Cái chết của Socrates

Nguyễn Đình Đăng
(tổng hợp và dịch)



Jacques-Louis David

Cái chết của Socrates (1787)
sơn dầu, 129.5 x 196.2 cm, Metropolitan Museum of Art, New York

Đó là tên bức hoạ do danh hoạ Pháp thuộc trường phái Tân Cổ điển (Neoclassicism) Jacques-Louis David vẽ năm 1787, tức 2 năm trước khi nổ ra Cách mạng Pháp 1789.

Bức tranh mô tả những phút cuối cùng của triết gia vĩ đại Cổ Hy Lạp Socrates (469 – 399 tr. CN) – một trong những người đặt nền móng cho toàn bộ triết học phương Tây. Socrates bị buộc tội reo rắc nghi ngờ các thần linh mà chính thể Athens thời đó tôn thờ, kêu gọi nhân dân tôn thờ các thần linh ngoại lai, và làm hư hỏng thanh thiếu niên. Ông bị tòa án Athens kết án tử hình bằng cách phải tự uống thuốc độc chết.

Trong bức tranh Socrates vừa nói vừa giơ tay trái chỉ lên trời như khẳng định sự trung thành với các lý tưởng của mình (*), trong khi đưa tay phải với lấy chén thuốc độc như dửng dưng trước cái chết. Đám môn đệ và nô lệ vây quanh ông đều than khóc thương tiếc, chỉ trừ có hai môn đệ là Plato – mặc áo choàng trắng ngồi cúi đầu ở cuối giường, và Crito – mặc áo choàng nâu, đặt tay lên đùi trái của Socrates, là còn tự chủ. Bằng tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cử chỉ mạnh mẽ của Socrates và sự mềm yếu tinh thần của đám người vây quanh, David đã nâng tác phẩm từ nội dung tử vì đạo lên thành sự ca tụng phẩm chất cao thượng và sự bình tĩnh khi giáp mặt cái chết.

Trong bối cảnh ý đồ cải cách thuế của các Bộ trưởng Tài chính không được Hội đồng Nhân sĩ ủng hộ, và sau đó Hội đồng Nhân sĩ bị vua Louis XIV giải thể, David đã đưa một thông điệp khá rõ trong bức tranh như muốn khiển trách đa số nhu nhược. Trong đêm trước cuộc cách mạng Pháp, bức hoạ của David còn có tác dụng đánh thức tinh thần trách nhiệm, bổn phận với quốc gia, chống lại một chính thể bất công.

Thomas Jefferson – tác giả của Tuyên ngôn độc lập (1776) và tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801 – 1809) – đã có mặt tại buổi ra mắt bức tranh này tại Salon và đã hết sức ngưỡng mộ bức hoạ. Còn danh hoạ Anh Sir Joshua Reynolds đã so sánh bức họa này với bức bích hoạ khổng lồ Sistine của Michelangelo và Stanze của Raphael. Reynolds đã nhiều lần tới Salon để ngắm đi ngắm lại, và sau khi ngắm tới lần thứ 10 ông tuyên bố đây là bức hoạ "hoàn hảo về mọi phương diện".


Michelangelo

Sự sáng tạo ra Adam
trích đoạn từ bích họa Sistine (1508 – 1512), Vatican


Raphael

Trường phái Athens (1510 – 1511)
500 x 770 cm, bích họa, Vatican
Tại tòa án Athens năm 399 tr. CN, thay vì chọn luật sư bào chữa, Socrates đã tự biện hộ. Lời tự biện (Apology) của Socrates đã được các môn đệ của ông là Plato và Xenophon ghi lại. Bản của Plato được coi là chi tiết và đầy đủ nhất. Dưới đây là bản tác giả Nguyễn Đình Đăng  dịch vài đoạn hay nhất từ lời tự biện của Socrates theo Plato.


John Collier (1850 – 1934)

Bà đồng Pythia tại đền thờ Apollo ở Delphi


Socrates

Bảo tàng Louvre

2) Sau khi bị toà tuyên án tử hình, Socrates nói:
Chúng ta hãy tư duy theo một cách khác để thấy thật có lý hy vọng rằng chết là tốt, bởi một trong hai lý do sau đây – hoặc chết là trạng thái của hư vô và hoàn toàn mất hết ý thức, hoặc, như người ta thường nói, chết là sự thay đổi và di trú của linh hồn từ thế giới này tới một thế giới khác. Bây giờ nếu các vị cho rằng đó là mất hết ý thức, nhưng nếu chỉ là một giấc ngủ không bị đến cả các giấc mơ quấy nhiễu, thì chết sẽ là một cái lợi không thể tả được. 

Bởi nếu một người phải chọn ra cái đêm mà giấc ngủ của mình không bị đến cả mộng mị quấy nhiễu và đem nó so sánh với những ngày và đêm khác trong cuộc đời mình, và sau đó phải nói cho chúng ta biết có bao nhiêu ngày và đêm trong đời của anh ta tốt hơn cái đêm không mộng mị đó, thì tôi cho rằng, bất kỳ người nào, ngay cả bậc đế vương vĩ đại cũng không tìm ra nhiều ngày và đêm như vậy, chứ chưa nói một người bình thường. Nếu bản chất của chết là như thế, thì tôi cho rằng chết là được lợi bởi sự vĩnh hằng chỉ còn là một đêm duy nhất. 

Nhưng nếu chết là cuộc du hành tới một nơi khác, nơi cư ngụ của tất cả những người đã chết, như người ta vẫn nói, thì thưa các thân hữu và quý toà, hỏi còn cái tốt nào hơn thế? Nếu thực sự khi người du hành tới thế giới bên kia, anh ta được giải thoát khỏi các vị giáo sư luật của thế giới này, và tìm được các thẩm phán đích thực được cho là đang phán xét tại thế giới bên kia, như Minos và Rhadamanthus, Aeacus và Triptolemus, và các người con khác của Thượng Đế, những người từng rất công minh lúc sinh thời, thì cuộc du hành đó thật đáng làm. Có gì mà người ta không cho, khi có thể nói chuyện với Orpheus, Musaeus, Hesiod và Homer? 

Ha, nếu đúng như thế, thì hãy cho tôi chết rồi lại chết nữa. Tôi cũng sẽ được lợi và hứng thú cực kỳ nếu ở đó được gặp và nói chuyện với Palamedes, và Ajax con trai của Telamon, cùng bất kỳ người anh hùng nào của thời cổ đại phải chịu chết vì bị phán xử bất công; và tôi cho rằng sẽ rất sướng khi được so sánh những nỗi đau khổ của mình với những nối đau của họ. Nhưng trên hết, tôi sẽ có thể tiếp tục của truy tìm các hiểu biết đúng và sai; cũng như trong cuộc đời này, ở cả thế giới bên kia cũng vậy, tôi sẽ tìm ra ai thông tuệ, ai không thông tuệ nhưng lại tỏ vẻ thông tuệ. Thưa quý tòa, có gì mà người ta không cho, để có thể sát hạch thủ lĩnh cuộc chinh chiến Trojan, hoặc Odysseus hoặc Sisyphus hoặc vô số các nam nữ khác! Thật là một niềm sung sướng vô hạn khi được thảo luận với họ và đặt nhiều câu hỏi cho họ! Ở thế giới bên kia người ta không bắt một người phải chết chỉ vì nêu các câu hỏi, chắc chắn là không. Bởi lẽ, ngoài được hạnh phúc hơn chúng ta, họ là bất tử, nếu những gì người ta nói là đúng.

Vậy nên, hỡi quý toà, hãy vui về cái chết, và hãy hiểu cho rõ rằng, không có gì xấu có thể xảy ra với một người lương thiện, kể cả trong cuộc sống cũng như sau khi chết. Thượng Đế không bỏ qua người đó và sự nghiệp của y, cũng như cái kết thúc đang cận kề của tôi không phải vô cớ mà đã xảy ra. Nhưng tôi thấy rõ đã tới lúc tôi nên chết và thoát khỏi phiền toái thì hơn; vậy nên bà đồng đã không phản ứng gì. Vì thế tôi cũng không oán giận những người đã kết án tôi, những người đã buộc tội tôi; họ chẳng làm gì hại tôi cả mặc dù họ chẳng hề có ý làm điều tốt cho tôi; và vì thế tôi có thể nhẹ nhàng khiển trách họ.

3) Trong đoạn cuối cùng Socrates nói về các con của ông như sau:
Hỡi các thân hữu của tôi, khi các con tôi trưởng thành, tôi muốn yêu cầu các bạn trừng phạt chúng và sách nhiễu chúng, như tôi đã từng sách nhiễu các bạn, nếu như chúng tỏ ra chăm lo tới sự giàu sang hay bất cứ thứ gì hơn là chăm lo đức hạnh; hoặc nếu chúng tỏ vẻ là cái gì đó trong khi chúng thực sự không ra gì cả, thì hãy quở trách chúng như tôi đã từng quở trách các bạn vì đã không chăm lo tới điều đáng ra mình phải chăm lo, và cho rằng mình là một cái gì đó trong khi mình thực sự chẳng là cái gì cả. Nếu các bạn làm như vậy thì cả tôi và các con tôi sẽ nhận được công lý từ tay các bạn.

Đã tới giờ lên đường, và chúng ta đường ai người đó đi – tôi chết, còn quý vị sống. Đường nào tốt hơn thì chỉ có Thượng Đế mới biết.
3/12/2012

Chú giải:
(*) David mượn chi tiết này từ hình tượng Plato trong bích hoạ "Trường phái Athens" của Raphael, trong đó hai nhân vật trung tâm là Plato (trái) đại diện cho triết học duy tâm, tay chỉ lên trời, và Aristotle (phải) đại diện cho triết học duy vật, lòng bàn tay đưa ra phía trước úp xuống phía mặt đất:


Plato (trái) và Aristotle (phải)

trong bích hoạ "Trường phái Athens" của Raphael
Đến lượt Raphael cũng mượn chi tiết ngón tay chỉ trời từ tông đồ Thomas trong "Bữa tối cuối cùng" (1495 – 1498) của Leonardo Da Vinci. (Còn Plato chính là chân dung Leonardo.) Trong bức bích họa này, thánh Thomas là người bên trái trong cụm 3 tông đồ ngồi ngay bên trái Jesus:


Leonardo Da Vinci

Bữa tối cuối cùng (1495 – 1498)
Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan


Thánh Thomas chỉ tay lên trời

Trích đoạn từ "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo Da Vinci

Đọc thêm bài gốc ở đây, để biết rõ thêm về giải thích của Socrates    về các hoạt động của mình.
Tags: art

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc