Những ai sẽ phải nộp "thuế biệt thự"?

Wollaton Hall exterior*. Photo courtesy Duncan.

Người ta thường nói ngôi nhà của một người Anh chính là lâu đài của anh ta. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi viễn cảnh Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ đánh thuế đối với tài sản trị giá hơn 2 triệu bảng (3 triệu USD) khiến những chủ biệt thự giàu có cực kỳ giận dữ phản đối (up in arms). Ngay cả những người nổi tiếng cũng lên tiếng phản đối đề xuất này; những ngôi sao như Sol Campbell, cựu cầu thủ bóng đá, và Myleene Klass, một ca sĩ, cũng đã chỉ trích đề xuất nêu trên. Nhưng họ không thể ngăn cản cả hai Đảng Lao động và Đảng Dân chủ Tự do bao gồm chính sách thuế này trong tuyên ngôn tranh cử của mình. Đảng Lao động cho hay thuế (được dự tính sẽ mang lại khoảng 1,2 tỷ bảng một năm) sẽ là thuế lũy tiến. Những người sở hữu nhà có giá trị hơn ngưỡng này đôi chút sẽ chỉ phải đóng khoảng 3.000 bảng mỗi năm, và chủ sở hữu của ngôi nhà bị đánh thuế theo quy định nhưng có mức thu nhập thấp sẽ có thể hoãn việc nộp thuế cho đến khi họ bán ngôi nhà. Mức giá trị nhà chịu thuế có thể cũng sẽ tăng theo thời gian phù hợp với mức tăng trung bình của giá bất động sản giá trị cao. Nhưng những người phản đối chính sách thuế này cho rằng nó sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những cư dân sống trong những ngôi nhà khiêm tốn ở London đắt đỏ, chứ không phải những người sống trong các "biệt thự". Họ nói rằng, điều đó là không công bằng đối với những người định cư lâu dài, dù là triệu phú trên giấy tờ, không cần giá nhà của mình tăng vút. Vậy những ai sẽ phải nộp "thuế biệt thự"?

Tạp chí The Economist nghiên cứu số liệu trong các vụ giao dịch bất động sản ở Anh và xứ Wales từ năm 2009 đến năm 2014 để ước tính số lượng các "biệt thự" trong mỗi khu vực. Tổng cộng, khoảng 91.000 bất động sản tại Anh và xứ Wales sẽ là đối tượng chịu thuế này nếu ngưỡng chiu thuế được ấn định ở mức 2 triệu bảng. Khoảng 74.000 (81%) trong số này ở London, và khoảng hơn 11.000 ở khu vực đông nam. Ngược lại, chúng tôi ước tính chưa đến 100 bất động sản ở miền đông bắc, và chỉ 12 bất động sản ở xứ Wales, có giá trị hơn 2 triệu bảng.
Các khu vực bầu cử theo tỷ lệ biệt thự, Anh và xứ Wales. Photo credit: The Economist.

Không có gì ngạc nhiên khi Kensington, nơi ở của các nhà ngân hàng và tài phiệt đầu sỏ (oligarch), là nơi có số biệt thự nhiều nhất với một phần ba số hộ gia đình sẽ phải nộp loại thuế này. Bên ngoài London, Beaconsfield ở quận Buckinghamshire, vùng ngoại ô giáp ranh của thủ đô - có nhiều biệt thự nhất. Hơn một nửa số khu vực bầu cử của Anh và xứ Wales - 317 trong tổng số 573 khu - không hề có biệt thự nào. Bản đồ của chúng tôi cho thấy ước tính số tài sản trị giá hơn 2 triệu bảng ở mỗi khu vực bầu cử.

Sự phân bố không đồng đều này không có gì là bất ngờ. Thu nhập và do đó tổng thu thuế thu nhập ở phía đông nam là cao nhất; và chẳng mấy người coi điều này là bất công. Tương tự như vậy, giá tài sản cao là do nhu cầu và sự khan hiếm của chúng; các nhà kinh tế đo lường sự giàu có bằng giá cả, chứ không phải bằng diện tích sử dụng. Một người sống trong một ngôi nhà ở London - dù mua nó ở bất kỳ thời điểm nào - cũng đang sử dụng một trong những tài sản giá trị của xã hội. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách theo khu vực địa lý (geographical transfer) là một vấn đề nhạy cảm ở Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Sự lớn mạnh của Đảng Dân tộc Scotland đồng nghĩa với việc sau cuộc bầu cử tháng Năm, một chính phủ thiểu số của Đảng Lao động sẽ chỉ có thể ban hành luật thuế biệt thự này với sự ủng hộ của của Đảng Dân tộc Scotland. Những cư dân ở Anh ủng hộ Đảng Bảo thủ, gần như chắc chắn sẽ phản đối những nhà dân tộc chủ nghĩa Scotland nếu họ ban hành một loại thuế có tác động thiên lệch như vậy. Suy cho cùng, vị trí là tất cả.

Phương Thùy
The Economist


* The mansion house built in 1580 by Robert Smythson [who also did Hardwick Hall] for Sir Francis Willoughby. Now open to less aristocratic types too...
Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc