Chuyện trái dưa hấu

shared from fb Luong Hoai Nam.
-----
Thứ nhất, dưa hấu được mua bán ở khắp mọi ngõ ngách nước ta, ở các chợ và siêu thị. Bán dưa hấu sang Trung Hoa chỉ là một trong rất nhiều kênh phân phối và đây là lựa chọn của tiểu thương. Bà con nông dân không quyết định được gì trong việc dưa hấu họ trồng ra được chở đi đâu bán.

Thứ hai, dưa hấu còn ở ruộng mới là của bà con nông dân. Dưa hấu đã được cho lên xe chở đi đã là của các tiểu thương. Đành rằng tiểu thương có bán được dưa hấu thì họ mới mua thêm của bà con nông dân, nhưng vẫn cần hiểu cho đúng như vậy.

Thứ ba, sức chứa của bụng có hạn, ăn nhiều dưa hấu thì phải bớt ăn cam, bưởi, xoài, chuối.... Các loại trái cây (khác) cũng do bà con nông dân (khác) trồng mà có. Thế nên, thương bà con nông dân này hơn thì thương bà con nông dân khác ít đi. Thật khó cho người tiêu dùng lựa chọn đối tượng nông dân nào để thương mỗi khi mua trái cây!

Thứ tư, sản xuất thừa (so với sức mua tự nhiên trên thị trường) là tình hình chung của mọi nền kinh tế thị trường. Ngày nay, không ai lại không mua được quả dưa hấu gần nhà mỗi khi thèm ăn và điều đó có nghĩa là dưa hấu (và nhiều loại trái cây khác) đã và đang được sản xuất thừa. Do sự yếu kém của công nghiệp chế biến nông sản và phân phối hàng hoá nông sản đã qua chế biến, hậu quả của sản xuất thừa nông sản ở Việt Nam, trong đó có trái cây, nghiêm trọng hơn. Công bằng mà nói, từ trước tới nay dù trồng ở vườn hay trồng ở ruộng, bà con nông dân chưa bao giờ có cam kết tiêu thụ (có giá trị pháp lý) khi rau quả của họ đến ngày thu hoạch. Họ vẫn trồng và phó mặc cho cơ may thị trường. Nếu chẳng may thì cho hoặc đổ đi. Từ trước đến nay vẫn vậy, người nông dân vẫn biết vậy, còn nhà nước chưa nghĩ ra được giải pháp gì khả dĩ. Trong một số ít trường hợp, người nông dân đã có hợp đồng thu mua với công ty chế biến, nhưng khi thu hoạch, tiểu thương đến trả giá cao hơn thì người nông dân lại ép công ty chế biến tăng giá mua, thậm chí phá cam kết với công ty chế biến để bán cho tiểu thương. Đây là thực tế rất khó khăn cho ngành công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta.

Thứ năm, chuyện dư thừa nông sản lúc này, lúc khác sẽ vẫn tiếp tục xảy ra ở nước ta, không với dưa hấu thì với cà chua, không với cà chua thì với hành tím, không với hành tím thì với quả vải, không với quả vải thì với củ xu hào... Ý thức tiêu thụ hàng hoá giúp đỡ người trồng rau quả là rất đáng quý, đáng ca ngợi. Nhưng nếu mỗi lần như thế mà bà con ta lại bỏ công bỏ việc đi mua bán rau quả với nhau thì những người kinh doanh rau quả chuyên nghiệp ở chợ, siêu thị sẽ nghĩ thế nào, bán hàng cho ai?

Theo tôi, ai tham gia mua bán dưa hấu với ý thức hỗ trợ bà con nông dân thì tiếp tục mua bán dưa hấu. Đó là ý thức tốt, được đánh giá cao. Ai chưa có điều kiện làm như thế, hay chưa muốn, không muốn làm như thế, cũng không sao. Trong đời có rất nhiều việc tử tế để làm lúc này, lúc khác, cũng không ai có thể làm được hết mọi việc tử tế cả. Điều kỵ nhất trong chuyện này là công kích, chỉ trích lẫn nhau.

Còn tôi, tôi chỉ muốn nêu một số ý như trên, để bạn bè tham khảo.

Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc