Nhiệm vụ khó khăn: Làm thế nào để đối phó với những lo ngại về tài sản bị mắc kẹt

Photo courtesy Mike Mozart.

Các công ty dầu mỏ cần chú ý đến mối lo ngại của nhà đầu tư.

Tháng 9 năm 2015, tại một bữa tối sang trọng tại thị trường bảo hiểm Lloyd’s ở London, Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã đặt ra vấn đề của ngành bảo hiểm với biến đổi khí hậu. Ông cảnh báo trước rằng đây không phải chuyện đùa. Sau đó ông đưa ra tuyên bố gây xôn xao ngành công nghiệp dầu mỏ.

Thông điệp của ông gồm hai điểm chính. Đầu tiên, nếu thế giới có ý định nghiêm túc nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2ºC, hầu hết các mỏ than, dầu và khí đốt ở mặt đất sẽ bị "mắc kẹt", hoặc không thể khai thác. "Rủi ro quá độ" ấy có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính, ông lập luận. Thứ hai, một nhóm công tác sẽ được thiết lập để thúc đẩy các công ty công khai kế hoạch quản lý rủi ro và cách thức chuẩn bị cho mục tiêu 2ºC của thế giới, tương tự như đơn vị từng được thành lập trước đây để cải thiện việc công khai rủi ro của các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Kể từ bài phát biểu ấy, các công ty dầu mỏ đã nổi giận bởi ý tưởng rằng họ có thể trở thành một Lehman Brothers tiếp theo. Ben van Beurden, tổng giám đốc điều hành của Royal Dutch Shell, cho rằng các nhà quản lý tài chính đang cố gắng "dùng thị trường tài chính làm vũ khí nhằm chống lại dầu và khí đốt". Patrick Pouyanné, ông chủ của Total, thúc giục ông Carney hãy "đi mà lo cho đồng bảng Anh chứ không phải ngành công nghiệp dầu khí".

Nhưng những nhận xét của ông Carney báo trước thay đổi trong thái độ đối với các công ty dầu của chính phủ, các nhà quản lý tài chính và các nhà đầu tư đã trở nên rõ ràng hơn kể từ thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris hồi cuối tháng 12. Ủy ban chứng khoán, có nhiệm vụ quản lý thị trường chứng khoán Mỹ, đang điều tra xem liệu Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất đất nước, có định giá những mỏ dầu chưa được khai thác một cách thích hợp trong tình hình giá dầu gần đây giảm còn một nửa và khả năng có các biện pháp điều chỉnh đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Hồi tháng 10, tập đoàn này đã nói có thể sẽ bút toán giảm khoảng một phần năm giá trị các mỏ dự trữ dầu của họ. Tập đoàn này đã phải đối mặt với vài cuộc điều tra của tổng chưởng lý New York, ông Eric Schneiderman.

Các cổ đông chủ động (activist shareholder) đã nhận được hỗ trợ chưa từng có từ các nhà đầu tư chủ đạo cho những nỗ lực của họ nhằm buộc các tập đoàn dầu mỏ giải thích hoạt động kinh doanh của họ sẽ thay đổi như thế nào nếu hoàn toàn loại bỏ các-bon. Total, Shell và BHP Billiton, tập đoàn than và dầu mỏ, đã đi trước trong vấn đề này, và cho phát hành báo cáo về hoạt động trong 12 tháng vừa qua trong đó vạch ra kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu ấm lên 2ºC.

Các tập đoàn dầu khí Mỹ vẫn bướng bỉnh không chịu thay đổi ý kiến, cho rằng các nhân tố thị trường làm giảm lượng khí thải tốt hơn nhiều so với các "hiệp định quốc tế hoặc các sáng kiến của chính phủ". Họ nhấn mạnh rằng nhờ có cuộc cách mạng đá phiến-khí đốt ở Mỹ mà lượng khí thải năm ngoái thấp hơn so với một thập kỷ trước đó là 12%. Thái độ như vậy có nguy cơ gây ra nhiều phản ứng dữ dội đối với các công ty cứng đầu nhất. BlackRock, tập đoàn quản lý tài sản cỡ lớn, ước tính có hơn 500 doanh nghiệp đầu tư với tài sản vào khoảng 3,4 nghìn tỷ USD do tập đoàn này quản lý, đã cam kết sẽ thoái vốn đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch. Họ cho hay khi các quỹ ủy thác tài chính quyết định đầu tư vào đâu, giờ đây họ nên xem xét cả các tác động từ biến đổi khí hậu cũng như lợi nhuận dự kiến.

Bevis Longstreth, cựu ủy viên SEC (và là nhà hoạt động môi trường), cho biết những lời hô hào ấy có thể có tác động lan tỏa khắp cộng đồng đầu tư. Các chính quyền địa phương đang bắt đầu giảm bớt hoạt động đầu tư vào dầu khí. Điều này nhắc ông nhớ hồi các công ty lớn có giao dịch ở Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc trong những năm 1980 đua nhau rút đầu tư. "Giống như chạy ra khỏi nhà hát khi bạn ngửi thấy mùi khói."

Mắc kẹt vì do các phỏng đoán
Tuy vậy, phản ứng giận dữ của ngành công nghiệp dầu mỏ đối với vấn đề về giá trị các mỏ dầu dự trữ cũng có phần hợp lý. Cuộc điều tra ExxonMobil của ông Schneiderman đã gặp nhiều khó khăn, giống như một kẻ đầu cơ liều lĩnh đang tuyệt vọng đi tìm dầu mỏ. Bởi vì giá dầu lên và xuống liên tục, việc ước tính và xác định giá trị các mỏ dầu là rất khó khăn. Việc dự đoán các nhà quản lý sẽ làm gì để đối phó với biến đổi khí hậu thậm chí còn khó hơn.

Đối với lo lắng của ông Carney về tài sản bị mắc kẹt, ngành dầu khí cho rằng còn quá sớm để phải lo lắng. Các quốc gia như Ả Rập Saudi có trữ lượng ước tính có thể kéo dài tới 70 năm, nhưng trữ lượng hiện có của các công ty dầu mỏ ít hơn nhiều, thường chỉ kéo dài được khoảng 10-15 năm. Công ty nghiên cứu IHS ước tính rằng khoảng 80% giá trị của hầu hết các công ty dầu khí có niêm yết dựa vào trữ lượng dầu dự trữ đã biết hiện nay sẽ dùng hết trong khoảng thời gian đó. Daniel Yergin, phó Chủ tịch của IHS, cũng chỉ ra rằng gần đây giá dầu suy giảm không đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính, mặc dù cú sốc này đột ngột hơn hậu quả biến đổi khí hậu có thể gây ra. Ông cho rằng ông Carney đã đi quá xa vấn đề.

Nhưng cũng không khác gì, ngành công nghiệp có thể vẫn phải chịu nhiều áp lực nữa. Dưới sự bảo trợ của Ủy ban ổn định tài chính (FSB), cơ quan do nhóm G20 quản lý nhằm giám sát hệ thống tài chính toàn cầu (và ông Carney là chủ tịch), Nhóm công tác về Minh bạch thông tin tài chính liên quan đến khí hậu đang phác thảo bản hướng dẫn toàn cầu, sẽ được trình lên Ủy ban ổn định tài chính trong tháng 12, cho việc tự nguyện minh bạch về cách thức quản lý rủi ro từ biến đổi khí hậu. Các thành viên của nhóm công tác thừa nhận rằng những rủi ro này khó có thể được thể hiện trên bảng cân đối tài chính, nhất là khi không rõ sắp tới chính phủ sẽ áp đặt những quy định gì. Công ty nghiên cứu IHS cho rằng những quy định như vậy có thể gây tổn hại cho các công ty nhiên liệu hóa thạch vì không hấp dẫn các nhà cho vay và tạo ra lợi thế cho các công ty nhà nước đối thủ vốn không phải đối mặt với những áp lực tương tự từ các nhà đầu tư.

Một trong những cố vấn cho nhóm công tác, Mark Lewis của tập đoàn Barclays, cho biết nếu các biện pháp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu được thực hiện đầy đủ, doanh thu của các công ty dầu mỏ có thể giảm hơn 22 nghìn tỷ USD trong vòng 25 năm tới, hơn gấp đôi so với mức giảm dự đoán đối với cả ngành công nghiệp khí đốt và than. Ông Lewis rút ra lời cảnh báo từ những khó khăn của ngành điện châu Âu, do phải chịu biện pháp trừng phạt của chính phủ đối với điện than và điện hạt nhân. Họ phải chịu mức suy giảm nặng nề của giá cổ phiếu trong những năm gần đây và một vài tập đoàn lớn nhất, bao gồm cả E.ON của Đức, đã bị buộc phải tách rời việc kinh doanh nhiên liệu hóa thạch. Nếu các công ty dầu mỏ lớn được khuyến khích thảo luận cởi mở về rủi ro từ biến đổi khí hậu, họ sẽ có cơ hội tốt hơn để tránh khỏi một kết cục như vậy.

Quỳnh Anh
The Economist

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc