Búp bê truyền thống Nhật Bản

Búp bê Daruma


Tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng và ước mơ, Daruma là một trong số búp bê nổi tiếng nhất của Nhật, xuất hiện cách đây 200 năm và gắn liền với các ngày lễ tết. Một trong những đặc trưng được ưa chuộng nhất của Daruma là hình thể khiến nó có thể bật dậy ngay sau khi bị ngã, có ý nghĩa rằng ngay cả khi chúng ta sa cơ thất thế, chúng ta vẫn có thể vươn lên. Daruma thường không có mắt. Người Nhật khi mua nó về sẽ vẽ một con mắt vào Daruma khi họ ước điều gì đó (chẳng hạn như thi cử đỗ đạt, đắc cử chức vụ hay làm ăn phát tài), con mắt kia chỉ được vẽ vào khi điều ước của họ đã trở thành sự thật. (langdu được thầy Mashahiko Takeda tặng một con Daruma màu xanh khi thầy chia tay trường để quay về làm deputy director, economist ở IMF, phụ trách châu Á - Thái Bình Dương )

Búp bê Hina


Không chỉ là búp bê đại diện cho các bé gái, Hina còn là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần. Vì thế mà một bộ búp bê Hina đầy đủ phải có ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống, thể hiện đủ tính cách, đặc biệt sẽ có ít nhất một cặp búp bê nam và nữ tượng trưng cho Nhật hoàng và Hoàng hậu.


Búp bê Hina truyền thống có thân hình chóp tinh xảo với nhiều lớp vải bọc cầu kì quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ. Vào ngày Hội búp bê hay Ngày lễ các bé gái Hina matsuri, ngày 3/3 hàng năm, Hina sẽ được các gia đình có bé gái ở Nhật sử dụng để trang trí. (langdu mua một con từ năm 2007 để tặng người thân)

Búp bê Gogatsu


Ngoài búp bê dành cho các bé gái, người Nhật còn sáng tạo ra những búp bê dành cho bé trai mang tên Gogatsu. Chúng được bày trí trên bàn thờ vào ngày Tết Bé trai (5/5 hàng năm) với ý nghĩa cầu chúc các bé mau lớn, khoẻ mạnh. Búp bê của bé trai có hình dáng của lực sĩ hoặc chiến binh dũng mãnh.

Búp Bê Musha


Musha là một dạng búp bê chiến binh được làm với cùng chất liệu với búp bê Hina, nhưng chế tác cầu kỳ hơn vì búp bê này thường được khắc họa trong các tư thế sinh động như nếu ngồi phải có ghế, đứng hay đang cưỡi ngựa phải kèm theo áo giáp, mũ đội đầu và vũ khí, những thứ này được làm bằng giấy quét sơn mài hoặc đúc kim loại.


Búp bê Kimekomi


Có nguồn gốc từ búp bê Kamo, loại búp nhỏ chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ, Kimekomi truyền thống cũng được làm từ những mẩu gỗ đẽo gọt, chạm trổ, còn với những búp bê hiện đại thì là bọt chất dẻo. Trên thân búp bê, người thợ sẽ rạch những đường xẻ rãnh để mép vải quần áo của búp bê có thể giấu vào đó. Khuôn mặt của những loại búp bê này thường được khắc họa vẻ đẹp cổ điển với mái tóc đen huyền, khuôn mặt tròn, bầu bĩnh (theo người Nhật, khuôn mặt tròn là khuôn mặt phúc hậu).


Chính vì thế, Kimekomi là hình ảnh đại diện cho những thiếu nữ Nhật thời xưa, dịu dàng, e ấp trong bộ kimono truyền thống. Ngày nay búp bê này là một sản phẩm mỹ nghệ phổ biến với những chiếc đầu búp bê với nhiều kiểu tóc đa dạng khác nhau có thể được mua tách rời để về ghép với thân búp bê.

Búp bê Gosho


Khắc họa những em bé tròn trịa, mũm mĩm, đáng yêu, và thường ở trần, búp bê Gosho được chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ. Bên cạnh những món quà trang trọng, người Nhật hay tặng nhau búp bê Gosho bởi từ Gosho còn có nghĩa là “hoàng cung” hay “cung điện” với ý nghĩa sang trọng, sa hoa.

Búp bê Kokeshi


Kokeshi là búp bê được làm từ gỗ, đa số các búp bê Kokeshi không có tay lẫn chân, chỉ có một cái đầu lớn và cơ thể hình trụ và mang hình dạng cô gái nhỏ. Ra đời cách đây 150 năm bởi người dân ở phía bắc đảo Honshu, Kokeshi vốn là đồ chơi cho con em nhà nông.


Tuy nhiên, đến nay Kokeshi đã trở thành món hàng mỹ nghệ nổi tiếng bậc nhất tại Nhật, nó thường được khách du lịch chọn mua làm đồ lưu niệm mỗi khi tới đất nước mặt trời mọc này. (được bày bán rất nhiều ở Asakusa, chùa cổ nhất Tokyo)

Búp bê Teru teru bozu


Teru teru bozu là búp bê thủ công làm từ giấy trắng hoặc vải bông. Nó được xem như một loại bùa có khả năng mang lại thời tiết tốt và làm cho trời mưa tạnh. Vì thế người ta treo nó trên cửa sổ với mong muốn thời tiết thuận hòa và tránh được mưa bão. Trẻ em Nhật Bản thường treo nó lên để cầu nguyện thời tiết tốt cho hôm sau. Nếu treo ngược xuống (đầu hướng xuống đất) thì nó có nghĩa là cầu mưa.

Búp bê Hagoita


Hagoita ban đầu là một mái chèo bằng gỗ hình chữ nhật, được sử dụng để chơi các trò chơi truyền thống của Nhật Bản như Hanetsuki, cầu lông.


Nhưng kể từ khi những trò chơi này bị lãng quên, một loại khác của hagoita đã trở nên rất phổ biến đó là búp bê Hagoita, được trang trí bằng washi (giấy Nhật Bản) với hình ảnh của các ca sĩ, ngôi sao thể thao, ngôi sao điện ảnh hoặc các nhân vật hoạt hình.

Búp bê Okiagari-koboshi


Có nguồn gốc từ thế kỉ thứ 14, Okiagari-koboshi là một loại búp bê béo tròn được làm từ giấy bồi. Nó là vật mang lại may mắn, là biểu tượng của sự kiên trì bền gắn và khả năng hồi phục.

Búp bê Tachibina


Được làm bằng giấy, sứ, gỗ hoặc những chất liệu giống như búp bê Hina, búp bê đứng Tachibina là loại búp bê cổ của Nhật xuất hiện từ thế kỉ 15 được tiếp tục làm trong suốt thời đại Edo.


Búp bê này có đặc trưng luôn đi một cặp, một người đàn ông lớn và người phụ nữ nhỏ và không có tay. Vì thế Tachibina là búp bê biểu tượng tình yêu và hôn nhân.

Búp bê Hakata


Búp bê Hakata là búp bê đất sét, được làm tại quận Fukuoka thuộc vùng Kyushu. Chúng được nhào nặn một cách chi tiết và sơn vẽ rất đẹp.

Búp bê Washi
Là một loại búp bê trang trí và làm quà lưu niệm của Nhật. Washi được làm bằng một loại giấy truyền thống (washi) có rất nhiều màu sắc rực rỡ.
Tags: artjapan

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc