Kết quả không ngờ từ cách tính GDP cổ điển

William Petty, hi vọng tránh thuế, đã tính thu nhập quốc dân lần đầu tiên vào năm 1664. Nguồn: Phòng triển lãm tranh chân dung quốc gia, London.

By Jane Gleeson-White / Sơn Phạm dịch.

Sáng sớm nay (28/3/2013), các quan chức Bộ Thương mại đã công bố số liệu mới nhất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, cho thấy tăng trưởng quý IV đã phần nào nhanh hơn  so với các dự báo trước đây. Những công bố như này thường được háo hức chờ đợi. GDP nhằm 'gói gọn' toàn bộ nền kinh tế vào một con số đơn nhất, gắn giá cả vào tổng số hàng hóa và dịch vụ một quốc gia sản xuất được. Các chính phủ, thị trường, chuyên gia và nhà đầu tư, tất cả đều trông vào con số đơn nhất, thần kì này để đưa ra các dấu hiệu liệu mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn hay tồi tệ đi.


Sức mạnh của con số GDP có thể được cảm nhận bằng các nghi lễ phức tạp đã phát triển ở Washington xoay quanh việc công bố chính thức số liệu này. 12 lần một năm, Steve Landefeld, Giám đốc Cục Phân tích Kinh tế, và các cộng sự của ông tự nhốt mình trong căn phòng không có điện thoại và internet, kéo kín màn che, và tiến hành một nhiệm vụ đã được tinh chỉnh kĩ lưỡng từ hơn 50 năm qua. Họ có duy nhất một mục tiêu: đó là đạt được con số đơn nhất thông qua việc tổng hợp khoảng 10.000 dòng dữ liệu từ các hoạt động kinh tế gần đây, bao gồm thu hoạch, xây dựng và bán lẻ.

Một khi đã được xác định, con số này sẽ được ghi trong tờ thông cáo báo chí, được khóa lại. Một bản sao duy nhất được gửi đến Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống. Con số này quyền năng đến mức mà không một ai có thể thốt một lời về nó trước khi có công bố chính thức; mà nếu quá sớm có thể làm rúng động thị trường toàn cầu. Chỉ đúng 8:30 ngày hôm sau, nó mới được công bố chính thức.

Tính toán thu nhập
GDP, như chúng ta đã biết, còn 'trẻ' hơn cả Alan Greenspan, nhưng ý tưởng tính toán thu nhập quốc dân đã được thai nghén từ 350 năm trước bởi nhà bác học (polymath) người Anh - William Petty. Trong sự nghiệp y khoa, âm nhạc và hoạt động chính trị của mình, Petty đã lần đầu tiên đã phân tích định lượng thu nhập quốc dân và của cải của nước Anh.

Trong cuộc chiến giữa Anh với Hà Lan, Petty, một địa chủ giàu có, lo sợ rằng thuế đánh trên đất sẽ bị tăng lên. Trong bài luận 'Verbum Sapienti' ('A Word to the Wise', 'Lời khuyên') năm 1664, Petty chứng minh rằng, trái với suy nghĩ của nhiều người, đất đai chỉ tạo ra một phần nhỏ thu nhập quốc dân của nước Anh - và do đó, các địa chủ chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở thuế tiềm năng. Bằng việc ước tính của cải và chi tiêu công của nước Anh và xứ Wales, Petty tìm ra nguồn thu nhập chịu thuế lớn hơn rất nhiều, mà chưa được khai thác, đó chính là lao động. Phân tích của ông cho thấy lao động sản xuất ra lượng thu nhập nhiều hơn 3 lần so với đất đai.

Đây là phân tích định lượng đầu tiên trong kinh tế học, môn học (discipline) mà chưa xuất hiện chính thức cho tới tận 100 năm sau. Petty viết trong phân tích của mình: 'Phương pháp mà tôi sử dụng, tuy không thông thường, bởi thay vì sử dụng lời văn so sánh (comparative and superlative), và các lập luận trí óc, tôi đã chọn phương pháp (như là thử nghiệm môn Số học Chính trị mà từ lâu tôi đã nhắm đến) để trình bày ý tưởng của mình bằng các con số, tỉ trọng và đo lường.'

Phải mất hơn 250 năm sau, cho tới khi Sự sụp đổ thị trường chứng khoán phố Wall năm 1929, và Đại khủng hoảng trên toàn thế giới, các nhà kinh tế mới hoàn toàn đánh giá đúng phương pháp định lượng của Petty về thu nhập quốc dân. Người đầu tiên xem xét khái niệm này một cách toàn diện là John Maynard Keynes, trong cuốn 'Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ,' năm 1936. Trong khi đó, các Tổng thống Herbert Hoover và Franklin D. Roosevelt đã ủy nhiệm nhà kinh tế Simon Kuznets để xây dựng các tính toán về thu nhập của nước Mỹ để định hình các phản ứng chính sách đối với cuộc Đại khủng hoảng.

Tác phẩm 'Thu nhập quốc dân, 1929-1932' của Kuznets, là sự tính toán toàn diện đầu tiên thu nhập quốc dân và sản lượng. Tính toán của ông, một tập hợp các ước tính từng ngành, đã cho phép Roosevelt mô tả hiện trạng của nền kinh tế Mỹ trong yêu cầu ngân sách gửi tới Quốc hội.

Kinh tế học thời chiến
Thế chiến II đã thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của tài khoản quốc gia. Chính phủ cần tính toán các tác động của việc chuyển từ chi tiêu của người dân trong thời bình sang chi tiêu của chính phủ liên bang trong thời chiến. Tính toán ban đầu này đã phát triển thành tổng thu nhập quốc dân (GNP), khái niệm do Kuznets nghĩ ra, sau này trở thành GDP.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cuộc chiến đã cho Keynes cơ hội để thuyết phục chính phủ Anh thực hiện lý thuyết của mình, lập luận rằng nó có thể dùng để quản lý rủi ro lạm phát do chiến tranh gây ra. Để ứng dụng nó cần có các thống kê thu nhập quốc dân. Đến đầu năm 1941, Vương quốc Anh, cũng có hệ thống tài khoản quốc gia của mình.

Mặc dù Keynes tin rằng đây chỉ là những tính toán khẩn cấp, được sử dụng trong chiến tranh hoặc đại khủng hoảng, sự ra đời các tổ chức sau Thế chiến như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đưa những tính toán này trở nên thiết yếu đối với hầu hết các quốc gia. Sự thành công của Kuznets và các nhà kinh tế khác trong việc xây dựng việc tính toán thu nhập quốc dân được Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus miêu tả như là 'một trong những phát minh quan trọng của thế kỷ 20.'

Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, việc tính GDP có vẻ hơi lạc hậu (wanting?). Được thúc đẩy bởi các quan tâm về môi trường, một số nhà kinh tế đang cân nhắc lại năng lực sản xuất của đất đai - hay, thiên nhiên. Phảng phất khám phá của Petty về giá trị của lao động, một nghiên cứu năm 1997 của giáo sư Robert Costanza ước tính rằng thiên nhiên tạo ra lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hàng nghìn tỉ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới.

Các phương pháp tính toán GDP hiện nay chỉ tính tới những giao dịch hợp pháp trong nền kinh tế tiền tệ, mà không bao gồm tích lũy của cải hay các công việc không được trả lương. Phá rừng để lấy gỗ làm tăng GDP, trong khi đó một khu rừng nhiệt đới nguyên vẹn thì chẳng là gì c, bất kể việc nó hấp thụ khí thải CO2, và duy trì chu kì nước. Chúng ta đang bắt đầu trả giá cho những yếu tố bị bỏ ra khỏi phép tính như này.

Vào năm 2012, Liên hiệp quốc đã áp dụng tiêu chuẩn quốc tế mới để cho 'vốn thiên nhiên' một vị thế ngang bằng với GDP. Cũng như việc GDP trở nên phổ biến trong những năm 1930 để đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn, các phương pháp tính toán thay thế giờ đây đang được triển khai để đối phó với khủng hoảng môi trường. Việc quyết định sẽ đưa thêm những nhân tố nào vào tài khoản quốc gia theo định nghĩa đòi hỏi những sự phán xét chủ quan (judgment calls). Do vậy, hãy coi con số GDP gần đây một cách đơn thuần: do con người xây dựng nên, chứ không phải một cách tính toàn diện - hay hoàn toàn khách quan.

(Jane Gleeson-White là tác giả cuốn 'Bút toán kép: Những người lái buôn thành Venice hình thành Tài chính hiện đại như thế nào' - "Double Entry: How the Merchants of Venice Created Modern Finance.")

Bloomberg

-----
Về hệ thống tài khoản quốc gia: ứng dụng và một số bất cập ở Việt Nam, như có 3 phương pháp tiếp cận thông tin để tính toán chỉ tiêu GDP: Phương pháp sử dụng cuối cùng (The Final Expenditure Approach), Phương pháp sản xuất (The Production Approach), và Phương pháp phân phối (Income Approach – Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc Gia (HTTKQG) quen gọi là phương pháp phân phối). Tuy nhiên, về ý niệm cần nhìn nhận GDP từ tổng cầu cuối cùng (sử dụng cuối cùng) là sự phản ánh chính xác nhất. Thực trạng hiện nay ở Việt Nam là hầu hết các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách luôn hướng suy nghĩ vào phía tổng cung - coi GDP bằng tổng giá trị tăng thêm của các ngành cộng thuế nhập khẩu. Một số vấn đề cần xem xét hoàn thiện như: tính 'GDP' tỉnh, thành phố - GRP (cần thống nhất cách nhìn phía cung hay phía cầu), quá trình hình thành giá của một sản phẩm, và phương pháp tính GDP/GRP về giá so sánh, bạn đọc có thể xem kĩ hơn ở đây (complex, wonkish).
Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc