TRẬT TỰ THẾ GIỚI

BỨC TRANH ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI VÀ CHÂU Á
QUA TRẬT TỰ THẾ GIỚI CỦA KISSINGER

đặt mua sách: tại đây
translated by Sơn Phạm, Jan 2017.

Thế giới dưới cái nhìn của Kissinger
Trật tự Thế giới của Henry Kissinger vừa ra đời đã gây sự chú ý của nhiều độc giả, đặc biệt là các nhà khoa học và chính khách trên thế giới.

Trước đó, Kissinger cũng đã xuất bản một loạt các tác phẩm khác về chính trị thế giới và khu vực. Lợi thế của tác giả là vừa kết hợp được chiều sâu của một nhà nghiên cứu chính trị, với một kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở tầm ngoại giao chiến lược quốc tế trên mọi châu lục. Và Trật tự thế giới hiện diện như một tác phẩm tổng kết lại cách nhìn của Kissinger về bức tranh địa chính trị thế giới, cũng được một số ý kiến cho đây có thể là tác phẩm cuối cùng của ông.

Trong tác phẩm, Kissinger xuất phát từ Hòa ước Westphalia (chương 1) để phân tích về tương quan giữa các nước, chủ yếu là các cường quốc và các khu vực giữ một vai trò đặc biệt đối với bức tranh địa chính trị thế giới, với những khác biệt trong thế giới quan và vị trí địa lý đã ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của mỗi nước như thế nào. Tác giả dành chương cuối (chương 9) để bàn về vấn đề toàn cầu hoá trong thời đại khoa học công nghệ, đặc biệt là tin học và truyền thông đại chúng lan tràn đã tác động mạnh mẽ đến dư luận, các nhà lãnh đạo và các quyết định chính trị đương thời.

Theo cách nhìn của Kissinger thì trật tự thế giới ngày nay cần được đặt trên hai yếu tố căn bản: 1. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia có tính chính danh dựa trên căn bản của các hiệp ước và tổ chức quốc tế; 2. Và để đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như các khu vực, cần phải dựa trên một sự cân bằng quyền lực mà chủ yếu phụ thuộc vào các cường quốc thế giới và khu vực.

Điểm qua một loạt các quốc gia tiêu biểu trải dài từ châu Âu, châu Á đến Trung Đông và Bắc Mỹ, và mặc dù đã lưu ý đến đặc điểm của các quốc gia và khu vực, nhưng Kissinger vẫn nghiêng về xu hướng tán đồng một kiểu trật tự thế giới do phương Tây xây dựng từ sau Thế chiến II dựa theo khuôn mẫu của Hòa ước Westphalia. Tác giả cũng không hề giấu diếm việc đề cao vai trò của Mỹ trong bối cảnh tương quan lực lượng của thế giới hôm nay.

Để hiểu được sự tự tin, phần nào ngạo nghễ của Kissinger như thấu kính phóng đại niềm tự hào Mỹ như một quốc gia dị biệt, cần phải xem xét vấn đề địa chính trị của nó.

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nằm gần như hoàn toàn trong Tây Bán cầu, hầu như tách biệt với phần còn lại của thế giới với tây giáp Thái Bình Dương, đông giáp Đại Tây Dương. Vị trí địa lý được hai đại dương che chở đã giúp Mỹ hầu như không bị tổn hại trong Thế chiến I, để từ đó nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc. Cũng chính sự che chở đó đã làm người Mỹ tiếp tục tự tin trong những hành động chính trị trên khắp thế giới sau này. Bên cạnh đó, lịch sử lập quốc đã trao cho họ niềm tin vào sứ mệnh thiêng liêng từ mạc khải của Chúa, với hình ảnh của một thành phố ở trên đồi tỏa ánh sáng muôn nơi trong Kinh Thánh, cùng với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự, khiến các chính khách Mỹ và người dân Mỹ qua nhiều thế hệ cho rằng mình mang sứ mệnh của Chúa cũng như nghĩa vụ của con người để đem giá trị Mỹ mà chính họ coi là tiêu biểu cho toàn nhân loại đến với toàn cầu.

Trong tác phẩm, Kissinger dẫn lời của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong phát biểu tại Diễn văn từ nhiệm năm 1989:
“Tôi đã nói về thành phố tỏa sáng trong cả cuộc đời chính trị của tôi, nhưng tôi không biết liệu mình đã bao giờ truyền đạt thành công những gì tôi thấy khi tôi nói về nó chưa. Nhưng trong tâm trí của tôi, đó là một thành phố ở trên cao đầy tự hào được xây dựng trên những tảng đá mạnh mẽ hơn những đại dương, nơi có gió thổi qua, được Chúa ban phước và đầy chật người dân thuộc mọi tầng lớp sống trong hòa hợp và an bình – một thành phố với những bến cảng tự do, ngân nga bài ca của thương mại và sáng tạo, và nếu phải có những bức tường thành phố, những bức tường sẽ có các cửa ra vào, và các cửa rộng mở cho bất kỳ ai có ý chí và trái tim có thể tới được nơi đây. Đó là cách tôi đã thấy và vẫn còn thấy nó.”

Bên cạnh đó, Kissinger cũng thừa nhận tính nước đôi trong quan hệ chính trị và ngoại giao quốc tế của Mỹ nhằm cân bằng quyền lực và giữ gìn trật tự thế giới:
“Các cuộc tranh luận trong nước Mỹ thường được miêu tả như là cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực tế. Nhưng đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới, nếu Mỹ không thể hành động theo cả hai chủ nghĩa, kết cục có thể là nó sẽ không thể hiện thực hóa chủ nghĩa nào cả.”

Địa chính trị châu Á trong trật tự thế giới
Mô hình theo Hòa ước Westphalia có thể phù hợp với lịch sử và địa lý của phương Tây, và qua thời gian, nó được bồi đắp và định hình dần như là một trật tự thế giới. Tuy nhiên với các quốc gia ở Trung Đông và châu Á, với một lịch sử lâu đời và vị trí riêng, lại không cho là như vậy. Các quốc gia này muốn một luật chơi riêng, hoặc ít nhất là phải được tham gia vào hình thành luật chơi chứ không phải chỉ thực hiện luật chơi do phương Tây tạo ra.

Trung Đông, nơi tồn tại của một thế giới Hồi giáo rộng mênh mông, tự cho rằng thế giới này trước sau phải là một vương cung thánh đường Hồi giáo, nơi được cai trị bởi Sultan, vua của các vị vua, người duy nhất có quyền ban phát chức tước cho những vị vua ở các quốc gia khác. Hồi giáo chia thế giới thành hai, một bên là thế giới Hồi giáo, bên kia là phi Hồi giáo, và nhiệm vụ của thế giới Hồi giáo là biến phần còn lại thành thế giới Hồi giáo trong một sứ mệnh jihad (thánh chiến). “Cách nhìn trật tự thế giới của họ coi Hồi giáo có thiên mệnh bành trướng khắp "vương quốc chiến tranh" như họ gọi tất cả các vùng đất do dân vô thần cư trú, cho đến khi cả thế giới là một hệ thống đơn nhất, không thể chia tách, được lời phán truyền của Đấng tiên tri Muhammad làm cho hài hòa.”

Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn với dân số đông, xung quanh là những quốc gia nhỏ bé hơn, đã tự cho mình là quốc gia nằm ở trung tâm của thế giới, vua của nó không được coi là vị vua bình thường mà là vua của các vua dưới danh xưng “hoàng đế”, được mệnh danh là “thiên tử”, có quyền cai trị mọi quốc gia khác trong “thiên hạ”, và vua các quốc gia khác, một mặt phải chịu sự sắc phong của nó, mặt khác phải tiến hành việc triều cống vốn nặng về nghi lễ thuần phục hơn là ý nghĩa kinh tế. Vì vậy, nó không dễ dàng chấp nhận một trật tự thế giới theo luật chơi do phương Tây đã định sẵn. Trung Hoa chưa bao giờ từ bỏ ý định trở thành trung tâm của thế giới. Điều đó càng làm sâu sắc thêm tham vọng bá quyền của quốc gia này hôm nay khi nó đang trỗi dậy.

Kissinger cũng điểm qua Ấn Độ với tư cách một quốc gia có trọng lượng đáng kể ở khu vực này, với dân số đông và một sức mạnh quân sự đáng nể. Ấn Độ từ lâu đã chủ trương một đối sách trong quan hệ quốc tế: không đi theo bất kỳ một bên nào. Quốc gia này đặt lợi ích của mình như là nguyên tắc trong quan hệ với các quốc gia khác, chứ không phải là vấn đề ý thức hệ hay các liên minh. Nó cố gắng tránh xung đột và đứng về một bên xung đột với các quốc gia khác, trừ những cuộc đụng độ quân sự ở biên giới với Pakistan vốn dai dẳng qua các thập kỷ. Ấn Độ không tự đặt mình vào như là một cường quốc trong cán cân thăng bằng của trật tự thế giới, dù nó vẫn có những động thái hỗ trợ huấn luyện quân sự và dân sự cho các quốc gia bạn bè, trong đó có Việt Nam.

Kissinger bàn về Việt Nam hoàn toàn khác. Ông không nhìn Việt Nam như một nhân tố tham gia vào trật tự thế giới, mà chỉ với tư cách là tác nhân ảnh hưởng đến một cường quốc tham gia vào trật tự thế giới: Mỹ. Tại chương 8 “Hoa Kỳ: Siêu cường nước đôi”, ông dành một mục cho Việt Nam: Việt Nam và sự tan vỡ đồng thuận quốc gia, ngụ ý cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm tan vỡ đồng thuận quốc gia của Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, để ngăn chặn làn sóng cộng sản mà đứng đầu là Liên Xô, Mỹ đã quyết định can thiệp và ngày càng lún sâu vào cuộc chiến ở Việt Nam.

Không đi sâu phân tích về diễn biến cuộc chiến và sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến này, mà Kissinger soi chiếu từ góc độ cuộc chiến đã làm nội bộ nước Mỹ bị xáo động khủng khiếp và mâu thuẫn, các giá trị Mỹ bị nghi ngờ.

Dưới con mắt của nhà chính trị lão luyện Kissinger, nơi một trật tự thế giới được lập ra bởi các cường quốc mà không đếm xỉa gì đến các quốc gia nhỏ bé dù đó cũng là các quốc gia độc lập có chủ quyền, thì châu Á là nạn nhân chứ không phải là người chơi trong trật tự quốc tế do chủ nghĩa thực dân phương Tây áp đặt.

Qua đây, có thể thấy rằng, mặc dù Mỹ và Trung Hoa có những quan niệm khác nhau về vai trò của mình trong cán cân quyền lực thế giới, nhưng vì đây đều là hai siêu cường với những quyền lợi gắn bó chặt chẽ, nên đều tự nhận thấy phải kìm chế và tránh đụng độ trực tiếp vì thiệt hại mà nó gây ra là khôn lường.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Hoa và các quốc gia Đông Á lại đang trở thành vùng nóng có thể châm ngòi bất kỳ lúc nào.

Thiết nghĩ, những luận điểm này rất cần thiết đối với một Việt Nam trên bờ Biển Đông trong bối cảnh phức tạp hôm nay.

TS. Võ Minh Tuấn


đặt mua sách: tại đây

Tags: partnership

58 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc