Vì sao phân chia giai cấp vẫn trầm trọng ở Ấn Độ?

Together Forever. Photo courtesy Nishanth Jois.

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng Năm tới đây, ứng cử viên Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP), Thủ hiến bang Gujarat đang được coi là người dẫn đầu trong cuộc đua vào chức Thủ tướng Ấn Độ. Ông Modi từng là nhà buôn trà, trước đây đã chỉ trích lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ cầm quyền là những kẻ thượng lưu, tham nhũng và xa rời dân chúng. Lần này, ông nhấn mạnh vào xuất thân khiêm tốn của mình. Trong bài phát biểu hồi tháng Một, ông tuyên bố các lãnh đạo đẳng cấp cao thuộc đảng Quốc đại Ấn Độ e ngại phải đối đầu với một đối thủ ở đẳng cấp thấp. Nếu trúng cử, ông Modi sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên xuất thân từ đẳng cấp thấp (other backward classes, OBC). Tuy nhiên, ông không phải chính trị gia duy nhất nhận thấy lợi ích của việc nêu lên vấn đề này khi tranh cử. Trên thực tế, phân chia đẳng cấp vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết người dân Ấn Độ.

Bộ Hiến pháp đồ sộ với tư tưởng khai phóng của nước này được kỳ vọng chấm dứt định kiến kéo dài hàng nghìn năm ở Ấn Độ rằng con người được định sẵn vị trí xã hội, và cả nghề nghiệp, ngay từ khi sinh. Hiến pháp đã xóa bỏ ‘tiện dân’ (untouchability) – hủ tục quy định toàn xã hội sẽ xa lánh những kẻ 'tiện dân ô uế' hay còn gọi là Dalit, nay gần như đã biến mất trong xã hội Ấn Độ. Nhiều luật khác nhau nghiêm cấm sự phân biệt đẳng cấp nhưng đồng thời cũng có các chính sách của nhà nước thúc đẩy sự phân biệt giai cấp "tích cực" như dành thêm suất trong giáo dục bậc cao hay việc làm trong cơ quan công quyền cho những nhóm người phải chịu thiệt thòi hay ở đẳng cấp thấp. Vì vậy, một số chính trị gia đã rất thành công trong việc lợi dụng vấn đề giai cấp để thu hút phiếu bầu bằng cách hứa hẹn những lợi ích (goodies) còn lớn hơn thế. Ví dụ tiêu biểu là ứng cử viên Thủ tướng khác, bà Mayawati, nguyên Thủ hiến bang Uttar Pradesh với dân số hơn 200 triệu người, hiện dẫn đầu đảng của người Dalit. Ở bang Bihar miền Bắc, các đảng phái chính trị đang giành giật (jostle) các nhóm giai cấp để hình thành liên minh. Ở bất kì nơi nào, lá phiếu cử tri đều có thể bị thay đổi bởi xuất thân giai cấp của ứng cử viên.

Tuy nhiên, đừng chỉ đỗ lỗi cho các chính trị gia. Các nhân vật có tiếng nói khác trong xã hội như những người đứng đầu 'khap panchayats' (các chức sắc làng không qua bầu cử, gồm toàn đàn ông) hay các bậc cao niên ‘cổ hủ’ (doughty) trong gia đình cũng là những tác nhân duy trì định kiến giai cấp mạnh mẽ hơn các chính trị gia rất nhiều. Tiêu biểu như chuyện hôn nhân, ở các vùng nông thôn, việc đi ngược lại luật lệ xã hội và kết hôn với người ở đẳng cấp thấp hơn sẽ dẫn đến hậu quả tai hại. Haryana, một bang ở phía bắc Ấn Độ vẫn tồn tại xã hội cổ hủ hà khắc nổi tiếng với những vụ xử tử thường xuyên cả đàn ông và phụ nữ vi phạm luật lệ. Ngay cả ở thành phố, giai cấp vẫn là một tiêu chí quan trọng khi sắp xếp các cuộc hôn nhân. Trong bất cứ quảng cáo tìm bạn đời nào trên báo chí hay khi đăng kí vào một trang web hẹn hò trực tuyến, các tiêu chí về giai cấp cũng được liệt kê rõ ràng và chi tiết (‘Brahmin tìm Brahmin’, ‘Mahar tìm Mahar’) giống như các tiêu chí khác về tôn giáo, giáo dục, bằng cấp, thu nhập và ngoại hình. Nghiên cứu các trang hẹn hò này cho thấy chỉ một phần tư thành viên ghi ‘giai cấp không thành vấn đề’. Điều này cũng phản ánh sự quan tâm của các bậc cha mẹ luôn muốn con cái lấy người cùng giai cấp bởi hôn nhân sẽ gắn bó hai đại gia đình với nhau một cách mật thiết.

Chừng nào hôn nhân còn diễn ra chủ yếu giữa những người cùng giai cấp, khó có thể trông mong một đạo luật hay chiến dịch cộng đồng nào đó sẽ xóa bỏ được sự ám ảnh dai dẳng của người dân về vấn đề này. Tình trạng này xem ra sẽ còn kéo dài: một nghiên cứu vào năm 2005 cho thấy chỉ 11% phụ nữ Ấn Độ lấy người khác giai cấp. Đang có những thay đổi diễn ra tuy chậm nhưng tích cực về vai trò của giai cấp trong việc quyết định công việc, tài sản, giáo dục và những cơ hội khác của một người bình thường. Giai cấp không là vấn đề đối với các công việc như nhân viên trực điện thoại, lập trình viên hay giáo viên tiếng Anh. Càng nhiều những công việc như này được tạo ra và càng nhiều người thoát ly khỏi những ngôi làng cổ hủ, tiến bộ sẽ đến càng nhanh.

Đăng Duy
The Economist

Tags: india

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc