Tìm hiểu sơ lược tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Điếu Ngư


Tranh chấp hai bên Nhật-Trung về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư ngày càng trở nên căng thẳng. Quần đảo này hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc và Đài Loan cùng dành chủ quyền.

1. Sơ lược địa lý: Quần đảo Senkaku (tiếng Nhật Senkaku shotō, 尖閣諸島, phiên âm Hán Việt là Tiêm Cát chư đảo), hay 釣魚台 - Diàoyútái (tiếng Hoa), tức Điếu Ngư Đài, có nghĩa là « bục câu cá », có tọa độ vị trí 25° 47′ 53″ Bắc 124° 03′ 21″ Đông, gồm có 5 đảo chính và một số đá, diện tích tổng cộng khoảng 7km², cách bờ biển Phúc Kiến khoảng 320km, cách chỏm đông-bắc Đài Loan 190km, cách nhóm đảo Yaeyama của Nhật là 150km. Đảo lớn nhất có diện tích 4,3km², có tên Nhật Uotsuri-jima, tên Hoa 釣魚島, tức Điếu Ngư Đảo. Các đảo thuộc quần đảo này thì không có người ở.

Quần đảo Senkaku hiện nay do Nhật quản lý, sát nhập hành chính cùng với một số quần đảo khác, vào tỉnh (hay huyện ?) Okinawa, tạo thành quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu).

Quần đảo Ryukyu, ở phía nam, cùng với quần đảo Satsunan (Satsunan shotō - Tát Nam chư đảo - trực thuộc tỉnh lỵ Kagoshima), ở phía bắc, tạo thành chuổi đảo (theo hình 1) mang tên Nansei (Nansei Shoto - Nam Tây chư đảo). Quần đảo Nam Tây trải dài từ phía nam đảo Kyūshū cho đến Đài Loan, phía tây là biển Hoa Đông (Mer de Chine Orientale), phía đông là biển Phi Luật Tân (Mer des Philippines), là một phần quan trọng trong « chuổi đảo thứ nhất » chặn Trung Quốc đi ra « biển lớn ». Tuy nhiên, mỗi khi nhắc quần đảo Nansei (Nam Tây) thì mọi người chỉ liên tưởng đến quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu).

Hình 1 : Quần đảo Nansei (Nam Tây) gồm hai quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) và Satsunan (Tát Nam), trải dài từ Đài Loan cho đến Kyūshū, tạo thành một hàng rào thiên nhiên chặn Trung Quốc ra « biển lớn ». Quần đảo Senkaku không ghi trên bản đồ vì quá nhỏ, chỉ mà một chấm nhỏ về phía bắc quần đảo Yaeyama. Nguồn Wikipédia.

Quần đảo Satsunan gồm có các quần đảo :

Quần đảo Ōsumi, gồm có các đảo : Tanega-shima, Mage-shima, Yaku-shima, Kuchino-erabu-jima, Take-shima, Iō-jima, Kuro-shima,
Quần đảo Tokara, gồm có các đảo : Kuchino-shima, Nakano-shima, Suwanose-jima, Taira-jima, Akuseki-jima, Kotakara-jima, Takara-jima,
Quần đảo Amami, gồm có các đảo : Amami-ōshima, Kakeroma-jima, Yoro-shima, Uke-shima, Kikaiga-shima, Tokuno-shima, Okinoerabu-jima, Yoron-jima,
Quần đảo Lưu Cầu - Ryūkyū gồm có 2 nhóm quần đảo Okinawa và Sakishima :
Quần đảo Okinawa, gồm có các đảo : Okinawa Hontō, Ie-jima, Izena-jima, Iheya-jima, Tonaki-shima, Agunijima, Kume-jima.
Quần đảo Kerama, thuộc nhóm Okinawa, gồm có các đảo : Tokashiki-jima, Zamami-jima, Aka-jima, Geruma-jima.
Quần đảo Daitō, thuộc nhóm Okinawa, gồm có các đảo : Kitadaitō và Minamidaitō
Quần đảo Sakishima, gồm có các quần đảo :
Quần đảo Miyako, gồm có các đảo : Miyako-jima, Ikema-jima, Ogami-jima, Irabu-jima, Shimoji-jima, Kurima-jima, Minna-jima và Tarama-jima.
Quần đảo Yaeyama, gồm có các đảo : Ishigaki-jima, Taketomi-jima, Kuro-shima, Kohama-jima, Yubu-jima, Iriomote-jima, Hatoma-jima, Aragusuku-jima, Hateruma-jima và Yonaguni-jima.
Quần đảo Senkaku, đã nói trên.
Ngoại trừ các đảo thuộc Senkaku, tất cả các đảo thuộc các quần đảo trên đều có người ở.
Hình 2 : quần đảo Điếu Ngư – Senkaku. Nguồn http://www.globalsecurity.org/military/world/war/images/senkaku-map0.gif

2. Lược sử tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư:

Vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, tương tự như nhiều vùng đất của các nước khác bị Nhật chiếm đóng trước Thế chiến thứ hai, đã bị đặt lại khi Hòa ước San Francisco 1951 được ký kết.

Đối với các lãnh thổ mà Nhật chiếm của Trung Hoa, sau khi đầu hàng đồng minh tháng 8 - 1945, theo Tuyên Bố Caire tháng 11 năm 1943 và Hòa ước San Francisco 1951, Nhật sẽ từ bỏ chủ quyền đất Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.

Trên quan điểm pháp lý, điều khoản này mù mờ vì không xác định là Nhật sẽ trả các đảo đó cho bên nào.

Tuy vậy, Hòa ước ký kết giữa Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nhật, được ký tại Đài Bắc ngày 28-4-1952, nội dung ghi rõ việc hủy bỏ hiệp ước Shimonoseki 1895. (Hiệp ước Shimonoseki buộc Trung Hoa phải nhượng vĩnh viễn Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật). Như vậy Nhật đã hàm ý trả Đài Loan và quần đảo Bành Hồ lại cho Trung Hoa (nhưng không xác định trả cho phe nào, quốc hay cộng ?). Hòa ước 1952, cũng như hiệp ước Shimonoseki 1895, không hề nhắc đến quần đảo Điếu Ngư.

Lý lẽ của Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc từ lâu và quần đảo này phụ thuộc Đài Loan. Họ cho rằng quần đảo này do nhân dân Trung Hoa khám phá từ thế kỷ thứ 15, được sát nhập Trung Quốc vào thế kỷ 16, dưới thời nhà Thanh.

Trung Quốc nhấn mạnh rằng quần đảo này nhượng cho Nhật theo hiệp ước Shimonoseki 1895 cùng với Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Điều này có nghĩa, nếu Nhật phải từ bỏ chủ quyền ở Đài Loan thì cũng đồng thời từ bỏ chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư.

Lập luận của Trung Quốc như thế là dựa trên lịch sử.

Trong khi lập luận của Nhật dựa trên pháp lý. Họ cho rằng trước năm 1895 quần đảo Điếu Ngư thuộc loại đất « vô chủ - terra nullius » và không có người ở. Từ năm 1884 ngư dân Nhật đã khai thác lông chim và phân chim ở các đảo này mà không hề gặp một trở ngại nào từ phía triều đình Trung Quốc, cũng như không gặp một người Hoa nào sinh sống hay khai thác kinh tế ở đây. Nhật đã tiến hành thủ tục sát nhập chủ quyền quần đảo này vào tháng giêng năm 1895, tức trước hiệp ước Shimonoseki 3 tháng.

Một số điểm quan trọng về pháp lý khác, củng cố cho lập luận của Nhật.

Hai bên Trung Quốc (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) và Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) đều không tham dự hội nghị San Francisco 1951, nhưng phía Đài Loan sau này được Nhật lựa chọn là đại diện chính thức của Trung Hoa, ký kết hòa ước năm 1952. Nội dung hòa ước này, như đã nói, không đề cập đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Về phía Trung Hoa lục địa, không tham dự hội nghị, Chu Ân Lai có ra tuyên bố không công nhận nội dung Hòa Ước San Francisco 1951. Nội dung tuyên bố này cũng không đề cập đến quần đảo Điếu Ngư. Mặt khác, đại diện quyền lợi của Trung Quốc tại hội nghị San Francisco là ông Gromyko, đại sứ của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa đề nghị 12 điểm, trong đó có khoản dành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về cho Trung Quốc. Đề nghị này bị hội nghị bác bỏ. Đề nghị của Gromyko cũng không hề đề cập đến đến quần đảo Điếu Ngư.

Việc này rõ ràng hơn khi ta xét qua tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc năm 1958. Tuyên bố này xác định bề rộng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ, « áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)… ». Văn kiện này không hề nhắc đến « Điếu Ngư Đài ».

Do đó về mặt pháp lý, lập luận của Nhật thuyết phục hơn Trung Quốc.

Trung Quốc (và Đài Loan) lên tiếng dành chủ quyền quần đảo Điếu Ngư sau khi các cuộc khảo sát năm 1965 và 1969 cho thấy vùng thềm lục địa đảo Điếu Ngư có mỏ dầu khí có thể khai thác được. Cùng thời điểm, tháng 12 năm 1969, chiếu theo nội dung Hòa ước San Francisco, Hoa Kỳ trả lại cho Nhật quyền quản lý các đảo đã giao cho Hoa Kỳ quản lý từ sau Thế chiến thứ II.

Quần đảo Điếu Ngư từ năm 1945 đến 1972 được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ.

Trong Thế chiến thứ II, Hoa Kỳ đã hy sinh rất nhiều binh lính để chiếm lần lượt các đảo thuộc chuổi đảo Nansei của Nhật. Gay go nhất là trận chiếm quần đảo Okinawa. Quân lính Nhật đã chiến đấu tại đây cho đến viên đạn cuối cùng, sau đó xáp lá cà theo lối tự sát. Trận chiến kết thúc thì không còn một người nào sống sót. Điều kinh hãi hơn, dân chúng sống ở một số đảo thuộc Okinawa, đã nhảy xuống vực tự sát, sau khi quân Nhật thất bại, chứ không để « lọt » vào tay quân Hoa Kỳ.

Sau khi Nhật đầu hàng tháng 8 năm 1945, theo nội dung của Hòa ước San Francisco năm 1951, Nhật phải khước từ chủ quyền vĩnh viễn ở tất cả các lãnh thổ mà Nhật đã chiếm của các nước trước đó. Theo nghị quyết năm 1947 của ONU về một số đảo do Nhật chiếm, nếu xét thấy có quan trọng về chiến lược, thì được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ. Quần đảo Nansei được xếp vào trong trường hợp này. Nghị quyết ONU 1947 được tái khẳng định qua điều 3 của Hòa Ước San Francisco. Theo đó quần đảo Nansei, bắt đầu từ phía nam vĩ tuyến 29, tức toàn bộ quần đảo Ryukyu, thuộc quản lý của Hoa Kỳ.

Trong thời gian quản lý các đảo này, quần đảo Điếu Ngư được Hoa Kỳ sử dụng như vùng quân sự, dùng vào việc thực tập ném bom, huấn luyện cho các phi công.

Điều ghi nhận khác, mặc dầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ nhưng Nhật vẫn giữ được chủ quyền trên pháp lý (souveraineté résiduelle), do đó dân chúng sống tại các đảo này vẫn giữ quốc tịch Nhật mà không có quốc tịch Hoa Kỳ.

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trả lại quyền quản lý các đảo cho Nhật vào tháng 12 năm 1969, thì phía Đài Loan, vào tháng 7 năm 1970 cho phép cho hai công ty khai thác dầu của Hoa Kỳ đặc quyền khai thác vùng thềm lục địa thuộc phạm vi quần đảo Điếu Ngư. Lập tức Nhật lên tiếng phản đối. Phía lục địa thì bắt đầu vào tháng 12 năm 1971, ra tuyên bố cho rằng « quần đảo Điếu Ngư từ lâu phụ thuộc Đài Loan, cũng như đảo này, từ lâu là những vùng đất bất khả tách rời của Trung Quốc… Nhân dân Trung Hoa sẽ giải phóng Đài Loan. Nhân dân Trung Hoa sẽ lấy lại đảo Điếu Ngư cũng như tất các các đảo khác phụ thuộc vào Đài Loan ».

Như thế hai phía Trung Quốc (và Đài Loan) đều lên tiếng rất trễ về chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư.

Về quan điểm của Hoa Kỳ về chủ quyền các đảo Điếu Ngư:

Theo nội dung của Hòa Ước San Francisco 1951, quần đảo Điếu Ngư phụ thuộc quần đảo Ryukyu, là phần phía nam của quần đảo Nansei, thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ (vùng đảo phía nam vĩ tuyến 29). Trên quan điểm công pháp quốc tế, quần đảo Ryukyu thuộc Nhật.

Điểm khác, theo nội dung hiệp ước an ninh hỗ tương Nhật-Mỹ năm 1960, chiếu theo một bản ghi nhớ của Nhật đính kèm hiệp ước, Hoa Kỳ sẽ không chỉ bảo đảm an ninh cho các đảo của Nhật mà còn mở rộng ra ở các vùng biển của các đảo này, nếu thấy vùng biển này đe dọa an ninh của Nhật. Thời gian gần đây, chính phủ Obama đã khẳng định việc bao gồm vùng biển thuộc Điếu Ngư vào hiệu lực của Hiệp định hỗ tương an ninh Nhật-Mỹ 1960.

Như thế, nếu không có gì thay đổi, quan điểm của Hoa Kỳ là quần đảo Điếu Ngư thuộc về Nhật.

3. Phương hướng giải quyết:

Tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Điếu Ngư ngày càng gay gắt. Phía Trung quốc gần đây biểu lộ nhiều hành động đe dọa, cho mọi người thấy họ có thể dùng vũ lực để lấy lại các đảo này. Tuy vậy, việc này sẽ khó xảy ra. Một cuộc đụng độ giữa hai bên chắc chắn sẽ lôi kéo Hoa Kỳ (cùng các nước đồng minh) vào vòng chiến, sẽ gây thiệt hại to tác cho TQ.

Mục tiêu các động thái của Trung Quốc có thể chỉ nhằm mục tiêu răn đe, hoặc gây áp lực để "ra giá" cho một cuộc thuơng lượng sắp tới về việc phân định hải phận giữa hai bên. Vấn đề này cho thấy rất phức tạp.

Có ba điều khó khăn cho việc phân định: 1/ bề rộng vùng biển cách giữa Nhật và Trung Quốc không quá 400 hải lý, do đó tạo ra vùng chồng lấn về vùng Kinh tế độc quyền (200 hải lý, tính từ đường cơ bản). 2/Trung Quốc có thể "mở rộng" thềm lục địa (ra đến 300 hải lý), trong khi phía Nhật thì không. 3/ Vấn đề chủ quyền và hiệu lực của quần đảo Điếu Ngư.

Trung Quốc vừa nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ (CLCS -Commission des limites du plateau continental), ngày 14-12-2012, hồ sơ thềm lục địa mở rộng của nước này.

Chủ trương của TQ, thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước này là thềm lục địa « kéo dài tự nhiên », mở ra cho đến đường rảnh Okinawa.

Ranh giới phía ngoài thềm lục địa của TQ là đường màu vàng trên bản đồ dưới đây.


Nguồn: Hồ sơ TLD của TQ nộp lên CLCS 14-2-2012.

Việc này tạo sự chồng lấn về vùng biển Độc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các bên Trung Quốc với Nhật và Trung Quốc với Nam Hàn.

Về việc chồng lấn vùng biển ZEE, phía TQ được lợi thế vì vùng biển phía Nhật tính từ các đảo. Trung Quốc có thể đặt lại hiệu lực ZEE của các đảo thuộc Nhật, cho rằng các đảo này nhỏ, ít dân cư hơn lục địa, do đó phải có hiệu lực giới hạn.

Về chồng lấn thềm lục địa, quan điểm của TQ là dựa theo điều 76 của UNCLOS, với phương pháp Hedberg nhằm xác định bề rộng. Kết quả cho thấy, bề rộng thềm lục địa của TQ lấn ra tới sát bờ rảnh Okinawa. Trong khi phía Nhật sẽ gặp khó khăn nếu áp dụng đúng theo điều 76. Các đảo của Nhật, ngoài quần đảo Điếu Ngư (hiện đang tranh chấp) nằm trên bờ rìa thềm lục địa, thì không có đảo nào có thềm lục địa. Không có thềm lục địa thì làm sao có thể mở rộng thềm lục địa ? Vì vậy Nhật sẽ áp dụng điều 121 về chế độ các đảo và điều 55 về vùng Độc quyền kinh tế (ZEE), theo đó các đảo "có người sinh sống và có nền kinh tế tự túc" thì được hưởng 200 hải lý bề rộng, tính từ đường cơ bản, vùng biển ZEE và thềm lục địa. Dầu vậy, các đảo của Nhật là các đảo nhỏ, do đó tư thế sẽ kém so với lục địa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhật chủ trương phân định vùng biển và thềm lục địa theo "đường trung tuyến".

Khác biệt khác giữa hai bên, là chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Phía TQ chủ trương lấy các đảo Điếu Ngư làm "điểm cơ bản" để tính bề rộng lãnh hải, vùng ZEE và thềm lục địa.

Sự khác biệt giữa hai bên vì vậy rất lớn.
Nguồn: Atlas Géopolitique des espaces maritimes – D. Ortolland và J.P. Pirat – Editions Technip2008.

Bản đồ trên cho thấy các chi tiết sơ lược về vùng biển tranh chấp. Đòi hỏi của TQ là đường màu xanh, đòi hỏi của Nhật là đường màu đỏ. Hai bên Trung-Nhật cũng đã có ký kết một tạm ước ngày 11-11-1997 về vùng đánh cá chung, là vùng B trên bản đồ, được xác định theo tứ giác đường màu đỏ.

Việc giải quyết các khác biệt giữa hai bên hứa hẹn nhiều giai đoạn gay cấn. Sẽ không có một mẫu mực pháp lý nào để hai bên dựa vào. Mỗi trường hợp phân định là một trường hợp duy nhứt.

Tags: history

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc