Trà đạo Nhật Bản

Trà đạo được tổ chức vào rất nhiều trường hợp khác nhau nhưng lẽ dĩ nhiên trà đạo sẽ được tổ chức một khi có sự yêu cầu của một người khách nào đó muốn được thưởng thức hương vị và nghi thức khi nhấc chén trà với những người bạn cùng một tâm hướng mang nặng lòng yêu mến nghệ thuật cao quí này. Tùy theo tính cách biến đổi nơi không gian và thời gian trà đạo đã được phân loại thành bảy hình thức như sau:

Shogo no saji (正午の茶事)- buổi trà đạo vào lúc trưa, đây là một buổi trà đạo có nghi thức thông thường được bắt đầu với một bữa ăn đơn giản. Buổi lễ được bắt đầu sau lúc trưa, khách sẽ được mời đến lúc 11h30 và sẽ ở lại đây cho đến khoảng 4h chiều. Trong những buổi trà đạo này thường đều được bắt đầu bằng một bữa ăn nhẹ đơn giản, lý do dễ hiểu bởi vì tính chất đặc biệt của loại trà đem dùng. Chất trà này được gọi là matcha (抹茶), một loại trà xay thành bột, lá trà đã được tước sạch hết gân lá sau đó được nghiền nát trong một cối đá, vị trà rất mạnh do đó nếu không có bữa ăn đơn giản trước khi uống trà có thể sẽ làm dạ dày khó chịu nhất là khi trà lại được pha với nồng độ đậm đặc.

Akatsuki no chanoyu (暁きの茶の湯)- Buổi trà đạo lúc bình minh, những buổi trà đạo như thế này thường được tổ chức vào lúc sang tinh mơ khi mặt trời chưa ló dạng, còn được gọi là Zangetsu (残月) hay lúc trăng tàn, bởi vì khi đó mặt trăng vẫn còn ẩn hiện trên bầu trời chưa sáng rõ. Một lần uống trà như thế thường không kéo dài đến quá 6h sáng.

Yobanashi no chanoyu (夜話の茶の湯)- Buổi trà đạo lúc xế chiều, được tổ chức khi có một người nào muốn tiêu khiển hết cả buổi chiều với bạn bè. Thường bắt đầu vào khoảng 6g chiều và mọi người có thể ở lại đến bao lâu tùy ý, bởi vì sau đó không còn một buổi lễ nào nữa. Chữ yobanashi nguyên nghĩa đã có ý nói rằng hãy cùng nhau tiêu dao hết cả buổi chiều với tâm hồn thư thái nhất.

Asa no chanoyu (朝の茶の湯)- Buổi trà đạo lúc buổi sáng, vào những ngày oi bức buổi trà đạo như thế này thường được tổ chức. Đó là thời khắc thích hợp nhất cho tất cả mọi người vì ngoài trời khi ấy còn đang mát, mọi người cùng nhau hội họp vào khoảng 6h sáng.

Hango no chanoyu (はんごの茶の湯) - Buổi trà đạo sau bữa cơm tối, không một bữa ăn nào được dọn thêm ra ngoại trừ trà và bánh ngọt. Những buổi trà đạo tương tự có thể được tổ chức vào bất cứ lúc nào trong ngày, ngay lúc sáng sớm hay gặp lúc xế trưa.

Atomi no chanoyu (あとみの茶の湯) - Đây là trường hợp khi một người được mời đến thăm trà phòng, sau khi vài vị cao niên hoặc khách đặc biệt đã vừa dùng trà xong.

Rinjin chanoyu (臨時茶の湯) - Thiên nhiên đối với người Nhật quả là một liên hệ lớn lao. Vào những hôm trăng sáng hay ngoài trời đang mưa tuyết hoặc vào những dịp hội hoa, những buổi trà đạo thường được tổ chức bất định kỳ.

Đó là bảy loại nghi lễ chính về trà đạo, tuy nhiên thêm vào đó còn có những buổi trà đạo được tổ chức tùy theo sự thay đổi của tiết mùa. Những buổi trà đạo này được gọi là Kuchikiri no saji (口切の茶事), thí dụ như một buổi trà đạo được tổ chức vào mùa thu khi mà nguyên liệu trà được hái và ướp từ suốt mùa xuân đem ra dùng lần đầu tiên, đây là một trong những buổi lễ quan trọng nhất về trà đạo.

Trong gia đình nội trợ là công việc của người đàn bà nhưng trong nghi thức trà đạo thì khác, chức vụ của người đàn ông có phần quan trọng hơn. Người vợ thường ngồi bên cạnh và phụ giúp những công việc được hướng dẫn bởi người chồng. Khách được mời đến trước hết sẽ cùng nhau ngồi đợi trong một căn phòng nhỏ machiai và chính trong căn phòng đợi này quan khách sẽ tự phân ngôi thứ, một người khách danh dự sẽ được chọn lựa. Khách danh dự được gọi là shoukyaku (正客) thường là người có địa vị cao trong xã hội, tiếp tục như thế cho đến người cuối cùng. Tsumekyaku (つめ客), là người khách cuối cùng và cũng là một người rất am tường về nghệ thuật trà đạo. Sau khi mọi công việc nơi trà phòng cũng như dụng cụ pha trà đã được sửa soạn tươm tất, chủ nhân bước sang phòng đợi và chào tất cả quan khách qua cái cúi đầu thật yên lặng. Cái chào nghênh đón này gọi là mukaetsuke (迎えつけ). Sau đó khách sẽ lần lượt bước sang nơi uống trà qua khung cửa nhỏ nijiri-guchi theo thứ tự đã được sắp xếp, khách sẽ di chuyển dưới hình thức lê người trên hai đầu gối. Sau khi mọi người đã an vị chủ nhân xuất hiện và trao đổi lời chào hỏi với từng người.

Tùy theo ý nghĩa của buổi trà đạo đó, nếu là shogo no saji thì trước khi nghi thức trà đạo bắt đầu thường có những bữa ăn được dọn ra, còn thông thường là bánh ngọt. Bánh ngọt được mang đến mời khách trong những chiếc đĩa bằng gỗ, với những chiếc nĩa đặc biệt vót bằng tre có hình dáng như một chiếc tăm lớn. Khách sẽ đặt bánh ngọt trên một mảnh giấy ăn nhỏ đặc biệt gọi là kaishi (懐紙), dùng chiếc tăm xắn bánh ra từng miếng nhỏ khi ăn. Sau khi dùng xong bánh ngọt, những chiếc tăm này có thể được gói lại và mang về nhà. 

Ảnh: ajpscs

Khi thủ tục trà đạo bắt đầu, người khách đầu tiên sẽ cầm lấy một tấm lụa nhỏ gọi là fukusa (袱紗). Với tấm fukusa trong lòng bàn tay trái, khách đặt chén trà lên đó với bàn tay phải, sau khi cúi đầu chào người bên cạnh và nói: Osaki-ni (お先に), xin phép được dùng trước. Khách xoay chén trà một lần về phía bên trái, uống ba ngụm và nhấp thêm một nửa, sau đó khách đặt tấm khăn fukusa xuống chiếu, lau mép chén với giấy kaishi và chuyển chén trà sang người bên cạnh. Tất cả mọi người sẽ cùng uống trà theo cùng một cung cách như trên. Người cuối cùng sau khi dùng trà xong sẽ đặt trả chén trà để chủ nhân sau đó sẽ tiếp đến tuần trà thứ nhì. Mọi người khi uống trà đều nhìn ngắm chén trà một cách say mê, họ thường hỏi nhau về nguồn gốc và lịch sử của chén trà đó. Nhìn ngắm những chi tiết điểm tô nơi chén trà một cách cung kính và say mê là thói quen của những người sành điệu. Những nghi thức và cung cách thể hiện nơi trà đạo được xây dựng trên những kinh nghiệm dài lâu trải hàng bao thế kỷ đã trở thành một thứ tiền lệ khó thể bỏ quên. Sự bình dị và khiêm cung cùng những cảm xúc thành thật là một phần chủ yếu không thể thiếu và cũng là những nét độc đáo trong nghệ thuật trà đạo.

Không một màu sắc nào được phép pha loãng thanh âm của không gian đó, không một tiếng động nào được phép làm sai lạc tiết tấu của từng cảnh vật, không một động tác nào được phép gò ép trên sự hài hòa tuyệt cùng đó, không một ngôn ngữ nào được phép phá tan sự thuần nhất của ngoại vật. Mọi cung cách phải được thể hiện một cách thật đơn giản, khiêm tốn và tự nhiên. Đó là tất cả những gì hướng đến Trà Đạo: một nghi thức uống trà đã được lý tưởng hóa đến mức tận cùng, một thứ lãng mạn tính của một giai cấp tiêu dao trong xã hội, và đã gần như trở thành một thứ tôn giáo về nghệ thuật sống luôn đề cao lòng yêu mến sự thuần khiết của thiên nhiên và dự phần vào trách vụ vô cùng thiêng liêng và cao quí là duy trì và khám phá những nét Chân Thiện Mỹ trên cõi đời này. 

Tags: japan

16 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc