Chịu đựng gian khổ

Kevin Chong phân tích câu chuyện về một hình tượng ngôi sao đa văn hóa

nguồn: the-tls,
Bích Nhàn dịch, Quỳnh Anh hiệu đính

Bruce! Victoria Harbor, Hong Kong. Photo courtesy cloud.shepherd.

Giống như Elvis Presley và Tupac Shakur, danh tiếng của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long (tên tiếng Anh : Bruce Lee) vẫn mang lại doanh thu sau khi anh qua đời. Bộ phim Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon) công chiếu một tuần sau cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long hồi năm 1973 đã gây tiếng vang trên toàn thế giới. Trước đó, Lý Tiểu Long từng tham gia vào ba bộ phim hành động mỳ ăn liền kiểu Hồng Kông, nhưng chỉ tới bộ phim gián điệp võ thuật giật gân này – sản phẩm hợp tác với Mỹ duy nhất Lý Tiểu Long đóng vai chính mang thương hiệu Hollywood – đã làm nên tên tuổi của anh. Không lâu sau một ngành công nghiệp "tận dụng Lý Tiểu Long" đã
nổi lên: những nhà làm phim Hồng Kông vô đạo đức truyền bá thông tin sai lệch rằng Lý Tiểu Long vẫn còn sống, và làm phim nhái với những diễn viên bắt chước mang nghệ danh như Bruce Li, Bruce Le và Bruce Lai. Bộ phim Tử vong du hý (năm 1978) ra mắt sau khi Lý Tiểu Long qua đời đã chắp vá vài phút phân cảnh võ thuật chưa được công chiếu thành một bộ phim trong đó các diễn viên đội mũ bảo hiểm.

Cuộc đời khác thường, ngắn ngủi và không màng chính trị của Lý Tiểu Long đã biến anh thành một biểu tượng đa dạng. Trong năm thập kỷ kể từ sau khi anh qua đời, anh được coi là người đã cách tân võ thuật Trung Hoa, người mở đường cho sự "hữu hình hóa" người Mỹ gốc Á, biểu tượng giải phóng da màu , người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa và cha đỡ đầu của bộ môn võ thuật hỗn hợp (MMA). (Nhiều người hâm mộ anh sau này , trong đó có cả võ sĩ Manny Pacquiao, cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant và nam diễn viên Mickey Rourke, cũng có nhận xét như vậy trong bộ phim tài liệu Tôi là Lý Tiểu Long, năm 2012.) Trích trong cuốn sách mới đầy mê hoặc của Matthew Polly về Lý Tiểu Long: Cuốn sách ‘A Life’ (tạm dịch: Một cuộc đời), Lý Tiểu Long xuất hiện nổi bật với hình thể 65kg, và tổng hợp nhiều đặc điểm cực đoan trái ngược : một kẻ liều lĩnh nóng tính thích triết học, một người say mê võ thuật Trung Hoa với kỹ thuật đánh vay mượn từ Muhammad Ali và kiếm thuật phương Tây; một người chồng và người cha đầy tình yêu thương nhưng lại tiêu xài phần lớn tiền kiếm được vào những chiếc xe hơi thể thao và là người có nhiều tin đồn tình ái gây náo loạn báo giới Hồng Kông.

Mặc dù có rất nhiều tài liệu từ năm 1973, cuốn tiểu sử của Polly được biết tới là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu nghiêm túc về cuộc đời và tác động của Lý Tiểu Long. Polly là một học giả Rhodes biết tiếng Hán, nghiên cứu võ thuật Trung Hoa tại Thiếu Lâm Tự, và cách tiếp cận của tác giả về câu chuyện của Lý Tiểu Long dựa trên nghiên cứu thực tế kĩ lưỡng – chẳng hạn như những câu chuyện trong nhà kể về việc Lý Tiểu Long trốn học ở trường, đã được Polly kiểm chứng và bác bỏ thông qua học bạ của Lý Tiểu Long – và mang đầy chất tiểu thuyết. Phần hay nhất của cuốn sách này là những cảnh thực chiến mà Polly miêu tả. Những cảnh ấy thường diễn ra trên những nóc nhà ở Hồng Kông, và không một cú đá hay tư thế nào từng xảy ra mà không được nhắc đến:

Lần thứ ba Lý Tiểu Long vờ tấn công, Chung chỉ lùi lại nửa bước cùng lúc tung một cú đấm bằng tay phải. Thấy đối thủ mất thăng bằng, Lý Tiểu Long đã tận dụng cơ hội và nhanh chóng lao lên trước.... Chung bị hộc máu, hai chân loạng choạng và thối lui về phía sau.

Polly bắt đầu nghiên cứu của mình từ người cha Lý Hải Tuyền của Lý Tiểu Long, lúc mười tuổi, ông Lý đứng bên ngoài một nhà hàng Quảng Đông và hét lên theo kiểu rất đặc biệt: thật bất ngờ, ông được một đoàn kịch Quảng Đông phát hiện tài năng. Lý Tiểu Long sinh năm 1940 tại Oakland, California, vào thời điểm cha của anh đang đi biểu diễn tại Mỹ cùng vợ là Hà Ái Du, một người có địa vị xã hội và lai nhiều dòng máu. (Nhờ bà, Lý Tiểu Long mang trong mình dòng máu lai cả Anh và Hà Lan-Do Thái.) Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông từ năm 1941 đến năm 1945, nhờ năng lực ngôi sao của ông Lý trong vai trò diễn viên kịch và đóng phim mà gia đình ông có thể trang trải cuộc sống. Tài năng của Lý Tiểu Long bộc lộ từ rất sớm: anh từng là diễn viên nhí, vô địch nhảy cha-cha và môn sinh của phái Vịnh Xuân. Anh dùng vũ lực để thống trị bất kỳ băng nhóm nào, và Polly có đề cập đến một người bạn thời thơ ấu, "mô tả tính cách của Lý Tiểu L ong thời trẻ là 'đánh răng', [tiếng Quảng Đông] tiếng lóng để chỉ một người khoe khoang, tự phụ, tự mãn". Năm 1959, sau một vụ ẩu đả khiến anh gặp rắc rối với hiệu trưởng – trước đó Lý Tiểu Long từng bị đuổi khỏi một trường Công giáo tiếng Anh khác vì tụt quần và sơn đỏ chim một bạn học – cha mẹ anh đã gửi anh sang Mỹ để học nốt cấp học ở Seattle.

Kể từ đây, chàng trai trẻ nóng nảy trở nên lép vế. Khi còn học trung học và sau đó là Đại học Washington, Lý Tiểu Long từng rửa bát tại nhà hàng của một người bạn của gia đình; anh kết hôn với Linda Emery, và mẹ cô không tán thành cuộc hôn nhân khác sắc tộc của hai người. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long đã chín chắn trưởng thành thông qua nghịch cảnh – chính là điều mà người Trung Quốc gọi là "ngật khổ" (nd: ý chỉ sự chịu đựng thử thách gian khổ) – hợp nhất thiên hướng thô bạo nóng nảy của anh cùng với triết lý vào chiến đấu. Anh đã tạo ra võ phái riêng mình, Triệt Quyền Đạo (môn nghệ thuật chiến đấu cắt đứt đường quyền của đối phương), có sự kết hợp của võ thuật Trung Hoa – nổi tiếng với nhiều động tác phức tạp – với các hình thức chiến đấu hiệu quả hơn như đấu kiếm và quyền Anh.

Rốt cuộc sau này Lý Tiểu Long từ bỏ kế hoạch mở chuỗi võ đường vì sự nghiệp diễn xuất. Dễ thấy rằng sự nghiệp khác thường của Lý Tiểu Long ở Hollywood chính là bộ phim hành động: một con người không sợ hãi một mình chiến đấu với cả hệ thống và lịch sử phân biệt chủng tộc. Trong số rất nhiều người bị mê hoặc bởi tính cách hấp dẫn của Lý Tiểu Long, có cả Steve McQueen và Roman Polanski, cả hai đều trở thành đệ tử của anh, và nhiều giám đốc các hãng phim, những người ban đầu nghĩ rằng họ không thể vượt qua được hố sâu ngăn cách giữa chất ngôi sao họ thấy bên trong con người anh và sự đề cao người da trắng của điện ảnh thế giới.

Khi hạ mình vào vai người lái xe trong loạt phim hành động tội phạm ‘Ong bắp cày xanh’ (1966), Lý Tiểu Long đã vạch ra giới hạn khi thể hiện nhân vật cu li người châu Á trong phim ảnh phương Tây. "Hầu hết đều muốn tôi đeo tóc đuôi sam [kiểu người Mãn Thanh] nhưng tôi sẽ không làm thế", anh cho biết. "Tôi không quan tâm số tiền họ trả cho tôi." Polly kể chi tiết về nhiều dự án đã mòn mỏi chờ đợi được làm tiếp trong suốt thời kỳ của Lý Tiểu Long ở Hollywood. Một trong số những sỉ nhục trong giới chuyên nghiệp đối với Lý Tiểu Long là anh bị mất vai chính trong bộ phim truyền hình Kung Fu vào tay diễn viên da trắng David Carradine.

Giải thích ngắn gọn về các sắc thái trong văn hóa Trung Quốc –chúng ta được biết rằng Lý Tiểu Long sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng với người lớn tuổi bằng cách gọi thẳng tên họ chứ không gọi bằng danh xưng (ví dụ: “A di” để gọi dì ruột)–Polly mô tả trường hợp câu chuyện của Lý Tiểu Long là một sự hợp nhất văn hóa. "Trong cuộc đời", Polly viết, "Lý Tiểu Long cố gắng đứng giữa Đông Tây." Nhưng theo một cách nào đó, anh phù hợp hơn với vai trò "đứa trẻ của nền văn hóa thứ ba"– thông thạo cả hai nền văn hóa nhưng cũng có khoảng cách với cả hai, tự tạo ra và khẳng định không gian cho riêng mình. Chất Trung Hoa của Lý Tiểu Long thể hiện rõ ràng đối với khán giả phương Tây, nhưng anh dường như lại xa lạ trong chuyến trở về Hồng Kông vào năm 1971, nơi anh đánh cược vị trí diễn viên phụ ở Hollywood để lấy vai chính. "Tôi còn hơn cả Beatles", Lý Tiểu Long nói với những người bạn Mỹ sau khi phát hành phim Đường Sơn đại huynh (The Big Boss-1971), bộ phim hành động Hồng Kông đầu tiên của anh.

Phong cách Mỹ của 'Tiểu Long' (nghệ danh Hồng Kông) thể hiện một cách đáng chú ý nhất trong sự khinh thường đối với cấp bậc: anh cãi nhau với đạo diễn và ăn trưa ở phim trường với các diễn viên đóng thế. Nhiều bộ phim Hồng Kông của Lý Tiểu Long, bao gồm Mãnh Long quá giang (The Way of the Dragon), do anh tự đạo diễn, có phần lồng tiếng Anh rất tệ và chỉ gây chú ý trong các cảnh chiến đấu (trong đó Lý Tiểu Long là một trong những ngôi sao Trung Quốc đầu tiên đánh bại diễn viên da trắng, bao gồm cả Chuck Norris). Qua việc làm quen với các bạn diễn và cộng sự Trung Quốc của Lý Tiểu Long, Polly phác họa một cách súc tích mô hình công nghiệp của hệ thống ngôi sao Hồng Kông và cách tiếp cận làm phim của họ, đây là điểm Lý Tiểu Long cho là bất lợi so với Hollywood.

Câu chuyện về cuộc đời của Lý Tiểu Long kết thúc giữa thời kì đang phát triển đỉnh cao, khung cảnh cuối cùng đóng băng trong Tinh Võ Môn (Fist of Fury - 1972) cũng giống như sự nghiệp của anh đang đi lên. Trong quá trình quay phim Long tranh hổ đấu, Lý Tiểu Long đã ngất đi tại một phòng thu âm nóng nực trong lúc ghi âm lời thoại, và qua đời hai tháng sau đó. Nhiều tin đồn giả thuyết gây tranh cãi xuất hiện về những gì có thể đã xảy ra, và Lý Tiểu Long: ‘Một Cuộc đời’ kết thúc bằng một cái kết dài khi Polly tháo gỡ các chi tiết. Polly đưa ra một lời giải thích đơn giản: sốc nhiệt. Ý kiến này phù hợp với giai thoại về phản ứng thể chất kém của Lý Tiểu Long đối với nhiệt độ cao và ca phẫu thuật mà anh trải qua ba tháng trước khi chết để loại bỏ tuyến mồ hôi vì lý do thẩm mỹ.

Xem những bộ phim của Lý Tiểu Long sau khi đọc tiểu sử của anh từ tác giả Polly, người ta nhận thấy rằng anh là một hiện diện khác thường ngay cả trong những bộ phim võ thuật sến sẩm. Những màn nhào lộn trong các bộ phim võ thuật Trung Hoa có sự tham gia của Thành Long hay Lý Liên Kiệt– các ngôi sao này xoạc thẳng hoàn toàn hai chân của mình trên hai bàn về hai phía, hay gạt bỏ nắm đấm của đối thủ một cách thản nhiên, đều thật phi thường; nhưng Lý Tiểu Long có thể thuyết phục người xem rằng anh đang chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến ở đấu trường La Mã với Norris trong Mãnh Long quá giang có nhịp điệu chờ đợi-chờ đợi-ra đòn mà theo Polly, Lý Tiểu Long đã lấy cảm hứng từ các bộ phim samurai.

Sự lan truyền triết lý của Lý Tiểu Long – thể hiện rõ nhất trong các cuộc chiến tự do của võ thuật hỗn hợp – cũng ấn tượng không kém. Thể hiện qua nắm đấm là một thế giới quan vay mượn những gì hữu ích từ tất cả các nền văn hóa, và bắt nguồn từ một chủ nghĩa hành động là tinh hoa của Trung Quốc. Có phần đối ứng rõ ràng trong hệ thống được gọi là "Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc", qua đó chế độ cộng sản Trung Quốc đã tạo ra sự giàu có xa hoa và những đô thị rực rỡ ‘lý tưởng hóa’ cả thế kỷ chịu nhiều gian khổ. Sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở thuộc địa của Anh, Lý Tiểu Long có lẽ là biểu tượng toàn cầu đầu tiên mang nhãn hiệu "Sản xuất tại Trung Quốc" như một khẳng định về (sản phẩm) chất lượng.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc