4 điều bạn cần ghi nhớ để viết tốt hơn

Kỹ năng viết là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống và nghề nghiệp
Photo by Marcos Paulo Prado on Unsplash


Bạn có gặp trường hợp cảm thấy bất lực khi muốn viết để truyền đạt ý tưởng của mình? Nhiều bạn tâm sự rằng: “Em nói thì dễ dàng, chém ngon lành nhưng cứ đụng đến viết là chịu.” Đọc nhiều email giao tiếp, tôi nhận thấy khá nhiều bạn, trẻ có, già có, không biết viết một bức thư cho ra hồn. Nếu đó là một bức thư quan trọng như ứng tuyển hay mời hợp tác, khả năng bạn gây nên ấn tượng không tốt ở người nhận là rất cao. Vấn đề viết đã làm hạn chế một cách đáng kể khả năng của bạn.

Tôi vốn không phải người viết giỏi. Vì là dân học toán nên tư duy có cấu trúc, dàn ý, bố cục hợp lý. Tuy nhiên, câu văn không bay bổng, ý tứ dồi dào nên bài văn chỉ đủ ý mà không hay. Điểm văn của tôi ở trường phổ thông chỉ nằm ở mức 6 hay 7 điểm. Thế nhưng, khi đi làm, viết là một kỹ năng thể hiện tư duy, chứ không đơn thuần là một bài tập ở trường. Câu văn ngắn gọn cần được ưu tiên. Đơn giản là tiêu chí hàng đầu. Trong cuốn sách nổi tiếng “On Writing Well”, bán được 1.5 triệu bản, dạy về kỹ năng viết của William Zinsser, một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên với hơn 70 năm kinh nghiệm, có viết:

“Một phong cách đơn giản là kết quả của sự chăm chỉ và tư duy chăm chỉ; một phong cách lộn xộn phản ánh một người tư duy lộn xộn." 
(“A simple style is the result of hard work and hard thinking; a muddled style reflects a muddled thinker.”)

Một ngày chúng ta suy nghĩ chừng vài ngàn ý tưởng, hầu hết là vớ vẩn. Nhưng trong số những suy nghĩ đó, có những suy tư giá trị. Bằng việc viết ra, sắp xếp, bố cục, những suy nghĩ này được gọt giũa cẩn thận và qua đó, tăng cường kỹ năng tư duy của bản thân.

Nhiều người mắc tật “làm dáng” khi viết trong đó có bản thân tôi, William Zinsser khuyên rằng:

“Đừng bao giờ nói hay viết bất cứ điều gì mà bạn không thoải mái nói trong cuộc trò chuyện.”
(“Never say anything in writing that you wouldn’t comfortably say in conversation.”). Cần tránh xa các thuật ngữ, những cliché chỉ để chứng tỏ mình thông minh nhưng gây khó khăn cho người đọc tiếp nhận thông điệp.

Một điều hệ trọng là nên tra những từ ngữ mà mình không hiểu rõ, nhất là từ Hán Việt. Tiếng Việt có 70% có nguồn gốc từ tiếng Hán mà chúng ta lại ít quan tâm vì nghĩ rằng đã hiểu hết nghĩa, dẫn đến việc sử dụng sai khá nhiều. Đơn cử từ “cứu cánh”. Nghĩa đầu tiên bắt nguồn từ chữ Hán 救. Chữ cứu này nghĩa là giúp. Đây là chữ chúng ta dùng nhiều nhất, như cứu trợ, cứu hỏa, cứu tinh, cấp cứu… Nhưng có một nghĩa khác 究 mà chúng ta dùng trong nghiên cứu, truy cứu. Nghĩa này là xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, tới tận cùng. Chữ cánh có nghĩa là sau cùng. Và CỨU CÁNH do đó có nghĩa là tột cùng, không còn gì ở sau nữa. Từ này dùng rất nhiều trong triết học, tôn giáo và nghệ thuật. Trong các ngữ cảnh này, nó thường chỉ cái đích đến cuối cùng của một điều gì đó.

“…Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn…”
(Xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt tới đích Niết-bàn cuối cùng)

Trên phương tiện truyền thông, chúng ta thường thấy cứu cánh được dùng với nghĩa là phương tiện trong “Ứng dụng công nghệ - “cứu cánh” của hoạt động nghệ thuật “thời COVID-19”” (báo CAND), “5 tháng đầu 2021, sản xuất công nghiệp là "cứu cánh" của nền kinh tế” (Tờ điện tử của Đảng Cộng Sản). Rõ ràng nếu hiểu đúng, ứng dụng công nghệ không thể là cái đích cuối cùng của hoạt động nghệ thuật cũng như sản xuất công nghiệp không phải mà mục tiêu tối hậu đối với nền kinh tế. Nhiều người dùng từ này để “nói cho sang mồm”.

Bạn cho rằng viết cần phải độc đáo. Điều đó đúng. Nhưng để độc đáo, bạn cũng phải biết được những kỹ năng tuyệt vời của người khác. ” William Zinsser chia sẻ:

“Viết được học bằng cách bắt chước… Tôi đã học bằng cách đọc những người đàn ông và phụ nữ đang viết kiểu viết mà tôi muốn thực hiện và cố gắng tìm ra cách họ làm điều đó.”
(“Writing is learned by imitation… I learned by reading the men and women who were doing the kind of writing I wanted to do and trying to figure out how they did it.”)

Không có một quy tắc vạn năng nào để bạn thành công trong việc viết. Nhưng bằng cách viết nhiều, suy tư về việc viết và học hỏi qua những người viết tốt hàng ngày, bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng viết tốt để đạt được thành công mà bạn mong muốn.

from fb Đào Trung Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc