia Ann Parker trẻ tuổi bị bắt và không bị giết một phần vì Comanche cần phụ nữ để giữ nền kinh tế trâu bò hoạt động. Đàn ông giết bò, còn phụ nữ, Gwynne viết, "đã làm tất cả các công việc giá trị gia tăng: thuộc da và trang trí quần áo." Càng nhiều người bị bắt và càng nhiều vợ — giống như với Cynthia Parker, đôi khi người bị bắt trở thành vợ — thì một người đàn ông càng tạo ra nhiều sản phẩm.

Parker có một con trai tên là Quanah. Quanah lớn lên nhanh chóng. Khi ông lên 12, cha ông bị giết trong một trận chiến và mẹ ông bị quân đội da trắng bắt giữ. (Họ coi đó như một cuộc giải cứu, nhưng Parker đã cố gắng trốn chạy về với Comanche.) Một Quanah thù hận bắt đầu tấn công các khu định cư da trắng. Ông cũng rất giỏi việc này. Nhưng kỹ năng chiến đấu không phải là vấn đề của ông. Vấn đề là ở thời điểm. Ông nắm quyền chỉ huy ngay khi người da trắng có được công nghệ mang tính đột phá của chính họ: đường sắt và súng tiểu liên. Đường sắt có thể vận chuyển da trâu có giá trị đến các thị trường phía Đông, khiến cho những người như Buffalo Bill có thể kiếm lợi từ việc thảm sát các đàn gia súc lớn. Từ năm 1868 đến năm 1881, 31 triệu con trâu bị tàn sát, phá hủy nguồn tài sản và thực phẩm của Comanche. Trong khi đó, khẩu súng lục Colt nhanh nhẹn và súng Sharp 50 mạnh mẽ là khắc tinh đối với thứ vũ khí từng rất ưu việt của Comanche. Đế chế sụp đổ.

Động thái thứ hai của Quanah Parker đáng chú ý hơn lần đầu tiên. Chấp nhận sống ở khu vực dành riêng cho người Da đỏ, ông đã biến mình từ một chiến binh giết chóc thành một người chăn gia súc thành công đồng thời là một chính trị gia cứng rắn, ông đã giành được sự tôn trọng và tình bạn của Teddy Roosevelt. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập Giáo hội người Mỹ bản địa và thực hiện phong trào tôn giáo của thổ dân Bắc Mỹ, sử dụng cây xương rồng Mexico gây ảo giác trong nghi lễ tôn giáo. "Người da trắng đi vào nhà thờ của mình để nói về Chúa Jesus," Parker từng nói, "nhưng người Da đỏ đi vào lều tipi của họ để nói chuyện cùng Chúa Jesus." Trong một tiểu sử 370 trang, Gwynne dành chỉ một đoạn văn viết về Parker và xương rồng Mexico. Có rất nhiều câu chuyện hay để kể.

Chúng ta có thể không bao giờ lay chuyển được vị trí của Custer trong câu chuyện của người Mỹ. Ông là một nhân vật quá nhiều màu sắc, và "Cuộc tử thủ" sẽ giới thiệu ông đến với một thế hệ còn quá trẻ nên chưa biết đến ông qua cuốn tiểu sử cổ điển của Evan S. Connell, "Con trai của Sao Mai" hoặc bộ phim "Little Big Man". Nhưng nhờ Gwynne, câu chuyện về Quanah Parker có thể có vai trò nổi bật hơn trong lịch sử miền Tây nước Mỹ. "Đế chế Mặt trăng Mùa hạ" không chỉ là tiểu sử. Đó là lời tranh biện mạnh mẽ về vị trí của các bộ lạc thổ dân Mỹ trong lịch sử địa chính trị. Từ "quốc gia" đôi khi được sử dụng ngày nay để chỉ một bộ tộc cụ thể, và nó có thể gây nhầm lẫn cho người không phải là người Da đỏ. Liệu nó có mang ý nghĩa là sự thuộc về, giống như quốc gia Red Sox không? Hoặc quyền lực nhà nước, như nước Đức? Comanche của những năm 1800 thực sự là một quốc gia giống nước Đức hơn. Và bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu xâm phạm đến họ.

Quỳnh Anh
NYTimes

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc