Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật Bản

(wonkish)_Tokyo, Nagoya, Nov 2011

I. Chương trình công tác

Đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ và làm việc với các cơ quan lập chính sách và hỗ trợ DNNVV cấp Trung ương và địa phương của Nhật Bản như Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp; Cơ quan DNNVV và Đổi mới vùng (SMRJ); Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Tokyo; Trung tâm Thương mại Tokyo; Cơ quan khuyến công và Cụm công nghiệp quận Ota; Học viện DNNVV Tokyo; Ban hỗ trợ tài chính vi mô thuộc Tập đoàn tài chính Nhật Bản. Đoàn cũng đi thăm nhà máy sản xuất của hãng ôtô Toyota – tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, ở Nagoya.

1. Tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản, Đoàn đã tiếp xúc và làm việc với ông Toyoharu Kobayashi, Phó Cục trưởng Cục châu Á. Ông Kobayashi đã từng là chuyên gia tư vấn 2 năm cho Cục Phát triển doanh nghiệp theo chương trình của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Đoàn đã được nghe trình bày về đề xuất của METI hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Nhật Bản và Việt Nam đã tổ chức 2 buổi hội thảo liên quan đến chiến lược công nghiệp hóa ở Hà Nội. Tháng 12/2011, METI và các Bộ liên quan về công nghiệp sẽ họp tại Tokyo để xem xét chính sách hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hóa.

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
(i) Về hạ tầng mềm như: hệ thống cán bộ tư vấn, chuẩn đoán doanh nghiệp (shindanshi), hỗ trợ hệ thống quản lý, kế toán, logistic, thúc đẩy tài chính DNNVV; đào tạo quản lý và kỹ sư có kĩ năng nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển logistic: đơn giản hóa, hài hòa, vi tính hóa thủ tục hải quan, hoạt động hải quan liên tục 24 giờ;
(ii) Về hạ tầng cứng như: cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng; phát triển điện hạt nhân, điện than đá hiệu quả; mạng lưới truyền tải và phân phối điện; đường biển Nam Bắc, đường cao tốc Bắc Nam; khu công nghệ cao Hòa Lạc, trung tâm không gian ở Hòa Lạc, sáng kiến cộng đồng thông minh.

2. Tại Cơ quan DNNVV và Đổi mới vùng Nhật Bản (SMRJ), Đoàn Việt Nam được ông Hiroshi Akasaka, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế giới thiệu Bộ Luật cơ bản về DNNVV của Nhật Bản năm 1963 với những chính sách nhằm phát triển DNNVV lúc đó do nhiều người Nhật Bản đứng ra khởi nghiệp, phục hồi Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Luật nhằm nâng cao năng suất cho DNNVV, cải thiện điều kiện giao dịch (bất bình đẳng với những doanh nghiệp lớn).

Đến năm 1999, Luật được sửa đổi với các chính sách hỗ trợ chia làm 3 loại chính: (i) hỗ trợ những DNNVV có tham vọng, (ii) củng cố nền tảng kinh doanh cho DNNVV: nhân lực, công nghệ, (iii) hỗ trợ DNNVV đối phó với thay đổi môi trường xã hội, môi trường kinh tế.

SMRJ có 9 văn phòng chi nhánh cấp vùng, 1 văn phòng ở Okinawa  và 9 Học viện DNNVV với khoảng 800 nhân viên và 3700 cộng tác viên (luật sư, CPA, kế toán thuế, tư vấn quản lý…). Ngân sách hàng năm Nhà nước dành cho SMRJ là 21 tỉ yên.

3. Tại Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Tokyo, Đoàn đã gặp và làm việc với ông Suzuki, Trưởng ban Hỗ trợ tổng hợp. Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Tokyo được thành lập năm 1966, đến nay đã trên 45 năm hoạt động. Trung tâm hiện có 210 nhân viên và đội ngũ tư vấn khoảng 100 người. Trên toàn Tokyo có 1,5 triệu DNNVV, số doanh nghiệp đăng kí sử dụng dịch vụ hỗ trợ của Trung tâm là 255.000 (17%) . Trung tâm có các chính sách hỗ trợ theo 4 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp từ khi bắt đầu kinh doanh, đến chính thức hoạt động (phát triển sản phẩm, kỹ thuật), phát triển ổn định và duy trì - tái cấu trúc doanh nghiệp.

Các hoạt động cụ thể đang triển khai như: phòng tư vấn tổng hợp 1 cửa, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn đối với người mới thành lập hay mong muốn thành lập doanh nghiệp hoặc hỗ trợ cho thuê văn phòng với giá thấp; hỗ trợ tư vấn quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp là 50% đăng kí SHTT, nhưng tối đa không quá 3 triệu yên; Trung tâm hỗ trợ khoảng 50 công ty/năm về SHTT. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng kí tại nước ngoài tối đa 300.000 yên/ công ty, mỗi năm Trung tâm hỗ trợ khoảng 20 công ty. Trung tâm cho biết hỗ trợ điều tra xâm phạm SHTT hiện gia tăng và đang thương lượng với chính quyền Tokyo cấp thêm ngân sách.

Ở Nhật Bản, Cơ quan hỗ trợ DNNVV có ở tất cả các địa phương như ở Tokyo và 47 địa phương khác. Ngoài ra, ở cấp quận, huyện cũng có các cơ quan hỗ trợ DNNVV. Tài chính cho các hoạt động hỗ trợ chủ yếu, đối với Trung tâm hỗ trợ DNNVV ở Tokyo, trung bình chính quyền Tokyo cấp khoảng 13 tỉ yên/ năm (tương đương 167 triệu đôla Mỹ), nguồn thu từ doanh nghiệp không đáng kể. Ở HokkaidoOkinawa không có cơ quan hỗ trợ DNNVV địa phương, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp.

4. Trung tâm thương mại Tokyo hiện hỗ trợ quốc tế hóa cho DNNVV với 4 chương trình chính:
(i) Trade Inquiry System: hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường nước ngoài. Trung tâm có số liệu của 6200 công ty được tích lũy qua quá trình vài chục năm nhằm giới thiệu sản phẩm đối với công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp có thể tự truy cập dữ liệu qua mạng, ngoài ra có 3 nhân viên hỗ trợ trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp.
(ii) Trade Consultation: tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp: DNNVV gặp vấn đề trong kinh doanh quốc tế như không thu được tiền từ công ty nước ngoài hay công ty nước ngoài đòi thêm tiền… có thể nhờ Trung tâm tư vấn.
(iii) Trade Business Seminar: hội thảo Xúc tiến Thương mại, Trung năm tổ chức 3 hội thảo một năm, tháng 7/2011 vừa qua có hội thảo giới thiệu về Trung Quốc, tháng 12/2011 tới sẽ có hội thảo giới thiệu riêng về doanh nghiệp và thị trường Việt Nam.
(iv) Hands-on support for overseas marketing: Trung tâm có 10 nhân viên được coi là “global navigator”, là những người có kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài của các công ty lớn. Các công ty nhỏ có sản phẩm đạt thành tích trong nước đăng kí với trung tâm, sản phẩm xin đăng kí được thẩm định nội bộ và sẽ được giới thiệu công ty thương mại để giới thiệu trong mạng lưới của họ trong lĩnh vực đó.

5. Hiệp hội phát triển công nghiệp quận Ota: Quận Ota ở phía Nam Tokyo, có diện tích lớn nhất trong 23 quận, có sân bay Haneda (năm 2010 đã khai thông chuyến quốc tế). Dân số của quận 674000 người, đứng thứ 3/23 quận của Tokyo. Trước đây quận Ota có hơn 9000 doanh nghiệp, hiện số lượng doanh nghiệp giảm còn dưới 4000 doanh nghiệp. Các ngành công nghiệp chủ yếu như: gia công kim loại bằng máy, chiếm 80% số doanh nghiệp của quận, và 9% số doanh nghiệp ở Tokyo. Số lượng DNNVV dưới 3 người chiếm 50%, dưới 9 người chiếm 82% số doanh nghiệp của quận. DNNVV ở đây phát triển cao, nổi tiếng có công ty chỉ có 3 người nhưng có công nghệ có thể sản xuất linh kiện của tàu vũ trụ.

Hiệp hội phát triển công nghiệp quận Ota được thành lập năm 1995. Các chính sách phát triển DNNVV địa phương do chính quyền quận Ota lập và Hiệp hội là cơ quan triển khai. Các hoạt động chính như: xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, nhận đặt hàng, hoặc cùng DNNVV đi thị trường nước ngoài, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp. Ngân sách hoạt động của Hiệp hội là 1 tỉ yên/ năm. Chính quyền quận Ota cấp 70% ngân sách hoạt động, còn lại từ cho thuê mặt bằng, triển lãm (với giá thuê thấp, hỗ trợ doanh nghiệp). Đoàn Việt Nam được gặp và làm việc tại cụm công nghiệp của Hiệp hội – là tòa nhà chỉ có 9.600 m2 tổng diện tích sử dụng cho khoảng gần 20 doanh nghiệp thuê.

Diện tích mỗi doanh nghiệp thuê nhỏ (khoảng 500 m2) nhưng được chủ doanh nghiệp sử dụng hợp lý, hiệu quả do áp dụng chính sách 5S (một phương pháp tổ chức nơi làm việc nhằm tạo tinh thần và hiệu quả cho nơi làm việc) của Nhật. Đoàn Việt Nam cũng được nghe 1 công ty tư vấn đầu tư trình bày về mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản khi sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Theo họ, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến các khu công nghiệp Việt Nam đặt vấn đề thuê trụ sở thường được Việt Nam mời cho thuê với diện tích tính bằng hecta. Đối với DNNVV Nhật Bản thì chi phí đầu vào như vậy quá lớn, do đó có sự bất cân xứng về nhu cầu của Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề thuê/cho thuê hạ tầng.

6. Học viện DNNVV, được Chính phủ Nhật Bản thành lập năm 1962, ban đầu là một viện nghiên cứu nhằm đào tạo cán bộ chuẩn đoán viên cho doanh nghiệp (shindanshi), sau đó mở rộng dần các lĩnh vực về đào tạo cán bộ hỗ trợ DNNVV địa phương (1964), đào tạo cán bộ kỹ thuật cao (1965), đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp (1969). Đến năm 1980, Học viện được đổi tên thành Đại học DNNVV và được xây dựng thêm ở các vùng khác.

Hiện trường có 450 người, trong đó 80 người tốt nghiệp khóa shindanshi đầu tiên tham gia cộng tác giảng dạy. Các khóa học thường diễn ra 1 tuần/tháng, trong suốt 12 tháng. Hàng năm, trường đào tạo hơn 4500 người. Chi phí cho mỗi học viên là 1,5 triệu yên/khóa học, trong đó Nhà nước hỗ trợ ⅔ chi phí, tương đương 1 triệu yên/người.

7. Tập đoàn tài chính Nhật Bản (Japan Finance Corporation), được sáp nhập từ 3 tập đoàn lớn: Tập đoàn tài chính Nation Life (NLFC), Tập đoàn tài chính nông lâm ngư (AFC), Tập đoàn tài chính DNNVV Nhật Bản (JASME) vào ngày 1/10/2008. Ban hỗ trợ tài chính vi mô của tập đoàn (JFC-Micro) hiện đang tiếp tục những hoạt động mà NLFC đã thực hiện kể từ ngày thành lập năm 1949, đó là cho vay vốn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoặc các cá nhân mà gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ tư nhân.
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, JFC-Micro hỗ trợ vay vốn tối đa 72 triệu yên/doanh nghiệp, dư nợ trung bình 6 triệu yên/doanh nghiệp. Đối với các DNNVV, JFC-Micro cấp vốn tối đa 720 triệu yên, dư nợ trung bình 140 triệu yên/doanh nghiệp.
Hiện JFC-Micro có 152 chi nhánh với khoảng 4700 nhân viên. Vốn kinh doanh: 6541 tỉ yên.

II. Hội nghị Bàn tròn DNNVV Đông Á lần thứ 6

Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp nhỏ và vừa Đông Á (DNNVV) là sáng kiến của ông Takao Suzuki, Chủ tịch SMRJ. Đây là dịp để đại diện lãnh đạo cơ quan phát triển DNNVV của 5 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam nhóm họp, trao đổi các mối quan tâm chung và thảo luận các sáng kiến nhằm hỗ trợ phát triển DNNVVcủa 5 nước.

Các Cơ quan thành viên:
1.          Cơ quan Phát triển DNNVV Hàn Quốc (SBC).
2.          Cơ quan Phát triển DNNVV và Phát triển hạ tầng Nhật Bản (SMRJ).
3.          Cơ quan Xúc tiến DNNVV Thái Lan (OSMEP).
4.          Cơ quan DNNVV Malaysia (SME Corp, Malaysia).
5.          Cục Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (AED).

Tham dự các Hội nghị Bàn tròn là người đứng đầu các cơ quan nói trên, cùng với các đoàn đại biểu là đại diện của cơ quan Chính phủ phụ trách DNNVV, cơ quan ngoại giao của các nước Đông Á đóng tại nước sở tại.

Hội nghị Bàn tròn DNNVVĐông Á được tổ chức lần đầu tại Nhật Bản vào năm 2007, kể từ đó đến nay đã có 5 kỳ Hội nghị diễn ra lần lượt tại Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam.

Lần thứ
Nước chủ trì, địa điểm, thời gian
Nội dung chính
1
Nhật Bản, Tokyo, tháng 5/2007.
Cơ quan Chính sách và thực hiện xúc tiến DNN&V.
2
Thái Lan, Bangkok, tháng 11/2007.
Cầu nối giữa tình hình DNNVV và các chính sách tiến tới năm 2008.
3
Malaysia, Kuala Lumpur, tháng 6/2008.
Nâng cao năng lực nội địa về hỗ trợ liên kết trong khu vực.
4
Hàn Quốc, Seoul tháng 8/2009.
Từ đổi mới sáng tạo đến thực tiễn: Liên kết các cơ quan hỗ trợ DNNVVtrong khu vực.
5
Việt Nam, Hà Nội, tháng 11/2010
Hướng đến sự Phát triển bền vững của các DNNVV

            Hội nghị lần này được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, có 2 phiên thảo luận, phiên 1 về các chính sách hỗ trợ DNNVV mới của mỗi nước và phiên 2 các bài trình bày theo chủ đề.

Tại phiên 1, các nước trình bày về những chính sách mới hỗ trợ DNNVV đang được thực hiện như:
(i)  “Khám bệnh cho DNNVV”, Hàn Quốc, chuẩn đoán, phân tích tình hình doanh nghiệp và đưa ra lời khuyên kinh doanh (tương tự hệ thống shindanshi của Nhật Bản),
(ii) “Các quỹ Hỗ trợ DNNVV”, Malaysia, hiện đang thực hiện 219 chương trình hỗ trợ DNNVV trị giá 1,8 tỉ đôla Mỹ. Năm nay, lần đầu tiên Quỹ SME Revitalization Fund trị giá 31 triệu đôla Mỹ được đề xuất và thực hiện. Quỹ được coi như tạo nguồn vốn cơ hội kinh doanh lần 2 cho những doanh nghiệp đã thất bại lần đầu, kinh doanh ngành mới hoặc thực hiện kế hoạch kinh doanh cũ với những phương thức mới,
(iii) “Kế hoạch Xúc tiến DNNVV lần 3”, Thái Lan, với mục tiêu tạo thêm 250.000 doanh nghiệp mới, tăng sức cạnh tranh cho 30.000 DNNVV trong các ngành mục tiêu và tạo ra 60 mạng lưới DNNVV mỗi năm. Thái Lan hi vọng có dữ liệu tốt hơn về xúc tiến DNNVV. Thái Lan cũng bày tỏ quan ngại về vốn đầu tư mạo hiểm từ Singapore, khi các DNNVV Thái Lan gặp khó khăn về tài chính, và các quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore đầu tư vốn, do đó, nhiều doanh nhân thành công người Thái Lan, Malaysia nhưng công ty là của Singapore hoặc Đài Loan),
(iv) “Ứng phó với các biến động của môi trường kinh tế” (Nhật Bản, cung cấp vốn cho các nhà máy (công đoàn các nhà máy), hỗ trợ sau thảm họa động đất sóng thần, hoãn nợ, cho vay không lãi suất, đưa chuyên gia đến vùng bị ảnh hưởng, miễn phí).
Đoàn Việt Nam đã giới thiệu về các chính sách hỗ trợ thông tin, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tại phiên 2, các nước đã có các bài trình bày theo 1 trong 3 chủ đề lựa chọn như:
(i)                “Chương trình doanh nhân trẻ” (Hàn Quốc), do số lượng DNNVV khởi sự ở Hàn Quốc có xu hướng giảm, năm 2008 chỉ có 385.000 doanh nghiệp mới thành lập, giảm 20% so với năm 2000. Số CEO trẻ (dưới 39 tuổi) cũng giảm, chỉ còn chiếm 12% tổng số CEO (so với 54% vào năm 2000), Cơ quan Phát triển DNNVV Hàn Quốc đã xây dựng “Chương trình doanh nhân trẻ” nhằm giúp các doanh nghiệp khởi sự vượt qua được “Thung lũng chết” (Death Valley: giai đoạn phát triển và triển khai sản phẩm mẫu, sau khi có nghiên cứu cơ bản, đòi hòi nhiều nguồn lực). Chương trình cung cấp đào tạo có hệ thống cho chủ doanh nghiệp và hỗ trợ văn phòng, thiết bị nghiên cứu, tư vấn (one-on-one coaching), hỗ trợ tới 70% chi phí ban đầu tới 100 triệu won (tương đương 90.000 usd).
(ii)             “Hỗ trợ DNNVV tham gia các kênh bán hàng trong thị trường toàn cầu” , Malaysia xác định thương mại điện tử là xu hướng hỗ trợ với nghiên cứu thị trường trên mạng, chia sẻ thông tin qua các diễn đàn doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu trên mạng, các phương tiện tiếp thị trên mạng. Trong năm qua, 1467 doanh nghiệp nhận phiếu ưu đãi quảng cáo qua mạng Google Adwords và 121 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng tranh web chủ qua các trường đại học địa phương.
(iii)           “Hỗ trợ DNNVV phát triển sản phẩm mới sử dụng nguồn lực địa phương”, Thái Lan hỗ trợ xây dựng giá trị sáng tạo cho DNNVV giúp các sản phẩm truyền thống có thêm sự đổi mới về chất lượng, hình dáng, mẫu mã.
(iv)           Nhật Bản trình bày về “Hỗ trợ DNNVV ứng phó với tác động của thảm họa sóng thần” và đoàn Việt Nam đã giới thiệu về chương trình hỗ trợ đào tạo theo Thông tư 05 đang được triển khai thực hiện.

III. Hội chợ triển lãm JISMEE 2011
Định kỳ hàng năm, SMRJ tổ chức 2 cuộc hội chợ hoặc triển lãm để các DNNVV Nhật Bản tham gia và tìm kiếm đối tác sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất tại Nhật Bản dành cho đối tượng là các DNNVV gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh. Năm 2010, triển lãm đã thu hút hơn 47.000 lượt khách tham quan của Nhật Bản trong 3 ngày diễn ra triển lãm.

Năm 2011 là lần đầu tiên SMRJ tổ chức triển lãm quốc tế DNNVV tại Nhật Bản với sự tham gia của hơn 700 DNNVV của Nhật Bản và gần 100 doanh nghiệp quốc tế tham gia. Đoàn Việt Nam có 10 gian trưng bày, trong đó có Cục Phát triển doanh nghiệp, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài) và 6 doanh nghiệp tham gia triển lãm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực có thế mạnh như hàng thủ công mỹ nghệ (2 doanh nghiệp), sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ (2 doanh nghiệp) và doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao (1 doanh nghiệp).

Khu vực triển lãm được quy hoạch thành các phân khu chức năng riêng biệt, cụ thể như sau:
1. Khu vực gian hàng của các DNNVV và công ty liên doanh : các sản phẩm gốc, dịch vụ được trưng bày, giới thiệu tại khu vực này, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như năng lượng và môi trường, tiết kiệm năng lượng và môi trường đô thị, phân phối và hậu cần, thông tin-truyền thông, nguồn nhân lực và giáo dục, lối sống và văn hóa, thực phẩm, nhà ở, kỹ thuật dân dụng và kiến trúc, hỗ trợ kinh doanh, phúc lợi, dịch vụ y tế và liên quan đến sinh học, phụ tùng và vật liệu, công nghệ sản xuất.
2. Khu vực các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và Trung tâm hỗ trợ Quận và khu vực DNNVV: giới thiệu về các tổ chức đang thực hiện hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho DNNVV.
3. Khu vực dành cho các chuyên gia tư vấn miễn phí: Các DNNVV tham gia hội chợ có thể gặp các chuyên gia của tổ chức SMRJ khu vực Kanto để nhận tư vấn miễn phí về lập kế hoạch-kinh doanh, nguồn nhân lực và tổ chức, quản trị hệ thống nội bộ, quản lý, marketing, thương mại và kỹ thuật, tư vấn tài nguyên khu vực..v..v…
4. Khu vực dành cho các cuộc họp kinh doanh: dành cho các DNNVV đăng ký để xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin, đồng thời nhằm giúp đỡ các DNNVV có thể tìm được đối tác phù hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5. Khu vực triển lãm và bán các sản phẩm phục vụ tái thiết thảm họa động đất: Khu vực này là dành cho các DNNVV từ các khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất tháng 3/2011 tại phía Đông Nhật Bản để phát triển thị trường mới. Bằng cách cung cấp cơ hội cho những DNNVV để triển lãm và bán sản phẩm, công nghệ và dịch vụ, góp phần tái thiết sau thiên tai.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm đã nhận được sự quan tâm nhất định từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Có hơn 50 lượt công ty Nhật Bản đã đến tham quan và trao đổi thông tin với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 2 công ty đã tiến hành đàm phán và xây dựng các thủ tục để ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp Việt Nam chuyên sản xuất, gia công sản phẩm nhựa. Đồng thời, các doanh nghiệp và một số tổ chức như Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đã đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng ở Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia triển lãm về DNNVV tại Nhật Bản, tuy nhiên các DN Việt Nam đã có được những thành công bước đầu trong việc kết nối với các DN Nhật Bản để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiếp nhận việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất. Trong thời gian tới, các DN Việt Nam nên tiếp tục tham gia vào các triển lãm quốc tế tương tự nếu có điều kiện phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp), Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại), Phòng TM&CN Việt Nam (VCCI) cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để quảng bá tới cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội và tiềm năng có được từ việc tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế này trong tương lai.

Trong quá trình tổ chức triển lãm, SMRJ đã phối hợp với các cơ quan hỗ trợ DNNVV khác của Nhật Bản để quảng bá và thu hút được một số lượng lớn các DN có uy tín, có sản phẩm hoặc công nghệ đạt trình độ quốc tế tham gia. Có thể kể tên một số cơ quan quan trọng như Tổng cục DNNVV, Cục kinh tế tỉnh Kanto, phòng TM&CN Nhật Bản, ngân hàng Shoko Chukin, hiệp hội Xúc tiến thương mại cho DNNVV, Cục khoa học và công nghệ Nhật Bản..v..v….

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc