Trái tim mặt trời - Chương II "Điệu múa của ong"


ÐỪNG GIAO PHÓ THÂN MẠNG CHO KẺ KHÁC

Có một buổi chiều lộng gió đi núi về, tôi thấy các cửa sổ và cửa ra vào của am Phương Vân bị gió thổi bật tung. Hồi trưa ra đi, tôi chỉ khép hờ các cửa. Gió lộng vào nhà, lạnh lẽo. Giấy tờ trên bàn viết của tôi bay tứ tán. Tôi lập tức đi đóng hết các cửa, đốt cây đèn lớn giữa nhà rồi đi nhặt giấy tờ và sắp lại trên bàn. Xong xuôi, tôi đi đốt lửa ở lò sưởi. Một lúc sau, củi nổ lép bép và căn nhà ấm áp trở lại.
Có nhiều khi ở chốn đông người náo nhiệt, bạn cảm thấy mệt mỏi, lạnh lẽo và trống trải. Bạn rút lui về một mình, sống với nội tâm và cảm thấy ấm áp như tôi đang ngồi trong một căn nhà có mái, có tường che gió che sương và bên một bếp lửa hồng. Giác quan của chúng ta là những cửa sổ mở ra bên ngoài và nhiều khi gió lộng vào, thổi bay tứ tán mọi vật trong nhà. Nhiều người trong chúng ta đã quen mở rộng tất cả các cửa sổ giác quan, mặc tình cho hình sắc và âm thanh bên ngoài xâm chiếm. Nhiều khi những luồng gió bên ngoài lộng vào tận những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn và tạo nên một khung cảnh trống lạnh xác xơ trong nội tâm ta. Có khi nào bạn lỡ xem một cái phim rất tồi trên máy truyền hình mà cứ dành tiếp tục để cho máy mở đến khi chuyện phim chấm dứt ? Tiếng la, tiếng hét, tiếng rên rỉ và tiếng súng nổ làm cho bạn khó chịu lắm phải không ? Tại sao bạn không đứng dậy tắt máy đi mà cứ để cho cái phim kia nó hành hạ bạn như thế ? À, tôi biết rồi. Cái máy truyền hình của bạn là cái máy rẻ tiền chỉ nghe được độc nhất có một đài. Bạn không thể chuyển sang đài khác. Bạn không muốn tắt. Bạn không muốn đóng cái cửa sổ của bạn. Bạn sợ cô độc, trống lạnh khi phải đối diện với chính bạn.
Bạn cũng biết rằng tâm tư ta là gì thì ta là cái ấy. Nếu ta giận thì ta là cái giận, nếu ta yêu thì ta là cái yêu, nếu ta ngắm một đỉnh núi phủ tuyết thì ta là đỉnh núi phủ tuyết, nếu ta theo dỏi một chuyện phim thì ta là truyện phim, nếu ta nằm mơ thì ta là giấc mơ. Ta có một phép lạ vô song là có thể trở thành bất cứ thứ gì mà ta ước muốn, mà không cần đến cuốn sách ước hay là chiếc đũa phép của một nàng tiên. Vậy thì tại sao ta lại mở cửa sổ của ta để đón nhận một cái truyện phim ồn ào, vô duyên và đầy tính cách bức hại như thế ? Tôi không muốn động tới những phim hay. Tôi chỉ muốn nói tới những nhà làm phim rẻ tiền, chuyên thao túng cảm giác của khán giả. Họ kích thích cái sợ, cái lo và cái hồi hộp của bạn và họ tàn phá khán giả của họ, kể cả những khán giả rất trẻ. Ai cho phép họ làm như vậy ? Chính là khán giả của họ. Chúng ta dễ dãi quá, chúng ta xem bất cứ phim ảnh nào.Và cũng tại gì chúng ta vừa có cảm giác cô dơn vừa có cảm giác lười biếng. Chúng ta không muốn tạo ra sự sống của chúng ta. Chúng ta mở máy truyền hình ra và giao phó chúng ta cho kẻ khác dắt dẫn, uốn nắn, tạo tác và phá phách. Theo dõi một truyện phim, bị cuốn hút theo nó là chúng ta phó thác thân mạng chúng ta cho kẻ khác rồi. Ta nên biết rằng có thể là sau một truyện phim như thế, thần kinh và tâm tư ta bị tàn hại và đầu độc không ít.
Bạn, tôi chỉ mới nói về một chuyện phim. Xung quanh chúng ta còn có bao nhiêu cậm bẫy khác do chính đồng loại chúng ta và do cả bản thân chúng ta tạo dựng ra và gài sẵn đó. Trong một ngày ta có thể tán thân thất mạng nhiều lần vì chúng. Ta phải cẩn thận, và phải bảo trọng thân mạng và sự an ổn của ta. Nói như vậy không phải là lúc nào ta cũng đóng im ỉm tất cả những cửa sổ giác quan của ta.
Thực ra, trong thế giới mà ta gọi là "bên ngoài", có biết bao điều mầu nhiệm. Cửa sổ của ta hãy mở trên những mầu nhiệm đó. Bạn phải chọn lựa và bạn phải thắp lên ngọn đèn quán niệm. Ngồi bên một dòng nước trong, nghe một bản nhạc hay hoặc theo dõi một truyện phim đẹp, ta cũng đừng phó thác ta hoàn toàn cho dòng nước, khúc nhạc hoặc truyện phim. Mặt trời ý thức mà được thắp lên là hầu hết mọi tai nạn ta đều tránh thoát được và dòng nước sẽ trong hơn, tiếng nhạc và truyện phim sẽ làm ta thấy rõ tâm tư của người nghệ sĩ hơn. Người hành giả sơ tâm thường bỏ chợ búa xã hội vào ngồi trong rừng xanh là để đóng lại những cái cửa sổ thường làm cho người ấy loạn tâm, và suốt ngày thấy núi rừng yên tĩnh, do đó, có thể khôi phục lại được chính mình mà không để tự mình trôi lăn theo dòng thác lũ của "thế giới bên ngoài ". Rừng cây im mát thanh tịnh giúp cho hành giả nhiếp tâm vào chánh niệm. Một khi chánh niệm đã vững chãi rồi thì dù ngồi giữa chốn chợ búa hành giả cũng không còn bị xáo động. Nhưng cho đến khi ấy, hành giả phải thận trọng, phải nuôi dưỡng chánh niệm hàng giờ, hàng ngày, phải chọn lựa những khung cảnh và những thực phẩm thích hợp cho bản thân mình.

NGƯỜI BỊ CẢM CHƯA ÐƯỢC TẮM NƯỚC LẠNH

Nếu là một nhà phê bình văn nghệ, bạn sẽ đọc một cuốn truyện hoặc xem một cuốn phim bằng con mắt biết nhận xét của bạn. Ít nhiều trong khi đọc hoặc trong khi xem bạn cũng ý thức được trách vụ của nhà phê bình nơi bạn cho nên bạn không là "nạn nhân" của cốt truyện đó hoặc chuyện phim đó. Bạn có khả năng tự chủ. Người sống trong chánh niệm là một người có tự chủ: tuy cửa sổ giác quan của họ mở ra trên thế giới, nhưng căn nhà tâm ý của họ không hề bị cướp đoạt. Nói như vậy để chúng ta nhớ rằng thế giới hình sắc và âm thanh "bên ngoài" không phải là kẻ thù độc hại của chúng ta. Nếu chúng ta giữ gìn những cửa sổ giác quan của chúng ta là tại gì chúng ta chưa đủ sức mạnh để đương đầu với thế giới ấy, cũng như ta bị cảm cúm thì ta chưa thể đi tắm nước lạnh... Con người hôm nay sống trong một xã hội đầy tiếng ồn, bụi bặm và sự chèn ép lẫn nhau, chỉ có thể thỉnh thoảng trốn vào công viên dược một chút mà thôi . Trong thời đại ta, âm nhạc, tiểu thuyết, quán rượu và những chương trình truyền hình có quá ít tính chất trị liệu. Trái lại những thứ đó có thể là cho con người chán chường hơn, rách nát hơn, mệt mỏi hơn. Vậy con người phải tìm cách tự vệ. Phải biết sử dụng cách đóng mở những cửa sổ giác quan. Ðối với sự thiền tập, đó là bước đầu rất quan trọng. Tôi cần những khung cảnh và những phẩm vật thích hợp với tôi, có thể làm cho tôi an lạc, thanh tịnh, vui tươi, khỏe mạnh. Tôi biết trong "thế giới bên ngoài", có những khung cảnh và những phẩm vật như thế. Ví dụ một cảnh suối rừng, một đứa trẻ thơ, một người bạn thân, một cuốn sách hay, một khúc hòa tấu, một bữa cơm ngon và lành... Tôi biết tôi có thể tìm đến hoặc với tới những thứ ấỵ Nhưng tôi cũng biết rằng thiếu chánh niệm tôi cũng không thể thưởng thức và bảo vệ cho những thứ đó.

HÃY CHĂM BÓN CÂY LỰU TRƯỚC SÂN NHÀ

Khi ta mới tới ngồi bên một dòng suối, ta thấy sung sướng được nhìn dòng nước chảy, được nghe tiếng suối reo và được ngắm những tảng đá bui cây hạt sỏi bên suối. Ta với suối là một, và ta có được sự êm mát, thanh tịnh và trong sáng của suối. Nhưng có thể ta sẽ chán dòng suối sau đó vì tâm ta không an. Tâm ta nghĩ dến những việc khác và ta dồng nhất ta với những việc khác ấy, do đó ta không còn là dòng suối nửa. Người thiền giả thân ở rừng mà tâm ở chợ thì rừng có cũng như không. Khi ta sống bên một đứa trẻ thơ hoặc bên một người bạn hiền, ta thấy được sự tươi mát của đứa bé hoặc sự ấm áp của người bạn. Ta dược hưởng sự tươi mát đó hoặc sự ấm áp đó. Ta là dứa bé, ta là người bạn. Nhưng nếu tâm ta không an, thì đứa bé có đó cũng như không, người bạn có đó cũng như không. Ta phải có ý thức về sự quý giá của đứa bé hay của người bạn và như thế ta mới thưởng thức được sự có mặt của họ, và mới bồi đắp và nuôi dưỡng được họ để họ mãi mãi còn là niềm hạnh phúc của ta. Nếu ta vô tâm và dại dột, ta có thể sinh ra bất mãn, trách cứ, cãi cọ với họ, hoặc đòi hỏi quá đáng nơi họ, để cuối cùng ta mất họ. Mà một khi mất họ rồi thì ta mới thấy họ quý giá, ta mới tiếc thương họ. Khi còn họ thì ta không trân quý, khi mất họ rồi thì ta có tiếc thương cũng vô ích. Quanh ta đầy dẫy những mầu nhiệm: một cốc nước, một tia nắng, một tờ lá, một con sâu, một bông hoa, một tiếng cười, một trận mưa. Nếu ta có chánh niệm, ta sẽ dễ dàng thấy được sự mầu nhiệm của vạn vật. Trong ta cũng đầy dẫy những mầu nhiệm: mắt ta thấy được bao nhiêu hình dáng và mầu sắc, tai ta nghe được bao nhiêu âm thanh, óc ta suy tưởng được từ một hạt bụi cho đến một thiên hà, tim ta thổn thức theo được nhịp tim của bao nhiêu loài sinh vật khác... Những lúc mệt mỏi và chán nản vì cuộc sống vật lộn và ồn ào, ta thường không thấy được sự mầu nhiệm trong ta và trong vạn vật.
Cây lựu ở sân trước nhà bạn, bạn hãy nhìn nó trong chánh niệm: nó là một thực tại mầu nhiệm. Bạn để ý lân mẫn và săn sóc nó thì bạn chia sẽ dược sự mầu nhiệm của nó. Mới có một tuần lễ đợc chăm bón mà nó tốt tươi hẳn lên. Những người thân của bạn cũng vậy. Dưới ảnh hưởng của chánh niệm, bạn trở thành cẩn trọng, hiểu biết ưu ái; phong thái của bạn không những nuôi dưỡng và làm dẹp cho bạn mà còn nuôi dưỡng và làm đẹp cho những người sống bên cạnh bạn. Một người sống trong chánh niệm thì không những cả nhà được nhờ cậy mà xã hội cũng nhờ thế mà thay đổi. Vì lý do vừa nêu ra đó, ta thấy tâm ta quyết dịnh mọi đường. Ðỉnh núi tuyết sáng rỡ và hùng vĩ kia ta ngắm nó thì ta với nó là một. Muốn cho đỉnh núi đó còn thì tâm ta phải có mặt. Tâm ta có mặt thì dù ta có nhắm mắt lại đỉnh tuyết ấy cũng còn đó. Khi người thiền giả ngồi trong tư thế kiết già, tuy y có đóng bớt lại một vài cánh của sổ giác quan, y vẫn cảm thấy sự có mặt của tất cả vũ trụ bỏi vì tâm y có mặt. Nhiều khi y nhắm mắt chỉ là để nhìn thấy cho rõ, như tôi đã nói một lần. Vậy hình sắc và âm thanh của "thế giới bên ngoài" không phải là giặc. Giặc chính là thất niệm, nghĩa là sự vắng mặt của tâm.

ÐỪNG TRỞ THÀNH MỘT THUỘC ÐỊA

Thợ thuyền Pháp, và cả đảng Xã Hội đang cầm quyền nũa, hiện đang tranh đấu để rút thời giờ làm việc hàng tuần từ bốn mươi giờ xuống ba nươi lăm giờ. Cuộc tranh đấu thật cam go. Nhưng năm giờ dồng hồ đạt được dó, chúng ta sẽ sử dụng như thế nào ? Nếu chúng ta cũng sử dụng nó như buổi chiều thứ bảy, nghĩa là để ngồi hết buổi trước máy truyền hình hoặc trong một quán rượu thì oan uổng biết mấy. Cố nhiên là ta cần thời giờ để nghỉ ngơi, để sống. Nhưng sống như thế nào ? Ta có thói quen: hễ rảnh tay là ta mở máy truyền hình mà theo dõi một truyện phim trinh thám hay gì cũng dược, để khỏi phải "ở không ", nghĩa là để khỏi phải đối diện với chính ta. Nhiều khi máy truyền hình làm ta mệt thêm, cáu thêm nhức đầu thêm.. Thì giờ tự do mà ta tranh đấu được có thể bị các công ty phim ảnh, quảng cáo và tuyên truyền chính trị cướp đoạt, rồi cuối cùng ta sẽ bị biến thành những thuộc địa của kẻ khác. Ta phải tìm cách xử dụng thì giờ nghỉ ngơi quý báu của ta cho hợp lý, để ta thực sự được nghỉ ngơi và có được sự an lạc. Bạn chọn những chương trình hay trên các đài truyền hình và chỉ mở máy để nghe những chương trình ấy mà thôi. Và bạn chọn những khung cảnh đẹp đẽ và êm mát, những buổi sum họp thân mật với những người bạn yêu mến, những cuốn sách và những và những dĩa hát bạn ưa thích v.v... Tất cả những gì bạn đã chọn, bạn hãy sống thật thoải mái và có ý thức với chúng. Bạn nhớ rằng: mình chọn những cái gì thì mình sẽ là cái ấy. Có khi nào ở trước bãi biển lúc mặt trời mọc hoặc trên núi cao lúc giữa trưa, bạn vươn vai thở một hơi dài hít vào dầy phổi không khí trong sạch của bầu trời lồng lộng nơi ấy ? Có phải là bạn thấy mình là một với trời biển và núi sông không ? Nếu bạn nghĩ rằng bạn ở xa biển, xa núi quá thì bạn hãy ngồi lại trong tư thế hoa sen, và là như người hành giả kia, thở một hơi thở vừa nhẹ vừa dài, và đưa biển, núi và thái hư về trong bạn. Hoặc bạn ra bờ sông hoặc ra công viên gần nơi bạn cư trú.
...
BẠN HÃY RA NGỒI GẦN MỘT CÂY CHANH

Những điều tôi vừa nói với bạn trên đây không phải là những trò biểu diễn của văn tự và tri thức có mục dích giải trí người dọc. Ðó là những dụng cụ mà ta có thể xử dụng để làm rạn nứt và bật tung cái nề nếp suy tư khái niệm dã được un đúc lâu ngày trong cuộc sống thực dụng, cũng như những cái chốt sắt và những chiếc xà beng mà ta thường dùng để tháo gỡ những cái thùng hoặc để tách chẻ một thân cây ra làm nhiều mảnh. Như khi ta luồn một con rựa vào giữa thân tre dể chẻ cây tre ra làm hai, bạn có thể vừa đọc tới đâu vừa vỡ lẽ ra tới đó, và điều này chứng tỏ bạn có công phu quán niệm. Nhưng nếu bạn không thấy như vậy, hoặc chưa thấy như vậy, thì đó có thể là do bạn mới quan sát thực tại lần đầu bằng ý thức không phân biệt và chưa quen với cách nhìn đảo lộn này. Cũng có thể vì những đường múa trên đây của tôi còn vụng. Không sao, thua keo nầy ta sẽ bày keo khác. Không vào được bằng cánh cửa này, ta sẽ vào bằng một cánh cửa khác. Ðiều quan trọng không phải là "hiểu" những lời tôi nói, mà là "thấy" đợc thực tại. Lời tôi nói chỉ là những điệu múa gợi ý, hoặc một ngón tay chỉ trỏ. Bạn phải nhìn bằng con mắt của chính bạn, và con mắt đó chỉ có thể mở ra trong chính niệm.
Tôi ao ước bạn không đem những lời tôi nói để chế tạo thành những ý niệm rồi cất giữ chúng trong bạn. Tôi không muốn trao cho bạn cái gì hết. Tôi chỉ muốn "múa" cho bạn xem mà thôi. Tôi không muốn làm hơn một con ong. Bạn thấy được gì thì đó là bạn thấy trong tâm bạn, chứ không phải thấy trong những đường múa của tôi. Bây giờ bạn hãy tới ngồi xem một đứa bé ngủ. Hoặc ra ngoài vườn ngồi cạnh cây chanh. Hoặc vào bếp nấu nước pha một bình trà, làm một trong những việc đó một cách thật tỉnh táo, thắp mặt trời chánh niệm lên đễ đừng đi lạc vào quên lãng. Bạn không cần suy tư về sự đồng nhất hoặc sai biệt của bạn với đứa bé, với cây chanh hay bình trà. Bạn không cần suy tư. Ngồi với đứa bé, ngồi với cây chanh hoặc ngồi uống trà cho tới khi môi bạn nở một nụ cười.
TS Thích Nhất Hạnh
Tags: transform

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc