Vì sao các ông bố Thụy Điển được... nghỉ thai sản nhiều đến vậy?

A father changes his son's diaper in their living room. Photo courtesy makelessnoise.

Cùng với các nước láng giềng Bắc Âu, Thụy Điển là một trong những nước đứng đầu trên hầu hết các bảng xếp hạng bình đẳng giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá nước này có khoảng cách bất bình đẳng giới thấp nhất trên toàn cầu. Nhưng Thụy Điển không chỉ là nơi tốt cho phụ nữ mà còn là một nơi lý tưởng cho những người sắp được làm cha. Gần 90% các ông bố Thụy Điển nghỉ thai sản khi vợ sinh con. Năm ngoái, khoảng 340.000 ông bố đã nghỉ tổng cộng 12 triệu ngày, tương đương với gần bảy tuần mỗi người. Phụ nữ vẫn có nhiều ngày nghỉ hơn để dành thời gian chăm sóc con, nhưng khoảng cách này đang được thu hẹp. Vì sao các ông bố Thụy Điển dành nhiều thời gian nghỉ làm để nuôi dạy con cái đến vậy?

Bốn mươi năm trước, Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chế độ trợ cấp thai sản cho cả các ông bố và bà mẹ. Trợ cấp gồm 180 ngày nghỉ hưởng 90% lương đối với mỗi em bé, và các bậc cha mẹ được tự do phân chia (divvy up) các ngày nghỉ này theo bất kỳ cách nào họ hài lòng. Tuy nhiên, chính sách này không mấy kết quả với các ông bố: năm đầu tiên áp dụng chương trình, các ông bố chỉ hưởng chưa tới 0,5% toàn bộ trợ cấp.

Ngày nay, con số này đã tăng lên 25%. Một trong các nguyên nhân là chương trình này đã trở nên hào phóng hơn, với số ngày nghỉ hưởng lương đối với đứa con đầu lòng được tăng từ 180 lên 480 ngày. Và chương trình cũng được điều chỉnh (tweak) để khuyến khích sự phân chia công bằng hơn khoản trợ cấp. Năm 1995, lần đầu tiên 'tháng của cha' (daddy month) đã được áp dụng. Theo điều chỉnh mới, các gia đình mà trong đó mỗi phụ huynh nghỉ tròn một tháng phép sẽ được nhận thêm một tháng nữa bổ sung vào tổng số trợ cấp của họ. Chính sách này một lần nữa được mở rộng năm 2002, nếu mỗi phụ huynh nghỉ ít nhất hai tháng, gia đình sẽ được nhận thêm hai tháng nữa. Một số chính trị gia thậm chí còn muốn đi xa hơn, khi đề xuất hệ thống nghỉ thai sản hiện nay phải được đổi thành chế độ hưởng lợi theo cá nhân, nghĩa là các bà mẹ chỉ nên hưởng một nửa số phụ cấp của gia đình, phần còn lại dành cho các ông bố.

Các chính sách tương tự như 'tháng của cha' ở Thụy Điển cũng đã được áp dụng ở các nước khác. Năm 2007, nước Đức đã sửa đổi chế độ nghỉ thai sản theo cách của Thụy Điển, và chỉ trong hai năm, số lượng các ông bố nghỉ thai sản hưởng lương tăng từ 3% lên tới trên 20%. Một trong các lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ phân chia đều nghỉ thai sản giữa các ông bố và bà mẹ là vì chính sách này sẽ có nhiều tác động tích cực lan truyền (ripple effect) đối với phụ nữ. Kể từ khi các ông bố Thụy Điển bắt đầu chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn trong việc nuôi dạy con, khảo sát cho thấy phụ nữ đã tăng cả thu nhập và mức độ hạnh phúc cảm nhận. Trả tiền để các ông bố thay tã cho con và có mặt ở sân chơi trẻ em dường như có lợi đối với cả gia đình.

Sơn Phạm
The Economist

Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc