Tiền mặt dần biến mất ở châu Âu: Những ngăn kéo trống rỗng

Photo credit: The Economist.

Một số người châu Âu quyến luyến với tiền giấy và tiền xu hơn những người khác.

Chỉ có khách du lịch trả bằng tiền mặt, một nhân viên phục vụ quầy ở quán Espresso House, một chuỗi quán cà phê của Thụy Điển, nằm trên đường Vasagatan ở Stockholm cho biết. "Họ không hiểu rằng chúng tôi không còn sử dụng tiền mặt nữa", cô liếc mắt, hướng đến máy quẹt thẻ. Với người dân địa phương, hình thức "quẹt thẻ" nhanh hơn nhiều, và cô thường thiếu tiền trả lại khi khách nước ngoài thanh toán bằng các đồng mệnh giá lớn, vừa được rút ra từ máy ATM.

Người Thụy Điển hiếm khi mang tiền mặt; số lượng thanh toán bằng thẻ đã tăng gấp mười lần kể từ năm 2000 và 20% các khoản thanh toán--khoảng 5-7% nếu tính theo giá trị--là bằng tiền mặt. Ở nhiều nơi thuộc Bắc Âu, tình hình cũng diễn ra tương tự, với biển hiệu "không chấp nhận tiền mặt" xuất hiện ngày càng nhiều trên cửa sổ của các cửa hàng. Nhưng đi xuống phía nam hoặc sang phía đông, tình hình lại khác; ở Ý, 83% thanh toán vẫn bằng tiền mặt. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, vào năm ngoái, trong khi mỗi người Na Uy thực hiện tới 456 giao dịch điện tử, thì người Ý chỉ thực hiện 67 giao dịch và người Rumani thực hiện 17 giao dịch. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là sự do dự của nước Đức trước việc từ bỏ "tiền tươi thóc thật". Hơn ba phần tư các khoản thanh toán của nước Đức vẫn được thực hiện bằng tiền mặt và biển hiệu "chỉ nhận tiền mặt" không phải là không phổ biến.

Khi các nước trở nên giàu có hơn, họ có xu hướng không dùng tiền mặt với lý do an toàn, tiện lợi và chi phí. Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng tiền mặt không gây ra chi phí nhưng với các ngân hàng và các nhà bán lẻ thì không; nó cần được kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển, giữ sạch, thay thế, kiểm tra giả mạo, lưu trữ và bảo vệ. Khoảng 0,5-1% GDP một năm được chi cho việc quản lý tiền mặt. Hơn nữa, trong cuốn sách mới của mình "The Curse of Cash" (“Lời nguyền của tiền mặt”), nhà kinh tế Kenneth Rogoff lập luận rằng tiền mặt đã góp phần vào các hành vi trốn thuế và các hoạt động bất hợp pháp khác ở các nước giàu, và rằng chính sách tiền tệ sẽ có hiệu quả hơn trong một thế giới không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, một số người dân châu Âu không sẵn sàng từ bỏ tiền giấy và tiền xu so với những người khác.

Ở các nước vùng Benelux và Bắc Âu, các ngân hàng đã là những người sớm quảng bá dịch vụ thanh toán điện tử và giúp khách hàng sử dụng thẻ dễ dàng hơn (và rẻ hơn). Ở những nước dân cư thưa thớt như Thụy Điển và Na Uy, duy trì một mạng lưới chi nhánh và ATM lớn rất tốn kém; Swedbank, ngân hàng bán lẻ lớn nhất Thụy Điển, chỉ có tám chi nhánh có thể xử lý tiền mặt. Các ngân hàng cũng góp phần phát triển những công nghệ thanh toán trên điện thoại di động, như MobilePay, một ứng dụng đang được sử dụng trên chín trong số mười điện thoại thông minh ở Đan Mạch.

Tuy nhiên, ở Đức và nhiều nước ở phía nam và phía đông, các ngân hàng không năng động bằng. Các ngân hàng Đức còn chậm chạp hơn nhiều khi thúc đẩy thanh toán điện tử và thanh toán bằng thẻ. Ở Ý, tương đối ít người có thẻ ngân hàng và những người có thẻ thì không thường xuyên sử dụng (25 giao dịch cho mỗi thẻ ghi nợ mỗi năm, so với con số 114 ở Pháp). Điều này một phần là do các thương gia người Ý không thích dùng thẻ, vì các ngân hàng có xu hướng thu phí cao. Để giải quyết khác biệt giữa các quốc gia, tháng 12 năm 2015, Ủy ban Châu Âu đã giới hạn lệ phí trao đổi ở mức 0,2% cho mỗi giao dịch thẻ ghi nợ, và 0,3% đối với thẻ tín dụng.

Chính quyền Bắc Âu đã giúp tạo điều kiện sử dụng thẻ. Ở Thụy Điển, việc cài đặt “hộp đen” trong máy tính tiền giúp trực tiếp gửi dữ liệu doanh thu bán hàng cho cơ quan thuế để chống trốn thuế VAT, khiến cho tiền mặt kém hấp dẫn. Ở Đan Mạch, việc chi trả tiền trợ cấp vào thẻ ghi nợ cũng đã hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Theo Dimitri Roes, chủ sở hữu của 't Vlaams Broodhuys, một chuỗi cửa hàng bánh ngọt ở Hà Lan, chính lý do an ninh và vệ sinh đã thúc đẩy quyết định không sử dụng tiền mặt. "Các tiệm bánh là mục tiêu dễ dàng của những vụ cướp. Bạn có thể bị lĩnh ngay một nhát dao chỉ vì vài trăm euro." Khách hàng cũng không muốn người bán chạm vào bánh sừng bò của họ sau khi cầm tiền xu. Một số khách hàng đã giận dữ ném tiền xu lên quầy khi người bán bánh ngừng chấp nhận chúng, nhưng hơn 90% không quan tâm.

Văn hóa cũng là một nguyên nhân. Những người dân vùng Bắc Âu sành điệu về kỹ thuật số có thể thoải mái mua sắm rau quả trên điện thoại thông minh của họ, nhưng đối với người dân Đức, đằng sau sự bất tin của họ là mối ác cảm sợ bị theo dõi đã ăn sâu trong lòng--một vết sẹo do cơ quan tình báo Stasi để lại. Một cuộc khảo sát gần đây của PWC cho thấy cứ năm người Đức thì hai người không thanh toán trên điện thoại di động vì lo ngại về bảo mật dữ liệu (và gần chín trên mười người lo lắng về điều này). Khi Bộ Tài chính Đức mới đề xuất giới hạn thanh toán bằng tiền mặt ở mức 5.000 euro, giống một số nước khác, nhật báo Bild đã tổ chức một cuộc biểu tình của độc giả.

Tương tự, người dân Ý cũng tức giận khi một giới hạn thanh toán bằng tiền mặt ở mức 1.000 euro được đề xuất vào năm 2011. Thủ tướng Matteo Renzi đã nâng mức này lên 3.000 euro vào năm ngoái. Nhà kinh tế Rogoff cho rằng sự quản lý yếu kém ở các nước như Ý và Hy Lạp phần lớn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trốn thuế cao và các loại tội phạm khác, và hậu quả là lượng trích trữ tiền mặt lớn trong dân. Những thói quen như trả một phần lương trong phong bì đựng tiền đã trở thành thâm căn cố đế.

Mặc cho tiến độ chậm đến vậy, ông Andreas Pratz thuộc công ty tư vấn AT Kearney tin rằng khi một nước đạt 100 giao dịch thanh toán bằng thẻ ở các máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) cho mỗi người mỗi năm, người ta sẽ nhận ra mình có thể sống mà không cần tiền mặt. Khi tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt giảm, tổng chi phí sử dụng chúng sẽ tăng. Công ty tư vấn Panteia ước tính rằng ở Hà Lan chi phí trung bình cho mỗi khoản thanh toán bằng tiền mặt đã tăng từ 0,22 euro lên tới 0,25 euro từ năm 2009 đến năm 2014 và chi phí cho mỗi thanh toán PIN giảm từ 0,21 euro xuống còn 0,19 euro.

Dĩ nhiên, giảm sử dụng tiền mặt cũng có những bất lợi. Việc cài đặt máy chấp nhận thẻ có thể tốn kém. Người nghèo, nhiều người trong số họ không có tài khoản ngân hàng, sẽ cần phải được tính đến. Những lo ngại về việc không được ẩn danh là chính đáng. Và tiền mặt luôn là trường hợp dự phòng hiển nhiên trong trường hợp hệ thống bị lỗi.

Nhưng những lợi thế của giao thương không dùng tiền mặt đang ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Quay trở lại Stockholm, tại khách sạn Radisson Waterfront, hai người Mỹ cao tuổi đã cãi nhau về việc ai sẽ đi đổi "tiền địa phương" để họ có thể gọi taxi. Giá mà họ biết rằng tài xế taxi ở đây thích thanh toán bằng thẻ và chỉ có 7% thanh toán taxi của Stockholm được thực hiện bằng tiền mặt.

Phương Anh
The Economist

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc