Thạch ngôn - part i

shared from fb Phạm Lưu Vũ.
-----
Xưa có kẻ đi qua chân núi, bỗng nghe sau lưng có tiếng người nói chuyện. Bèn ngoảnh lại thì không thấy ai. Tự cho là mình bị ảo giác hay thần hồn nát thần tính. Song hễ cứ quay đi thì lại nghe rõ ràng có tiếng người nói, mới để ý rình xem. Té ra mấy hòn đá đang bàn chuyện nước Tấn. Bấy giờ nước Tấn đang có loạn to. Những điều nghe được từ câu chuyện của mấy hòn đá kia, về sau quả nhiên thấy dần dần ứng nghiệm. Người đời sau gọi thứ ngôn ngữ ấy là “thạch ngôn” (lời của đá).

Tương truyền đá ở Tản Sơn cứ năm trăm năm lại thở dài một tiếng. Ấy là vào những lúc thiên hạ vô sự. Thiên hạ vô sự mà đá còn phải thở dài. Vậy gặp lúc thiên hạ hữu sự thì sao? Thì đá kia tất phải bật ra tiếng nói. Luận ngữ Tân thư kì này xin ghi lại một trong những “thạch ngôn” ấy như sau:

1. Nếu con Sóc nổi tiếng bởi sự nhanh nhẹn của mình (nhanh như sóc), thì con Rùa cũng nổi tiếng bởi sự chậm chạp của nó (chậm như rùa). Nhanh và chậm - hai chuyện đời ngược nhau. Nhưng tiếng tăm lưu truyền từ đời này sang đời khác (của cả Sóc lẫn Rùa) thì không hơn kém nhau mấy tý.

Bậc trí giả bàn đến chuyện ấy, tỉnh bơ bảo: Nhanh như sóc thì nhiều người đã từng theo kịp. Nhưng chậm như rùa thì không phải ai cũng có thể theo được. Triết lý chậm ấy của con Rùa té ra rất đơn giản. Đó là: “chẳng việc gì phải vội vàng”.

Bài trước: Một sàng khôn
Tags: skill

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc