Trung lập mạng là gì và vì sao nó lại quan trọng?

Net Neutrality Vigil. Photo courtesy Tim Pierce.

Trên một tờ báo được đón đọc của thập kỷ trước, giáo sư Tim Wu thuộc Trường Luật Columbia đã viết "Thúc đẩy trung lập mạng là bảo tồn cuộc cạnh tranh sinh tồn Darwin trong cách sử dụng khả thi của Internet sao cho chỉ có phương thức tốt nhất mới có thể tồn tại." Vì vậy ông không chỉ đặt tên mới cho một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của chính sách internet, mà còn tiên đoán chính xác đây sẽ là vấn đề rất khó có thể giải quyết. Ngày 26 tháng 2, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (America’s Federal Communications Commission) sẽ thảo luận việc điều tiết và bảo vệ trung lập mạng bằng cách áp dụng những bước đi căn bản về tái phân loại truy cập internet. Nhưng trung lập mạng là gì?

Kể từ khi ra đời, mạng internet vốn dĩ đã trung lập, nhờ các nguyên tắc kỹ thuật không phân biệt loại dữ liệu đang được xử lý. Điều này là nhân tố trọng yếu giải thích sức mạnh đột phá (và tiến bộ Darwin) của mạng Internet: các nhà khai thác mạng không thể dành ưu tiên khác nhau cho từng gói dữ liệu được truyền đi, và các công ty khởi nghiệp không cần phải xin phép nhà mạng để có thể xây dựng các dịch vụ sáng tạo. Nhưng những công nghệ mới, như dịch vụ mang cái tên không mấy trang nhã "kiểm tra sâu bên trong gói tin" (deep packet inspection), giờ đây cho phép các nhà khai thác mạng xác định loại lưu lượng thông tin mà họ truyền đi. Đồng thời các hình thức lưu lượng mới đang ngày càng quan trọng và dẫn đến lời kêu gọi về quản lý lưu lượng tốt hơn: Chẳng hạn, Netflix, dịch vụ cung cấp video thông qua internet (video-streaming service), hiện chiếm tới một phần ba lưu lượng trong giai đoạn cao điểm ở Mỹ. Các doanh nghiệp viễn thông cho rằng để xử lý tình huống ngập tràn dữ liệu kể trên, họ cần xây dựng các đường truyền lớn hơn và yêu cầu những người hâm mộ Netflix trả phí để được sử dụng nó.

Hầu hết các nhà quan sát nhất trí rằng dù ở dạng thức nào thì khái niệm trung lập đối với dữ liệu nên được thừa nhận trong luật. Nhưng họ không có tiếng nói chung đối với các trường hợp ngoại lệ. Những người ủng hộ trung lập mạng thuần túy nhấn mạnh rằng không nên có ngoại lệ. Họ lập luận rằng các nhà khai thác mạng tư lợi sẽ tận dụng bất kỳ sơ hở nào, và thay vì đầu tư vào công nghệ "kiểm tra sâu bên trong gói tin" hoặc công nghệ tương tự, các công ty viễn thông chỉ cần tăng thêm công suất. Những người khác không chắc chắn tin như vậy, và sẽ chấp nhận một số trường hợp ngoại lệ: ví dụ cấp cứu và y tế luôn phải được hưởng ưu tiên. Một số người băn khoăn tại sao các dịch vụ “đói khát” băng thông như Netflix lại được hưởng lợi (free ride). Hiển nhiên, lợi ích và niềm tin của mỗi người sẽ quyết định vị thế của họ trong cuộc tranh luận này. Chẳng hạn, các nhà sản xuất nội dung kỹ thuật số thường lập luận ủng hộ nguyên tắc trung lập mạng nghiêm ngặt, bởi chúng giúp sản phẩm của họ được phân phối dễ dàng hơn. Những người theo chủ nghĩa tự do nghĩ rằng internet, cũng giống như hầu hết những thứ khác, đơn giản là không nên bị bó buộc bởi nguyên tắc.

Trước những “tạp âm” (cacophony) này, chẳng có gì ngạc nhiên khi cho đến nay chỉ có ba nước Chile, Hà Lan và Slovenia - thông qua luật trung lập mạng nghiêm ngặt, trong khi hầu hết những nước khác mới chỉ áp dụng những quy tắc nhẹ nhàng hơn. Và nhiều khả năng những nguyên tắc đó khó có thể là bất biến (set in stone): khi công nghệ và thị trường kỹ thuật số thay đổi, thì định nghĩa về tính trung lập cũng sẽ thay đổi. Ở Mỹ quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ chắc chắn sẽ chưa chấm dứt tranh luận xung quanh vấn đề này. Các chiến dịch vận động hành lang đã bắt đầu bàn đến những quy định mới, dù những chi tiết vẫn còn chưa được công bố, cần được hiểu như thế nào. Và các nhà cung cấp lớn về truy cập băng thông rộng, như AT&T và Verizon, chắc chắn sẽ khởi kiện: họ có thể sống chung với yêu cầu trung lập mạng, nhưng căm ghét việc kinh doanh internet của họ bị quản lý giống như dịch vụ điện thoại truyền thống (plain-old).

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc