Hãy dũng cảm tuyên bố chủ nghĩa tư bản đã chết - trước khi nó kéo theo tất cả chúng ta

Photo by Cata on Unsplash.

nguồn: the Guardian, by George Monbiot,

Bích Nhàn dịch, Minh Thu hiệu đính

Hệ thống kinh tế không còn thích hợp với việc duy trì sự sống trên Trái đất. Đã đến lúc kiến tạo một hệ thống mới.

Tôi đã dành phần lớn quãng thời gian trưởng thành của mình để chửi bới những thứ gọi là "chủ nghĩa tư bản tập đoàn", "chủ nghĩa tư bản tiêu dùng" và "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Phải mất một thời gian dài tôi mới nhận ra rằng vấn đề không nằm ở từ đi kèm sau nó mà chính ở bản thân nó - chủ nghĩa tư bản. Trong khi một số người vui vẻ và nhanh chóng gạt bỏ chủ nghĩa tư bản, tôi lại khá chậm chạp và miễn cưỡng. Một phần lý do là vì tôi chưa tìm được sự thay thế rõ ràng nào: không giống như một số người chống tư bản, tôi chưa bao giờ hứng thú với chủ nghĩa cộng sản. Tôi cũng quan ngại với tính chất tuyên truyền, thần thánh hóa của nó. Nếu nói "chủ nghĩa tư bản sẽ thất bại" ở thế kỷ 21 chẳng khác nào nói rằng "Thượng đế đã chết" ở thế kỷ 19: đó là sự
báng bổ thế tục. Làm được điều đó cần phải có một mức độ tự tin nào đó mà tôi thì không có.

Nhưng khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra hai điều. Đầu tiên, chính bản thân hệ thống này, chứ không phải là bất kỳ biến thể nào của nó, đẩy chúng ta đến thảm họa không thể tránh khỏi. Thứ hai, bạn không cần phải tạo ra một hệ thống thay thế cụ thể nào để chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản sẽ thất bại. Nhận định này, tự nó đã cho thấy sự đúng đắn. Tuy nhiên, việc phát triển một hệ thống mới đòi hỏi một nỗ lực hơn nữa, một nỗ lực khác biệt.

Thất bại của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ hai yếu tố cơ bản của nó. Yếu tố cơ bản đầu tiên là tăng trưởng vô hạn. Tăng trưởng kinh tế là thành quả tổng hợp của quá trình tích lũy vốn và thu về lợi nhuận. Chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ khi không có tăng trưởng, vậy nhưng sự tăng trưởng vô hạn trên một hành tinh hữu hạn tất yếu sẽ dẫn đến thảm họa môi trường.

Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tranh luận rằng, khi việc tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sang loại hình dịch vụ, tăng trưởng kinh tế có thể tách rời (decouple*) khỏi việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuần trước, một bài báo của Jason Hickel và Giorgos Kallis được đăng trên tạp chí New Political Economy, đã kiểm chứng cơ sở của lập luận này. Họ phát hiện ra rằng trong khi đúng là hiện tượng “tách rời” đã diễn ra đến một mức độ nào đó ở thế kỷ 20 (tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tăng nhưng không nhanh bằng tăng trưởng kinh tế), thì ở thế kỷ 21, hiện tượng “tái nhập” xuất hiện: việc tiêu thụ tài nguyên đã tăng tới mức ngang bằng hoặc vượt qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Việc tách rời hoàn toàn để ngăn chặn thảm họa môi trường (giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên) chưa từng đạt được, và đó rõ ràng là điều bất khả khi mà tăng trưởng kinh tế vẫn đang gia tăng. Tăng trưởng xanh là một sự ảo tưởng.

Một hệ thống dựa trên sự tăng trưởng vô hạn không thể hoạt động mà không có các vùng biên (periphery) và ngoại ứng (externality) của nó. Trong hệ thống ấy phải luôn có một khu vực khai thác, nơi các vật liệu bị lấy đi mà không được trả giá xứng đáng, và một khu xả thải, nơi mà chi phí phải trả chính là chất thải và chất gây ô nhiễm. Khi quy mô hoạt động kinh tế tăng lên tới ngưỡng chủ nghĩa tư bản có tác động lên mọi thứ, từ bầu khí quyển đến đáy đại dương thì toàn bộ hành tinh này trở thành khu vực hiến tế: tất cả chúng ta đều sống ở vùng biên của cỗ máy tạo ra lợi nhuận.

Nó sẽ đẩy chúng ta tới những đại thảm họa mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Nguy cơ sụp đổ của các hệ thống hỗ trợ cuộc sống lớn hơn nhiều so với vấn đề chiến tranh, nạn đói, dịch hạch hay khủng hoảng kinh tế, dù rất có thể nó bao gồm cả bốn yếu tố đó. Xã hội có thể phục hồi sau những thiên tai khốc liệt nhưng không thể phục hồi khi đã mất đất đai, sinh quyển phong phú và bầu khí hậu có thể cư trú.

Yếu tố thứ hai khiến chủ nghĩa tư bản thất bại là nó có một giả định kỳ quái cho rằng một người có thể chi bao nhiêu tiền thì có quyền được hưởng bấy nhiêu tài sản tự nhiên của thế giới. Việc chiếm hữu này gây ra thêm ba tác động tiêu cực khác. Đầu tiên, tranh giành sự kiểm soát độc quyền đối với các tài sản không thể tái tạo, điều này sẽ dẫn đến việc sử dụng bạo lực hoặc xâm phạm quyền hợp pháp của người khác. Thứ hai, biến người khác thành kẻ nghèo bằng một nền kinh tế dựa trên sự bóc lột cả không gian và thời gian. Thứ ba, chuyển quyền lực kinh tế thành quyền lực chính trị, bởi việc kiểm soát các nguồn lực thiết yếu sẽ dẫn đến việc kiểm soát các mối quan hệ xã hội xung quanh họ.

Trên tờ New York Times ngày Chủ nhật, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã đưa ra cách phân biệt giữa chủ nghĩa tư bản tốt mà ông cho là "tạo ra sự giàu có", với chủ nghĩa tư bản xấu là "trấn đoạt để được sự giàu có " (bòn rút lợi tô [extracting rent]). Tôi hiểu sự phân biệt của ông ấy. Nhưng từ quan điểm về môi trường, tạo ra sự giàu có chính là trấn đoạt để được sự giàu có. Tăng trưởng kinh tế thực chất gắn liền với việc gia tăng sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chiếm lấy của cải tự nhiên từ hệ sinh thái hiện tại và thế hệ tương lai.

Người chỉ ra những vấn đề như vậy sẽ nhận lại một loạt chỉ trích, rất nhiều trong số chúng đều dựa trên suy nghĩ cố hữu này: chủ nghĩa tư bản đã từng giải thoát hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo - vậy mà giờ anh lại muốn đẩy họ về đói nghèo lần nữa ư? Đúng là chủ nghĩa tư bản, và sự tăng trưởng kinh tế mà nó khuyến khích, đã giúp rất nhiều người gia tăng của cải, nhưng đồng thời nó cũng hủy hoại của cải của nhiều người khác: những người mà đất đai, sức lao động và các nguồn lực của họ bị cướp đi để làm nguyên liệu cho tăng trưởng ở nơi khác. Phần lớn tài sản của các quốc gia giàu có đã - và đang - được xây dựng dựa trên chế độ nô lệ và sự chiếm đoạt tài sản từ các nước thuộc địa.

Giống như than, chủ nghĩa tư bản đã mang lại nhiều lợi ích. Nhưng, cũng giống như than, giờ nó gây hại nhiều hơn lợi. Như cách chúng ta đã tìm thấy các phương thức tạo ra năng lượng hữu ích hơn và ít gây hại hơn than, nên chúng ta cũng cần tìm các phương thức tạo ra nhiều phúc lợi hơn cho con người và ít gây tổn hại hơn chủ nghĩa tư bản.

Sẽ không có chuyện đi giật lùi: thay thế cho chủ nghĩa tư bản sẽ không phải là chế độ phong kiến hay nhà nước cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản Liên Xô có nhiều nét tương đồng với chủ nghĩa tư bản hơn những gì mà người ủng hộ của bất kỳ bên nào muốn thừa nhận. Cả hai hệ thống đều đang (hay đã từng bị) ám ảnh với việc tạo ra tăng trưởng kinh tế. Cả hai đều sẵn sàng xuống tay tàn bạo đến mức không ngờ để đạt được mục đích trên và cả những mục đích khác. Cả hai đều hứa hẹn một tương lai mà ở đó chúng ta chỉ cần làm việc vài giờ một tuần, nhưng (thực tế) thay vào đó lại là sự lao động liên tục và khắc nghiệt. Cả hai đều vô nhân đạo như nhau. Cả hai đều là những kẻ tuyệt đối, khăng khăng cho rằng bản thân họ và chỉ một mình họ là Đấng tối cao thực sự.

Vậy thì một hệ thống tốt hơn sẽ như thế nào? Tôi không có câu trả lời trọn vẹn và tôi tin cũng không ai có. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã thấy một hình mẫu sơ khai đang được hình thành. Một phần của nó sẽ dựa trên nền văn minh sinh thái – ý tưởng của Jeremy Lent một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Các ý tưởng khác đến từ tư tưởng “nền kinh tế donut”** của Kate Raworth và tư duy về môi trường của Naomi Klein, Amitav Ghosh, Angaangaq Angakkorsuaq, Raj Patel và Bill McKibben. Lời hồi đáp cho những tư tưởng này một phần nằm ở quan niệm “mỗi người biết đủ, quốc phú dân an” (private sufficiency, public luxury). Một phần khác xuất phát từ việc tạo ra một quan niệm mới về công bình theo một nguyên tắc đơn giản: mọi thế hệ, ở mọi nơi, đều có quyền bình đẳng hưởng thụ tài sản tự nhiên.

Tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng ta là xác định được những đề xuất tốt nhất từ các nhà tư tưởng khác nhau và định hình chúng thành một lựa chọn thay thế thống nhất, hài hòa. Bởi vì không có hệ thống kinh tế nào là hệ thống kinh tế đơn thuần mà nó sẽ luôn can thiệp vào mọi khía cạnh trong cuộc sống, chúng ta cần nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau - kinh tế, môi trường, chính trị, văn hóa, xã hội và hậu cần - bắt tay với nhau để tạo ra một cách tổ chức tốt hơn đáp ứng nhu cầu của chúng ta mà không tàn phá ngôi nhà chung.

Sự lựa chọn của chúng ta sẽ quyết định điều này. Liệu chúng ta sẽ chọn bỏ mặc sự sinh tồn để chủ nghĩa tư bản tiếp tục, hay chấm dứt chủ nghĩa tư bản để tiếp tục sinh tồn?


* Decouple: thuật ngữ được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD dùng để chỉ sự phá vỡ mối liên kết giữa việc sản xuất kinh tế với các tác động xấu của nó lên môi trường. Ngoài ra, decouple còn là một lý thuyết trong kinh tế học (thuyết phân ly) chỉ mối tương quan giữa kinh tế Mỹ và châu Á.

** doughnut economics: một mô hình kinh tế được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động của một nền kinh tế theo mức độ đáp ứng nhu cầu của con người mà không vượt qua trần sinh thái của Trái đất.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc