Lính bắn tỉa Mỹ

shared from fb Mạnh Kim.

p/s: đây là quyển đầu tiên langdu mua và đọc ở Google Play Books, cuộc đời huyền thoại tay súng bắn tỉa Mỹ - Chris Kyle, định kể lại dần mà Mạnh Kim viết hay quá rồi, share lại đây.

có câu funny ở chương đầu khi Chris Kyle còn ở nông trại, đi chăn bò, kể lại bị bò đá vào người, lưng v.v... và cả vào chỗ "mặt trời chưa bao giờ chiếu tới" nữa, he he :D
-----
Chiếu hạn chế tại một số rạp ngày 15-12-2014 và bắt đầu phát hành rộng rãi ngày 16-1-2015, "American Sniper" đang gây sốt phòng vé tại Mỹ, thu vào hơn 90 triệu USD chỉ trong vài ngày. Bộ phim được đề cử 6 Oscar này cũng đã có mặt tại VN.

Phim dựa vào câu chuyện có thật, về Chris Kyle, thuộc lực lượng SEAL, được xem là tay
súng bắn tỉa số một lịch sử quân đội Mỹ. Trong sáu năm với bốn đợt ra trận tại Iraq, Chris Kyle đã bắn hạ 255 mục tiêu trong đó có 160 mục tiêu được xác nhận chính thức. Ngay từ lần ra trận đầu tiên, Chris Kyle đã "phụp" một phụ nữ khi đương sự tiến đến toán thủy quân lục chiến và lôi ra quả lựu đạn giấu trong áo choàng.

Có một số chi tiết hấp dẫn không được dựng trong phim, dù kịch bản dựa vào quyển hồi ký cùng tên của Chris Kyle. Lần đó, năm 2004, khi đến điểm giao tranh cực kỳ ác liệt Fallujah, Chris Kyle – như mọi lần – nấp trên mái nhà. Một buổi chiều, anh phát hiện 16 tên phiến quân Iraq đang ôm phao vượt sông. Mỗi phao có bốn tên. Thay vì bắn phiến quân, Chris Kyle thong thả nhả đạn vào phao. Khi chiếc phao thứ nhất bị bắn, bốn tên phiến quân nhào sang phao gần bên. Chris Kyle phụp tiếp phao thứ hai. 8 tên cuống cuồng ngụp lặn. Khi chiếc phao thứ ba bị bắn, chúng bắt đầu xô nhau giành chiếc phao cuối cùng. Chới với ngộp nước, một số tên chết đuối; số còn lại bị đồng đội Chris Kyle tỉa gọn. Sau Fallujah, Chris Kyle trở lại Baghdad. Đó là nơi anh thấy một bé trai bị phiến quân bắt cóc. Anh bình tĩnh bóp cò. Nạn nhân được giải thoát an toàn.

Năm 2006, tại Ramadi, Chris Kyle bắt đầu được đồng đội SEAL đặt biệt danh 'The Legend'. Ngày nọ, khi phơi lưng trên mái nhà, Chris Kyle thấy một chiếc gắn máy chở hai tên phóng ra từ con hẻm. Một tên nhanh tay ném chiếc túi vào cái hố nhỏ. Biết là mìn điều khiển từ xa, Chris Kyle "cắm" ngay một viên vào mục tiêu di động đang ngồi trên chiếc xe phóng bạt mạng, ở khoảng cách chừng 140 m. Viên đạn xuyên "kẻ chỉ" hạ gục cả hai. "Hai thằng với một viên" – Chris Kyle thuật lại – "Tiết kiệm được tiền thuế của dân Mỹ!".

Cũng trong thời điểm này, phiến quân bắt đầu gọi anh là "Shaitan Ar-Ramadi" ("Con quỷ thành Ramadi") và dán poster "truy nã" với tiền thưởng 21.000 USD sau nâng lên 80.000 USD! Lần khác, Chris Kyle, dùng ống nhòm, phát hiện một mục tiêu, cũng nằm nấp trên mái nhà cách xa khoảng 1.920 m. Hắn không có dấu hiệu đáng ngờ. Không lâu sau, khi thấy đoàn xe Mỹ vào làng, tên phiến quân bắt đầu nâng khẩu phóng lựu. Chưa kịp bóp cò, hắn đã đổ gục bởi phát đạn từ khẩu McMillan TAC-338 của Chris Kyle. Đây là mục tiêu xa nhất mà Chris Kyle bắn gục tại Iraq.

Năm 2009, Chris Kyle giải ngũ. Người hùng trở về với lô lốc huy chương. Năm 2012, anh phát hành quyển "American Sniper" và dự tính lập công ty huấn luyện quân sự tư. Tuy nhiên, định mệnh nghiệt ngã. Ngày 2-2-2013, anh (cùng một người bạn) bị một cựu binh, mắc phải hội chứng khủng hoảng tâm lý hậu chiến, bắn chết. Đám tang Chris Kyle tổ chức 10 ngày sau. Trên suốt đoạn đường hơn 321 km, từ nhà anh ở Midlothian (Texas) đến Nghĩa trang liên bang tại Austin, hàng ngàn người dân đã tràn ra hai bên đường vẫy cờ tiễn "American Sniper" lần cuối…

Đang bị một số ý kiến tại Mỹ chỉ trích nặng lời (đại loại "anh hùng hóa" một người lính bắn tỉa máu lạnh), "American Sniper" không là bộ phim hay nhất về lính bắn tỉa và cũng không là bộ phim hay nhất về cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, "American Sniper" thật ra không tệ. Nó nói lên nhiệt huyết người Mỹ, tinh thần quân đội Mỹ, và lòng ái quốc Mỹ. Dưới bàn tay đạo diễn Clint Eastwood, "American Sniper" là một câu chuyện "sạch", có đầu có đuôi, nhưng thiếu sự hấp dẫn và gay cấn với những chi tiết bất ngờ (kém xa The Hurt Locker – giật giải phim hay nhất và giải đạo diễn cho Kathryn Bigelow mùa Oscar 2009). Xem "American Sniper" như đọc một quyển truyện không khô khan nhưng chưa đến độ "cực kỳ hấp dẫn". "American Sniper" khó có thể giành được Oscar giải phim hay nhất và cả giải nam diễn viên chính cho Bradley Cooper.
__________
BONUS:
Với lính bắn tỉa chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, họ có thể tính được vận tốc gió bằng cách quan sát "nhịp" lá cây xào xạc. Họ cũng xét đến yếu tố nhiệt độ môi trường bởi nó có thể ảnh hưởng đạn đạo (khí lạnh "đặc" hơn khí nóng và do vậy sẽ làm giảm tốc độ đạn)... Vị trí độ cao mục tiêu tất nhiên cũng được tính đến (thấp hơn hoặc cao hơn so với vị trí của tay súng bắn tỉa). Kích cỡ và hình thù viên đạn cũng là yếu tố quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vận tốc cũng như vị trí đường ngắm của nòng bắn tỉa…

Với loại đạn Hornady A-MAX 750 gr, vận tốc thông thường của nó là 823 m/giây và hệ số đạn đạo là 1,05; như vậy, một phát đạn bắn ở độ cao 2.700 m chẳng hạn sẽ mất 3,92 giây để đến mục tiêu và giảm độ cao 47,5 m trên đường bay. Ở tầm xa như vậy, một cơn gió nhẹ với vận tốc 20 km/giờ cũng có thể "thổi" viên đạn chệch khỏi mục tiêu 6,3 m. Với một tay súng bình thường (sử dụng khẩu M16A2), khoảng cách có thể bắn hạ mục tiêu thường là 300 m và tỉ lệ bắn trúng chỉ vỏn vẹn 10%. Với học viên tốt nghiệp Trường bắn tỉa quân đội tại Fort Benning (bang Georgia), họ có thể đạt tỉ lệ thành công 90% trong phát đạn đầu tiên ở khoảng cách 600 m (sử dụng khẩu M24). Và với những tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp dạn dày trận mạc, họ có thể "phụp" được mục tiêu 2.000 m…

Tags: book

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc