Di sản của ông Bush

Bản tường thuật hay nhất về một nhiệm kỳ tổng thống thất bại
Ngày 26 tháng 10 năm 2013
Photo credit: The Economist.

Trong những ngày cuối cùng trên cương vị tổng thống, George W. Bush đã tham vấn một nhóm các nhà sử học về việc viết hồi ký. Ý kiến công chúng rất không ủng hộ ông. Hồ sơ của ông với tư cách là nhà lãnh đạo thời chiến, đối với nhiều người cánh tả, được cô đọng trong lời buộc tội dán trên những chiếc xe: "Bush điêu, nhân dân tiêu." Những nhà chính trị diều hâu bảo thủ về chi tiêu đã chỉ trích mạnh mẽ gói cứu trợ cho các ngân hàng và ngành công nghiệp xe hơi. Những người theo chủ nghĩa bản địa (nativist) trong Quốc hội rất tự hào vì đã ngăn chặn được cải cách nhập cư theo đường lối tự do của ông. Sau sự sụp đổ của thời đại Bush được ví như sụp đổ của vị vua Ozymandia, nhiều người cánh hữu đã lên án tổng thống như là người ưa thích một chính phủ lớn và không hẳn là người theo trường phái bảo thủ.

Ông Bush đã hai lần gây ngạc nhiên cho các nhà sử học được mời đến, theo một cuốn sách mới rất hay về thời gian tại vị của ông Bush, với tiêu đề 'Những ngày khói lửa' ("Days of Fire"), của Peter Baker, một phóng viên lâu năm ở Nhà Trắng. Lần thứ nhất, những vị khách của ông Bush đã sửng sốt bởi
sự thanh thản và háo hức của ông khi nghiền ngẫm về nhiệm kì tổng thống tám năm của mình. Sau đó, có người đề cập tới phó tổng thống của ông, Dick Cheney, và họ lại giật mình bởi giọng điệu phòng thủ bất ngờ của vị chủ nhà. Rất nhiều người nghĩ rằng anh ta chỉ cần gọi điện cho tôi và tôi sẽ làm bất kỳ điều gì tôi được “sai bảo”, ông Bush càu nhàu trỏ đến một chiếc điện thoại trong Phòng Bầu Dục để thêm phần ấn tượng. Sau đó ông "lướt qua một loạt những quyết định mà ông đã bác bỏ Cheney, thậm chí kể lể chi tiết cả ngày tháng (của những quyết định đó)."

Kỷ nguyên Bush-Cheney có ảnh hưởng lớn tới nước Mỹ. Sự chia rẽ và thất vọng trong kỷ nguyên này góp phần giải thích nhiều về tình hình chính trị hiện nay, từ sự mệt mỏi của công chúng đối với chiến tranh cho tới sự coi thường đối với thẩm quyền được thiết lập (anti-establishment) sôi sục trong các thành viên cấp cơ sở của Đảng Cộng hòa và Đảng Trà. Những người trong cuộc đã viết quả đủ những hồi kí kiểu đừng-đổ-lỗi-cho-tôi và các tiểu sử giải quyết những khúc mắc trong quá khứ (score-settling) đủ nhiều để xây đập trên dòng sông Potomac. Ông Baker tập trung vào mối quan hệ giữa hai người đàn ông đứng đầu ngành hành pháp. Cách kể chuyện khôn khéo và tỉ mỉ của ông cung cấp một sự chỉnh sửa hữu ích cho câu chuyện về một cấp phó là bậc thầy điều khiển rối đã thao túng ông chủ của mình ra sao.

Vị phó tổng thống biết làm thế nào để tối đa hóa ảnh hưởng của mình (một biện pháp quan trọng là loại trừ khả năng tự mình chạy đua vào chiếc ghế tổng thống, điều này cho phép ông thâu tóm quyền lực mà không có vẻ là một mối đe dọa). Tuy nhiên, ông Bush rõ ràng là người đàn ông alpha ở Nhà Trắng, theo như một cựu tổng tham mưu trưởng liên quân nhớ lại. Cả hai nhà lãnh đạo là những người với bản năng bảo thủ, và họ đã phản ứng với cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 bằng bản tính diều hâu tương tự nhau. Nhưng cuốn sách này nhắc đến một điều còn thú vị hơn: một quá trình vỡ mộng suốt tám năm, khi ông Bush và ông Cheney thấy những giả định của mình bị thực tế vùi dập, và đã phản ứng rất khác nhau.

Ngài Tổng thống quan tâm đến thất bại nhiều hơn những gì người ngoài nghĩ. Theo quan điểm của các phụ tá trong đó có John Negroponte, giám đốc tình báo quốc gia đầu tiên của ông, sự thất vọng của ông Bush tại những khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc chiến tranh Iraq đã gần tới mức trầm cảm lâm sàng. Năm 2006, khi được báo cáo rằng kẻ cầm đầu al-Qaeda ở Iraq đã bị giết, tổng thống lặng người nói với một phụ tá, rằng ông "không chắc làm thế nào để đón nhận những tin tốt nữa". Những hoài nghi bị hạ thấp trước công chúng như một phần trong chiến thuật tô vẽ các đảng viên Cộng hòa như là đảng bảo vệ an ninh quốc gia còn đảng Dân chủ mềm mỏng với khủng bố. Nhưng những hoài nghi luôn xuất hiện trong các cuộc tranh luận nội bộ. Điều này đã có một số tác động tích cực, ví dụ thúc đẩy ông Bush có quyết định tăng quân vào Iraq để làm suy yếu cuộc nổi loạn vượt ngoài tầm kiểm soát. Đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông đã trở nên ít phụ thuộc vào hiểu biết của vị phó tổng thống về “đường đi lối lại” ở Washington và quan tâm nhiều hơn tới việc để lại một di sản. Điều đó sẽ đòi hỏi có những thỏa thuận lưỡng đảng ở trong nước và liên minh ở nước ngoài. Ông Cheney coi khinh sự thỏa hiệp: hay, như cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, nhận xét trong cuốn sách này: "Tôi nghĩ rằng ông ta đã rất muốn tiếp tục đập vỡ china." (Bà ấy đang đề cập đến đồ sành sứ, chứ không phải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.)

Cuốn sách không minh oan cho ông Bush. Ông có thể thụ động đến phát bực, bỏ qua việc chất vấn những thuộc cấp yếu kém. Ông kiên quyết không chịu lật đi lật lại các quyết định, ghét việc tỏ ra không cương quyết. Một trong những cố vấn thân cận nhất của ông kể từ ngày ông còn làm thống đốc Texas, Karen Hughes, lo ngại rằng ông đang bị ép buộc tiến vào cuộc chiến với Iraq. Cô lo lắng cảnh báo ông không nên bị mắc kẹt bởi một sai lầm (ông Bush đã cử cô tới bà Rice để đoan chắc một lần nữa, nhưng chỉ có tác dụng phần nào). Nhưng ông tỏ ra thực dụng hơn nhiều so với những gì mà các nhà phê bình nghĩ. Theo quan điểm của một số giới chức, sự đoan chắc trong lòng ông Bush đã được tôi luyện trong tiểu sử của ông. Họ nhìn thấy trong ông niềm tin vào sự chuộc lỗi và những cơ hội thứ hai của một người từng nghiện rượu (một niềm tin mà phần nào liên quan đến các chương trình đầy tham vọng của ông để tài trợ việc điều trị bệnh AIDS ở châu Phi).

Những kẻ cực đoan hiếm khi có được những gì họ muốn
Sự đoan chắc của vị phó tổng thống dứt khoát hơn nhiều. Gia đình và nhân viên của ông nói tiểu sử cũng đóng một vai trò ở đây. Ông Cheney cho rằng thế giới ít an toàn hơn so với hầu hết người Mỹ nhận thấy. Ông cũng là người bị đau tim lần đầu tiên năm 37 tuổi và sau đó tiếp tục chịu thêm bốn cơn đau nữa. Trong chính quyền, chính cảm nhận về cuộc sống vừa ngắn ngủi vừa nguy hiểm đã khiến ông quyết tâm làm những gì ông cho là cần thiết, kiên quyết chống lại những lời thỉnh cầu đầy lo âu (hand-wringing) về việc thay đổi tiến trình.

Đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, hai người đàn ông này đã ở hai phía đối lập nhau trong nhiều vấn đề từ Bắc Triều Tiên tới Israel, quyền sử dụng súng, biến đổi khí hậu, giám sát bí mật đối với những nghi phạm khủng bố, giải cứu ngành công nghiệp xe hơi, đóng cửa các nhà tù bí mật của CIA và vấn đề Syria. ("Có ai ở đây đồng ý với phó tổng thống?" Ông Bush đã hỏi trong một cuộc họp vất vả năm 2007 với các cố vấn an ninh quốc gia, sau khi cấp phó của ông thúc giục Mỹ ném bom một lò phản ứng hạt nhân của Syria. Không một ai giơ tay). Những giờ phút cuối cùng của ông Bush tại nhiệm sở đã bị che mờ bởi một cuộc tranh cãi khó chịu về việc ông từ chối ân xá cho cánh tay phải của ông Cheney, Scooter Libby, người đã bị kết án về tội khai man.

Các nhà sử học trong tương lai sẽ có nhiều điều để nói về ông Bush, một nhà lãnh đạo không hoàn mỹ đã giành được một cách thức chuộc tội khi mà đất nước đã không còn hi vọng gì vào ông. Họ có thể đưa ông Cheney vào phần chú thích của họ: một cách ngắn gọn là vị phó tổng thống quyền lực nhất trong thời đại của mình, cho đến khi ông bị gạt ra rìa vì sự ngoan cố và chủ nghĩa cực đoan của mình. Có nhiều bài học ở đó đối với các đảng viên Cộng hòa ngày nay nếu họ muốn tìm chúng.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: book

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc