Bà trùm Thành Đô

shared from fb Archivu,

-----

Foto: Governo do Estado de São Paulo.

Tiểu Trì Bách Hợp Tử

Ngày mai cả nước được nghỉ “đột xuất” bốn ngày liên tục kể cả hai ngày cuối tuần, chuẩn bị cho ngày 23/7 khai mạc Olympic Tokyo. Sự kiện vô tiền khoáng hậu, thế vận hội lần đầu tiên trong lịch sử #Olympic hiện đại, diễn ra giữa lúc thủ đô trong TTKC, và sẽ không có khán giả trong các games, đã tốn khá nhiều giấy mực. Thôi thì nói về bà trùm Thành đô!

Koike Yuriko (Tiểu Trì Bách Hợp Tử) nữ đô trưởng #Tokyo đầu tiên trong lịch sử khi trúng cử năm 2016, Koike tái đắc cử vào ngày 5 tháng 7 năm 2020 sau chiến thắng long trời lở đất (landslide winning) với 59,7% số phiếu bầu. Bà trùm thành phố với gần 14 triệu dân và có ngân sách lớn hơn Thụy Điển.

Koike từng là Bộ trưởng Bộ Môi trường và BT Quốc gia về các vấn đề lãnh thổ phía Bắc và Okinawa trong Nội các của Thủ tướng Koizumi, BT quốc phòng thời Abe.

Sinh ra tại Ashiya gần Kobe, có cha là một thương gia chuyên xử lý các sản phẩm dầu mỏ từng tham gia chính trường nhưng không thành công. Ông dạy Koike rằng điều cần thiết là Nhật Bản phải tăng cường quan hệ với các nước Ả Rập để đảm bảo nguồn cung cấp xăng dầu ổn định nhằm ngăn chặn việc Nhật Bản lại bị đẩy vào một cuộc chiến dầu trong tương lai.
Sau khi bỏ đại học năm 1971, Koike sang #Cairo (giống Bộ trưởng Tâm Linh mình), nơi cha cô có cơ sở kinh doanh, theo học tiếng Ả Rập tại Đại học Hoa Kỳ ở đây và nhận bằng Cử nhân Xã hội học với tư cách là sinh viên hàng đầu của Đại học Cairo vào tháng 10 năm 1976.

Về nước bà bắt đầu làm thông dịch viên tiếng Ả Rập và sau đó trở thành nhà báo, từng phỏng vấn Muammar #Gaddafi và Yasser #Arafat. Bà cũng là cộng tác viên thường xuyên của #Project_Syndicate kể từ năm 2010.

Koike được bầu vào Hạ viện năm 1992 với tư cách là thành viên của Đảng Mới Nhật Bản (Nihon Shinto), nổi tiếng với quan niệm “Việc sửa đổi chính trị không phải là sửa chiếc xe cũ, mà phải tính chuyện mua xe mới”. Sau đó bà được bầu vào Hạ viện năm 1993. Năm 1996, bà được bầu lại vào Hạ viện.

Theo các bô lão kể lại, có nhiều câu chuyện nổi tiếng về Koike như “Phải thay đổi những cụm chữ “tắm hơi theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ” sang một cụm chữ khác chẳng hạn như “soap land” vì đây là điều sỉ nhục đối với người dân xứ Thổ. Xin nói thêm là: Nhật Bản có những tiệm tắm hơi theo kiểu này để phục vụ cho giới mày râu từ A đến Z; Kêu gọi công chức không cần phải đóng bộ mà nên chuyển sang “Cool Biz” nghĩa là chỉ cần ăn mặc lịch sự nhất là mùa hè ở Nhật vốn rất nóng…

Năm 2016 khi đô trưởng cũ là Masuzoe Yoichi dính bê bối trong vấn đề “lấy của công làm của tư” phải từ chức, nắm ngay cơ hội, dù không được sự tiến cử của đảng, bà đã tự ý ra tranh chức đô trưởng.

Trong một lần vận động, một “già gân” là Ishihara Shintaro, cũng từng là đô trưởng Tokyo đã phán: “Đừng bầu cho con mẹ cứ suốt ngày thoa son trét phấn”. Bà trả lời rất thành thật: “Đến tuổi này thì ai mà chả có nếp nhăn, dùng một loại gì che được thì cũng tốt thôi. Sao ông lại nói thế?”. Con trai của “già gân” đã xin lỗi bà vì “bố tôi vốn là người như vậy”.

Sau khi thành đô trưởng, ông già Ishihara này cũng bao phen điêu đứng vì bị bà truy hỏi nhiều điều “khuất tất” về công trình xây chợ cá mới ở Tokyo.
Bà vượt qua tất cả, kết quả bầu cử quá bất ngờ vì số phiếu dân Tokyo bầu cho bà bỏ xa cả chục ứng viên do các đảng đưa ra.

Lên nắm quyền, bà cho rà soát lại tất cả những dự án mà các ông đô trưởng trước đã, đang hoặc chưa thực hiện, chẳng hạn chuyện di dời chợ cá từ Tsukiji sang Toyoshuu, chuyện xây các “tượng đài” chuẩn bị Olympic 2020. Giai đoạn này đấu đá giữa những thế lực cũ và mới từ ngấm ngầm sang công khai rất ngoạn mục, dân Tokyo rất khoái vì tính cách công khai “người dân phải được biết” mà bà chủ trương.

Thừa thắng bà tiếp tục lập Hội “Tokyo là trên hết”, bà mở lớp chiêu tuyển nhân tài, thiên hạ tham gia đông đảo. Bà chọn được 50 ứng cử viên để tranh cử cuộc bỏ phiếu nghị viên thành phố Tokyo và tháng 7/2017, quân bà thắng lớn đạt tỷ số 49/50, Jiminto, Minshin thua đậm. Danh tiếng bà trùm lẫy lừng khắp Phù Tang.

9h30 sáng ngày 27/9/2017, bà lại xuất hiện trước công chúng và công bố cương lĩnh đảng “Kibo no to” (đảng Hi vọng). Bà nói: “Phải reset lại Nhật Bản vì mọi sự đang xuống dốc”. Đúng 10 giờ bà đứng dậy trở lại nhiệm sở chính để lo cho “bang” mình là Tokyo, để phần còn lại cho những người cùng đảng đối ứng.

Đảng của bà quy tụ những người đã ly khai từ đảng khác và có đảng trên thực tế đã “giải thể” (Minshin) nhưng lại dùng chữ “hợp lưu” rồi xin đứng dưới trướng đảng của bà để mong hợp sức “lật đổ” đảng cầm quyền, nhưng bà cũng tính toán dữ lắm, bà thẳng thừng: “hợp lưu phải có điều kiện: phải theo đường lối của đảng tôi”, điều này đã làm một số đảng viên của các đảng “hợp lưu” nổi giận và lại lập ra đảng mới.

Các đảng phái kể cả đang cầm quyền có lẽ lo sốt vó, sẽ có ngày bà trùm ngồi vào ghế Tổng lý đại thần aka Thủ tướng Nhật Bản.
Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc