Thưởng thức hương thơm thanh nhã của Nhật Bản

Ngoài trà đạo và kiếm đạo, người Nhật Bản còn tự hào với nghệ thuật hương đạo tinh túy.

Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương thơm vô cùng thanh nhã, cầu kỳ của người dân Nhật Bản.

Khi mới xuất hiện, loại cây được sử dụng cho nghệ thuật hương đạo là các loại gỗ thơm từ những nhánh cây trôi dạt từ vùng biển phía Nam và đảo Awaji. Những nhánh cây này gọi là trầm, và loại trầm hảo hạng nhất là trầm Kỳ Nam, đến từ Việt Nam. Ban đầu, việc đốt trầm hương chỉ được sử dụng trong các nghi thức thiêng liêng, thần thánh của người dân Nhật. Đến thế kỷ thứ 9, nó mới được phổ biển rộng hơn, chủ yếu được sử dụng trong nhà của giới quý tộc Nhật.



Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 15, việc đốt hương trầm mới được nâng lên thành một loại hình văn hóa, nghệ thuật, sánh ngang tầm với trà đạo và nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Thế kỷ 17 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của hương đạo. Người ta bắt đầu chế tác thêm rất nhiều vật dụng phục vụ cho hương đạo khác như: hộp đựng hương trầm bằng sơn mài, chén đốt hương, túi đựng trầm…


Hương đạo còn gắn liền với một trò chơi vô cùng độc đáo, tinh tế: trò chơi thưởng hương. Vào thời Heian, thế kỷ 9, một tác phẩm văn học Nhật Bản ra đời mang tên Truyện kể Genji. Trong câu chuyện, có rất nhiều nhân vật, mỗi nhân vật lại mang tên một mùi hương, đứng đầu một chương. Người tham gia trò chơi sẽ thưởng thức hương thơm, phân tích rồi sau đó đưa ra câu trả lời bằng tên gọi của một chương trong cuốn truyện.


Một cách thưởng hương khác ở Nhật Bản là làm thơ. Người thưởng thức hương thơm hiểu được nguồn gốc, xuất xứ của hương thơm và sau khi ngửi mỗi mùi hương sẽ ứng tác một vế thơ.


Người thưởng hương cần ngồi trong không gian yên tĩnh, thư thái, đưa lư hương lên hít ba lần thật sâu vào lồng ngực. Mỗi một lần thưởng hương là một lần họ tìm về với sự thanh thản, an nhàn cho tâm hồn.


by Hiền Trang (th)
Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc