Các chính sách tăng trưởng xanh hiện tại không đủ để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris

Photo by aurora.kreativ on Unsplash.

nguồn: phys.org,

Bảo Ngọc dịch, Minh Thu hiệu đính,

Nghiên cứu mới cho thấy các chính sách tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu là không đủ để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C vào cuối thế kỷ này.

Các chính sách tăng trưởng xanh đóng vai trò chủ chốt trong quá trình giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng chúng có thể đóng góp bao nhiêu cho quá trình khử cacbon nhanh chóng? Jonas Sonnenschein tại Đại học Lund đã đánh giá tác động và tiềm năng của các chính sách tăng trưởng xanh giảm thiểu biến đổi khí hậu trong luận án tiến sĩ của mình"Tăng trưởng xanh và quá trình khử cacbon nhanh? Đánh giá mục tiêu chính sách, lựa chọn công cụ và cơ chế hành vi."

"Các chính sách tăng trưởng xanh gần như không
phù hợp cho việc giảm nhanh lượng khí thải CO2 vì chúng tập trung quá nhiều vào phát triển kinh tế, xem nhẹ các hành vi thực tế của con người và bỏ qua sự can thiệp gay gắt hơn của các chính sách khác như là các quy định và tiêu chuẩn", Jonas Sonnenschein giải thích.

Các kết luận của luận án cho thấy, cho đến nay, các chính sách tăng trưởng xanh vẫn chưa có hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình khử cacbon nhanh chóng cần thiết để đạt được các Mục tiêu Paris. Có hai nghiên cứu điển hình ủng hộ tuyên bố này, bao gồm một nghiên cứu về Chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và một nghiên cứu về sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc phát triển công nghệ năng lượng carbon thấp ở các nước Bắc Âu.

Jonas Sonnenschein cho rằng, "chúng ta cần nghiên cứu và đề xuất các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu thực sự phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris để có thể thúc đẩy hiệu quả quá trình khử cacbon nhanh chóng cần thiết. Trường hợp của Hàn Quốc đã chỉ ra rằng các chiến lược tăng trưởng xanh theo định hướng tăng trưởng cùng lắm chỉ có thể giảm nhẹ việc xả khí thải, và cần có các chính sách nghiêm ngặt hơn để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris."

Hơn nữa, sự hỗ trợ của các phát minh công nghệ về carbon thấp cũng cần phải phản ánh được nhu cầu khử cacbon nhanh. Nghiên cứu trường hợp ở Bắc Âu đã chỉ ra rằng trước đây đầu tư công cho nghiên cứu và phát triển còn quá thận trọng và tập trung vào các khía cạnh thương mại hơn là vào tiềm năng khử cacbon, Jonas Sonnenschein tóm gọn.

Nghiên cứu tác động của các yếu tố hành vi cũng là trọng tâm trong luận án và các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến việc thiết kế và lựa chọn các chính sách khí hậu tăng trưởng xanh bằng nhiều cách khác nhau.

"Trong luận án của mình, khi nghiên cứu các chính sách khí hậu tăng trưởng xanh, tôi cân nhắc sự thay đổi ở lĩnh vực công nghệ và cả sự thay đổi hành vi. Tôi thấy rằng, trên cả sự thay đổi công nghệ, những hiểu biết về các yếu tố hành vi có thể hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách và thúc đẩy tính hiệu quả của các chính sách tăng trưởng xanh giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thay đổi công nghệ như vậy là không đủ để giảm thiểu biến đổi khí hậu và chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến những tác động mà việc hiểu biết về hành vi có thể tạo ra đối với việc hoạch định chính sách,"Jonas Sonnenschein nói.

Một chính sách thường được đề xuất để đạt được mức giảm xả thải CO2 lớn hơn đó là định giá carbon. Để hiểu các cơ chế hành vi liên quan đến định giá carbon, hai nghiên cứu điển hình đã được thực hiện, một nghiên cứu tập trung vào thị trường Anh cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng và một về giao thông cá nhân ở Thụy Điển.

Trong nghiên cứu ở Thụy Điển, những người tham gia được hỏi liệu họ sẵn sàng trả bao nhiêu cho phụ phí khí hậu đối với vé máy bay, cho một khoản phụ phí tương tự đối với nhiên liệu, và cuối cùng là cho việc bù đắp lượng khí thải CO2 của họ một cách tự nguyện. Kết quả cho thấy hầu hết mọi người sẵn sàng trả phụ phí khí hậu cho vé máy bay, tiếp theo là phụ phí cho nhiên liệu và bù đắp tự nguyện.

Jonas Sonnenschein lập luận rằng, "những phát hiện trên cho thấy các nghiên cứu hành vi có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị để hỗ trợ cho việc lựa chọn, thiết kế và thực hiện các chính sách khí hậu tăng trưởng xanh,"

và kết luận "nếu định giá carbon cân nhắc đến những hiểu biết hành vi như vậy, nó có thể trở thành yếu tố trung tâm trong tổ hợp chính sách khí hậu tăng trưởng xanh. Định giá carbon phải mang tính bắt buộc, toàn diện, có ưu đãi lớn về giá, quan tâm đến mức độ chênh lệch, được quy định rõ ràng và dành riêng doanh thu của nó cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thì nó mới có thể thúc đẩy quá trình khử cacbon nhanh chóng."

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc