3 điều kiện để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công

shared from fb Tiên Long Đỗ,
-----
Chuyển đổi số là thuật ngữ ngày càng quen thuộc với các lãnh đạo doanh nghiệp, đã đi vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Một cách khái quát, theo Microsoft thì chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức hệ thống của con người, dữ liệu và quy trình, để tạo những giá trị mới vượt trội cho khách hàng. Các câu hỏi cần đặt ra khi doanh nghiệp nghĩ về chuyển đổi số bao gồm:

1. Mục tiêu của Chuyển đổi là gì?

Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp hướng tới 3 mục tiêu:

Mục tiêu thứ nhất là tối ưu hoá vận hành, thông qua số hoá quá trình thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, tự động hoá các qui trình quản trị, kết nối chuỗi giá trị, tạo ra năng suất, hiệu quả, tiết giảm chi phí, tối ưu vận hành cho doanh nghiệp.

Mục tiêu thứ hai là nâng cao trải nghiệm khách hàng toàn diện trong việc thu thập xử lý và phản hồi tích cực trên toàn bộ hành trình của khách hàng với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, đồng nhất hệ thống truyền thông đa kênh, tối ưu hoá hiệu quả thu hút khách hàng.

Mục tiêu thứ ba, ở mức cao nhất, là đổi mới mô hình kinh doanh, tối ưu hoá hệ thống và thích ứng công nghệ, hiệu quả vượt trội về năng suất và trải nghiệm khách hàng, chuyển sản phẩm lõi sang số hoá, tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng số hoá và mô hình kinh doanh đột phá.

2. Chuyển đổi số dành cho ai?

Người phương Tây có câu: anh có thể chống một cuộc tấn công chứ không thể chống lại được một xu thế. Chuyển đổi số là một xu thế không thể cưỡng lại, không thể đứng ngoài. Nhưng đây là cuộc chơi tốc độ và chất lượng cao về tổ chức, về tri thức tích luỹ thành khả năng đổi mới và chuẩn mực hệ thống, chứ không dành cho những tổ chức yếu kém. Đạp xích lô qua ngày thì mang thêm máy Laptop cài nhiều phần mềm chỉ tốn tiền, tốn công tốn sức. Sự xuất sắc trong chuyển đổi số phải trên nền tảng doanh nghiệp kinh doanh khá, hệ thống quy trình chiến lược đã định hình, con người sẵn sàng tích cực tiếp nhận cái mới.

Bởi lẽ, chuyển đổi tổ chức là chữa cái máy bay đang bay. Tổ chức kinh doanh yếu thì khó có tiền để trang bị công nghệ và hệ thống. Nếu mua công nghệ thì phải tuyển thêm người giỏi, trong khi cũng không thể sa thải hết ngay người cũ, vì vẫn cần cho hệ thống vận hành. Đầu tư vội vã, doanh nghiệp sẽ đội chi phí lên gấp đôi, hệ thống cồng kềnh phức tạp. Nhân tài không bao giờ chui vào tổ chức như vậy, tổ chức như vậy cũng không đẻ ra được nhân tài.

Một vòng luẩn quẩn. Không chuyển đổi thì bị đào thải. Mà chuyển đổi thì nguy cơ sụp đổ. Vậy nên, muốn nhanh phải từ tốn và nỗ lực gấp đôi, chứ không thể rủ nhau đi tắt đón đầu, phong cách bị ảnh hưởng kiểu hứng khởi của anh em Lương Sơn Bạc. Không ai bỏ qua cấp 2, cấp 3, để học thạc sĩ hay tiến sĩ cho nhanh được. Cái sự lanh lỏi chiêu trò chỉ phù hợp ở cấp độ thấp, môi trường hỗn loạn, pha hoang dã, hay lao động đơn giản.

3. Điều kiện để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công là gì?

Một cách khái quát thì nổi lên 3 yêu cầu hàng đầu là: 
1. Sự hoàn thiện hệ thống tổ chức về lãnh đạo, chiến lược và văn hoá; 
2. Sự tích luỹ tri thức hệ thống, khả năng học hỏi và đổi mới, trong doanh nghiệp; 
3. Đội ngũ con người năng động, gắn kết, sẵn sàng dấn thân đổi mới. 

Trong 3 nhân tố này, có lẽ sẽ tập trung vào nhân tố số 1, mang tính khái quát nhất.

Tiến trình phát triển của tổ chức, có thể chia là 5 cấp độ (theo góc nhìn chủ quan của tôi).

Cấp độ 1: Tổ chức dựa vào tài năng của một người đứng đầu, tất cả do người đứng đầu quyết định. Đây là loại hình tổ chức rất rất truyền thống và sơ khai, vẫn tồn tại trong mọi lĩnh vực, kể cả trong thế giới sinh vật.

Cấp độ 2: Tổ chức dựa trên hệ thống, quy trình, kiểm soát, chỉ tiêu, đảm bảo tính logic vô cảm của hệ thống, giúp tăng năng suất trong sản xuất, được hình thành từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1980, với đỉnh cao là hệ thống ISO.

Cấp độ 3: Tổ chức phát triển theo những định vị cạnh tranh tối ưu hiệu quả và lợi nhuận, trong môi trường cạnh tranh hoàn hảo, và thương mại toàn cầu; phát triển mạnh từ đầu những năm 1990 đến đầu những năm 2000.

Cấp độ 4: Tổ chức dựa trên tri thức, phát triển định hướng và khả năng Innovation, chiến lược kinh doanh đột phá; trong giai đoạn khoảng 2003 -2014.

Cấp độ 5: Tổ chức dẫn dắt nền kinh tế số, đã chuyển đổi số thành công, tổ chức Agile thích ứng cao, lấy con người tri thức và sự đa dạng văn hoá làm trung tâm sức mạnh tổ chức; phát triển từ 2015 trở lại đây.

Vài kết luận rút ra:

Thứ nhất: Trong môi trường kinh tế thiếu cạnh tranh, các tổ chức ít trưởng thành. Thường sa lầy trong cấp độ 1 và 2, phù hợp với kinh tế khai thác hay gia công, khó thích ứng dài hạn với nền kinh tế năng động như kinh tế số, nếu không Chuyển đổi tổ chức và hệ thống, bên cạnh mua công nghệ số.

Thứ hai: Các cấp độ mô hình tổ chức không phủ nhận lẫn nhau, mà nó tích hợp, tồn tại đan xen lẫn nhau, nhưng có tính kế thừa cao, giống như các cấp trong giáo dục, khó có thể đi tắt đón đầu về Phát triển tổ chức. Phát triển phải kiên nhẫn, bền bỉ, kỷ luật, thực tiễn, cam kết dài hạn.

Thứ ba: Tổ chức và Công nghệ như mối quan hệ Con trâu và Cái cày, công nghệ là công cụ, chứ không thay thế con người. Cái cày không thể đặt trước mặt con trâu. Công nghệ 4.0 thì tổ chức tối thiểu phải 4.5. Bạn không thể chiếu phim công nghệ 3D bằng TV trắng đen với đèn hình huỳnh quang. Tổ chức Level 1 và 2 thường ngạo nghễ tự tin có tiền khi làm chuyển đổi số. Nhưng để cái cày trước mặt con trâu, thì sẽ nhanh đi vào vòng luẩn quẩn.

Nhìn chung, môi trường Cấp độ 1 và 2 cho phép tồn tại những sự không chính thống như luồn lủi, thông lưng, cánh hẩu, để thao túng, chia trác, hay mánh lới. Khi môi trường mở rộng cho cạnh tranh, các doanh nghiệp bước vào Cấp độ 3 trở lên, hệ thống dường như minh bạch hơn.

Nói như Sir Alex Ferguson thì phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi.

Nói tóm lại, chuyển đổi số không phải là cuộc chơi của công nghệ hay của mệnh lệnh duy chí, nó là biểu hiện sự trưởng thành của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tags: work

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc