Tranh cãi về luật đất đai ở Ấn Độ

Farmers on the street. Photo courtesy Johan Bichel Lindegaard.

Hôm nay, sau một kỳ nghỉ ngắn, Quốc hội Ấn Độ đã tiếp tục họp trở lại. Chính phủ của ông Narendra Modi đang cố gắng để một dự luật sửa đổi về đất đai năm 2013 được quốc hội thông qua, nơi đa số đại biểu phản đối dự luật này. Theo dự luật hiện hành, bất kỳ vụ cưỡng chế đất đai nào cũng phải có sự chấp thuận của ít nhất 70% chủ sở hữu bị ảnh hưởng và cũng phải vượt qua được bài kiểm tra tác động xã hội. Mức bồi thường được ấn định ở mức gấp đôi giá trị thị trường đối với đất đô thị và gấp bốn lần đối với đất nông thôn. Những quy định của dự luật này là lý do hàng đầu khiến các dự án đầu tư đang giậm chân tại chỗ. Trong tháng Mười Hai, chính phủ của ông Modi đã ban hành một sắc lệnh tạm thời trong đó không áp dụng điều khoản kể trên đối với một số dự án nhất định. Dự luật sửa đổi dự định đưa thay đổi này thành cố định lâu dài. Nhưng Đảng Quốc đại đối lập khẳng định rằng xóa bỏ điều khoản này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty và làm phương hại đến lợi ích của nông dân nghèo. Hôm qua dự thảo luật sửa đổi đã thu hút một cuộc biểu tình phản đối lớn ở Delhi. Vì sao việc thu hồi đất lại là vấn đề gây tranh cãi đến vậy ở Ấn Độ?

Ở bất kỳ đâu trên thế giới, việc cưỡng chế thu hồi đất là hành vi vi phạm quyền sở hữu đất của chủ sở hữu. Sao không đơn giản để người mua và người bán tự thỏa thuận giao dịch với nhau, không ràng buộc gì? Các nhà kinh tế gọi đó là "nan đề cố thủ" (hold-out problem). Vấn đề này nảy sinh bất kỳ khi nào một người mua duy nhất phải liên tục thương lượng với nhiều người bán để mua các lô đất liền kề nhau mà họ cần, chẳng hạn cho một dự án cầu vượt hay một nhà máy. Một thỏa thuận khiến tất cả mọi người đều có lợi có thể tồn tại trên nguyên tắc, nếu giá trị xã hội của dự án lớn hơn số tiền cần để thuyết phục tất cả chủ sở hữu bán lô đất của mình. Nhưng trên thực tế, khi người mua mới mua được một vài mảnh đất, những chủ đất còn lại có động cơ giữ đất của họ để đòi giá cao hơn. Hành vi “cố thủ” này có thể khiến bất kỳ dự án nào trở nên không khả thi. Ngay cả khi những chủ đất không quá đòi hỏi, chi phí cho việc thương lượng với từng chủ đất một có thể giết chết một dự án. Đặc biệt là ở Ấn Độ, thậm chí một rủi ro thấp nhất phải đối mặt với tòa án cũng có thể dẫn đến một sự chậm trễ tốn kém tai hại.

Đó là lý do vì sao ngay cả các nền kinh tế thị trường thân thiện, như Hoa Kỳ, cũng có luật quy định về cưỡng chế bán đất. Nhưng dự luật của Ấn Độ đặc biệt gây lo ngại, kể cả các điều khoản hào phóng rõ ràng. Chính trị là một lý do. Đảng Quốc đại (và nhiều đảng phái khác có ghế trong thượng viện) đã thua một cách tệ hại trong cuộc bầu cử năm ngoái ở Ấn Độ; họ nhận thấy con đường trở lại là biến đảng của ông Modi trong mắt người dân là đảng không vì lợi ích của người nghèo và nông dân. Hành động tô vẽ của họ chủ yếu dựa trên mối lo lắng sâu rộng về sự bất công trong việc bồi thường đối với đất bị thu hồi. Mức tiêu chuẩn bồi thường được ấn định dựa trên những giao dịch mua bán đất cùng thời kỳ ở địa phương. Nhưng những giao dịch như vậy, dù lạc quan lắm cũng rất hiếm và thường ở mức giá bị dìm thấp. Việc bán đất nông nghiệp trực tiếp cho các công ty cũng bj cấm (bề ngoài là để bảo vệ nông dân), vì thế loại bỏ một loạt người mua tiềm năng và dìm giá xuống thấp. Chi phí công chứng cao cũng có tác dụng tương tự. Những nông dân sở hữu đất đai màu mỡ thường có cảm giác bị lừa khi các chuyên gia thẩm định không xem xét đầy đủ những thay đổi về chất lượng đất đai của họ.

Có cách nào tốt nhất để đảm bảo rằng nông dân không thể bị gạt? Hai giáo sư kinh tế Maitreesh Ghatak thuộc trường Kinh tế London và Parikshit Ghosh thuộc trường Kinh tế Delhi gợi ý mời chào bán từ cả các chủ đất trong các khu vực cần phát triển nhất định và từ các chủ đất ở gần đó. Bất kỳ nông dân nào trong phạm vi của dự án phát triển được đề xuất không chấp nhận mức giá đấu giá có thể được giao bồi thường bằng một mảnh đất gần đó. Đề xuất bồi thường bằng đất thay thế này có thể tránh được vấn đề “cố thủ” giữ đất để đòi giá cao vì trong trường hợp này không ai có vai trò quá quan trọng đối với dự án cả. Dù không phải là một giải pháp hoàn hảo, nhưng với những vấn đề hiện tại thì thị trường đất đai của Ấn Độ còn lâu mới đạt mức hoàn hảo.

Phương Thùy
The Economist

Tags: india

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc