Sách "Biến động" - tranh bìa thật đẹp

shared from fb hoai phuong tran,
-----
Nhân bộ sách của Jared Diamond in xong và phòng truyền thông phỏng vấn "Sao lại chọn tranh đó cho bìa cuốn đó", bèn note sơ bộ như sau

1. Súng, Vi trùng và Thép: Tên tranh "La captura de Atahualpa" Bức tranh của họa sĩ người Peru có tên Juan Lepiani (1864 – 1832) tái hiện trận chiến Cajamarca.

Trong Chương 3 cuốn sách, tác giả đã tái hiện cuộc va chạm giữa các dân tộc từ các lục địa khác nhau, bắt đầu với trận Cajamarca năm 1532, nơi Francisco Pizarro với một nhúm quân Tây Ban Nha đã bắt sống Hoàng đế Inca ngay trước mắt toàn bộ đội quân của ông. Theo Diamond, các yếu tố trực tiếp dẫn đến việc Pizarro đến Inca để bắt sống Atahualpa thay vì ngược lại, vị Hoàng đế này đến Madrid để bắt sống vua Charles Đệ Nhất, chính là Vi trùng, ngựa, chữ viết, Tổ chức chính trị và Công nghệ (biểu tượng là súng/vũ khí). Tác giả gọi đây là khoảnh khắc kịch tính nhất giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa từ đó về sau.

2. Thế giới cho đến ngày hôm qua: Tên tranh "Islanders and monuments of Easter Island", nằm trong tập "Atlas de Voyage de La perousse". Đảo Phục Sinh - một hòn đảo ở Đông Nam Thái Bình Dương, là một trong những nơi hẻo lánh nhất thế giới, nơi có những xã hội sơ khai còn sinh sống khi người châu Âu đến đây. Trong cuốn sách, Diamond đã quan sát và mô tả các xã hội sơ khai ít ỏi còn tồn tại cho đến ngày nay như những phương tiện để quan sát xã hội loài người "cho đến ngày hôm qua", nghĩa là khoảng thời gian 13.000 năm của loài người cũng mới chỉ như vừa hôm qua so với 6 triệu năm tiến hóa trước đây. Những thay đổi ở các xã hội sơ khai này tương tự với những gì loài người đã trải quan trong 13.000 năm nhưng ở mức độ rút gọn hơn rất nhiều về thời gian. Việc quan sát các xã hội truyền thống này cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn vào lối sống, tập tục, đời sống tinh thần… của chính chúng ta ngày nay, bởi chúng ta không phải đoạn tuyệt với truyền thống, mà những điều đó vẫn tồn tại bên chúng ta và trong chúng ta.

3. Sụp đổ: Bức tranh "Destruction" nằm trong series có tên The Course of Empire do họa sĩ Mỹ gốc Anh Thomas Cole vẽ trong những năm từ 1833-1836. Cảnh hủy diệt này mô tả lại bối cảnh thành Roma năm 455 bị người Vandal tàn phá và sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ nền văn minh Đế quốc La Mã (vào năm 476, năm vị vua cuối cùng bị phế truất).

Khi đề cập đến chi tiết này trong cuốn Sụp đổ, Diamond đã đặt câu hỏi: Cuối cùng, chính những người dã man chứ không phải người La Mã đã chiến thắng. Vậy nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi vận mệnh này là gì. Theo ông, La Mã bị sụp đổ ko phải bởi đối thủ, mà bởi những vấn đề của chính bản thân nó, mà cuộc chiến này chỉ là một đòn cuối cùng làm nó đổ sụp. Đây là một trong các yếu tố có tính nguyên nhân mà Jared Diamond phân tích trong cuốn sách nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao có những nền văn minh sụp đổ, và ngược lại có những nền văn minh/những xã hội lại sống sót và thành công?

4. Biến động: Tranh "A Samurai rides to a meeting with Commodore Matthew Perry" của Ishii Shigeo, hoạ sĩ Nhật đầu thế kỉ 20. Bức tranh mô tả cảnh một trí thức có óc tân tiến là Yoshida Shoin chèo thuyền về phía "hạm đội đen" của Matthew C. Perry với ý định lẩn trốn trên tàu để sang phương Tây học hỏi. Perry là Phó Đề đốc Mỹ đến Nhật Bản năm 1853-1854 đòi mở cửa nước này để giao thương, áp đặt thỏa thuận bất bình đẳng đầu tiên giữa Nhật và một quốc gia phương Tây. Shoin đã bị bắt vì hành động này rồi bị giam lỏng ở quê nhà. Sau này Shoin mở trường dạy học, chỉ thu nhận mấy chục học trò nhưng học trò về sau đều thành danh, có người làm thủ tướng Nhật, tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo của các bộ ngành... Bức tranh này thể hiện cách thức mà một cá nhân/quốc gia ứng phó trước biến động, khủng hoảng lớn và hàm ý về những hệ quả tương ứng.


Bài trước: Đã đến lúc cần chấm dứt đối sách đi dây?
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc