Giới siêu giàu Đức và lối sống ẩn danh

®️ Viet Tran, shared from fb phuong nam,
-----
Hầu như mọi người đều biết Jeff Bezos, Amazon bỏ vợ thế nào, anh Mark FB lấy vợ Tào ra sao, anh Musk phê cần sa hú hét thế nào, ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp sang chảnh ra sao, Abramovich tỉ phú song tịch Nga- Israel đốt tiền thế nào nhưng rất ít người có thể nhắc tên một vị tỉ phú Đức nào đó.

Nước Đức có 153 tỉ phú tính theo giá trị công ty và hồ sơ thuế còn không thể biết được tài sản thật là có bao nhiêu. Số tỉ phú Đức nhiều nhất châu Âu, gấp đôi Anh và Pháp, đứng thứ 3 thế giới và đứng số 1 nếu tính theo tỉ lệ dân số. Có rất nhiều công ty và gia tộc giầu có nhiều đời không niêm yết, không lên sàn chứng khoán và cho đến hôm nay vẫn quản lý công ty theo mô hình gia đình. Giới siêu giàu Đức khác với các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc là họ rất thích ẩn danh. Có thể lịch sử bi thương đã dạy cho họ nhiều bài học, từ chuyện chiến tranh tàn phá, tài sản bị quốc hữu hóa, sau chiến tranh có thể bị bên thắng cuộc đưa ra tòa vì tội đóng góp cho phe thua cuộc. Sự thực thì đã nằm trong một quốc gia tham chiến tránh sao được chuyện đó. Nếu họ hở ra là có thể bị đối thủ công kích rằng họ có dính dáng đến phát xít hoặc giới cần lao ở quê hương của cụ tổ cộng sản đấu tố là giai cấp bóc lột.

Chính vì vậy người Đức cho dù rất giầu nhưng họ thường cố gắng sống ẩn danh, sống “vô hình” không khoa trương, tránh lên truyền thông, không tham gia các chương trình truyền hình kiểu Shark, không viết sách dạy làm giầu vì họ biết mỗi người một khác. Mô hình của họ có thể thành công nhưng chưa chắc đã hợp với người khác.

Ngoài ra, người Đức rất coi trọng quyền tư ẩn. Luật pháp bảo về quyền riêng tư. Các tỉ phú triệu phú, quan chức chính phủ Đức có thể hòa mình vào trong đám đông và ít bị làm phiền như những nơi khác trên thế giới. Một ông già dắt chó đi dạo trên hè phố cũng có thể là một tỉ phú. Một cụ bà bình thường trong làng nhưng hóa ra là cao thủ chứng khoán khi qua đời tặng cho hàng xóm trong làng cả chục triệu Euro lúc đó mọi người mới té ngửa.

Khi một tờ báo nêu đích danh tỉ phú Heinz của gia tộc Dürr đã mua lại và tư nhân hóa công ty xe lửa nhà nước của cả Đông Đức và Tây Đức (Deutsche Bundesbahn và Deutsche Reichsbahn) rồi hợp nhất thành Deutsche Bahn AG của tư nhân. Tỉ phú Heinz Dürr đã gọi điện đến tòa soạn xin tổng biên tập xem xét đừng đăng vì vi phạm quyền tư ẩn.

Nếu bạn google tên tỉ phú Dieter Schwarz, sẽ không tìm kiếm được thông tin gì hết ngoài một trang giới thiệu trên Wikipedia, cánh truyền thông chưa bao giờ phỏng vấn được chứ đừng nói là lên truyền hình. Không có bài báo nào nói về ông, không tài khoản mạng xã hội và không có tick xanh Facebook. Sẽ chỉ có 3 bức ảnh duy nhất chụp theo kiểu ảnh nhân viên công ty. Thông tin hình ảnh về gia đình ông, vợ con cũng hoàn toàn không có. Bức ảnh này cũng chỉ mới có khi công ty trở thành tập đoàn toàn cầu.

Nữ tỉ phú Susanne, con gái của gia tộc Quandt nổi tiếng, sở hữu tập đoàn BMW, khi mới tốt nghiệp đại học, vào làm cho công ty gia đình dưới một tên giả, làm từ vị trí nhân viên, cả tập đoàn không ai biết. Ngay cả người yêu và sau này là chồng cũng không biết thân phận thật của cô cho đến ngày cưới.

Khi Karl Albrecht, chủ của tập đoàn siêu thị Aldi qua đời, an táng xong xuôi, một tuần sau mới có một mẩu cáo phó nhỏ đăng trên báo địa phương rằng ông Karl một người thích trồng lan và đánh golf đã qua đời trong sự tiếc nuối của gia đình. Ông chơi golf nhưng không tham gia giải nào, không bao giờ có ảnh chụp ông đánh golf vì ông là chủ sân golf và giờ ông chơi golf là chỉ có ông và những người bạn thân cận hoặc gia đình.

Theo một nghiên cứu của PWC, một trong tứ đại kiểm toán thế giới, các gia tộc siêu giàu của Đức có những “quốc pháp gia phong” (family code). Ví dụ như “Gia Luật” của gia tộc Reimanns, dòng họ quản lý tập đoàn Jab nắm giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, việc giữ bí mật gia đình là tối thượng. Tất cả thành viên trong gia đình khi đủ 18 tuổi bắt buộc phải ký điều lệ giữ bí mật, theo đó họ cam kết tránh xa phương tiện truyền thông xã hội, tránh bị chụp ảnh trước công chúng và từ chối các cuộc phỏng vấn, không được để ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của doanh nghiệp gia đình. Họ thường sống trong các tòa nhà kín đáo, ẩn sâu trong rừng hoặc một biệt thự với 20 nút chuông và hòm thư trông giống như có nhiều hộ gia đình sống nhưng kỳ thực chỉ một gia đình, chứ ngoài cửa không có biển mạ vàng ghi Biệt Thự Thủy Thắm với rồng bay phượng múa. Họ sở hữu các khu resort hoặc hòn đảo riêng ở một số quốc gia khác nơi không ai biết họ để về đó nghỉ. Các gia tộc này thường để tài sản ở nhiều nơi, tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia, tuyệt đối không vào phòng VIP của ngân hàng địa phương.

Một số yếu tố giải thích cho sự ẩn danh này đó là văn hóa Đức.

Dirk Rossmann, người sáng lập ra một chuỗi siêu thị kiêm hiệu thuốc mang tên ông, Rossmann, nói rằng những người giàu Đức rất e dè, cẩn trọng vì họ lo lắng sẽ có những phát biểu hoặc hành động sai lầm gây phản ứng tiêu cực với dân chúng, đặc biệt Đức là quê hương của chủ nghĩa xã hội. Các gia tộc siêu giầu cũng không muốn sống một cuộc đời khác thường, phải sống trong sợ hãi, luôn lo sợ với sự an toàn của bản thân và gia đình, có thể bị bắt cóc hoặc bị ám sát vì các lý do cướp của, tống tiền hoặc cực đoan chính trị. Cậu bé Jakob von Metzler, 11 tuổi, dòng dõi quý tộc, thành viên của một triều đại ngân hàng Đức bị bắt cóc và bị giết vào năm 2002.

Báo chí Đức tự do và có rất nhiều nhà báo Đức thiên tả và thể hiện thái độ thù địch theo bản năng đối với những người theo chủ nghĩa tư bản. Tạp chí Stern nổi tiếng đã từng giật tít trang bìa bài cover story nhan đề “Người giàu không biết xấu hổ”, các báo khác như Die Zeit, chạy các bài về “trách nhiệm của người giàu”, và đề nghị đánh thuế tài sản của người giầu cao hơn nữa. Tobias Prestel của Prestel & Partner, nhà quản lý tài sản của các gia tộc siêu giàu cho biết “Ông chủ của một đế chế toàn cầu sẽ bị đập chết trên các phương tiện truyền thông Đức”

Các gia tộc Quandts , Krupps , Porsches và nhiều gia tộc khác đã phải vật lộn với những di sản tiền nhân để lại bị kết tội thân phát xít. Năm 2000, 4.760 công ty của Đức bao gồm Siemens, Daimler, Deutsche Bank và Volkswagen, đã tạo ra một quỹ từ thiện quyên góp hơn 5 tỷ euro để bồi thường cho những người sống sót vì hành động tàn bạo của chính quyền Đức quốc xã, còn họ chỉ là các công ty hoạt động vào thời Đức quốc xã cầm quyền.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, để tăng năng lực cạnh tranh, nhiều công ty Đức đã buộc phải công bố một số thông tin ra công chúng và trong kỷ nguyên Internet sẽ khó để sống cuộc sống “mai danh ẩn tích” như trước đây. Họ khó trốn tránh được sự theo dõi của công chúng nhưng các gia tộc siêu giầu Đức vẫn cố gắng duy trì và bắt buộc thế hệ kế tục phải làm theo.
__________
®️ Viet Tran
Tags: finance

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc