Về ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông

shared from Giang Le.
-----
Về ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông sách báo VN thường sẽ viết như sau: "Vó ngựa của đoàn quân Mông Cổ từng chinh phục bao vùng đất rộng lớn từ Á sang Âu đã bị chặn lại ở VN...". Tất nhiên người VN nào cũng tự hào về chiến công này, không ai không biết đến "Sát Thát", "Diên Hồng", "Bạch Đằng Giang"... Nhưng nếu chịu khó gác lại lòng tự hào dân tộc để tìm hiểu kỹ hơn một chút giai đoạn lịch sử này từ các nguồn thông tin bên ngoài, có thể bạn sẽ có một vài câu hỏi giống tôi.

Thứ nhất, không biết bạn thế nào chứ từ trước tới giờ tôi có cảm giác 3 lần thắng Nguyên Mông của quân dân nhà Trần là một chiến công vang dội nổi tiếng thế giới, thậm chí là duy nhất trước vó ngựa Mông Cổ không dân tộc nào khác làm được. Tôi nhớ có bài viết nói rằng 3 cuộc chiến chống Nguyên Mông của VN đã được đưa vào giáo trình của một trường quân sự nổi tiếng nào đó. Nhưng thực ra đội quân này không phải bất bại trước khi đến Đại Việt. Google về "mongol defeats" thì thấy VN chỉ là một trong những nơi đội quân Mông Cổ không chinh phục được. Nhật, Korea, Java, Champa, Ấn độ, Ả Rập... là những ví dụ được nhắc đến khá nhiều. Thất bại quân sự của Mông Cổ ở VN không phải là điều được nhiều người biết đến.

Thứ hai, dù sách vở VN cho rằng đây là một trong những điểm sáng của lịch sử nước nhà, rất tiếc các nhà sử học (thời đó và sau này) không có nhiều thông tin về các trận chiến của quân dân nhà Trần trong 3 cuộc chiến đó. Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh nhà Trần đã sử dụng vũ khí và tactic gì để đánh lại kỵ binh Mông Cổ? Có ai biết diễn biến cụ thể của trận Vạn Kiếp, Chương Dương, Bạch Đằng không hay chủ yếu chỉ là những lưu truyền dân gian? Một commenter trên Quora cho rằng nhà Trần sử dụng voi để chống lại kỵ binh Mông Cổ (Wikipedia cũng có thông tin như vậy), điều này có đúng không? Hay việc cánh cung bằng sừng và gỗ (composite bows) của quân Nguyên rất dễ hỏng trong điều kiện ẩm ướt của Đại Việt có đúng không? Đọc về "Battle of Ain Jalut" mới thấy các sử gia Ả Rập ghi chép cẩn thận đến thế nào.

Thứ ba, có thực VN đánh bại Nguyên Mông 3 lần không? Nếu bạn đọc Wikipedia bản tiếng Anh (http://goo.gl/AEOxAU) sẽ thấy lần thứ nhất năm 1257 VN đã thua và nhà Trần phải chấp nhận làm một nước chư hầu (vassal state) và triều cống cho nhà Nguyên để quân Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangkhadai) rút đi. Thông tin tương tự có thể tìm thấy từ những nguồn "đáng tin cậy hơn Wikipedia" ví dụ như:

- Stephen Turnbull: Genghis Khan & the Mongol Conquests (http://goo.gl/Fl6qQa)
- Paul Buell: Mongols in Vietnam: End of one Era, Beginning of Another
- Bin Yang: Between Winds and Clounds (http://goo.gl/1zx2XC)
- Richard Bulliet et al: The Earth and Its People (http://goo.gl/1bxs7v)
- San Beck: China, Korea, Japan to 1800 (http://goo.gl/tezN00)
- Kalie Szczepanski: Kublai Khan: Ruler of Mongolia and Yuan China (http://goo.gl/p56VlB)
- J Saunders: The History of the Mongol Conquests (http://goo.gl/Oh0qQa)

Ba tác giả sau cùng cho rằng thực tế các lần động binh của nhà Nguyên (thời Hốt Tất Liệt - Kublai/Khubilai) xuống Annam đều nhằm mục đích thần phục (submission) chứ không phải chiếm đóng. Bởi vậy bất kể kết cục chiến trận thế nào việc cuối cùng Annam (và Champa) phải chấp nhận làm chư hầu và cống nạp hàng năm là một thành công, ít nhất trên danh nghĩa (nominal success), của các cuộc động binh đó. Trên thực tế nhà Nguyên cũng tấn công Triều Tiên, Miến điện và Thái lan với cùng mục đích và cả ba nước này đã phải chấp nhận làm chư hầu cống nạp tương tự như Đại Việt. Ở châu Á chỉ có Nhật và Java đã chống cự thành công và không bao giờ chịu làm chư hầu của Nguyên Mông, tất nhiên một phần nhờ vị trí địa lý của họ.

Tóm lại ba lần chiến thắng quân Nguyên của VN theo một số sử sách nước ngoài không hẳn đã vẻ vang như tôi vẫn nghĩ. Tất nhiên tội lỗi của kẻ xâm lăng không thể chối bỏ, chiến thắng của quân dân nhà Trần tại Chương Dương, Bạch Đằng là sự thật lịch sử. Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi bị bắt sống là một vết nhơ cho đội quân của Thoát Hoan đến nỗi hoàng tử này đã bị vua cha Hốt Tât Liệt điều ra Dương Châu vĩnh viễn. Nơi đó cũng có thể là chỗ một nữ nhi nước Việt, công chúa An Tư, đã gửi lại nắm xương của mình.
-----
updated 1: Nhiều người Việt biết công chúa Huyền Trân, người được vua Trần Anh Tông gả cho Chế Mân, vua Champa, để đổi lấy châu Ô châu Lý của nước này. Nhưng chắc ít người biết trước Huyền Trân nhà Trần còn gả một công chúa khác cho nước ngoài, đó là công chúa An Tư.

An Tư là em gái út của vua Trần Thánh Tông, được vị vua này gả cho Thoát Hoan, chính viên tướng nhà Nguyên chỉ huy cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ hai. Sau khi quân Trần thất bại ở Vạn Kiếp và Thiên Mạc phải rút lui về Thăng Long, nhà Trần phải tìm kế hoãn binh. Cử Đỗ Khắc Trung sang cầu hòa nhưng không được, Trần Thánh Tông đã phải cống công chúa An Tư cho Thoát Hoan để trì hoãn cuộc tấn công của quân Nguyên.

Không rõ sự hi sinh của công chúa An Tư có giúp vua quan nhà Trần có thêm thời gian rút khỏi Thăng Long không. Cũng không rõ số phận công chúa An Tư sau khi Thoát Hoan "chui ống đồng" chạy về nước thế nào. Có nghi vấn cho rằng bà đã theo Thoát Hoan về TQ và sau này có con với kẻ thù của anh trai mình. Rất có thể vì vậy sau khi thắng quân Nguyên không ai nhắc đến công lao của bà. Sách sử VN sau này nhắc nhiều đến Huyền Trân nhưng cũng không đề cập đến An Tư.

PS. Tôi vẫn luôn thắc mắc làm cách nào Thoát Hoan kiếm được cái ống đồng để chui vào. Đúc trong lúc rút chạy thì chắc không kịp, mà thời đó đâu đã có đường ống nước sông Đà - Hà nội để cưa tạm một đoạn.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc