Doanh nhân Việt Nam học được gì từ Trung Quốc?

shared from fb Hoàng Trung Dũng,
-----
Tôi là người học ở Trung Quốc, tại những nơi danh giá nhất, đó là đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh, cái nôi của học vấn Trung Hoa.

Trung Quốc thì cái gì cũng nhất, đáng để suy ngẫm. Kể cả cái tốt và cái xấu. Họ đều nhất. Ta tạm gác những cái xấu mà để nói về cái tốt, giải thích được một phần vì sao họ làm được nhiều điều phi thường.

1. Việc học của các chủ doanh nghiệp: thời tôi học là những năm từ

2006 đến 2016. Từng đó năm, tôi vừa học tại TQ và vừa làm tại VN. Tôi đã chứng kiến việc học của các doanh nhân TQ. Họ học vào cuối tuần tại các đại học danh tiếng. Đó là các chương trình học mà không cấp học vị.

Sự khác với VN ta là ngày cuối tuần các trường đại học vắng vẻ. Còn tại TQ, ngày cuối tuần thì như khai hội, hàng trăm lớp với vài chục ngàn học viên của các học viện tổ chức. Họ học kinh lắm, họ giảng hay và thật chứ ít giáo điều, lý thuyết suông. Các gương mặt toàn tầm 35-60 tuổi, nam nữ đủ cả. Họ là các doanh nhân mọi miền ở TQ. Học phí mà họ học thường đắt gấp 10 lần học phí của sinh viên chính quy. Tôi cũng học một vài chương trình đào tạo ở đó nên biết. Thường 1 ngày nghe giảng là 7000 nhân dân tệ, tương đương 20 triệu hồi đó. 1 chương trình tương đương thạc sĩ khoảng 800 triệu -1.2 tỷ VND/năm.

Việc học này, đã khiến doanh nhân TQ, nhiều người không học thức, đi lên từ nông dân, công nhân, từ bàn tay trắng, họ từng chụp giật, nhờ vi phạm pháp luật mà thành giàu có, nay được bổ sung kiến thức và học vấn. Tôi đã có 1 người bạn học như thế, tài sản đến tỷ đô la khi lần đầu đến lớp, nhưng học vấn chỉ hết cấp 2. Sau 6 năm, anh ta được cấp bằng tiến sĩ danh dự nhờ 1 công trình nghiên cứu về việc "Nông dân mất việc làm và mất đất canh tác khi thành thị hoá nông thôn, hiện trạng và giải pháp" và sự đóng góp của DN anh ấy cho xã hội. Tôi tâm đắc nhất một vị giáo sư hơn 70 tuổi đã nói: "Đại học là nơi bàn luận và nghiên cứu mọi vấn đề của thế giới và xã hội sắp diễn ra. Muốn biết 5-10 năm nữa thế giới sẽ thế nào, hãy đến đại học mà nghe. Doanh nhân đừng đọc sách. Khi 1 điều gì đó thành công, người ta đã làm nó ít nhất vài năm rồi, người viết chiêm nghiệm viết ra thành sách cũng đôi ba năm, rồi in và xuất bản cũng năm trời, đến tay bạn mua, thì hàng vạn người đã đọc nó và bạn đọc được thì là chuyện cũ lắm rồi. Bạn đọc sách đó mà làm theo thì thành công sao được?". Đó là câu nói đáng giá cả trăm triệu.

Đó là điều sự nghiệp giáo dục và đào tạo VN chúng ta chưa làm được và chưa nói ra được đối với giới kinh doanh hiện nay. Cũng chẳng có bao người đọc sách, huống chi đến lớp học. Chủ tịch HĐQT, TGĐ đi học thì luôn sợ nhân viên và đối tác chê cười. Bao giờ chúng ta mới thay đổi được điều đó.

2. Doanh nhân TQ đang học Triết học: có 4 nền tảng triết học, đó là Nho giáo (Khổng Tử) dạy doanh nhân đạo hiếu thảo, đạo làm vợ, làm chồng và cách nuôi dạy con cái; Đạo giáo (Lão Tử) dạy doanh nhân tu luyện, gìn giữ sức khoẻ, dưỡng sinh, dưỡng dục: Pháp giáo (Tôn Tử) để luyện mưu lược và trí dũng; Thiền giáo (Phật giáo Trung Hoa) dạy doanh nhân luyện về tâm và buông bỏ tham sân si mà hướng đến xã hội, cộng đồng. 4 thứ này quá đủ để doanh nhân đủ văn võ song toàn. Đây là cái nôi rất quan trọng để tạo ra cái xấu xa (nếu họ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chèn ép nước khác), nhưng cũng là nền tảng tạo ra các vĩ nhân, các doanh nhân toàn cầu, đủ lớn để làm khuynh đảo thế giới, rạng danh đất nước. Cũng từ những nền tảng đó, mà cho ra đời nền văn hoá Trung Hoa với một bề dày đồ sộ các tinh hoa, từ thơ ca, kịch nghệ, đến võ đạo, tín ngưỡng. Rồi sau nữa, là các thương hiệu, tập đoàn kinh tế ra đời. Rồi họ dựa vào đó mà làm giàu, lớn mạnh, làm thay đổi đất nước, quê hương...

Việc học kinh doanh gắn với nền tảng văn hoá truyền thống luôn là điều quan trọng trong việc phát triển con người và đất nước. Trung Quốc là đất nước lớn như vậy, nhưng không hề bị Tây hoá, họ học Tây nhưng không biến họ thành Tây mà ngược lại, họ đang khiến phương Tây phải học họ. Không hề ngạc nhiên khi có đến hơn 100 nghìn giáo sư, học giả tại đại học Âu Mỹ nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Hoa.

Không thể phủ nhận, ta cần phải lọc cái tốt của họ để học, để phát triển. Lấy cái sai lầm của họ để tránh không mắc phải và lấy cái tốt của họ để tự soi xét mình, cho mình được tốt hơn. Và đặc biệt, cần phải coi trọng văn hoá truyền thống, đạo lý, cốt cách, tôn ti trật tự, tiên học lễ, hậu học văn... Đó vẫn là cái gốc để đưa đất nước tiến xa. Lúc sinh thời, nhiều lần, Bác Hồ - Người rất thấm nhuần Nho, Đạo, Pháp, Thiền, Văn hoá truyền thống - đã từng dạy chúng ta như thế.

--/--

Đọc đến giữa chừng, chắc hẳn đã có nhiều người "xí" một tiếng rồi bỏ không đọc nữa, vì họa đã dính đến hai từ Trung Quốc là coi thường, là chê bai, là né như né hủi. Riêng suy nghĩ như vậy đã xứng đáng làm người thất bại, thậm chí là kẻ u minh, không đáng bàn. Cũng lại sẽ có mấy anh vào truy nguồn gốc bài viết với cả nghi ngờ số liệu. Khổ, cứ hằn học mãi mấy chuyện đó làm gì!

Xét ở 2 góc độ là sự ham học và coi trọng giáo lý thì chúng ta cũng đã phải học hỏi rất nhiều. Tất cả cũng xuất phát từ sự tự tin thái quá vào bản thân, ham mê vật chất, coi thường các yếu tố nhân văn, cường điệu hoá sức mạnh tiền bạc và quyền lực, tầm nhìn ngắn hạn... Đến giờ mà vẫn còn nhan nhản nhưng câu nói kiểu: Mày có biết tao là ai không? Mày nhớ mặt tao... thì còn lâu, còn lâu lắm...

Và vì không có hệ giáo lý dẫn lối nên không có yếu tố kết dính tầng lớp doanh nhân với nhau. Hội hè được lập ra chủ yếu mang tính hình thức, lợi mấy ông mạnh, đội be bé đi theo cũng chả học hỏi hay lợi lộc gì nhiều. Nói là cùng đội cùng thuyền như cứ chạm vào tí quyền lợi của nhau là "thịt" nhau ngay. Vẫn thích kinh doanh dựa vào quan hệ, không coi trọng học hành. Muốn đi nhanh, đi tắt, không thích chân chỉ hạt bột làm ăn...

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc