Vì sao Ấn Độ tổ chức bầu cử giỏi đến vậy?

Indian election graffiti. Photo courtesy Ben Sutherland.

Cuộc Tổng tuyển cử sắp tới là vấn đề tầm cỡ ở Ấn Độ. Từ ngày 7 tháng Tư tới 12 tháng 5, trải qua 7 giai đoạn, 815 triệu người sẽ đủ tư cách bỏ phiếu (cast vote) trong sự kiện dân chủ lớn nhất thế giới. Kể từ lần trước vào năm 2009 đã có thêm 100 triệu cử tri mới. Bất chấp các chi phí và những rắc rối quanh nó, cuộc bầu cử được chờ đợi sẽ diễn ra êm đẹp. Các đảng phái chính trị có thể vượt qua giới hạn về chi tiêu nhưng nhìn chung bầu cử ở Ấn Độ là trong sạch – kết quả không bị dàn xếp (rig). Tỉ lệ người dân đi bầu cũng xấp xỉ với các nền dân chủ phương Tây: ước tính 60 – 70% cử tri sẽ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử thứ 16 kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập. Cũng không ai bị đe dọa bạo lực nghiêm trọng ngay cả ở những nơi bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mao hay các cuộc nổi dậy. Sự khác biệt là quá rõ ràng so với những cuộc bầu cử đẫm máu mà các nước láng giềng Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal hay thậm chí cả Maldives phải trải qua.

Thoạt nhìn thì thành công này thật khó hiểu. Khi được hỏi về năng lực của cơ quan chính phủ, phản ứng điển hình của người dân Ấn Độ là sự thờ ơ và hoài nghi. Hầu hết những gì do các công chức thực hiện đều tệ hại: cứ thử theo học tại trường công, khám bệnh ở bệnh viện công, nhờ “công an nhân dân” giúp đỡ hay nhận bao cấp thực phẩm thì biết. Tham nhũng, lãng phí, chậm trễ và quản lý sai lầm phổ biến một cách đáng buồn. Hãy để ý cả những thất bại đáng xấu hổ của Hải quân Ấn Độ với đầy rẫy những tai nạn chết người trong năm qua, tình trạng thiếu đầu tư kéo dài cho tuyến đường sắt quốc gia hay thất bại của nhà nước trong việc xây dựng đủ đường xá, bến cảng và hệ thống điện. Làm sao mà Ấn Độ có thể tổ chức bầu cử tốt như thế khi mà hầu hết các thứ khác đều tệ hại như vậy?

Câu trả lời đầu tiên là các cuộc bầu cử là những nhiệm vụ lặp lại nhiều lần được tập trung tỉ mỉ trong thời gian ngắn. Khi có những điều kiện này thì hệ thống quan liêu có thể thành công tương tự. Một ví dụ khác là cuộc điều tra dân số tiến hành 10 năm một lần; một thành công gần đây hơn là kế hoạch xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học (biometric) lớn nhất thế giới với khoảng 600 triệu người đã đăng ký được quét võng mạc, dấu vân tay và hơn thế nữa. (Tuy nhiên, các dữ liệu này có được dùng cho mục đích tốt đẹp không lại là chuyện khác. Cũng cần ghi nhận là hầu hết công việc này được thực hiện bởi các nhà thầu tư nhân dưới sự giám sát của nhân viên chính phủ). Thứ hai là các công chức nhà nước phản ứng tốt với những nhiệm vụ mang lại uy tín lớn và bị xã hội giám sát chặt chẽ (public scrutiny). Cũng vì thế mà với ngân sách tương đối nhỏ, Cơ quan Không gian Ấn Độ năm ngoái đã phóng được một tàu vũ trụ lên sao Hỏa hiện vẫn đang trên đường theo kế hoạch. Tương tự, giới chức y tế gần đây tuyên bố Ấn Độ đã xóa sổ bệnh bại liệt (polio). Thứ ba là các viên chức chỉ thành công khi thoát khỏi sự can thiệp chính trị và tham nhũng. Giống như Ngân hàng Trung ương, Hội đồng Bầu cử (nước này) cũng độc lập. Trong khi cảnh sát dành phần lớn thời gian nhận hối lộ để “cúng sếp” thì các quan chức bầu cử không hề có ngân quỹ lớn để biển thủ hay cơ hội để moi tiền hối lộ.

Tiến trình bầu cử có thể mang lại những bài học áp dụng được ở nhiều nơi khác. Một là lợi ích từ việc đặt ra mục tiêu đơn giản và được định hình tốt. Ví dụ thử yêu cầu các viên chức đưa Ấn Độ thăng 10 hạng một năm từ vị trí 134/189 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới xem sao? Một bài học khác là tầm quan trọng của sự minh bạch. Các chính trị gia sẽ khó can thiệp hay biển thủ hơn nếu các viên chức được đặt dưới sự giám sát cặn kẽ của xã hội như các quan chức bầu cử. Việc mở rộng quyền tiếp cận thông tin (right-to-information law) của đất nước, bất chấp những thối nát bị lộ ra đáng xấu hổ thế nào, đã được chứng minh là vô cùng giá trị. Cuối cùng, các công chức sẽ làm việc hiệu quả hơn và bớt tham nhũng khi họ không còn quyền quyết định tùy ý. Những người tổ chức bầu cử không có quyền quyết định ai được đi bầu hay bầu ở đâu; họ chỉ có nhiệm vụ đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra hiệu quả, do đó không có động lực để người ta hối lộ hay khống chế họ. Bất cứ ai thắng cử năm nay cũng có thể nhìn vào chính tiến trình bầu cử như một hình mẫu để cải thiện tình trạng quan liêu ở Ấn Độ.

Đăng Duy
The Economist


Tags: india

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc