Tại sao chia sẻ là sức mạnh?

shared from fb đào trung thành,
-----
"Scientia potentia est" là câu nói của triết gia Anh Francis Bacon (1561-1626), người đặt nền móng cho phương pháp luận khoa học và cổ vũ tri thức khoa học thay vì thần quyền hay vương quyền. Xã hội đã biến chuyển sâu sắc từ thế kỷ 17 và quan hệ con người với tri thức dần dần được dân chủ hơn. Con em bình dân, cần lao đã được tiếp cận tri thức và tri thức không còn là độc quyền của một tầng lớp cao của xã hội nữa. Nói thế nhưng không nên ảo tưởng rằng cách tiếp cận, sử dụng tri thức của mọi người ngang nhau hay đồng nhất giữa tri thức của giáo sư, chuyên gia với tri thức của tài xế, lao công.

Thế hệ Millenials hay thế hệ Y, sinh từ 1980-1995, đang trở thành lực lượng trụ cột của nền kinh tế và thế hệ Z (1996-2010) sắp bước chân vào thị trường lao động, những người sinh ra đã là công dân số (Digital Native), tiếp xúc với iPad, iPhone, internet từ khá sớm. Họ tiếp cận tri thức cũng nhiều, nhanh và dễ dàng hơn các thế hệ trước; và là điển hình của người lao động thế kỷ 21. Trong "The Future of Work", Jacob Morgan đã nêu ra "bảy nguyên tắc của một nhân viên tương lai" mà một trong số đó là "chia sẻ thông tin nội bộ một cách cởi mở, minh bạch và đúng thời điểm."

Một công ty, cộng đồng không cho phép luân chuyển thông tin và tri thức một cách cởi mở sẽ không thu hút được nhân lực chất lượng cao trong thế kỷ này. Điều đó đòi hỏi các tổ chức cần thiết kế để tạo điều kiện chia sẻ thông tin một cách cởi mở hơn, tránh tình trạng cát cứ thông tin như trong quá khứ khi đó sự khan hiếm thông tin tạo nên lợi thế cạnh tranh do sự "bất đối xứng thông tin".

Tất nhiên, không nên ảo tưởng rằng chia sẻ thông tin là có tri thức. Theo mô hình Data, Information, Knowledge, Wisdom (DIKW) thì để đạt đến quá trình Knowledge cần một nỗ lực khá lớn của cá nhân và tập thể trong khi cái mà nhiều người lầm tưởng là Tri thức (Knowledge) thật ra mới chỉ là những Dữ liệu (Data) hay Thông tin (Information), còn lâu mới đạt đến tri thức hay Minh triết (Wisdom).

Theo quan điểm của sử gia Yuval Harari, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và chủ nghĩa cộng sản nhà nước kiểm soát không cạnh tranh với nhau về những hệ tư tưởng, những tín ngưỡng đạo đức hoặc những tổ chức chính trị. Ở tầng đáy, họ đang cạnh tranh về những hệ thống xử lý dữ liệu. Chủ nghĩa tư bản dùng xử lý phân phối dữ liệu, trong khi chủ nghĩa cộng sản dựa trên xử lý tập trung dữ liệu. Và theo Homo Deus: Lược sử của tương lai, tác giả Yuval Noah Harari, xuất bản tháng 9/2016:

“Chủ nghĩa tư bản đã không đánh bại chủ nghĩa cộng sản vì chủ nghĩa tư bản thì đạo đức hơn, hay vì những quyền tự do cá nhân là thiêng liêng, hay vì Chúa đã nổi giận với những người cộng sản ngoan cố không tin, không theo những tôn giáo tôn thờ Người. Mà đúng hơn, chủ nghĩa tư bản đã thắng Chiến tranh Lạnh vì chế độ xử lý dữ liệu phân tán hoạt động tốt hơn so với chế độ xử lý dữ liệu tập trung, ít nhất là trong những thời kỳ đẩy mạnh những thay đổi kỹ thuật công nghệ.”

Từ một quan điểm Dataism, chúng ta có thể diễn dịch toàn thể loài người như một hệ thống xử lý dữ liệu duy nhất, với những cá nhân con người phục vụ như những chip của nó.

Tôi không rõ những đoạn trích dẫn bên trên có được kiểm duyệt trong các cuốn sách dịch sang tiếng Việt hay không. Dù luận điểm này cần tranh luận nhưng nó cho ta thấy cái nhìn khá độc đáo của một triết sử gia con cưng của thời đại: Lịch sử loài người thay vì là lịch sử đấu tranh giai cấp, mà là lịch sử của việc chiếm hữu và xử lý dữ liệu.

Vì vậy, một nền tảng (platform) cho phép thu thập, xử lý tri thức càng lớn (Big Data), càng nhanh (Velocity) càng phức tạp (Complexity) càng có giá trị. Một nền tảng như thế phải có độ mở lớn, cho phép dễ dàng tích hợp nhiều cấu phần và như vậy cổ vũ sự chia sẻ và luân chuyển tri thức.

Chính vì thế bản thân tri thức không chết cứng, khu biệt mà trở thành sức mạnh qua sự chia sẻ, xử lý, sáng tạo.
Tags: work

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc