Chuyện về một người bạn Trung Hoa và nền giáo dục Việt Nam

By Bao Anh Thai, hat tip to Steven Nguyen.
-----
Theo đường link này thì trường đại học Thiên Tân của Trung Quốc đã chế tạo ra một loại tàu ngầm không người lái với mục đích để ngăn chặn các chiến thuật tiếp cận của người nhái đối với các mục tiêu nổi và chìm trên biển.

Nếu như 20 năm trước thì tôi sẽ không tin câu chuyện trên vì lúc đó, đối với tôi, nền giáo dục Trung Hoa cũng giáo điều và xa rời thực tiễn một trời một vực như nền giáo dục Việt Nam. Thế nhưng những nhận thức của tôi về hệ thống giáo dục của họ theo thời gian thay đổi. Khi tôi theo học ở Mỹ, tôi gặp một anh bạn Trung Hoa ở thư viện khoa học kỹ thuật của trường đại học của tôi ở Tucson, Arizona. Tôi hay lên thư viện khoa học kỹ thuật vì thư viện đó mở cửa muộn nhất và sinh viên ở đó ít làm ồn ào hơn các sinh viên ở thư viện khoa học xã hội. Ở đó tôi gặp 1 anh bạn Trung Hoa lớn hơn tôi vài tuổi. Anh nói tiếng Anh một cách khó khăn và khó nghe. Thường xuyên, trong cuộc nói chuyện, tôi gặp nét mặt nhăn nhó của anh khi cố phát âm một từ tiếng Anh nào đó. Tuy nhiên khả năng đọc hiểu của anh rất tốt.

Những lúc giải lao, chúng tôi hay ngồi nhâm nha cốc cafe Starbucks to tổ chảng và ngắm nhìn các cô gái cheer leaders sân trường (các cô gái trông như trong ảnh dưới đây). Qua câu chuyện tôi biết rằng anh bạn tôi học về công nghệ vật liệu mới. Anh ấy không biết gì nhiều về sử Trung Quốc, chưa từng đọc qua Tam Quốc, Đông Chu, Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng, tứ đại tác phẩm của nền văn học Trung Hoa. Anh ấy cũng mơ hồ về cách mạng văn hoá và càng không biết gì về sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Anh ta không biết gì về cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 cũng như các tranh chấp trên biển Đông. Đôi khi tôi phải giảng cho anh ấy về lịch sử Trung Hoa cả cổ, trung lẫn hiện đại - đại loại như tại sao Tần Cối lại hại Nhạc Phi; tại sao Dã Chiến Quân Đông Bắc của Lâm Bưu với các chiến dịch Bình Tân, Hoài Hải đã trở thành tượng đài trong lịch sử khai quốc của nước Trung Hoa đỏ. Con người anh bạn đơn giản, anh ấy không biết về tất cả những thứ đó; anh ấy chỉ muốn học thật tốt về công nghệ vật liệu mới. Mọi thứ còn lại không phải là đối tượng đáng quan tâm của anh ấy - ngay cả các cô gái tóc vàng, tóc nâu mà tôi thích thú ngắm. Đối với anh bạn đó, cuộc sống là một chuỗi liên tục của việc học trên giảng đường, rửa bát trong tiệm ăn Trung Hoa và đọc hết chồng sách này tới chồng sách khác trong thư viện. Có lần khi trao đổi về chuyện nói tiếng Anh, anh nói rằng tôi nói tiếng Anh lưu loát vì sống ở vùng Mỹ đô hộ. Tôi không tranh cãi với anh bạn nhưng đoán rằng anh ấy nghĩ Việt Nam vẫn đang bị chia cắt như Triều Tiên và tôi đến từ miền Nam Việt Nam - nơi anh cho rằng đang bị Mỹ đô hộ như Hàn Quốc.

Thứ chung nhất mà chúng tôi cùng biết đó là bộ phim "Người Bắc Kinh ở New York". Khi tôi hỏi anh ấy là anh ấy có muốn ở lại nước Mỹ không thì anh ấy nói đại khái là Trung Quốc giờ đã giàu rồi, không còn khiến những nhạc công giàn nhạc giao hưởng Bắc Kinh phải sang New York rửa bát và mở xưởng may lậu nữa.

Bẵng đi nhiều năm, có một lần tôi gặp anh ở Liêu Đông, trung tâm công nghiệp nặng, năng lượng và công nghệ mới của Trung Hoa. Anh rủ tôi đến nơi làm việc và rất tự hào show cho tôi phòng thí nghiệm hiện đại với các nhân viên của anh tốt nghiệp ở các trường Mỹ và Anh về. Anh tự hào cho tôi xem hàng loạt mẫu vải có hoạ tiết rằn ri nguỵ trang. Anh đổ nước lên đó, những giọt nước không tan ra, không thấm qua vải mà đọng lại thành từng giọt tròn xoe trên mặt vải. Chỉ cần rũ 1 cái là nước đi mất, và vải không thể ướt. Anh nói rằng công nghệ này là công nghệ nano mà Mỹ đã có từ 10 năm trước nhưng đến lúc đó Trung Quốc đã làm chủ được. Với công nghệ đó, khi may quân phục cho binh sỹ, bộ quần áo sẽ rất thoáng vì không khí, gió vẫn thổi qua được bình thường nhưng quân phục sẽ không bẩn vì nước và các chất bẩm sẽ không bám được trên mặt vải. Những người lính cũng có thể cởi áo của mình ra để hứng nước mưa thay cho tấm ni-lon. Anh tự hào nói rằng có 2 giáo sư đầu ngành của Mỹ đã về hưu đang làm cố vấn cho anh để trung tâm nghiên cứu nơi anh làm việc làm chủ công nghệ vật liệu mới đó. Tôi hỏi rằng tại sao các giáo sư Mỹ lại làm cho Trung Quốc, anh cười nói rằng là vì Trung Quốc có thể trả cho họ số tiền cao hơn rất nhiều lần số tiền nước Mỹ có thể trả.

Lúc đó, tôi không nói gì nhưng tôi tưởng tượng được các biệt kích và lính hải quân Trung Quốc sẽ mặc trên người những loại vải đó. Tôi đoán loại chất phủ nano đó sẽ được phủ lên các kính bảo vệ mắt của binh lính xe tăng hay bộ binh cũng như kính lặn của người nhái. Với các loại chất phủ đó, các kính đó sẽ không bị mờ vì hơi nước khi hoạt động trong môi trường độ ẩm cao.

Trên đường bay về VN, tôi nghĩ tới một nước Trung Quốc mới mà con người như anh là đại diện. Đó là một nước Trung Quốc không biết lịch sử của chính mình, không quan tâm tới những quá khứ đau thương của dân tộc họ; một nước Trung Hoa mà nhiều năm trước khiêm tốn cúi đầu để học hỏi kiến thức và làm việc cật lực để tích luỹ để nay trở thành một nước Trung Hoa đầy tự tin, đầy tham vọng và có nhiều tiền đến mức để nếu không thể sáng chế ra một cái gì thì họ có thể dùng tiền để mua lại.

Khi nghĩ về những chiếc tàu ngầm không người lái của đại học Thiên Tân, tôi nghĩ tới người bạn tôi và đất nước của anh: một quốc gia lãng quên quá khứ, tự tin vào chính mình, đầy tham vọng và nhiều tiền của. Đó là một nước Trung Hoa mà chúng ta đang đối mặt.

Nghĩ đến đó, tôi chợt chạnh lòng khi nhớ rằng nếu tra trên internet về nền giáo dục đại học Việt Nam chúng ta sẽ thấy rất nhiều những chuyện các giáo sư, tiến sỹ hiệu trưởng, hiệu phó đạo văn của người khác cho chính luận văn của mình hoặc chuyện một nhóm chuyên gia đầu ngành xúm lại đánh một luận văn về văn học theo phong cách đấu tố thời cải cách ruộng đất. Trong khi đó, nguồn động viên đối với những thế hệ trẻ cho việc nghiên cứu khoa học áp dụng trong thực tiễn như chế tạo máy móc, tàu ngầm thì lại đến từ những người nông dân hay những người chưa từng qua đại học. Tôi thấy, đã từ rất lâu rồi, hệ thống giáo dục đại học trong suy nghĩ của chúng ta, chỉ là nơi người ta hợp thức hoá một tấm giấy gọi là bằng cử nhân; từ lâu rồi, nó không còn là nguồn động viên sự sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Có một cái gì đó mà mỗi khi nghĩ về anh bạn Trung Hoa kia và nền giáo dục nước ta tôi lại thấy có gì chặn ngang trên cổ họng!

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc