Truyền thống Mukoyoshi của Nhật Bản

Làm sao những gia đình ở Nhật Bản có thể giữ tên họ qua hàng chục thế hệ?

Truyền thuyết kể rằng vào năm 717 sau Công nguyên, thần núi Hakusan đã viếng thăm nhà sư Taicho Daishi trong một cơn mơ và nói với ông về việc đã tìm thấy một con suối nước nóng ở làng Awazu gần đó - nơi hiện là tỉnh Ishikawa của Nhật Bản. Tỉnh dậy, Daishi đi theo những gì còn nhớ như trong mơ và quả thật, đã phát hiện con suối thiêng. Ông bèn yêu cầu học trò là Garyo Hoshi xây một nhà khách để tiếp đón tất cả những người tới đây. Khi thầy qua đời, Garyo Hoshi đã ở lại nhà khách và dạy Phật giáo cho những người tới thăm suối thiêng. Ông cũng nhận nuôi một đứa con trai và đặt cho cái tên từ thời ấu thơ của mình là Zengoro, kèm theo cái họ Hoshi.

Đó là câu chuyện về khởi điểm của Hoshi, gia đình có gốc gác lâu đời nhất thế giới, theo xác nhận của Tổ chức Kỷ lục Guinness. Kể từ câu chuyện kể trên xuất hiện tới nay đã ngót 1.300 năm. Nhà khách Hoshi và cái tên Zengoro Hoshi đã được truyền lại tới 46 thế hệ.

Cảnh điền viên ở khách sạn Hoshi, tỉnh Ishikawa
Giống nhiều nước châu Á khác, tại Nhật Bản chỉ những người con trai mới được thừa hưởng cái họ của gia đình. Vậy làm cách nào để nhà Zengoro Hoshi luôn có con trai? Câu trả lời hết sức đơn giản. “Trong trường hợp gia đình chỉ có con gái, chúng tôi sẽ nhận chồng của con gái làm con nuôi” - Zengoro Hoshi “đời chót” giải thích với phóng viên hãng tin BBC - “Chính cha tôi đã kết hôn với con gái nhà Hoshi và sau đó được nhận làm con nuôi”.

Việc nhận con nuôi mang phong cách đặc trưng Nhật Bản này được gọi là Mukoyoshi. Nhật Bản có tỉ lệ nhận con nuôi cao thứ 2 thế giới, với hơn 80.000 trường hợp mỗi năm. Nhưng phần lớn đều liên quan tới văn hóa Mukoyoshi và đa phần những người được nhận làm con nuôi đều đã trưởng thành, trong độ tuổi 20 và 30.

“Trong lịch sử, nhận con nuôi là điều các gia đình buôn bán ở phía Tây Nhật Bản thường làm, do họ thích chọn những người kế nghiệp tài năng nhất” - Mariko Fujiwara, một nhà xã hội học ở Viện nghiên cứu Sự sống và cuộc sống Hakuhodo cho biết. Thông qua cách này, nếu một gia đình không có con trai nối dõi, họ thường tìm một người con rể có tài và sau đó nhận anh này làm con nuôi. Như vậy, họ của gia đình và huyết thống vẫn được đảm bảo. “Đó là một quyết định hết sức thực dụng, chỉ để hoạt động làm ăn của gia đình tiếp tục trường tồn” - bà Fujiwara nhận xét.
Osamu Suzuki là người con nuôi thứ tư liên tiếp của gia tộc Suzuki đang ngồi ghế điều hành công ty tầm cỡ này.
Truyền thống Mukoyoshi vẫn tiếp tục tồn tại cho tới thời hiện đại, khi đại đa số các công ty ở Nhật Bản vẫn được xem là hoạt động làm ăn của gia đình. Ít người biết rằng các thương hiệu nổi tiếng như Toyota, Suzuki, Canon và Kikkoman đều tồn tại và phát triển mạnh nhờ công lao không nhỏ từ những người con rể được nhận làm con nuôi. Nổi tiếng nhất trong số đó là Suzuki - công ty thường xuyên có các lãnh đạo là con nuôi của gia tộc Suzuki. Chủ tịch hiện nay kiêm giám đốc điều hành là Osamu Suzuki. Ông là người con nuôi thứ 4 liên tiếp đã ngồi ghế lãnh đạo công ty.

Việc giữ tên tuổi dòng họ qua nhận con nuôi được thể hiện phổ biến trong Kabuki - kịch truyền thống Nhật Bản
Tags: japan

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc