Có thể học được gì từ Mô hình y tế quốc gia của Vương quốc Anh?

Life before National Health Service. Photo courtesy Paul Townsend.

Dường như những tranh cãi về chất lượng và hiệu quả của Mô hình y tế quốc gia (National Health Service - NHS) tại Anh không bao giờ có hồi kết. Hệ thống này được Aneurin Bevan - chính trị gia thuộc Đảng Lao động thành lập năm 1948, đã trải qua thời kỳ đặc biệt tồi tệ vào năm ngoái khi bị cho là hoạt động kém hiệu quả, thiếu nhất quán đồng thời dính tới hàng loạt vụ bê bối như bỏ mặc bệnh nhân hay điều trị không đúng cách. Mặt khác, hệ thống này đang phải vật lộn để đạt mục tiêu tiết kiệm 20 tỷ bảng Anh (33 tỷ đô la Mỹ) theo yêu cầu cân bằng ngân sách do chi tiêu của NHS trong năm 2012-2013 đã chiếm tới 105 tỷ bảng Anh trong tổng chi tiêu chính phủ. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia khác đặc biệt là các nước có tốc độ phát triển nhanh trong thế giới thứ 3 vẫn đang học và tiếp thu những ý tưởng mấu chốt từ mô hình NHS để cải cách hệ thống y tế của mình. Đặc biệt các quốc gia đông dân có nhu cầu cải cách y tế nhanh chóng với mức ngân sách eo hẹp đang lấy cảm hứng từ đứa con tinh thần của Bevan.

Điều này phần lớn xuất phát từ nguyên tắc nền tảng của NHS: cam kết cung cấp dịch vụ y tế phổ quát cho mọi người dân bất kể thu nhập. Nguyên tắc này đang được áp dụng ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nam Phi – đất nước mong muốn mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế công chưa tương xứng hiện nay. Mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập và quyền hưởng dịch vụ chăm sóc y tế (health-care entitlement) cũng chính là động lực dẫn đến những cải cách ở Mexico trong thập niên vừa qua. Các nhà cải cách tại quốc gia này cho rằng NHS giúp người dân ở các nước nghèo được hưởng dịch vụ y tế công bằng hơn.

Một ưu điểm (selling point) nữa của NHS là chi phí bình quân đầu người khá thấp. The Commonwealth Fund, nhóm chuyên gia tư vấn (think-tank) y tế có trụ sở tại Washington, DC coi đây là một trong những mô hình y tế tiết kiệm nhất nhờ cơ cấu “mỗi một (nhà nước) chi trả” (single-payer system) – tiền chủ yếu được lấy từ nguồn thu thuế. Ngoài ra, mô hình này còn giúp dễ dàng tiên liệu các rủi ro hơn so với mô hình bảo hiểm y tế và chính phủ kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó kho dữ liệu dành cho các nhà nghiên cứu trên cả nước cũng là một điểm mạnh của NHS. Đồng thời NHS còn giúp tiết kiệm chi phí theo nhiều cách khác nữa. Ấn Độ đang áp dụng mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu (primary-care model) của Anh, tận dụng các y bác sỹ tại địa phương để khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực, tránh đầu tư quá mức cho việc xây dựng bệnh viện đắt tiền. Mong muốn giảm thiểu chi phí do lạm phát cũng như tình trạng kê đơn quá mức cũng khiến Trung Hoa trở thành một trong số các quốc gia bắt chước mô hình Viện Quốc gia về lợi ích lâm sàng (England’s National Institute of Clinical Excellence) của Anh – cơ quan đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương pháp điều trị và các loại thuốc mới, từ đó đề xuất phương pháp điều trị hay loại thuốc nào nên được áp dụng trong hệ thống y tế công.

Tuy nhiên, việc được các quốc gia khác coi là mô hình kiểu mẫu không có nghĩa NHS có thể hài lòng với hiện tại ở quê nhà. NHS quá chú trọng vào quy mô hoạt động cũng như tính công bằng của các dịch vụ y tế nên chậm áp dụng những phát kiến mới có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Điều trị đồng bộ thường mang tính lý thuyết hơn là thực tế và NHS đang nỗ lực công khai các thành công cũng như thất bại của mình nhằm thúc đẩy cải tiến hiệu quả hoạt động. Tranh cãi về vấn đề hợp tác với khu vực tư nhân và bất ổn về chất lượng quản lý khiến cho NHS chậm đưa ra những thay đổi có lợi. Song, nguyên tắc y tế cho mọi người vẫn là động lực cho các quốc gia muốn tận dụng nguồn GDP ngày càng tăng để nâng cao sức khỏe người dân. Đây là thành công đáng kể (not a bad legacy) đối với NHS sau gần 60 năm kể từ khi ra đời.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc