Kịch bản nào khi Trung Quốc không ra tay giải cứu Evergrande?

shared from fb Trần Đức Vinh,
-----
Evergrande là một công ty BĐS hàng đầu Trung Quốc, đang ôm một cục

nợ hơn 300 tỷ USD không trả nổi và chuẩn bị tuyên bố phá sản. Nhiều "chuyên gia" cho rằng nếu để Evergrande phá sản thì sẽ gây ra hiệu ứng domino, không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà sẽ lan ra toàn thế giới, giống như vụ sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 (ví dụ như bài báo dưới đây). Tuy nhiên trong diễn biến gần nhất, Bắc Kinh vẫn nói không với việc "giải cứu" Evergrande.

Các bài viết, các nhận định của "chuyên gia" về các hậu quả từ sự sụp đổ của Evergrande thì quá nhiều rồi, nhưng có lẽ câu chuyện không bi đát đến thế, mà có nhiều các khía cạnh tích cực "cố tình" bị bỏ qua. Giờ giả dụ nếu nhà nước Trung Quốc không ra tay giải cứu và để mặc Evergrande tự sinh tự diệt thì chuyện gì sẽ xảy ra, và liên tưởng nó tới thị trường Việt Nam thì sao.

1. Thị trường BĐS đóng băng, giá BĐS cắm đầu đi xuống

Kịch bản này dễ xảy ra nhất, nhưng nếu thế thì sao?

Tuyệt vời! Lần đầu tiên trong nhiều năm, tầng lớp trung lưu, người nghèo, người trẻ tuổi… có khả năng mua được ngôi nhà "trong mơ" của họ, thứ mà trước đây họ phải dành dụm cả đời cũng chưa chắc mua được. An cư rồi sẽ lạc nghiệp, lực lượng lao động chính của xã hội sẽ yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, tạo động lực gia tăng các "giá trị thực" cho xã hội thay vì cả nước tham gia đầu cơ vào các sản phẩm tài chính.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng giảm được một phần lớn gánh nặng về chi phí mặt bằng kinh doanh, gia tăng được lợi nhuận, thứ sẽ giúp họ trở nên giàu có hơn, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách cũng như có thêm nguồn lực để gia tăng sản xuất, tạo nên một vòng lặp tích cực.

Thực tế thì BĐS cũng có các giá trị của nó, chủ yếu là: nhà để ở, mặt bằng sản xuất kinh doanh và sản phẩm đầu tư/đầu cơ.

Nhà để ở thì ai cũng cần, ai cũng muốn sở hữu. Nhu cầu về nhà để ở sẽ tăng theo mức độ gia tăng dân số và thu nhập. Dân số tăng thì nhu cầu nhà cơ bản tăng. Thu nhập tăng thì nhu cầu về nhà ở chất lượng tốt, nhà ở cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng… tăng. Nhưng về cơ bản thì một hộ gia đình sẽ chỉ cần 1 ngôi nhà để ở, gia đình khá giá hoặc giàu có sẽ có thêm ngôi nhà thứ 2, thứ 3 để nghỉ dưỡng. Nhu cầu này không thể gia tăng nhanh được.

Nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh thì tăng giảm gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Sản xuất, dịch vụ… phát triển thì nhu cầu BĐS làm mặt bằng kinh doanh (đất trồng trọt, đất sản xuất trong khu công nghiệp, nhà mặt phố để buôn bán…) cũng tăng theo. Như đã nói, một nền kinh tế tăng trưởng vài phần trăm, nhanh thì hơn 10%, thì nhu cầu BĐS kinh doanh cũng chỉ tăng xêm xêm như vậy thôi.

Vậy điều gì làm giá BĐS tăng liên tục nhiều phần trăm một năm, thậm chí từ khi xuất hiện Covid đến nay, giá BĐS ở Việt Nam nhiều nơi đã tăng bằng lần, trong khi nhu cầu nhà ở, nhu cầu mặt bằng kinh doanh không tăng nhanh như thế, chưa kể là các dự án, các chung cư mọc ra liên tục, dẫn đến nguồn cung cũng tăng rất nhanh, đúng ra phải kiềm chế sự tăng giá?

Câu trả lời thì ai cũng biết, đó là do giá trị là sản phẩm đầu tư/đầu cơ của BĐS đang được xã hội chú trọng hơn cả. Vì sao vậy? Có lẽ vì một lý do: ai cũng muốn không phải làm mà vẫn có ăn. Dự án cứ mọc lên là bán hết, kể cả chưa có sổ đỏ hoặc thậm chí chưa xin được giấy phép. Chung cư cứ xây là có người mua hết, nhưng thực tế chỉ có một phần là có người đến ở… Thậm chí đất rừng đất đồi cũng bị săn lùng mà không phải để sản xuất kinh doanh gì cả. Người ta tin vào một truyền thuyết vê BĐS, đại để là: đất không đẻ ra được, nên giá nó chỉ có thể tăng thôi. Có lẽ đã đến lúc để truyền thuyết này thực sự biến thành một truyền thuyết. Vì giá BĐS tăng phi mã sẽ dẫn tới vô số hệ lụy lớn hơn nhiều so với việc để một số công ty BĐS đổ vỡ hay để thị trường đóng băng, ví dụ như:
- Lạm phát do chi phí đẩy do giá thuê/mua BĐS sẽ làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng làm tăng giá bán.

- Cản trở phát triển kinh tế: gia tăng rào cản chi phí thâm nhập thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ khó có khả năng tham gia thị trường hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi đây là lực lượng đông đảo nhất trong các thành phần kinh tế Việt Nam.

- Giảm phúc lợi xã hội: do khả năng sở hữu được căn nhà của người dân giảm đi, tỷ lệ sở hữu nhà của dân cư thấp dần.

- Gia tăng chênh lệch giàu nghèo: rõ rồi, ai giàu thì ôm đất lại càng giàu, người nghèo thì cày cuốc hàng chục năm cũng chỉ đủ mua 1 căn nhà, để rồi hàng chục năm công sức đó lại chảy vào túi người giàu.
- V.v…
Vậy có nên cứu thị trường BĐS?

2. Các nhà cung cấp, các ngân hàng, thị trường chứng khoán… sẽ sụp đổ theo, dẫn đến hiệu ứng lên cả nền kinh tế

Khi thị trường BĐS tăng vùn vụt thì ai hưởng lợi? Thực ra thì tất cả các thành phần này sẽ không sụp đổ nếu họ không tham lam và tự tin thái quá. Họ thừa biết thị trường tăng trưởng nóng như thế nào, giá trị đang bị thổi phồng ra sao nhưng họ vẫn tiếp tay cho những ông trùm BĐS để đốt nóng thị trường hơn nữa, vì họ tin rằng thị trường vẫn còn tăng tiếp, họ tin vào truyền thuyết. Nói đơn giản là họ đang đu đỉnh của con sóng thần BĐS mà thôi, những người rút chân ra trước khỏi mô hình Ponzi này có lẽ đang ung dung tận hưởng ở đâu đó rồi, mặc dù họ cũng đáng ghét đấy.

Vậy có nên cứu những kẻ tham lam này không?

Và nếu để họ sụp đổ thì sao?

Nó như một căn bệnh ung thư, nếu không dứt khoát cắt bỏ khối u thì nó sẽ di căn và dẫn đến các hậu quả như đã nói ở trên. Và để cắt bỏ khối u thì đương nhiên phải chịu đau đớn rồi, thậm chí có thể phải cắt bỏ một phần cơ thể. Nhưng chỉ có thế thì cơ thể mới có cơ hội khỏe mạnh trở lại, không thể sống chung với căn bệnh ung thư mà khỏe mạnh được. Rồi những thành phần khỏe mạnh khác của xã hội: các doanh nghiệp lành mạnh, sản xuất tích cực, những người lao động cần cù, chăm chỉ, thông minh sẽ kéo nền kinh tế đi lên.

Nhìn chung hậu quả thì sẽ có, nhưng nó sẽ chỉ trong ngắn hạn và lợi ích mang lại là vô hạn. Các doanh nghiệp sản xuất tốt vẫn sẽ sản xuất tốt, trừ khi họ cũng tham lam mang tiền đổ vào các sản phẩm tài chính. Chưa kể nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường. Đây chỉ như một ván bài mới mà thôi. Mọi người thường nghĩ về những điều sắp xảy ra mà không nghĩ xa hơn một chút.

Theo thuyết âm mưu thì các bài viết, phân tích của "chuyên gia" về các hậu quả của việc Evergrande sụp đổ chỉ là những sự thổi phồng nhằm mục đích gây áp lực cho Chính phủ để cứu các công ty BĐS mà thôi. Nhưng gây áp lực với ngài Tập thì chắc hơi khó, cứ nhìn sang Alibaba hay Tencent thì biết.

Nếu giải cứu các doanh nghiệp này tức là cướp của người nghèo chia cho người giàu. Một quốc gia theo XHCN (cứ coi như thế) như Trung Quốc mong là sẽ không làm việc này, và sẽ tạo thành một tiền lệ để nhiều nước khác soi vào, trong đó có Việt Nam.

(Phần lớn quan điểm của tôi trong bài viết này chịu ảnh hưởng bởi cố tiến sỹ Alan Phan. Ông đã bày tỏ các suy nghĩ này trong các cuộc đối thoại với Hiệp hội BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2013-2014. Bản thân tôi cũng đầu tư BĐS, và đương nhiên cũng mong giá BĐS của mình sẽ tăng lên. Nhưng trong thâm tâm tôi biết rằng điều đó không tốt cho xã hội. Và nếu giá BĐS có giảm, hoặc thị trường sụp đổ, thì tôi thấy trong tâm mình cũng có chút bình yên.)
Tags: chinafinance

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc