Nền dân chủ kết thúc như thế nào?

Liệu chúng ta có phải nói lời tạm biệt với hòm phiếu không?

Edward Lucas cho rằng những cử tri đang giận dữ và thờ ơ đã không còn mặn mà với một hệ thống đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng.

bài bình sách của Edward Lucas
ngày 26 tháng 5 năm 2018,

nguồn: thetimes,
Nguyễn Hòa dịch, Minh Thu hiệu đính,

Nền dân chủ đang phải sống dựa vào hào quang của quá khứ và trở nên
"rệu rã, hận thù, bất an, hoang tưởng, bê bối và kém hiệu quả". Cuốn sách mỏng, dễ đọc và sâu sắc (How Democracy Ends) của David Runciman nêu bật những điều tồi tệ có thể xảy ra với hệ thống bầu cử hiện tại, các chính thể đại diện và thúc giục sự đổi mới táo bạo.

Tác giả là giáo sư chính trị học tại Đại học Cambridge và là người dẫn chương trình của chương trình phát thanh được yêu thích Bàn về Chính trị (Talking Politics). Cách tiếp cận của ông khá sáng tạo. Các nhà khoa học chính trị có khuynh hướng nghiên cứu cách một nền dân chủ được khai sinh, không phải là cách mà nó bị diệt vong.


Ông bắt đầu bằng cuộc bầu cử của Donald Trump. Đối với nhiều người trong giới tinh hoa, một kẻ hám lợi, thiếu hiếu biết chiếm được vị trí quan trọng nhất thế giới nhờ bầu cử chính là điềm báo cho chuyện chẳng lành. Nếu trường hợp của ông Trump là câu trả lời thì chắc chắn mệnh đề trên là sai. Runciman chưa xét đến quan điểm rằng, giữa những ồn ào vì tư lợi, việc trục xuất một tập đoàn chính trị ngạo mạn khỏi môi trường đầy béo bở của nó là tín hiệu cho thấy hệ thống đang hoạt động tốt.

Tuyên bố vĩ đại của nền Dân chủ là nó trân trọng phẩm giá của mỗi cá nhân bằng cách cho họ quyền lên tiếng về mong muốn chính trị của bản thân, đồng thời cũng bảo đảm lợi ích dài hạn cho tập thể. Đất nước của bạn ngày càng trở nên an toàn, thịnh vượng và được đánh giá cao, và bạn có một phần đóng góp trong việc quản trị nó. Như một phần của giao kèo, bên thua cuộc đường hoàng chấp nhận thất bại, và bên thắng cuộc cũng không sử dụng quyền lực nhà nước để ‘tham quyền cố vị’.

Điều này, ông cho rằng, không còn đúng nữa. Lợi ích tập thể đang bị bào mòn, đặc biệt là lợi ích đối với phần lớn dân số ít học. Biểu quyết và các hình thức tham gia chính trị chính thức khác bị lu mờ trước nhu cầu phải làm hài lòng tức thời những quan điểm nổi lên trên các phương tiện thông tin xã hội. Và sự đồng thuận ngầm sau các quy tắc của trò chơi này cũng đang bị bào mòn. Liệu Trump có chấp nhận thất bại nếu ông đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông, nhưng mất chức tổng thống về tay bà Hillary Clinton?

Ngay cả với tư cách là người chiến thắng, Trump vẫn thể hiện cách giải quyết công việc của một kẻ chống đối, luôn điều hành đất nước trong trạng thái tức giận đối với một "chính quyền ngầm" lúc nào cũng cố gắng hạ bệ ông. (Đối với các nhà phê bình, các khó khăn của ông Trump là dấu hiệu cho thấy hiến pháp và các ràng buôc thể chế khác đang át được thái độ coi nhẹ chúng của ông).

Ngoài những dòng tweet và kịch tính, thời đại của các cuộc đảo chính công khai đã không còn. Những xã hội lâu đời và giàu có không còn mấy hứng thú với bạo lực chính trị. Runciman lập luận rằng những kẻ ủng hộ Trump một cách ngông cuồng nhất sẵn sàng thay Trump xử người khác nhưng không vì Trump mà hy sinh. Khả thi hơn cả việc thiết quân luật lúc nửa đêm là những cuộc đảo chính bí mật, mềm dẻo, trong đó các chính trị gia bị vô hiệu hóa, chứ không phải là bị lật đổ. Năm 2015, người Hy Lạp đã bầu lên một chính phủ cánh tả cấp tiến, và trong cuộc trưng cầu dân ý sau đó, đã bỏ phiếu phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng do các tổ chức tài chính quốc tế đề ra. Tuy nhiên, cuối cùng, người ra lệnh lại là những kẻ ngoại đạo có tiền và những người Hy Lạp túng quẫn buộc phải nghe theo.

Những kết cục như vậy đã thổi bùng lên sự căm ghét và thờ ơ. Tại sao phải quan tâm tới nền dân chủ khi nó không tạo ra sự khác biệt? Ông lập luận rằng các cuộc đảo chính đã nhường chỗ cho các thuyết âm mưu. Trong xã hội độc tài, những người bị ám ảnh và hoang tưởng nhất là kẻ cầm quyền. Còn trong một nền dân chủ suy tàn, đó là tầng lớp dân chúng bị tước quyền và yếm thế. Không có gì là đáng tin, không có gì đúng sự thật, không có gì quan trọng.

Khoảng trống chính trị do hiện trạng này dần tạo nên thời cơ chín muồi cho việc thao túng, đội lốt bằng một cuộc cạnh tranh mà kết quả đã định trước. Chính trị trở thành một màn trình diễn, không phải một cuộc tranh tài. Runciman đặc biệt coi thường các cuộc trưng cầu dân ý. Ông cho rằng câu trả lời đã quá rõ ràng, quyền lực thực sự nằm trong tay những người xác định được vấn đề và thực thi được quyết định. Ai đó nên mách người Thụy Sĩ.

Có thể cứu vãn nền dân chủ không? Nền dân chủ đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Các cuộc thế chiến gây ra những sự xáo trộn hữu ích, đó không phải điều chúng ta muốn lặp lại. Và trong quá khứ hệ thống có rất nhiều điểm yếu. Nếu quyền bầu cử được mở rộng, dịch vụ công sẽ được cải thiện. Trong cái mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” của nền dân chủ, những khả năng này càng bị giới hạn. Bất kỳ ai muốn bỏ phiếu đều có thể bỏ phiếu. Nợ nần và nhân khẩu học hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu người dân của nhà nước.

Ông cho rằng công nghệ cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ông lập luận rằng niềm tin là chất keo dính quan trọng giúp các hệ thống dân chủ gắn kết với nhau. Công nghệ chỉ giúp giám sát, chứ không phải công nghệ và giám sát là một. Tệ hơn nữa, nó châm ngòi cho chủ nghĩa bè phái và làm bùng lên nhu cầu về sự hài lòng toàn diện, ngay lập tức, trong khi nền dân chủ đòi hỏi sự kiên nhẫn và tiết chế.

Nói như vậy thì không công bằng cho công nghệ. Chính phủ điện tử — đưa các dịch vụ công và các quy trình chính trị lên mạng trực tuyến — vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Công nghệ cho phép nhà nước điều chỉnh các dịch vụ của mình đối với công dân như cách doanh nghiệp làm với khách hàng của mình. Và nó được khuyến khích thử nghiệm. Cử tri có thể xem xét các quyết định trên trang trực tuyến trước khi các quyết định chính thức được đưa ra. Estonia – nước nối mạng hàng đầu châu Âu cho chúng ta mường tượng ra cách nền dân chủ kỹ thuật số hoạt động như thế nào. Runciman bỏ qua điều này, thay vì vậy ông tập trung vào những mặt tối của công nghệ, chẳng hạn như sự nguy hiểm do trí tuệ nhân tạo và robot gây ra cho nền dân chủ. Quyết định của con người đáng giá bao nhiêu khi máy tính có thể ra quyết định tốt hơn?

Ông càng tự tin với lập luận của mình khi nhìn vào sự khó khăn của nền dân chủ trong việc đối phó với thiên tai, đặc biệt những thảm họa ở xa. Làm thế nào chúng ta có thể tập trung chú ý và ý chí vào những vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm khi nạn nhân của nó là những người ở xa tít tắp hay ở tận tương lai? Bị ảnh hưởng bởi "hội chứng mệt mỏi vì tận thế”, chúng ta rơi vào trạng thái mà ông gọi là “ngơ ngẩn buồn vui thất thường”, lưỡng lự giữa sốt sắng và thờ ơ. Một lần nữa, điều này có thể quá bi quan.

Ông cũng bác bỏ ngay lập tức những lời kêu gọi cho chế độ “tri thức chủ” — trao quyền hạn cho những cử tri có học thức và giàu kinh nghiệm. Những vụ rối ren liên quan đến bầu cử gần đây, chẳng hạn như Brexit, có thể quy trách nhiệm cho những kẻ nham hiểm đã chiến thắng bằng cách nói dối những người thiếu hiểu biết, nhưng việc những kẻ tinh anh cố hữu cai trị đã khiến những sai lầm này không thể sửa chữa được; quyền bầu cử phổ thông, bình đẳng, tạo cơ hội để lật đổ những kẻ đó, ngay cả khi muộn màng và tốn nhiều tiền bạc.

Điểm yếu duy nhất của cuốn sách là nó tập trung quá nhiều vào nền dân chủ bầu cử và không mấy đề cập đến xã hội pháp quyền và xã hội dân sự. Không phải các chính trị gia, mà là các thẩm phán công bằng, các cảnh sát trung thực, có trách nhiệm, cùng với những người dân tốt bụng và biết kiềm chế mới là những nhân tố quan trọng trong việc định hình cuộc sống của chúng ta. “Dân chủ” là cách gọi ngắn gọn của một khái niệm rộng hơn về xã hội công bằng và tự do. Nền dân chủ cũng có thể lâm nguy — nhưng vì những lý do vượt quá phạm vi của cuốn sách thú vị và súc tích này.

How Democracy Ends, Hardcover – June 5, 2018
by David Runciman (Author)
256 pages. $17.49

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc