Điều gì khiến châu Âu suy yếu?

Hai lời giải thích phổ biến (của Đảng Cộng hòa và của nước Đức) là sai lầm.

Câu chuyện của Đảng Cộng hòa - trọng tâm chiến dịch tranh cử của Mitt Romney - là châu Âu đang gặp khó khăn vì đã làm quá nhiều để giúp người nghèo và người kém may mắn, rằng chúng ta đang chứng kiến cái chết đau đớn của nhà nước phúc lợi xã hội. Câu chuyện này là lời giải thích ưa thích lâu năm của phái cánh hữu: kể từ năm 1991, khi Thụy Điển đang hứng chịu cuộc khủng hoảng ngân hàng do giải điều tiết (nghe quen quen?), Viện Cato đã xuất bản một báo cáo hân hoan về việc chứng minh sự thất bại của toàn bộ mô hình nhà nước phúc lợi xã hội.

Thực tế, Thụy Điển vẫn còn một nhà nước phúc lợi rất hào phóng, hiện đang là ngôi sao sáng với tăng trưởng kinh tế nhanh hơn bất kỳ nước giàu nào.

Nhìn vào 15 nước châu Âu đang sử dụng đồng tiền chung euro (bỏ qua Malta và Cyprus), và xếp hạng các nước theo tỉ lệ phần trăm GDP họ dành cho các chương trình phúc lợi xã hội trước khi xảy ra khủng hoảng thì thấy rằng các nước GIPSI đang gặp khó khăn (Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) không hề nổi bật về chi tiêu phúc lợi. Chỉ có Ý nằm trong Top 5, và thậm chí chi tiêu phúc lợi xã hội còn thấp hơn nước Đức.

Vì vậy, các quốc gia phúc lợi xã hội quá lớn không gây ra rắc rối. Tiếp đến, là câu chuyện của Đức, mà tất cả là quy về sự vô trách nhiệm tài chính. Điều này có vẻ đúng với Hy Lạp, chứ không đúng với bất cứ nước nào khác. Ý chịu thâm hụt từ nhiều năm trước khủng hoảng, nhưng chỉ nhiều hơn nước Đức một chút (số nợ lớn của Ý là di sản từ những chính sách vô trách nhiệm nhiều năm trước đây). Thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha nhỏ hơn rất nhiều, trong khi đó Tây Ban Nha và Ireland đang có thặng dư.

Và các quốc gia không dùng đồng euro có thể có thâm hụt và thực hiện các khoản nợ lớn mà không gặp bất kì cuộc khủng hoảng nào. Nước Anh và Mỹ có thể vay dài hạn với lãi suất gần 2%; Nhật Bản còn ngập trong nợ nần nhiều hơn bất kì nước nào ở châu Âu, kể cả Hy Lạp, chỉ phải trả lãi suất nợ vay là 1%.

Vậy điều gì khiến châu Âu suy yếu. Sự thật câu chuyện chủ yếu là tiền tệ. Bằng việc phát hành đồng tiền chung duy nhất mà không có các định chế đi kèm để nó hoạt động, châu Âu thực tế đã tái tạo những khiếm khuyết của chế độ bản vị vàng - những khiếm khuyết đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ra và kéo dài Đại Suy thoái.

Cụ thể hơn, việc tao ra đồng euro đã củng cố cảm giác sai lầm về an toàn (vốn) trong các nhà đầu tư tư nhân, gây ra dòng chảy vốn không bền vững vào các nước xung quanh ngoại vi khu vực châu Âu. Như một hệ quả của dòng vốn này, chi phí và giá cả tăng, sản xuất trở nên kém cạnh tranh, và các quốc gia có thương mại tương đối cân bằng trong năm 1999 bắt đầu bị thâm hụt thương mại lớn. Sau đó, bữa tiệc vui kết thúc (the music stopped).

Nếu các quốc gia ngoại vi vẫn còn có tiền riêng của họ, họ có thể và sẽ phá giá để nhanh chóng khôi phục lại khả năng cạnh tranh. Nhưng họ không còn, có nghĩa là họ đang trong một thời gian dài thất nghiệp hàng loạt và giảm phát. Cuộc khủng hoảng nợ của họ chủ yếu là sản phẩm phụ của viễn cảnh đáng buồn này, bởi vì nền kinh tế suy trầm dẫn đến thâm hụt ngân sách và giảm phát khuếch đại gánh nặng nợ nần.

Bây giờ, hiểu được bản chất những rắc rối của châu Âu chỉ mang lại lợi ích hạn chế cho họ. Cụ thể, các quốc gia bị ảnh hưởng, không còn con đường nào khác ngoài những lựa chọn tồi: hoặc là chịu những cơn đau giảm phát hoặc có những bước đi mạnh mẽ để rời bỏ đồng euro, điều không khả thi về mặt chính trị cho đến khi hay trừ khi tất cả đều thất bại (điểm mà Hy Lạp đang dần tới). Nước Đức có thể trợ giúp bằng cách đảo ngược chính sách thắt lưng buộc bụng và chấp nhận lạm phát cao hơn, nhưng họ không làm như vậy.

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc