Lời dạy của Đức Phật

27- CON TÔI, TÀI SẢN TÔI
NGƯỜI NGU SANH ƯU NÃO
TỰ TA, TA KHÔNG CÓ
CON ĐÂU, TÀI SẢN ĐÂU. (P.C. 62)

Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy, đề cập đến người tỷ phú keo kiết.

Tại thành Sāvatthi, có người gia chủ tài sản lớn. Mỗi tháng hai lần, ông tập hợp thân quyến lại và khuyên nhủ con trai của mình là Mūlasiri:

- Không nên bố thí, không nên làm hao mòn tài sản. Ví như loại ong tụ mật như thế nào, thì hãy giữ tài sản cũng như thế ấy.

Thời gian sau ông qua đời, vì quá dính mắc tài sản nên ông tục sanh làm người hèn hạ, dị dạng. Khi lớn lên, nó ăn xin quanh xóm làng. Ngày kia, khi tình cờ nó đến nhà của mình trong kiếp trước. Khi bước vào nhà, nó bị mọi người đánh đuổi vứt ra đống rác.

Đức Phật trên đường khất thực, thấy vậy bèn lưu ý đến người chủ nhà Mūlasiri rằng: "Người ăn xin nầy là Cha của ngươi trong kiếp trước".

Ghi chú:

- Con của ta, sự nghiệp của ta: Đó là mối lo âu của hạng cuồng si. Đúng ra, chính ta còn không phải là của ta, vậy con cái nào là của ta? Sự nghiệp nào là của ta?

35- NHƯ TẢNG ĐÁ KIÊN CỐ
KHÔNG GIÓ NÀO LAY ĐỘNG
CŨNG VẬY, GIỮA KHEN CHÊ
NGƯỜI TRÍ KHÔNG GIAO ĐỘNG. (P.C. 81)

Kệ ngôn nầy được thuyết khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Jetavana, đề cập đến vị Đại Đức Lakuntaka Bhaddiya (Người lùn nhỏ).

Mỗi khi gặp Đại Đức, một số Sa di trêu ghẹo sờ đầu, kéo tai, bóp mũi: "Nầy chú, chú không mệt mỏi trong việc tu hành sao, không bất mãn trong Giáo Pháp, mà thỏa thích vậy?"

Dù bị bóp mũi, kéo tai, Đại Đức vẫn không tỏ vẻ giận hờn hay căm tức với những tư cách ấy. Điều nầy đã gây sự chú ý nơi các vị Tỳ khưu khác. Câu chuyện được đem ra bàn luận. Đức Phật hiểu duyên cớ, Ngài thuyết rằng:

- Các "Bậc Lậu Tận" tâm không còn nóng nảy hay giận hờn, giống như những tảng đá đặc ruột, nằm yên không lay động. Cũng vậy, tâm của Bậc A-La-Hán luôn luôn bình thản trước những lời tán dương hay khiển trách.

Cuối thời pháp có nhiều vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.

Ghi chú:

- Nindāpasamsāsu: Nghĩa là lời nói khen chê, tức một trong tám Pháp Thế Gian (Lokadhamma). Chữ nầy bao gồm tất cả những tiếng đời thị phi mai mỉa. Tâm của Bậc Trí Giả không hề bị lay động, xê dịch, cũng giống như núi đá trước gió.

51- DÙ SỐNG MỘT TRĂM NĂM
ÁC GIỚI, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
TRÌ GIỚI, TU THIỀN ĐỊNH (P.C. 110)

Tại thành Sāvatthi có 30 nam cư sĩ, là những người quý phái, cùng rủ nhau xuất gia, sau khi đã nghe, học và hiểu được Giáo Pháp. Những vị nầy tu lên Tỳ khưu đã được 5 hạ. Một hôm, các vị đến xin với Đức Phật học hỏi thêm. Đức Phật hỏi:

- Chư Tỳ khưu! Các ngươi muốn học thêm Pháp nào, Pháp Học hay Pháp Hành?

Các vị Tỳ khưu xin Thế Tôn dạy cho Pháp Hành Minh Sát, chớ không thể học Pháp vì đã lớn tuổi. Sau khi thọ giáo xong, các vị xin phép Thế Tôn để đi vào rừng hành thiền. Đức Phật hỏi:

- Khu rừng nào các ông hướng đến?

Chư Tỳ khưu nói tên của khu rừng. Đức Phật biết rằng, khi vào đó Chư Tỳ khưu không sao tránh khỏi kinh sợ hiểm nguy, nếu có Sadi Sañkicca cùng đi sẽ được an toàn. Và sau khi các sự việc được an bài thì các vị Tỳ khưu này sẽ thực hành Phạm Hạnh của người Sa Môn. Sau khi quán xét, Đức Thế Tôn bảo các vị nên đến viếng thăm Trưởng Lão Sāriputta rồi sẽ đi, các vị y lời. Sau khi thăm hỏi xã giao, Trưởng Lão Sāriputta quán xét rằng: "Thế Tôn chư Tỳ khưu nầy đến viếng ta chắc phải có duyên cớ gì?" Trưởng Lão hiểu biết lý do, Ngài hỏi:

- Các hiền giả đi vào rừng có Sa di đi cùng không?

- Thưa không.

- Nếu không có Sa di thì chư hiền giả, nên cho vị Sa di nầy cùng đi.

Chư Tỳ khưu ấy từ chối, và nói rằng:

- Không được đâu, vì e rằng mang Sa di nhỏ theo chỉ thêm vướng bận, vì tu ở rừng không cần

Trưởng Lão giải thích:

- Vị Sa di nầy không làm trở ngại cho chư hiền giả, mà chính chư hiền giả sẽ làm trở ngại cho Sa di. Đức Phật dạy các hành giả đến gặp tôi là ý Thế Tôn muốn cho vị Sa di cùng đi.

Chư Tỳ khưu ưng thuận và hợp thành 31 người cùng đi.

Nói về mẹ của Sa di, bà là con của một gia đình phú hào. Khi mang thai gần đến ngày sinh nở, bà khởi bệnh nặng rồi chết ngay, khi người ta thiêu xác đều cháy cả, ngoại trừ vùng thịt ở bụng không cháy. Họ lấy cây nhọn đâm thủng 2-3 lỗ cho nước chảy ra. Mũi nhọn của cây đòn xóc, chạm nhằm đôi mắt của thai nhi. Sau khi đâm thủng, họ để tử thi trên đống than rồi bỏ ra về. Nhưng sáng hôm sau khi họ trở lại, thì thịt ở bụng đã cháy, chỉ còn lại hài nhi nằm yên trong lòng như đóa hoa sen.

Tương truyền rằng, đối với kiếp chót của người trước khi thành đạt Đạo Quả Níp Bàn, dù người ấy có rơi từ núi Tu Di xuống, nếu người ấy chưa đắc quả A-La-Hán cũng không thể hủy diệt mạng sống.

Do cái thẹo ở đuôi mắt, nên người ta thường gọi đứa bé là Sañkicca (Đòn Xóc). Khi lên 7 tuổi cậu được xuất gia với Trưởng Lão Sāriputta. Trong khi xuống tóc, vị nầy niệm tưởng đề mục ô trược của thân liền đắc Đạo Quả A-La-Hán cùng Tuệ phân tích.

Trên cuộc hành trình xuyên qua một khu làng gồm có 100 người đang cư ngụ. Khi thấy các vị Tỳ khưu đi đến, họ rất vui mừng, đến chăm sóc và dâng cúng những vật dụng cần thiết với lòng tín thành.

- Thưa các Ngài định đi đâu?

- Chúng tôi đang đi đến chỗ thích hợp để hành thiền.

Dân chúng cui lạy dưới chân các vị Tỳ khưu và thỉnh cầu quý Ngài ở lại nơi làng nầy trong mùa hạ để họ được cúng dường và thọ trì 5 Giới, 8 Giới. Chư Tỳ khưu nhận lời. Rồi họ cho cất Tu Viện và mỗi ngày họ chia nhau sớt bát cúng dường. Một hôm có bọn cướp, với uy lực của chúng, đến buộc các vị Tỳ khưu phải chọn một người để chúng dẫn đi tế thần. Từ vị cao hạ đến vị thấp hạ, tất cả đều tình nguyện hy sinh để cứu mạng cho những vị Tỳ khưu khác. Sa di Sañkicca cũng ứng tiếng xin đi, Chư Tỳ khưu không đồng ý, Sa di phải phân tích lý do:

- Trưởng Lão Sāriputta cho tôi theo hầu quý Ngài là để giúp quý Ngài trong khi hữu sự.

Sau cùng Chư Tăng ưng thuận. Tên đảng cướp dẫn Sa di về sào huyệt, 30 vị Tỳ khưu nhìn theo ngậm ngùi không cầm được nước mắt.

Khi bọn cướp đem Sa di ra hành quyết, Sa di vẫn ngồi nhập định. Tên chúa đảng rút gươm chém hai lần đều bị cong lưỡi kiếm, chúng khiếp sợ và nghĩ:

- Việc nầy là gì? Những ai gặp ta cũng đều run sợ, còn vị Sa di nhỏ nầy vẫn ngồi điềm tỉnh không khóc than sợ hãi khi bị ta chém đầu.

Chúng sợ hãi quăng bỏ đao kiếm và quỳ lạy Sa di Sañkicca. Sa di xuất Đại Định thuyết Pháp:

- Bậc đã thoát ly khỏi khát vọng không còn khổ đau tinh thần, vì đã dứt bỏ sự luyến ái ngũ trần, vị ấy vượt ra ngoài mọi sợ hãi.

Chúa đảng, sau khi nghe Pháp xong, xin xuất gia, cả bọn cũng xin xuất gia theo. Sa di thâu nhận đệ tử xong đưa về Tu Viện và thuật chuyện cho 30 vị Tỳ khưu nghe. Các Ngài vô cùng hoan hỷ. Sa di khuyên các vị Tỳ khưu ở lại hành thiền, còn Sa di dẫn 500 đệ tử trở về hầu Đức Phật. Nhân cơ hội nầy, Đức Thế Tôn giải thích về giá trị của đời sống Phạm Hạnh.

Ghi chú:

- Nirodha Samāpatti (Đại Định): Một trạng thái khi luồng tâm tạm thời ngưng, không trôi chảy nữa. Trong trạng thái ấy, hành giả là bậc Thánh Nhân không bị lâm nguy.

- Dussīlo đồng nghĩa với Nissīlo: Không có phạm hạnh, phá giới.

- Sīlavantassa: Người phá giới. Dầu người nầy sống đến 100 năm, cũng không bằng người Trì Giới và tu tập hai pháp "Thiền Chỉ hay Thiền Quán" chỉ trong một ngày hoặc giây lát vẫn quý báu cao thượng hơn.

59- NGƯỜI ÁC THẤY LÀ HIỀN
KHI ÁC CHƯA CHÍN MUỒI
KHI ÁC NGHIỆP CHÍN MUỒI
NGƯỜI ÁC MỚI THẤY ÁC. (P.C. 119)

60- NGƯỜI HIỀN THẤY LÀ ÁC
KHI THIỆN CHƯA CHÍN MUỒI
KHI THIỆN ĐƯỢC CHÍN MUỒI
NGƯỜI HIỀN THẤY LÀ THIỆN. (P.C. 120)

Ghi chú:

- Người ác thấy là hiền: Người có hành động bỏn sẽn, ác xấu, lại luôn sống dồi dào phong phú. Những nguời nầy do nhờ tiềm năng của những nghiệp thiện trong quá khứ, nên họ được an vui vì thiện nghiệp đang thắng thế và đàn áp nghiệp bất thiện trong hiện tại, dù bỏn sẽn vẫn thấy giàu. Chỉ khi nào ác nghiệp chín muồi, chừng ấy mới thấy nhiều sự việc xảy đến rất khốn cùng.

Cũng vậy, có nhiều người đạo đức hiền lương, lại gặp hoạn nạn khốn cùng. Vì tiềm năng của nghiệp xấu trong quá khứ mạnh hơn và áp chế nghiệp lành trong hiện tại. Khi nào các hành động thiện đúng lúc trổ quả, nó sẽ đem lại hạnh phúc dồi dào.

62- CHỚ CHÊ KHINH ĐIỀU THIỆN
CHO RẰNG CHƯA ĐẾN MÌNH
NHƯ NƯỚC NHỎ TỪNG GIỌT
RỒI BÌNH CŨNG ĐẦY TRÀN
NGƯỜI TRÍ CHỨA ĐẦY THIỆN
DO CHẤT CHỨA DẦN DẦN. (P.C. 122)

Đức Phật giảng về 3 đặc tính của người làm phước:

1) Tự mình làm phước và kêu gọi người khác cùng làm: Tương lai ta được giàu sang và có đông quyến thuộc cũng giàu như ta.

2) Tự mình không làm phước, nhưng kêu gọi người khác làm: Tương lai ta có quyến thuộc đông và giàu sang, nhưng riêng ta nghèo.

3) Tự mình làm phước, không muốn rủ ai: Tương lai ta giàu, nhưng cô thế.

Ghi chú:

Người thiện trí khi tạo phước, không nên coi thường việc phước đã làm, dù việc phước ấy nhỏ nhoi. Cũng như những giọt mưa cứ rơi liên tục vào bình, đến một lúc nào đó bình sẽ đầy tràn. Cũng vậy, những việc thiện tuy nhỏ, nhưng ta cứ tiếp tục tích lũy nhiều ngày, một lúc nào đó sẽ trở thành phước báu to lớn.

64- KHÔNG TRÊN TRỜI DƯỚI BIỂN
KHÔNG LÁNH VÀO ĐỘNG NÚI
KHÔNG CHỖ NÀO TRÊN ĐỜI
TRỐN ĐƯỢC QUẢ ÁC NGHIỆP. (P.C. 127)

Kệ ngôn nầy, được Bậc Đạo Sư thuyết giảng khi Ngài ngụ tại Jetavana đề cập đến 3 nhóm Tỳ khưu vào hầu Phật.

Ba nhóm Tỳ khưu, mỗi đoàn đi hành đạo ở một trú xứ khác nhau. Sau 3 tháng các vị trở về diện kiến Đức Phật.

Trên đường về, nhóm thứ nhất, ghé vào làng khất thực, thấy người thiếu phụ nấu cơm bị bốc lửa cháy nhà tranh. Cùng lúc đó con quạ bay ngang qua, tự chui đầu vào lửa chết thiêu. Chư Tỳ khưu luận bàn:

- Chuyện nầy ngoài Đức Phật ra, không ai có thể giải thích được.

Rồi một đoàn Tỳ khưu khác có giang thuyền của những người thương buôn. Thuyền ra ra giữa biển khơi bỗng nhiên khựng lại. Họ kiểm tra toàn bộ máy móc điều tốt, họ bàn với nhau: "Chắc có người nào xui xẻo ở trong thuyền", rồi họ bài cách bắt thăm. Cả 3 lần bắt thăm, vợ của người thuyền trưởng đều trúng thăm xấu, họ đề nghị:

- Không vì phụ nữ mà để cho đại chúng bị hại.

Thuyền trưởng đành chấp nhận thả người vợ của mình xuống biển, nhưng vì không muốn thấy xác nàng nổi trôi trên biển, nên bảo người cột nàng vào bao cát rồi hãy thả xuống biển.

Một nhóm Tỳ khưu khác nữa, gồm có bảy vị sống ở miền biên địa. Trên đường trở về, tá túc trong một hang động. Đến nửa đêm, một tảng đá to rơi xuống chấn bít cửa hang. Mọi người bên ngoài bảo nhau:

- Các vị Tỳ khưu khách đang ngụ trong hang đã bị đá lấp cửa .

Dân chúng tập hợp nhau đẩy ra, nhưng không nỗi. Chư Tỳ khưu bên trong dùng sức đẩy ra cũng không được đành chịu đói khát trong bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, bổng nhiên tảng đá bật ra.

Khi về đến Chùa, Chư Tỳ khưu trình lên sự việc, Đức Phật giảng rằng:

- Con quạ bị chết cháy, tiền kiếp nó là người nông dân do sân hận đã thiêu sống con bò.

- Người vợ thuyền trưởng bị thả xuống biển. Tiền kiếp nàng là một thiếu phụ đã trấn nước một con chó trong một bao cát.

- Các vị Tỳ khưu bị đá lấp miệng hang trong bảy ngày, tiền kiếp của bảy vị là những chú mục đồng đã nhốt con Kỳ Đà trong ổ mối 7 ngày đói khát.

Đức Phật khuyến cáo thêm rằng: "Không ai có thể tránh thoát được hậu quả của những ác nghiệp đã gieo."

Cuối bài Pháp, Ba nhóm Tỳ khưu đắc Sơ Quả, và những người nghe Pháp khác cũng hưởng ứng nhiều lợi ích.

Ghi chú:

Theo chân lý nghiệp báo , không ai có thể van lơn cầu cạnh, hay hối lộ, gian lận, tránh né mà có thể thay đổi được định luật. Dù có lẫn trốn tận cung trăng, hoặc giữa đại dương sâu thẳm, hay chui vào rừng sâu, động núi cũng không tránh được hậu quả của ác nghiệp. Không có vị nào, dù là Đức Phật cũng không có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp.

68- HÃY XEM BONG BÓNG ĐẸP
CHỖ CHẤT CHỨA VẾT THƯƠNG
BỆNH HOẠN NHIỀU SUY TƯ
THẬT KHÔNG GÌ TRƯỜNG CỬU (P.C. 147)

Kệ ngôn nầy, được Đức Thế Tôn thuyết giảng liên quan đến vị Tỳ khưu trẻ.

Trong mùa hạ ấy, nàng kỹ nữ Sirimā đã gây thiệt hại đến nàng Uttarā, con gái của bá Hộ Punna. Về sau nàng hối lỗi, muốn cho được trong sạch, nàng thỉnh Đức Phật đến trai tăng. Và từ đó, nàng xin được để bát cúng dường thường xuyên cho 8 vị Tỳ khưu.

Hằng ngày, nàng cúng dường sữa và những thượng vị khác, mỗi khẩu phần có thể 3-4 người dùng mới hết. Lần nọ có vị Tỳ khưu hỏi thăm về đức hạnh của nàng Sirimā, các vị Tỳ khưu bạn cho biết:

- Nói về cách lễ nghi dâng cúng thì không có lời nào tán dương cho hết những cử chỉ tao nhã của nàng Sirimā. Lại nữa, Cô có sắc đẹp duyên dáng đặc biệt, khó ai sánh bằng.

Nghe lời ca ngợi của đại chúng Tỳ khưu, vị Sư trẻ sanh tâm ái mến, muốn được gặp mặt nàng xem thử, có giống như lời đồn chăng?

Thường Chư Tăng chia ra từng nhóm, mỗi nhóm 8 người. Hôm nay nhóm nầy đến nhà nàng Sirimā nhận bát cúng dường, ngày mai đến nhóm khác và cứ như thế xoay tròn.

Sáng nay, đến lượt vị Sư trẻ ấy đến nhà. Do ngã bệnh đột ngột nên hôm nay nàng bảo những người phục vụ hãy ra rướt bát thỉnh Chư Tăng vào an tọa và sớt bát cúng dường các loại thượng vị xong, nàng sẽ ra đảnh lễ các vị Tỳ khưu sau. Do bệnh nặng, nàng không thể tự đi được, phải nhờ người khác dìu. Đến trước mặt Chư Tăng, Nàng quỳ xuống đảnh lễ. Vị Sư trẻ cố tình nhìn nàng và thầm nghĩ:

- Thật sự, lời đồn đãi chẳng sai. Mặc dù đang bệnh, không trang điểm, mà còn tuyệt sắc thế kia, nếu nàng không bệnh thì còn đẹp đến mức nào!

Lúc nầy trong tâm của vị Tỳ khưu hằng hà sa số phiền não đang nổi dậy. Từ đó vị Tỳ khưu tương tư, bỏ ăn, nằm mê sảng trãi qua 7 ngày.

Cũng trong ngày hôm ấy, sau khi cúng dường xong, nàng Sirimā từ trần. Đức Vua đưa tin đến Đức Phật và hỏi tang lễ phải làm thế nào? Thay vì thiêu, Đức Phật bảo Đức Vua đem xác nàng Sirimā ra bãi tha ma, cho người canh giữ đừng để thú cắn xé. Đến ngày thứ 4, Đức Phật bảo Đức Vua ra lệnh buộc tất cả nam nữ trong thành phải đến xem xác của nàng Sirimā, ngoại trừ trẻ em, nếu ai không đến sẽ bị phạt. Khi xong việc, Đức Vua cho người đến thỉnh Đức Phật và Chư Tăng đi vào nghĩa địa.

Lúc bấy giờ vị Sư bạn đến bên giường bệnh nói:

- Đạo hữu có định đến thăm nàng Sirimā không?

Trong cơn mê sảng, nghe tên nàng Sirimā, vị Tỳ khưu trẻ liền ngồi bật dậy và nói: "Tôi đi! Tôi đi!"

Lúc nầy, nơi nghĩa địa rất đông đúc người và người. Đức Phật và Chư Tăng đứng một nơi, Tỳ khưu ni và nam cư sĩ đứng một nơi phải lẽ.

- Bạch Thế tôn! Đây là xác của nàng Sirimā.

- Vậy, này đại Vương! Hãy cổ động cho những ai muốn lấy xác của nàng Sirimā phải bỏ ra 1000 đồng tiền vàng.

Đức Vua y lệnh, ra giá nhưng tất cả mọi người đều im lặng. Đức Vua hạ giá chỉ còn phân nữa số tiền, nhưng cũng chẳng ai dám lấy xác của nàng. Đức Vua cho hạ giá dần dần chỉ còn 1 đồng và cuối cùng cho không, cũng chẳng ai dám ứng tiếng. Đức Vua trình lên Đức Phật sự việc. Nhân đó, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Nầy các Tỳ khưu! Hãy xem xác của nữ nhân nầy, người đã từng được quần chúng yêu mến. Nay nàng đã nằm đây, dù cho không cũng chẳng một ai dám nhận. Hãy nhìn xem cái tự ngã, bệnh hoạn, hôi thối nầy!

Cuối bài Pháp, 84 ngàn người đắc pháp nhãn đạt Thánh Đạo, Thánh Quả Tuệ. Riêng vị Tỳ khưu ấy đắc Sơ Quả.

Ghi chú:

- Cittakatam: Tự Ngã, được hợp thành có đủ chi phần: đầu, mình, tay, chân. Ngoài ra trong thân nầy còn có 9 cửa, thường rỉ chảy như những vết thương đầy mủ máu. Người đời thường che đậy nó bằng cách trang sức cho thân nầy những tràng hoa, ngọc quý để xem cho đẹp mắt. Sự bền vững của thân không có, chỉ thấy những khía cạnh vỡ tan, tiêu hoại của thân.

70- ĐIỀU ÁC TỰ MÌNH LÀM
TỰ MÌNH SANH MÌNH TẠO
NGHIỀN NÁT KẺ NGU SI
NHƯ KIM CƯƠNG NGỌC BÁU. (P.C. 161)

Đức Phật thuyết kệ ngôn nầy đề cập đến nam cư sĩ Mahā Kāla.

Cư sĩ Mahā Kāla là người có tâm đạo nhiệt thành đã thọ trì Bát Quan Trai Giới đủ 8 ngày trong một tháng. Vào ngày kia, ông ở lại Chùa nghe Pháp trọn đêm. Sáng ra ông đến ao rửa mặt, cùng lúc ấy, có hai tên trộm bị rượt chạy ngang qua, nó sợ hãi quăng gói đồ bên cạnh ông rồi bỏ trốn. Dân làng chạy đến tưởng lầm, bắt đánh ông đến chết.

Câu chuyện được đưa đến Đức Phật, Ngài giải thích rằng, mặc dù ông hoàn toàn vô tội, nhưng xét về tiền kiếp thì cái chết nầy là hợp lẽ. Rồi Đức Thế Tôn giảng thêm rằng:

- Trong quá khứ dưới triều đại của Vua Bārānasī, có bọn cướp, chúng thường ngụ ở ven rừng chặn đường giao thông của dân chúng. Khi ấy Đức Vua cho một vị quan và binh sĩ trấn giữ ở đấy để đưa người qua lại đoạn đường vắng.

Một hôm, có hai vợ chồng người thanh niên đi trên chiếc xe bò nhỏ. Đến nơi, người thanh niên xuống xe trao tiền nhờ quan quân hậu vệ đưa qua khu đường rừng, nhưng vị quan kiếm cớ từ chối, vì thấy vợ người thanh niên là một giai nhân tuyệt sắc. Vị quan sanh tâm tà vạy. Ông nói:

- Bây giờ đã trể rồi, để sáng mai chúng tôi sẽ đưa cho ông đi sớm

- Thưa bây giờ cũng còn sớm.

- Không được đã trể rồi, mời ông bà ở lại tư dinh của tôi nghĩ một đêm.

Vì không muốn quay trở lại, nên hai vợ chồng đành nhận lời ở lại một đêm.

Đêm đến vị quan sai người lén bỏ một viên ngọc quý vào xe bò của khách.

Người thanh niên không hay biết độc mưu của vị quan, từ sáng sớm đã cho xe ra đi. Đến rạng đông, vị quan tri hô mất viên ngọc quý, rồi bố trí cho người tìm bắt kẻ trộm. Chính vị quan ấy, đón xe lục soát, sau khi tìm được viên ngọc, vị ấy nói:

- Quả thật, ta đã cho ngủ nghỉ trong dinh, cho ăn uống, mà các ngươi lại còn dám lấy trộm ngọc của ta.

Rồi vị quan ra lệnh đánh người thanh niên đến chết, chỉ vì muốn chiếm đoạt người vợ. Do tiền nghiệp ấy, sau khi hết tuổi thọ, vị quan ấy bị thọ sanh vào địa ngục. Quả dữ còn dư đọng, nên 500 kiếp tái sanh, ông đều bị đánh đập oan đến chết.

Đức Phật khuyến cáo rằng: "Mỗi người phải nhận lãnh lấy trách nhiệm về hành động của mình". Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên, nhiều Tỳ khưu đắc Sơ Quả.

Ghi chú:

Kim cương là một loại đá, nhưng lại có thể nghiền nát các loại đá khác. Cũng vậy, nghiệp ác tự mình làm, tự mình tạo ra nó, và chính nó trở lại nghiền nát kẻ vô trí trong bốn đường khổ.

Tu nữ Ngọc Duyên
Myanmar, PL. 2548 - DL. 2004

Bài trước: Luật nghiệp quả - Một cách nhìn
Tags: transform

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc