Bi kịch của nền chính trị cường quyền

by Nguyễn Lương Hải Khôi, shared via usvietnam.uoregon.edu,
-----
John Mearsheimer, dạy ở Đại học Chicago, là tác giả cuốn sách “Tragedy of great power politics” (tạm dịch “Bi kịch của nền chính trị cường quyền”) năm 2001, đưa ra thuyết “hiện thực tấn công” (offensive realism) nổi tiếng. Theo thuyết này:


Vì nhu cầu sinh tồn, các cường quốc luôn có nhu cầu duy trì vị thế bá chủ của mình.

Bản chất của quan hệ quốc tế là bất định, tức là các quốc gia không thể chắc chắn cường quốc khác có tấn công mình hay không. Do vậy phòng thủ chủ động luôn phải là lựa chọn hàng đầu để tồn tại.

Vì vậy, các cường quốc luôn luôn:

mưu cầu bá quyền ở quy mô khu vực.

cũng vì nhu cầu sinh tồn của mình, ngăn cản các cường quốc khác mưu cầu quyền lực bá chủ của nó

do đó, xung đột giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi, ngay cả khi họ mưu cầu an ninh. Ông gọi cái xung đột bất khả kháng này giữa các đại cường là “bi kịch của chính trị cường quyền”, như tên gọi của cuốn sách của ông, “Tragedy of great power politics”.

Áp dụng lý thuyết nói trên vào quan hệ quốc tế của Mỹ, Mearsheimer cho rằng Mỹ cần đặt mục tiêu giữ quyền bá chủ ở Tây Bán cầu (châu Mỹ), đồng thời, ngăn chặn sự trỗi dậy của các bá chủ tương tự ở Đông Bán cầu (châu Âu, châu Phi, châu Á).

Cuốn sách được xuất bản năm 2001. Đây là năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một sự kiện thay đổi hoàn toàn Trung Quốc. Ở phần kết luận của cuốn sách, Mearsheimer dự đoán quan hệ Mỹ Trung trong tương lai bằng “hiện thực luận” của mình.

Ông đã tiên đoán một cách bi quan về quan hệ 2 nước, và đặt vấn đề một cách lạnh lùng về lựa chọn chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đương thời. Sau hơn 20 năm nhìn lại, 2001-2022, chúng ta thấy ông đã đúng.

Mearsheimer viết:

“Rõ ràng là kịch bản nguy hiểm nhất mà Mỹ có thể phải đối mặt vào đầu thế kỷ XXI là việc Trung Quốc trở thành bá chủ tiềm tàng ở Đông Bắc Á. Tất nhiên, triển vọng trở thành bá chủ tiềm năng của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nền kinh tế của nước này có tiếp tục hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng hay không. Nếu điều đó xảy ra, và Trung Quốc không chỉ trở thành nhà sản xuất công nghệ tiên tiến hàng đầu mà còn là cường quốc giàu có nhất thế giới, thì nước này gần như chắc chắn sẽ sử dụng sự giàu có của mình để xây dựng một cỗ máy quân sự hùng mạnh.”[1]

Nhưng điều Mearsheimer viết vào năm 2001 đã đúng vào năm 2016, khi Tập Cận Bình chính thức làm một cuộc cách mạng về tổ chức quân đội, xây dựng quân đội Trung Quốc thành một quân đội công nghệ cao, mô phỏng Mỹ cả về tổ chức lẫn chiến lược và công nghệ.

Mearcheimer cho rằng trước hết, Trung Quốc sẽ nhắm đến mục tiêu bá chủ vùng Đông Bắc Á, trong đó hai mục tiêu cần xử lý trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Không thấy ông nhắc tới Đài Loan.

“Hơn nữa, vì những lý do chiến lược đương nhiên, nước này chắc chắn sẽ mưu cầu vị thế bá chủ trong khu vực, giống như Mỹ đã làm ở Tây Bán cầu trong thế kỷ XIX. Vì vậy, chúng ta nên dự phóng trước là Trung Quốc sẽ cố gắng thống trị Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực, bằng cách xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh đến mức các quốc gia khác không dám thách thức. Chúng ta cũng sẽ phải dự phóng rằng Trung Quốc phát triển phiên bản riêng của Học thuyết Monroe, nhắm thẳng vào Mỹ. Giống như Mỹ đã nói rõ với các cường quốc ở xa rằng họ không được phép can thiệp vào Tây Bán cầu, Trung Quốc sẽ nói rõ rằng sự can thiệp của Mỹ vào châu Á là không thể chấp nhận được.”[2]

Sau đó 8 năm, vào 2009, một quan chức quân đội Mỹ tiết lộ rằng một tướng Trung Quốc đã đề nghị hai nước chia đôi Thái Bình Dương: phía tây Thái Bình Dương sẽ thuộc Mỹ, còn phía đông Thái Bình Dương sẽ của Trung Quốc.[3]

Đây là một đề nghị “khôn ngoan” của Trung Quốc. Phía tây Thái Bình Dương chủ yếu là Châu Mỹ, vốn thuộc vùng ảnh hưởng của Mỹ từ thế kỷ 19, và nguồn lực không thể so sánh bằng “phía đông Thái Bình Dương”, tức châu Á, mà phần chính là Đông Nam Á, Đông Bắc Á, thậm chí cả Nam Á nếu hiểu phía đông Thái Bình Dương gồm cả Ấn Độ Dương.

Như vậy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Đông Bắc Á mà hạt nhân là Nhật Bản và Hàn Quốc mà nó nhắm đến một vùng châu Á rộng lớn.

Ngoài ra, chiến lược Vành đai Con đường được Trung Quốc công bố năm 2013 cho thấy tham vọng của nước này vươn rất xa, trải dài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, sang Nam Á, Trung Á, rồi Đông Âu, Trung Âu, Tây Âu và cả châu Phi.

Mearsheimer có một ngụ ý cho rằng Trung Quốc chỉ nhắm đến bá quyền cấp vùng là “Đông Bắc Á” mà hạt nhân là Nhật Bản và Hàn Quốc, có lẽ vì căn cứ vào một lý thuyết của ông trong sách, cho rằng các đại dương khổng lồ trên địa cầu hạn chế khả năng triển khai quân đội ở quy mô toàn cầu, vì vậy, ngăn cản mọi cường quốc vươn tới quyền bá chủ ở quy mô thế giới. Các cường đó do đó chỉ mưu cầu quyền bá chủ ở cấp vùng.

Lý thuyết này của Mearcheimer có thể đúng với chính trị thế giới trước khi kỹ thuật hàng hải, từ thế kỷ 19, phát triển thành một lực lượng giúp các cường quốc có thể duy trì quyền bá chủ vượt ra ngoài phạm vi của một khu vực địa lý nhất định. Ngoài ra, ngành hàng không trong thế kỷ 20 cũng đóng vai trò tương tự ngành hàng hải. Không ai khác, Mỹ là ông vua bầu trời trong thế kỷ 20 và hiện vẫn là vua của không gian này trong những năm đầu thế kỷ 21. Cạnh tranh giữa hai khối Mỹ Trung, do đó, đã vượt ra ngoài phạm vi Đông Bắc Á (và cả châu Á) rất xa.

Mearsheimer cũng nhấn mạnh nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho Trung Quốc thành một cường quốc, đây sẽ là một tay chơi đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi Trung Quốc “mạnh và nguy hiểm hơn nhiều so với bất kỳ một tay chơi bá quyền nào mà Mỹ đã từng đối đầu trong thế kỷ XX.” Các tay chơi mà Mỹ từng “thanh toán” trong thế kỷ 20 bao gồm đế quốc Nhật Bản, Đức Quốc xã và Liên Xô. Những tay chơi này đều không có nhiều nguồn lực bằng Mỹ, nhưng Trung Quốc thì khác. Nếu “trở thành một Hong Kong khổng lồ, nước này có thể sẽ có một sức mạnh tiềm ẩn gấp bốn lần Mỹ, cho phép Trung Quốc giành được lợi thế quân sự quyết định trước Mỹ ở Đông Bắc Á. Trong trong hoàn cảnh đó, thật khó để thấy Mỹ làm thế nào có thể ngăn cản Trung Quốc trở thành một đối thủ ngang hàng. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ là một siêu cường đáng gờm hơn cả Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu sau đó giữa họ.”[4]

Mearsheimer chỉ ra sai lầm trong chính sách của Mỹ đương thời là thay vì làm cho “kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể trong những năm tới”, thì Mỹ “đã theo đuổi một chiến lược ngược lại”, vì “Mỹ đã cam kết cho Trung Quốc “hội nhập”, chứ không “phong tỏa” nước này.”

Chiến lược nói trên của Mỹ “dựa trên niềm tin của chủ nghĩa tự do, cho rằng nếu Trung Quốc có thể trở nên dân chủ và thịnh vượng, nước này sẽ trở thành một cường quốc mà vẫn như hiện trạng và không tham gia vào cuộc cạnh tranh an ninh với Mỹ. Kết quả là, chính sách của Mỹ đã tìm cách đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tạo điều kiện cho nước này phát triển kinh tế nhanh chóng, để nước này trở nên giàu có, và người ta hy vọng nó sẽ vẫn bằng lòng với vị trí hiện tại của mình trong hệ thống quốc tế.”

Mearsheimer chỉ ra chính sách này của Mỹ đối với Trung Quốc là sai lầm như thế nào. Chúng ta cần lưu ý một lần nữa, ông tiên đoán những điều này từ 2001. Lý Quang Diệu của Singapore, trước đó trong hồi ký “From Third World to First” năm 2000, cũng nhận xét rằng phương Tây đang rất ảo tưởng về Trung Quốc, nhìn nước này theo kiểu “wow, lại có thêm một tay chơi nữa rồi đây” mà họ không hiểu rằng đó sẽ là tay chơi khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Theo kiến giải của Mearsheimer:

“Một Trung Quốc giàu có sẽ không phải là một cường quốc giữ nguyên hiện trạng như bây giờ, mà sẽ là một quốc gia hiếu chiến, quyết tâm đạt được quyền bá chủ trong khu vực.

Điều này xảy ra không phải bởi vì một Trung Quốc giàu có thì sẽ có những động cơ xấu xa, mà bởi vì cách tốt nhất để bất kỳ nhà nước nào có thể tối đa hóa triển vọng tồn tại của mình là trở thành bá chủ trong khu vực của họ. Mặc dù chắc chắn là Trung Quốc vì lợi ích của mình mà mưu cầu trở thành bá chủ ở Đông Bắc Á, nhưng điều đó thực sự không phải là lợi ích của Mỹ.”

Như vậy, đối với Mearsheimer, Trung Quốc hiếu chiến không phải vì “bản chất” của nó là xấu xa, vì nó là “độc tài”, mà đơn giản là vì lợi ích sẽ tự nhiên khiến nó làm như thế. Nó là một nước “dân chủ” và “tự do” như Mỹ thì nó cũng không thể làm khác. Ở thời điểm 2001, Trung Quốc vừa mới vào WTO, theo Mearsheimer, nước này còn lâu mới có thể “đủ sức mạnh tiềm ẩn để giành quyền bá chủ trong khu vực.” Vì vậy, ở thời điểm đó, vẫn còn chưa quá muộn để “Mỹ đảo ngược chính sách” hỗ trợ hết sức cho Trung Quốc, mà “làm những gì có thể để làm giảm tốc sự trỗi dậy của Trung Quốc.”[5]

Năm 2012, Robert Kaplan nhận xét về cuốn sách “Bi kịch của chính trị cường quyền” của Mearsheimer như sau:

“Nếu Trung Quốc sụp đổ do một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, hoặc phát triển theo một cách nào đó khác khiến cho khả năng đe dọa của nó bị loại bỏ, lý thuyết của Mearsheimer sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng vì nó không xem xét chính trị trong nước. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục trở thành một cường quốc quân sự, định hình lại cán cân lực lượng ở châu Á, thì cuốn “Bi kịch” của Mearsheimer sẽ tồn tại như một tác phẩm kinh điển “.[6]

Cuộc thương chiến Mỹ Trung bùng nổ từ 2018 dưới thời Tổng thống Trump và cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước tiếp tục được duy trì dưới thời Tổng thống Biden, cho thấy tầm nhìn của Mearsheimer năm 2001 là đúng.

Cuối cuốn sách, ông đã tiên đoán “những cưỡng bách có tính cấu trúc của hệ thống quốc tế, vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, có thể sẽ buộc Mỹ phải từ bỏ chính sách can dự mang tính xây dựng vào môi trường quốc tế trong tương lai gần.” (trang 402). Điều này cũng đã đúng nếu chúng ta xem xét lại chính sách rút khỏi các định chế quốc tế của Mỹ thời TT. Trump. Chính sách này của Trump đã được Biden đảo ngược. Biden quyết định giữ lại hệ thống quốc tế mà Mỹ đã xây dựng, nắm lấy nó, phát triển nó, thay vì phá hủy nó mà không biết xây dựng cái gì thay thế.

Mearsheimer bàn về cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine

Khi Putin bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, Mearsheimer ủng hộ Putin và coi phương Tây (Mỹ, NATO) là bên chịu trách nhiệm đối với cuộc xâm lược ấy. Các lập luận của Mearsheimer một mặt dựa trên những thông tin sai lệch và mặt khác mâu thuẫn với chính “hiện thực luận” của mình.

Trong bài trả lời phỏng vấn Isaac Chotiner trên báo The Newyorker, Mearsheimer lập luận như sau:[7]

Phương Tây bịa ra câu chuyện Putin quan tâm đến việc tạo ra một nước Nga vĩ đại hơn, hoặc thậm chí có thể tái tạo Liên bang Xô viết.

Putin chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông ta quan tâm đến việc chinh phục Ukraine.

Người phỏng vấn Isaac Chotiner đã chất vấn Mearsheimer: Putin đã nói Ukraine chỉ là một “quốc gia được tạo ra” (“a made-up nation”) chứ không có thật. Khi nói “Ukraine là quốc gia không có thật”, mục đích của Putin là cho rằng Ukraine chỉ là một phần của Nga, do đó, Nga tấn công và kiểm soát nó là “hợp lý” về mặt “văn hóa” và “lịch sử”. Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của Isaac Chotiner về ý tưởng này của Putin, Mearsheimer đã ngụy biện bằng cách đánh tráo khái niệm để bảo vệ Putin. Mearsheimer nói:

“Ông ấy tin rằng đó là một quốc gia được tạo nên. Tôi xin lưu ý cùng ông ấy, rằng tất cả các quốc gia đều chỉ là những thực thể “được kiến tạo”. Bất kỳ sinh viên nào nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc đều có thể nói với bạn điều đó. Chúng ta phát minh ra những khái niệm về bản sắc dân tộc. Chúng chứa đầy đủ loại huyền thoại. Vì vậy, ông ấy nói đúng về Ukraine, cũng giống như ông ấy nói đúng về Mỹ hoặc Đức. Điểm quan trọng hơn nhiều là: ông ta đã hiểu rằng mình không thể chinh phục Ukraine và hòa nhập nó vào một nước Nga vĩ đại hơn hoặc vào một sự tái sinh của Liên Xô cũ.”

Để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng, trước đó nửa năm, ngày 12 tháng 7 năm 2021, Putin đã có bài phát biểu chính thức “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine,” (“On the historical unity of Russians and Ukrainians,”)[8]. Sau đó, trong bài phát biểu phát động cuộc xâm lược, Putin lặp lại các quan điểm về lịch sử và đất nước Ukraine nói trên một lần nữa.[9]

Mặc dù ngay lập tức Putin phủ nhận ý định khôi phục “đế chế Nga”,[10] không thể phủ nhận những gì Putin nói về “bản chất quốc gia” của Ukraine phản ánh tư tưởng đế quốc, như phân tích của giáo sư sử học Serhii Plokhy ở Đại học Harvard.[11]

Putin cũng tuyên bố rằng Ukraine là một phần lãnh thổ lịch sử của Nga.

Ukraine do Liên bang Xô viết dưới thời Vladimir Lenin kiến tạo nên (Putin đặc biệt chỉ trích Lenin vì hành động này), bất chấp có nhiều bằng chứng cho thấy một nền văn hóa Ukraine riêng biệt trước đó.

“Ukraine hiện đại hoàn toàn được tạo ra bởi Nga, cụ thể hơn là Bolshevik, nước Nga cộng sản.”

Putin: “Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine đối với chúng ta không chỉ là một quốc gia láng giềng. Nó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa, không gian tâm linh của chính chúng ta.”

“Đây là người đồng hành, là những người thân của chúng ta, giữa họ không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè, đồng nghiệp cũ, mà còn là những người thân, những người gắn bó với chúng ta bằng tình cảm máu mủ, ruột thịt”.

Nhiều học giả đã chỉ ra quan điểm xét lại lịch sử của Putin chỉ là ngụy biện và bịa đặt.

Serhii Plokhy, giáo sư lịch sử Ukraina và Đông Âu tại Đại học Harvard, trả lời phỏng vấn Isaac Chotiner trên Newyoker, trong bài “Việc xét lại lịch sử Nga và Ukraine của Vladimir Putin”, 23/2/2022.[12] Trong bài trả lời phỏng vấn này, GS. Serhii Plokhy thảo luận về “ý tưởng rất đế quốc” của Tổng thống Nga và khả năng kháng chiến của người Ukraine.

Timothy Snyder, giáo sư sử học tại Đại học Yale, trong bài trả lời phỏng vấn NPR (National Public Radio), “Lịch sử của Ukraine khác với phiên bản của Putin như thế nào”, 26/2/2022.[13]

Bài phỏng vấn của Đại học Rochester với giáo sư về lịch sử Nga Matthew Lenoe của Trường này: “Kiểm tra tính xác thực đối với tuyên bố của Putin rằng Ukraine và Nga là ‘một dân tộc’”, 3/3/2022 (Fact-checking Putin’s claims that Ukraine and Russia are ‘one people’, March 3, 2022), University of Rochester.[14]

Bài của TS. Björn Alexander Düben, hiện là giáo sư ở Jilin University (Đại học Cát Lâm, Trung Quốc), “Ukraine không có thật: Kiểm tra sự thật Phiên bản Lịch sử Ukraine của Điện Kremlin” (“There is no Ukraine”: Fact-Checking the Kremlin’s Version of Ukrainian History), trên Blog của LSE (Trường Kinh tế Chính trị London, Đại học London).[15]

Ngụy biện về diễn ngôn của Putin như trên, rằng Putin không có ý định đế quốc, nhưng Mearsheimer lại tự mâu thuẫn khi cho rằng Nga cũng có nguyện vọng trở thành bá quyền khu vực giống Mỹ ở bán cầu Tây, và do đó, Mỹ và NATO xâm phạm nhu cầu này của Nga là sai lầm.

Lập luận này của Mearsheimer mâu thuẫn với chính “hiện thực luận” của ông. Bởi trong sách “Bi kịch của nền chính trị cường quyền”, ông cho rằng các cường quốc một mặt xưng bá trong khu vực mình có thể xưng bá được, nhưng vì nhu cầu sinh tồn của chính mình, luôn tìm cách ngăn cản các cường quốc khác xưng bá trong khu vực khác. Chính ông khẳng định trong sách, rằng chiến lược đúng của Mỹ là xưng bá ở bán cầu Tây (châu Mỹ) và ngăn cản cường quốc nào khác xưng bá ở bán cầu Đông.

Nếu tư duy như vậy, thì Mỹ tìm cách ngăn cản Nga xưng bá là hợp với logic của chính “hiện thực luận” của Mearsheimer. Nếu phê phán Mỹ ngăn cản nhu cầu xưng bá của Nga trong vùng thì lý thuyết gia này không chỉ ngụy biện về Putin mà còn tự mâu thuẫn với chính mình.

Góc nhìn của Mearsheimer còn sai ở hai điểm khác. Một là, nó bỏ qua một sự thực là NATO đã từ chối Ukraine từ lâu, không phải vì sợ Nga mà vì lý do nước này không đáp ứng các yêu cầu của mình. Hai là, coi NATO là một mối đe dọa, nhưng chính Putin cũng từng muốn xin gia nhập NATO nhưng bị từ chối, vì cùng một lý do NATO đã từ chối Ukraine.

Cái cớ “NATO đông tiến” của Putin

Trong cuộc xâm lược Ukraine phát động ngày 24/2/2022, Nga tuyên bố lý do là Ukraine gia nhập NATO, “uy hiếp” an ninh phía tây của mình. Nhiều học giả chính trị theo phái “realism” (hiện thực luận) như Mearsheimer cũng đưa ra những quan điểm tương tự.

Lập luận của Putin và các học giả “hiện thực luận” đều không dựa trên hiện thực. Bởi vì:

Từ thập niên 1990s, “biên giới” NATO đã tiếp giáp Nga, với sự gia nhập của Latvia và Estonia. Khoảng cách từ hai nước láng giềng Nga này đến Moscow cũng tương đương khoảng cách từ Ukraine đến đó. NATO đã tiếp giáp sườn tây của Nga từ hơn 20 năm trước rồi. Như vậy Ukraine có gia nhập hay không gia nhập NATO thì “đe dọa an ninh” của NATO đối với Nga (giả sử điều này là sự thật), vẫn không có gì thay đổi.

Bản thân Nga cũng từng muốn gia nhập NATO.

Năm 1990, Liên Xô chuẩn bị tan rã, Mikhail Gorbachev đề nghị NATO cho Liên Xô gia nhập[16].

Ngoài ra, Putin từng tiết lộ ông đã đề nghị Mỹ cho gia nhập NATO vào năm 2000. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (nhiệm kỳ 2014 – 2019) cho biết Putin khi mới cầm quyền rất nhiều lần bày tỏ ý định gia nhập NATO.[17]

Từ thập niên 2000s, Putin liên tiếp giết hại, bỏ tù các trí thức phản biện, chính khách đối lập…, thực hiện những hành động “thi triển quyền lực” như ký sắc lệnh bổ nhiệm vị trí tổng thống cho Chechnya năm 2007 mà không cần bầu cử, những hành động hung hăng trong quan hệ quốc tế như cướp bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Với các điều kiện về thể chế dân chủ, được tiêu chuẩn hóa bằng hàng loạt chỉ số của NATO, một nước Nga như thế chưa thể gia nhập tổ chức này. Như Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (nhiệm kỳ 2014 – 2019) giải thích năm 2019, “NATO có sẽ xem xét một cách nghiêm túc việc cho phép Nga gia nhập NATO một khi nước này cho thấy họ đang duy trì một một cách thực chất nền dân chủ và giá trị nhân quyền”.[18]

Về mặt chính sách, NATO là một tổ chức để ngỏ cửa cho mọi quốc gia châu Âu gia nhập nếu đáp ứng các điều kiện của nó. Điều kiện để gia nhập NATO (xem giải thích trên NATO) như sau[19]:

tôn trọng các giá trị của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương,

đáp ứng các tiêu chí chính trị, kinh tế và quân sự nhất định, được nêu trong Nghiên cứu mở rộng năm 1995 của Liên minh. Các tiêu chí này bao gồm:

một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền tảng kinh tế thị trường;

cam kết (thực hành) các quan hệ và thể chế dân sự-quân sự có tính dân chủ.

đối xử công bằng với các nhóm thiểu số;

cam kết giải quyết xung đột một cách hòa bình;

khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO;

Trong các điều này này, Nga họa chăng chỉ đáp ứng điều kiện cuối cùng (đóng góp về mặt quân sự). Putin cai trị Nga liên tục từ 2000 đến nay, đã 22 năm, nước Nga chưa từng biết thế nào là dân chủ, ngược lại, chỉ biết những trí thức và chính khách đối lập với Putin bị bức hại.

Không chỉ Nga, mà cả Ukraine cũng không đáp ứng đủ các điều kiện trên, đặc biệt là các điều kiện về dân chủ. NATO chưa từng đồng thuận kết nạp Ukraine vào tổ chức của mình.

Với những tiêu chuẩn khắt khen về thể chế dân chủ (được cụ thể hóa thông qua các chỉ số về minh bạch, chống tham nhũng, hệ thống luật pháp, xã hội dân dân sự…), bản thân việc Ukraine đặt ra mục tiêu gia nhập NATO (và EU) cũng đồng thời là một cam kết nâng cao đẳng cấp quốc gia. Tuy nhiên, Putin đã diễn giải điều này thành “chống Nga” để tuyên truyền cho cuộc xâm lược.

Như giải thích của Thủ tướng Anh Boris Johnson, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Putin lo sợ trước một Ukraine (rất gần gũi với văn hóa Nga) lại dân chủ thực sự bên cạnh mình, kích thích nhu cầu dân chủ của người dân trong nước, chống lại guồng máy độc tài của ông hơn 20 năm qua.[20] (Đó là cách lựa chọn của Putin, còn Trung Quốc, có một Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản dân chủ bên cạnh mình nhưng họ không sợ, thậm chí tìm thấy lợi ích từ đó).

Điểm nhất quán của Mearsheimer

Nếu nói như ngôn ngữ của “hiện thực luận” của Mearsheimer khi bàn về Ukraine[21], thì sẽ hoàn toàn đúng (về mặt chiến lược, không phải đạo đức), nếu Mỹ Anh nhân nhượng Nga, hy sinh các nước nhỏ như Ukraine.

“Trong một thế giới lý tưởng, sẽ thật tuyệt vời nếu người Ukraine được tự do lựa chọn hệ thống chính trị của mình và lựa chọn chính sách đối ngoại của mình. Nhưng trong thế giới thực, điều đó là không khả thi. (…) Nếu Nga cho rằng Ukraine là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga vì nước này đang liên kết với Mỹ và các đồng minh phương Tây, thì điều này sẽ gây ra một thiệt hại to lớn cho Ukraine. Tất nhiên đó là chính xác những gì đang xảy ra bây giờ. Vì vậy, lập luận của tôi là: chiến lược khôn ngoan của Ukraine là cắt đứt quan hệ thân thiết với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, và cố gắng hòa nhập với người Nga.”

Nhưng, nếu nói như ngôn ngữ của “hiện thực luận” của chính Mearsheimer trong sách “Bi kịch của chính trị cường quyền”, thì sẽ hoàn toàn sai về mặt chiến lược nếu Mỹ Anh nhân nhượng Nga, hy sinh các nước nhỏ như Ukraine.

Trước thế chiến 2, khi Đức lần lượt chiếm Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, còn Liên Xô đánh Phần Lan và Ba Lan[22], thì Tây Âu đã liên tục nhân nhượng Đức và Liên Xô. Việc Anh Mỹ chấp nhận vùng ảnh hưởng của Đức và Liên Xô là sai. Thực vậy, việc Anh Mỹ nhân nhượng ở giai đoạn đầu đã không thỏa mãn nhu cầu của Đức mà khiến nó không dừng lại ở Ba Lan, Áo, Tiệp Khắc, mà đánh cả châu Âu, bao gồm Liên Xô, uy hiếp Anh quốc, và đồng minh của Đức là Nhật Bản thì tấn công Mỹ.

Âu Mỹ ngăn chặn Đức và Liên Xô là đúng. Nếu các cường quốc không thể khống chế cường quốc khác xưng bá, sẽ đến lượt mình bị đe dọa về khả năng sinh tồn. Ở giai đoạn hai của thế chiến, khi Đức và Liên Xô trở thành kẻ thù, Mỹ đã thành hậu phương lớn của Liên Xô, cung cấp ồ ạt vũ khí và lương thực giúp Liên Xô sống sót. Khi đã diệt xong Đức, Mỹ và Liên Xô chuyển sang đối đầu lẫn nhau trong “chiến tranh lạnh” cho đến khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, ở đây Mearsheimer có một lập luận nhất quán với “hiện thực luận” của ông: Ông cho rằng Mỹ nên tập trung vào đối thủ chính là Trung Quốc. Mỹ cần ngăn cản cường quốc khác nổi lên ở bán cầu Đông, nhưng đó không phải là Nga mà là nước Tầu.

Nga chỉ có dầu thô, một nguồn lực không đủ để nước này tái tạo một đội quân khổng lồ, đủ để tái tạo Đế chế Liên Xô cũ ở Đông Âu. Không có lý do gì để lo sợ rằng Nga sẽ trở thành bá chủ khu vực ở châu Âu. Nga không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ.

Chúng ta (Mỹ) phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng trong hệ thống quốc tế. Chúng ta phải đối mặt với một đối thủ ngang tài ngang sức. Và đó là Trung Quốc. Chính sách của chúng ta ở Đông Âu đang làm suy yếu khả năng của chính mình để đối phó với mối đe dọa nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thời đại ngày nay.

Nhưng các mưu sỹ Mỹ ở DC không nghĩ như Mearsheimer khi bàn về Ukraine mà nghĩ như Mearsheimer trong “Bi kịch của chính trị cường quyền”. Mỹ đã đạt được những lợi ích chiến lược khi phong tỏa Nga và viện trợ ồ ạt cho Ukraine đánh bại Nga. Lợi ích lớn nhất của Mỹ là phá vỡ thế Nga Trung liên thủ, làm cho châu Âu tăng cường quốc phòng và gắn kết NATO, ổn định phần quan trọng nhất ở bán cầu Đông, để có thể tập trung vào Trung Quốc. Đó là điều mà Mỹ nỗ lực theo đuổi từ thời Trump qua Biden mà chưa thành. Ít nhất, cho đến thời điểm này, chưa có cơ sở thực tế và logic để nói Mỹ sẽ suy yếu vì viện trợ cho Ukraine đánh Nga.[23]

Từ “bi kịch của chính trị cường quyền” đến “bi kịch của chính trị nhược tiểu”

John Mearsheimer và các nhà “hiện thực luận” chỉ quan tâm đến quyền của các đại cường. Họ bỏ qua nhu cầu, lợi ích và quyền sống của các nước nhỏ. Trong câu chuyện Ukraine, theo Mearsheimer, một Ukraine “khôn ngoan” sẽ đoạn tuyệt với phương Tây và “cố gắng hòa nhập với người Nga.”

Đối với “hiện thực luận”, các nước nhỏ không có “quyền dân tộc tự quyết”.

Phải đổ máu để bảo vệ nền chính trị tự do và dân chủ, thay vì chấp nhận bị lãnh đạo bởi những kẻ tay sai ngoại bang và độc tài. Tự do đích thực phải trả bằng máu. Đó là bi kịch hào hùng của Ukraine hiện nay.

Mearsheimer không quan tâm đến “bi kịch của chính trị nhược tiểu”, nhưng các nước nhỏ thì cần. Đứng trước các lý thuyết gia “hiện thực luận”, câu hỏi đặt ra đối với các nước nhỏ là, ngoài hai cách, hoặc là làm chư hầu nô lệ, đầu hàng trước bạo lực của chính trị cường quyền, hoặc là đổ máu đau thương để được sống với hệ giá trị mình mong muốn, liệu có cách sinh tồn nào khác, để vừa bảo vệ được danh dự quốc gia của mình và được sống theo hệ giá trị mình muốn, vừa tránh phải đối đầu trực diện với cường quyền?

Để nghiên cứu về “bi kịch của chính trị nhược tiểu” đương nhiên cần cả một cuốn sách như Mearsheimer viết “bi kịch của chính trị cường quyền”. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi chỉ liệt kê dưới đây một số chiến lược chính để mưu cầu sinh tồn của các nước nhỏ trong lịch sử.

Chiến lược “nhất biên đảo” (ngả hẳn về một bên)

Chiến lược làm “lính xung kích” cho một phe

Chiến lược “hội thề với cả hai bên”

Chiến lược “trung lập”

Chiến lược “tọa sơn quan hổ đấu”

Chiến lược “cúng giỗ cầu an”

Chiến lược phú quốc cường binh

Lịch sử cho thấy, trong các chiến lược kể trên, duy chỉ có chiến lược cuối cùng, “phú quốc cường binh”, nếu thực hiện thành công, mới giúp các tiểu quốc sống sót giữa cuộc thư hùng của các đại cường. Các chiến lược khác đều không đạt được mục tiêu dài hạn là duy trì hòa bình lâu dài và sống sót. Trong lịch sử thế giới, nước Trịnh thời “Đông Chu liệt quốc”, thế kỷ 7 đến thế kỷ 2 trước công nguyên bên Tầu, là một trường hợp thú vị: nó là một tiểu quốc nằm kẹt giữa hai cường quốc là Tấn và Sở, đã trải qua hầu hết các chiến lược nêu trên, tùy theo sự biến đổi của mối quan hệ với các đại cường và chính trị nội bộ. Nó đã từng ngả hẳn về một bên, nhưng ngả bên này thì bên kia can thiệp để kéo lại. Nó từng làm “lính xung kích” cho bên này và bị bên kia đánh. Nó chuyển sang “hội thề với cả hai bên” nhưng bên nào cũng lập thế trận để chiếm nó làm của riêng. Nó từng muốn trung lập nhưng không ai cho nó làm thế. Nó lập mưu để Tấn và Sở đánh nhau trực tiếp, buông tha cho nó (chiến lược “tọa sơn quan hổ đấu”), nhưng hai đại cường chỉ va chạm nhỏ rồi ngừng ngay: họ chỉ sống mái trận cuối sau khi đã giải quyết xong vùng đệm là nó. Nó từng ước mơ “phú quốc cường binh” nhưng không thành, bởi nguồn lực không có, thiếu nhân tài, hoặc có nhân tài nhưng mới làm được một chút thì bị nịnh thần ganh ghét, gièm pha cho vua giết đi. Cuối cùng, nước Trịnh diệt vong. (Nhưng khi Tần Thủy Hoàng nổi lên thì các đại cường khác cũng diệt vong nốt).

Ngày nay, bối cảnh quốc tế đã rất khác thời Đông Chu hai thiên niên kỷ trước ở mảnh đất ngày nay là nước Tầu. Tuy bối cảnh đã khác, các chiến lược sinh tồn vẫn không có gì mới, chỉ khác ở cách biểu hiện trong bối cảnh mới.

Có rất nhiều nhân tố tác động đến sự lựa chọn chiến lược của các nước nhỏ khi đối diện với cường quyền. Trong đó, chính trị nội bộ đóng vai trò quan trọng, đôi khi hơn cả mối quan hệ giữa nước nhỏ với các cường quốc.

Ảnh hưởng của chính trị nội bộ từng nước đến lựa chọn sinh tử là điều Mearsheimer không khảo sát. Lý thuyết của Mearsheimer dựa trên một giả định là chính quyền các nước đều rất “lý trí”, không hành động dựa trên cảm xúc, và họ chỉ xét đến nhu cầu sinh tồn của quốc gia mình. Giả định đó của Mearsheimer không thực tế:

Trong nhiều trường hợp, lựa chọn của người lãnh đạo chịu sự chi phối chủ yếu của niềm tin và cảm xúc.

Mặt khác, cuộc sinh tồn của quốc gia dân tộc không phải lúc nào cũng là mối quan tâm chính. Trong nhiều trường hợp, mối quan tâm chính của người lãnh đạo là duy trì quyền lực, quyền lợi của nhóm cầm quyền, tức chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ trong thời gian ngắn trước mắt.

Nếu không chỉ có hai, mà có đến ba bốn hoặc nhiều hơn các đại cường cạnh tranh với nhau, nước nhỏ phải giải một bài toán phức tạp hơn gấp nhiều lần. Nếu giải quyết sai, nó có thể rơi vào tình cảnh “tứ mã phanh thây”, bị mỗi đại cường kéo một hướng khác nhau. Do đó, giải thích sự lựa chọn của mỗi tiểu quốc trước bàn cờ lớn của các đại cường là điều không đơn giản.

Đối với Việt Nam, nhiều người chia sẻ ước mơ Việt Nam chọn chiến lược cuối cùng, “phú quốc cường binh” bởi Việt Nam có nhiều nguồn lực làm cho ước mơ đó không phải là viển vông. Đó là một câu chuyện dài và ngắn. Dài vì nó phức tạp, không dễ nói ngắn gọn trong chốc lát. Việc Việt Nam nằm lại trong bẫy thu nhập trung bình đã là điều chắc chắn. Ngắn vì Việt Nam không còn nhiều thời gian, chỉ còn một hai thế hệ để ra khỏi bẫy và thực hiện ước mơ đó, hoặc ước mơ sẽ vĩnh viễn khép lại.


Chú thích
[1] John Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, W. W. Norton & Company, 2001, trang 401

[2] Ibid, trang 401

[3] China proposed division of Pacific, Indian Ocean regions, we declined: US Admiral, by Manu Pubby, New Delhi, May 15 2009,

http://archive.indianexpress.com/news/china-proposed-division-of-pacific-indian-ocean-regions-we-declined-us-admiral/459851/

[4] John Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, W. W. Norton & Company, 2001, trang 402

[5] Ibid, trang 402

[6] Robert Kaplan, Why John J. Mearsheimer Is Right (About Some Things), Feb 2012

https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2012/01/why-john-j-mearsheimer-is-right-about-some-things/308839/

[7] Why John Mearsheimer Blames the U.S. for the Crisis in Ukraine, by Isaac Chotiner, March 1, 2022

https://www.newyorker.com/news/q-and-a/why-john-mearsheimer-blames-the-us-for-the-crisis-in-ukraine

[8] Bài được đăng trên Website Điện Kremlin 12 July 2021

“On the historical unity of Russians and Ukrainians,” http://www.en.kremlin.ru/events/president/news/66181

Nếu không truy cập được Website Điện Kremlin, có thể xem bài này trên Wikipedia.

https://en.wikisource.org/wiki/On_the_Historical_Unity_of_Russians_and_Ukrainians

[9] Văn bản bài phát biểu trên truyền hình của Vladimir Putin về quốc gia Ukraine, ngày 24 tháng 2 năm 2022 (Transcript: Vladimir Putin’s Televised Address on Ukraine, Bloomberg News, February 24, 2022

https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-02-24/full-transcript-vladimir-putin-s-televised-address-to-russia-on-ukraine-feb-24

[10] Putin denies planning to revive the Russian empire after declaring that Ukraine is not a real country and sending troops there, by Sinéad Baker, Feb 22, 2022

https://www.businessinsider.com/putin-denies-reviving-russian-empire-says-ukraine-not-real-country-2022-2

[11] Vladimir Putin’s Revisionist History of Russia and Ukraine, by Isaac Chotiner, February 23, 2022

https://www.newyorker.com/news/q-and-a/vladimir-putins-revisionist-history-of-russia-and-ukraine

[12] Vladimir Putin’s Revisionist History of Russia and Ukraine, by Isaac Chotiner, February 23, 2022

https://www.newyorker.com/news/q-and-a/vladimir-putins-revisionist-history-of-russia-and-ukraine

[13] How Ukraine’s history differs from Putin’s version, February 26, 2022

https://www.npr.org/2022/02/26/1083332620/how-ukraines-history-differs-from-putins-version

[14] University of Rochester, Fact-checking Putin’s claims that Ukraine and Russia are ‘one people’, March 3, 2022 https://www.rochester.edu/newscenter/ukraine-history-fact-checking-putin-513812/

[15] Björn Alexander Düben, “There is no Ukraine”: Fact-Checking the Kremlin’s Version of Ukrainian History, LSE Blog (Trường Kinh tế Chính trị London, Đại học London)

https://blogs.lse.ac.uk/lseih/2020/07/01/there-is-no-ukraine-fact-checking-the-kremlins-version-of-ukrainian-history/

[16] A Broken Promise? What the West Really Told Moscow About NATO Expansion

By Mary Elise Sarotte, Foreign Affair, September/October 2014

https://www.foreignaffairs.com/articles/russia-fsu/2014-08-11/broken-promise

[17] Breaking Down the Complicated Relationship Between Russia and NATO

BY MADELINE ROACHE APRIL 4, 2019 https://time.com/5564207/russia-nato-relationship/

[18] Breaking Down the Complicated Relationship Between Russia and NATO

BY MADELINE ROACHE APRIL 4, 2019 https://time.com/5564207/russia-nato-relationship/

[19] NATO: NATO Enlargement & Open Door, July 2016

https://www.nato.int/nato_static_fl2014/assets/pdf/pdf_2016_07/20160627_1607-factsheet-enlargement-eng.pdf

[20] Boris Johnson says Vladimir Putin invaded Ukraine because he’s ‘terrified’ of a revolution in Russia

By Richard Vaughan, iNews, March 19, 2022

https://inews.co.uk/news/boris-johnson-vladimir-putin-invaded-ukraine-terrified-revolution-russia-1527648

[21] Why John Mearsheimer Blames the U.S. for the Crisis in Ukraine, by Isaac Chotiner, March 1, 2022

https://www.newyorker.com/news/q-and-a/why-john-mearsheimer-blames-the-us-for-the-crisis-in-ukraine

[22] Phần Lan đánh tan cuộc xâm lăng của Liên Xô nhưng vẫn phải cắt đất cầu hòa để yên thân vì Phần Lan quá nhỏ. Còn Ba Lan thì bị Liên Xô và Đức chia nhau, bị Liên Xô tàn sát tầng lớp tinh hoa.

[23] The invasion of Ukraine unites the American people against Russia and Putin, by William A. Galston, March 16, 2022

https://www.brookings.edu/blog/fixgov/2022/03/16/the-invasion-of-ukraine-unites-the-american-people-against-russia-and-putin/

U.S. and Allies Seek United Front on Russia-Ukraine Crisis, Jan. 25, 2022, Updated March 29, 2022

https://www.nytimes.com/live/2022/01/25/world/ukraine-russia-us

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc