Chợt thương Nguyễn Huệ

shared from fb nguyễn đức thành,
-----
Anh em Tây Sơn từ khi nổi loạn cho đến khi được nước, lúc nào tình cảnh cũng như trứng để đầu gậy, không lúc nào yên. Đó là điều đáng thương vậy. 

Tất nhiên nghiệp của Tây Sơn do họ tự tạo. Mầm bại vong chí tử của anh em Tây Sơn là họ không có một tầm nhìn cụ thể về hiện tại cũng như tương lai cho giang sơn mà họ chiếm được. Điều này dễ hiểu vì họ không được chuẩn bị cho điều ấy. 

Sai lầm lớn nhất của Nguyễn Nhạc là thiết lập chế độ phong kiến cát cứ, chia đất nước thành những vùng khác nhau cho các em cai trị. Đây là mô hình khiến phong trào Tây Sơn không củng cố được sức mạnh mà họ đã có được nhờ bạo lực, chứ chưa nói đến phát triển nó lên. 

Vì sự cát cứ này, lãnh thổ của Nguyễn Nhạc nằm ở miền Trung vô tình trở thành phên dậu giúp Nguyễn Ánh ở miền Nam không phải trực tiếp đối đầu với Nguyễn Huệ ở miền Bắc. Và điều này sẽ kết liễu nhà Tây Sơn. 

Nhưng trở lại nhân vật Nguyễn Huệ. Vì sao tôi nói ông rất đáng thương. Ấy là vì do hoàn cảnh, ông đã gần như làm chủ miền Bắc là đất do ông tự chiếm lấy để có một chút không gian sinh tồn. Nhưng dân Bắc Hà chưa bao giờ đón nhận ông, và ông hiểu điều đó nguy hiểm chừng nào. Nên ông phải chọn Nghệ An là nơi lập kinh đô, để vừa đủ xa cũng như đủ gần Bắc Hà. Đồng thời lại cũng đủ gần vùng miền Trung của Nguyễn Nhạc để đợi dịp thu phục khi ông anh cả suy yếu. (Nếu đúng thế, thì chứng tỏ ông cũng chưa hiểu dân Thanh-Nghệ.) Tuy nhiên, nếu ai đã tới địa bàn mà ông định xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, sẽ thấy đó là một nơi nhỏ bé, chỉ thích hợp cho một sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh mà thôi. Nguyễn Hữu Chỉnh còn sống hẳn đã khuyên can ông rồi. 

Ngay cả khi Nguyễn Huệ xây dựng xong kinh đô ở đó từ lúc còn sống, thì cũng không ai đảm bảo đó là một căn cứ bền vững cho tập đoàn của ông, xét trên phương diện lòng người và địa kinh tế-chính trị. 

Vậy là, cho tới khi sắp lâm chung, Nguyễn Huệ vẫn chưa tìm được chỗ dung thân, dù ông đã trải một đời oanh liệt. Phải ở vào thế người lãnh đạo mới thấy điều này hệ trọng thế nào. 

Lời nhắn nhủ trước lúc ra đi của ông cho thấy ông hy vọng vào kinh đô mới ở Nghệ An ra sao. Nhưng có thể ông cũng đã linh cảm được rằng đó chỉ là một cái cớ để cho các triều thần của ông hy vọng thôi, một cái phao tinh thần mong manh giữa cơn hồng thuỷ, mà kết cục khốc liệt dành cho Tây Sơn đã tới từ trước đó rồi.

Thương lắm thay.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc